Hà Nam trong hành trình 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ

50 năm qua, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam đã không ngừng nỗ lực, vượt mọi khó khăn, cùng cả nước hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần hiện thực hóa mong ước thiêng liêng trong Di chúc của Bác Hồ kính yêu.

Thực hiện Di chúc của Bác, trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hàng  triệu tấn lương thực, tiễn đưa hàng vạn con em lên đường nhập ngũ. Các phong trào thi đua “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”,“Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... được nhân dân tích cực hưởng ứng với nhiều hình thức sáng tạo. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân dân Hà Nam kiên cường đánh trả địch, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, bảo vệ sản xuất, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thành phố Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Thế Trang

Thực hiện Di chúc của Bác: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, sản xuất. Chỉ trong thời gian ngắn, các địa phương đã huy động trên 10 nghìn ngày công cùng nhiều nguyên vật liệu xây dựng nhà cho nhân dân, ổn định 338 lớp học, bảo đảm cho trên 17 nghìn học sinh năm học 1972-1973 không bị gián đoạn.

Năm 1973, Tỉnh ủy đã kiểm tra, phát hiện, giải quyết 3.374 trường hợp thực hiện chính sách chưa chu đáo, đưa 567 thương, bệnh binh, bộ đội vào học các trường chuyên nghiệp, công tác ở các cơ quan, ngành nghề thích hợp. Ủy ban Hành chính tỉnh chi 49 vạn đồng trợ cấp gia đình liệt sỹ, thương binh khó khăn. Ngày 15/2/1974, Tỉnh ủy ra chỉ thị về đón tiếp, sắp xếp việc làm cho thương, bệnh binh, bộ đội phục viên, xuất ngũ. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, Hà Nam có 17.550 liệt sỹ; hơn 23 nghìn thương, bệnh binh; 1.398 “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; 54 tập thể, 39 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, toàn tỉnh xét đề nghị công nhận 530 liệt sỹ, 4.712 thương, bệnh binh; gần 11 nghìn thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học được xét duyệt hưởng trợ cấp; trên 1 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và trên 80 nghìn người được hưởng chế độ ưu đãi người có công.

Phong trào xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, tặng nhà, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương, bệnh binh, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... trở thành việc làm thường xuyên, nét đẹp truyền thống ở mỗi cấp, ngành, đoàn thể, cộng đồng dân cư. Tỉnh cũng đã xây dựng nhà bia tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9 (Quảng Trị), Đền thờ Liệt sỹ tại núi Chùa (Thanh Liêm), Đền Liệt sỹ tỉnh Hà Nam; Đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân phòng không Lam Hạ; huy động xóa nhà không an toàn cho 7 nghìn gia đình chính sách.

Ghi nhớ và thực hiện ước nguyện thiêng liêng của Bác: "Làm sao cho mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, sau khi đất nước thống nhất, nhân dân Hà Nam (thuộc tỉnh hợp nhất Hà Nam Ninh) tiếp tục thực hiện tốt chủ trương khoán sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp, ngành nghề phát triển.

Thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh phát huy nội lực xây dựng quê hương ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như điều Bác Hồ hằng mong muốn. Năm 1989-1990, Hà Nam Ninh là tỉnh duy nhất ở miền Bắc vượt sản lượng trên một triệu tấn lương thực, trở thành vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1997 tỉnh Hà Nam tái lập, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, xác định chiến lược, lộ trình phát triển phù hợp.

Sau 22 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Hà Nam dần trở thành một tỉnh phát triển năng động. Kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân đạt trên 11%/năm. Năm 2018, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt gần 7.900 tỷ đồng (gấp trên 100 lần so với năm 1997); thu nhập bình quân đầu người đạt 55,2 triệu đồng (gấp hơn 25 lần năm 1997); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (nông, lâm nghiệp, thủy sản 9,6%; công nghiệp - xây dựng 61,2%; dịch vụ thương mại 29,2%).

Những năm gần đây, Hà Nam luôn nằm trong nhóm những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều công trình, dự án lớn đã tạo nên mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, tạo tiền đề đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực.

Năm 2019, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế đạt 13%; giá trị sản xuất CN-TTCN tăng trưởng trên 23%; sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với xu thế sản xuất hàng hoá; kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách duy trì mức tăng khá.

Công tác quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới (NTM) có nhiều khởi sắc. Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Phủ Lý và 91/98 xã đạt chuẩn NTM; TP. Phủ Lý được công nhận đô thị loại II; Duy Tiên được công nhận đô thị loại IV. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao ở cả 3 tuyến.

Giáo dục- đào tạo giữ vững phong trào thi đua “Hai tốt”, là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (năm 1999), hoàn thành phổ cập giáo dục THCS (năm 2002). Chính sách an sinh xã hội triển khai có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,7%; tỷ lệ dân số có BHYT đạt 88%.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy Honda Việt Nam, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên). Ảnh: Tân Xuân

Thực hiện Di chúc của Bác, 50 năm qua, Đảng bộ Hà Nam luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ngay sau khi Bác mất, Tỉnh ủy phát động đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”; tiến hành tổng kết cuộc vận động xây dựng mô hình “Huyện ủy 4 tốt”, chỉ đạo kiểm tra công tác phát triển Đảng.

Công tác xây dựng Đảng có tiến bộ rõ nét, chất lượng đảng viên được nâng lên, tinh thần tiền phong gương mẫu được phát huy. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, cấp ủy các cấp trong tỉnh tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chú trọng bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện trên các lĩnh vực đời sống.

Công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên được quan tâm làm tốt, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa XI, khóa XII) về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kiện toàn cơ quan, đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại đội ngũ gắn với nâng cao tính chuyên nghiệp, phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện Di chúc của Bác: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”, ngay từ thời kỳ kháng chiến, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã hết sức chú trọng đến công tác thanh niên, tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chuyên đề, học tập truyền thống. Các phong trào “Nghìn việc tốt”, “Ba sẵn sàng”, “Ba nghĩa vụ”... được đẩy mạnh.

Thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh tập trung tăng cường bồi dưỡng giáo dục, động viên thế hệ trẻ tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh; làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Sau khi tỉnh tái lập, BTV Tỉnh ủy ban hành Thông tri 09 (20/3/2000) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác thanh niên; quan tâm làm tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đoàn viên ưu tú vào Đảng (trung bình hằng năm có trên 600 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng).

Các cấp bộ đoàn, hội tích cực thực hiện tốt nhiều phong trào, cuộc vận động với nội dung thiết thực, phong phú, qua đó giúp đoàn viên thanh niên nâng cao nhận thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với xã hội, xây dựng động cơ đúng đắn trong phấn đấu, cống hiến, trưởng thành.

Quyết tâm xứng đáng với niềm tin yêu của Bác, những địa phương đã từng được Bác gửi thư khen, viết báo biểu dương, trao tặng phần thưởng như: Đức Bản, Nhân Nghĩa, Bắc Lý (Lý Nhân); Bồ Đề, Cát Tường, An Mỹ (Bình Lục); Châu Giang, Yên Bắc, Yên Nam (Duy Tiên)... đang trở thành những điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng NTM. Trường THCS Bắc Lý Anh hùng - ngọn cờ đầu phong trào thi đua "Hai tốt" toàn miền Bắc hôm nay vẫn vững vàng trên chặng đường phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu Bác trao, năm 2000 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Nửa thế kỷ qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam không ngừng phấn đấu thực hiện di huấn cùng ước nguyện thiêng liêng của Bác, góp phần cùng cả nước hiện thực hóa mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".  

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.