Gỡ khó trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) là nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ người dân thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật. Để thực hiện có hiệu quả quy định về cấp xã đạt chuẩn TCPL rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống tinh thần và đời sống pháp lý của người dân.

Ngay sau khi có Quyết định 25/QĐ-TTg, ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 25/QĐ-TTg) quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, Sở Tư pháp Hà Nam đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2183/KH-UBND ngày 20/8/2021 về triển khai thực hiện Quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Cùng với đó, đăng tải, giới thiệu nội dung các quy định mới của Quyết định 25/QĐ-TTg, Thông tư 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định 25/QĐ-TTg trên chuyên trang tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) của tỉnh, trang thông tin điện tử của sở phục vụ nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, nhân dân. Đồng thời, xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố. 

Gỡ khó trong xây dựng xã phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn công chức bộ phận “một cửa” xã Bình Nghĩa (Bình Lục) thực hiện chứng thực bản sao điện tử.

Thực hiện Quyết định 25/QĐ-TTg, từ năm 2021 đến nay, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động TTPBGDPL tại cơ sở thông qua nhiều hình thức phù hợp (thông qua hội nghị, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể cơ sở; hệ thống truyền thanh...), qua đó, bảo đảm các quy định pháp luật được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, thường xuyên. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được thực hiện hiệu quả; kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; quy định về dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Cùng với đó, Sở Tư pháp Hà Nam cũng thường xuyên phối hợp hiệu quả với các địa phương, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh... tăng cường hoạt động TTPBGDPL và trợ giúp pháp lý cho người dân; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tuyên truyền viên pháp luật tại các địa phương, góp phần nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở. Với việc triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu chuẩn TCPL, năm 2021 toàn tỉnh đã có 109/109 xã, phường, thị trấn được đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL.

Từ khi triển khai xây dựng xã đạt chuẩn TCPL, xã Tràng An (Bình Lục) luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần có sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ. Theo đó, xã tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động TTPBGDPL gắn với đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (một công dân địa phương đến UBND xã làm thủ tục giấy khai sinh) cho biết: Toàn bộ thủ tục, hồ sơ có liên quan được niêm yết rõ ràng, rất thuận tiện cho công dân tra cứu, liên hệ áp dụng. Cán bộ, công chức (CBCC) tại bộ phận “một cửa” nói riêng, CBCC xã nói chung luôn có thái độ đúng mực, chuẩn chỉ; thời gian giải quyết TTHC nhanh gọn, hiệu quả. Không chỉ vậy, những vấn đề vướng mắc liên quan đến TTHC hay nội dung một số văn bản luật pháp liên quan trực tiếp đến đời sống công dân ở cơ sở như Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình… đều được cán bộ hướng dẫn, giải thích tận tình, giúp công dân hiểu rõ hơn quy định pháp luật của nhà nước. 

Theo ông Vũ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tràng An, hướng tới mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn TCPL, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ CBCC, đặc biệt là CBCC làm việc tại bộ phận “một cửa” nêu cao tinh thần và thể hiện rõ tác phong chuyên nghiệp, phục vụ, bởi đây là những CBCC thường xuyên trực tiếp làm việc với người dân, giải quyết những TTHC liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân. Hiện nay, hầu hết TTHC thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp cơ sở đều được CBCC xã cố gắng hoàn thành nhanh chóng, quy trình đơn giản, chưa đến 20 phút người dân đã nhận kết quả. Công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, hòa giải cơ sở được chú trọng gắn với thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, không để phát sinh đơn thư kiến nghị vượt cấp, khiếu kiện đông người.

Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 25/QĐ-TTg tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ. Ông Lữ Mai Thanh Tùng, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu của tỉnh thường được tiến hành trước thời điểm đánh giá, công nhận đơn vị cấp xã đạt chuẩn TCPL, do vậy việc đánh giá tiêu chí xã đạt chuẩn TCPL được thực hiện theo quyết định cũ (Quyết định 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL). Nhưng theo quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp lại không còn quy định về vấn đề này nên cơ quan tư pháp sẽ khó có cơ sở đánh giá việc thực hiện tiêu chí xã đạt chuẩn TCPL khi đánh giá, thẩm định công nhận NTM kiểu mẫu tại địa phương từ năm 2022. 

Bên cạnh đó, trong Chỉ tiêu số 4 của Quyết định 25/QĐ-TTg yêu cầu phải triển khai các mô hình thông tin, TTPBGDPL hiệu quả. Theo đánh giá thực tế ở một số địa phương, mô hình TTPBGDPL tuy đã được tăng cường nhưng hiệu quả thu được chưa cao, rất khó để các địa phương đạt số điểm tuyệt đối khi đánh giá chuẩn TCPL. Chưa kể, nhận thức của một bộ phận CBCC về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn TCPL còn hạn chế, chưa dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, chưa thực sự quan tâm chú trọng khi tham gia tập huấn, bồi dưỡng nên không hiểu rõ, nắm chắc những quy định mới để có thể vận dụng thực hiện đầy đủ, chính xác.

Việc thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá TCPL có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật; xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã. Từ nhận thức đó, hiện Sở Tư pháp đang tiếp tục tăng cường tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu hướng dẫn việc thực hiện các quy định mới về cấp xã đạt chuẩn TCPL. Tuy vậy, để thực hiện có hiệu quả quy định về cấp xã đạt chuẩn TCPL rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống tinh thần và đời sống pháp lý của người dân.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.