Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022

Sáng 30/6, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) giai đoạn 2012-2022 bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu Bộ, ngành và các địa phương.

Tại điểm cầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC; thủ trưởng các Ban, bộ, ngành Trung ương, Bí thư các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương...

Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy;  thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN,TC; các  Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Trưởng phòng của các cơ quan: Ban Tổ chức, Ban Nội chính, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Thường trực các huyện, thị, thành ủy;  Chủ nhiệm UBKT các huyện, thị, thành ủy...

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực giai đoạn 20122022
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt, xem phóng sự kết quả tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC giai đoạn 2012-2022.

Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC giai đoạn 2012-2022 nêu rõ: Sau 10 năm, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành; sự đồng hành, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân và báo chí, công tác PCTN, TC có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Trong đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kết hợp giữa xử lý hành chính, xử lý kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự, kỷ luật của Đảng được thực hiện trước, mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đây là bước đột phá trong công tác PCTN, TC.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và hệ thống chính trị, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC. Cấp ủy, UBKT các cấp đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp, kỷ luật từ trên xuống dưới. 

Trong 10 năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên (tăng 16.100 đảng viên so với 10 năm trước), trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng ( có 3 Ủy viên Bộ Chính trị và 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), hơn 50 sĩ quan cấp tướng...

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ XI và gần bằng một nửa số cán bộ cao cấp bị xử lý của nhiệm kỳ XIl), trong đó có 8 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sỹ quan cấp tướng.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị xử lý hơn 2000 văn bản pháp luật có sơ hở, bất cập.

Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó có gần 2.700 vụ án và hơn 5.800 bị can về tội tham nhũng. Riêng Ban chỉ đạo, từ khi thành lập đến nay, đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó Ban chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc.

Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ, việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là "vùng cấm, nhạy cảm", cả khu vực công và khu vực tư, đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai cán bộ sai phạm liên quan các vụ án, trong đó có 37 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cả đương chức và đã nghỉ hưu) bị xử lý hình sự, có tác dụng rất lớn trong việc cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. 

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%); riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ hơn kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được; những hạn chế, yếu kém trong 10 năm qua và sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đã khái quát lại những kết quả chủ yếu đã đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 – 2022 và làm rõ, nhấn mạnh thêm phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Về chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC trực thuộc Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đến nay, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư khẳng định: Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí và tinh thần trách nhiệm cao, với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây”; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đồng chí Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn 10 năm công tác PCTN, TC. Trong đó, có bài học về nhận thức; không thể chủ quan, nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng; trái lại, phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ" trong công tác PCTN, TC; về sự kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng; gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh PCTN.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực giai đoạn 20122022
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Tổng Bí thư nêu rõ mục tiêu tổng quát thời gian tới: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa"; Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và bổ sung một số định hướng lớn cho công tác PCTN,TC thời gian tới là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội; về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm thật sự liêm chính, trong sạch; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh PCTN, TC;...

Quán triệt mục tiêu và những định hướng lớn nêu trên, trong những năm tới, chúng ta, trước hết là Ban Chỉ đạo Trung ương, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính Trung ương cũng như địa phương, cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu của 10 năm qua; nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, lưu ý 5 vấn đề trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, đó là: Phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực"., tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương.

Thông qua hội nghị này, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.