Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo cải cách hành chính

Chiều 3/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp phiên thứ ba của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo, công chức phòng cải cách hành chính (Sở Nội vụ).

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, năm 2022, sự quan tâm sát sao, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tác động tích cực đến hành động của chính quyền các cấp, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo cải cách hành chính
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Hà Nam.

Cụ thể, cải cách thể chế được đặc biệt quan tâm, đổi mới và có nhiều chuyển biến. Năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ trình Quốc hội thông qua đối với 12 dự án luật, 6 nghị quyết; các Bộ, ban, ngành đã ban hành trên 400 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 131 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được triển khai sâu rộng. Các Bộ, ban, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.358 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; 53/63 địa phương thực hiện thống nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Về triển khai thực hiện Đề án 06, đến nay đã cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu được giao tại Đề án. Công tác cải cách chế độ công vụ được đẩy mạnh, nhất là ở công tác xây dựng hoàn thiện thể chế và tinh giản biên chế.

Giai đoạn 2020 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức; rà soát, xử lý dứt điểm các sai phạm trong công tác tuyển dụng; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã được khai trương, đi vào hoạt động.

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 63/63 địa phương đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Đã có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%.

Đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 4.419 dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ dịch vụ công có đủ điều kiện được đưa lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%, tăng 4% so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC đạt 52,80%, tăng 17,5% so với năm 2021…

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo cải cách hành chính
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Cho ý kiến tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất cao với báo cáo của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong thực hiện cải cách hành chính; phân tích, làm rõ hơn về kết qủa đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại trong thực hiện cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương mình trong năm 2022.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai công tác cải cách hành chính.

Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính như: Công tác chỉ đạo cải cách hành chính vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt ở một số bộ, ngành; cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nơi còn hình thức; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm…

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Đảng ta đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức, do đó, các Bộ, ngành địa phương cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần triển khai cải cách hành chính mạnh mẽ, đồng bộ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; thực hiện nghiêm, có hiệu quả nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; triển khai hiệu quả cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; hợp nhất Cổng dịch vụ công với hệ thống thông tin một cửa điện tử từ cấp Bộ, cấp tỉnh thành.

Cùng đó, đẩy mạnh cải cách công vụ, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước; tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06); đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội cao để nhân dân biết, nhân dân hiểu, nhân dân làm có hiệu quả…

 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy