Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động

Sáng 26/10, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 7. Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam. 

Sáng 2610 QH thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động
Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh dự kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Hà Nam.

Dự thảo Luật CSCĐ được xây dựng gồm 5 chương, 31 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được QH, Chính phủ thông qua và kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu hoạt động thực tiễn của CSCĐ. Đồng thời, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động về nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền điều động và công tác phối hợp của Cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ.

Dự thảo Luật giữ 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát cơ động và bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động. Đó là: thứ nhất, được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. Quyền hạn thứ hai là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.

Sáng 2610 QH thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động
ĐBQH tỉnh Hà Nam trao đổi bên lề kỳ họp.

Về hệ thống tổ chức của CSCĐ, Chính phủ xây dựng 2 phương án trình QH xem xét cho ý kiến. Theo phương án 1, hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Phương án 2 đề xuất cơ cấu các lực lượng thuộc CSCĐ gồm 6 lực lượng, trong đó giữ nguyên 4 lực lượng (tác chiến đặc biệt, đặc nhiệm, bảo vệ mục tiêu, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ); bổ sung 2 lực lượng (sử dụng tàu bay, tàu thủy và CSCĐ dự bị chiến đấu).

Tại phiên thảo luận về dự thảo dự án Luật này đã có 26 ý kiến và 7 tranh luận của các ĐBQH. Các ý kiến đều nhất trí cho rằng việc ban hành Luật CSCĐ trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của CSCĐ. Đồng thời các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung quy định trong dự thảo Luật và đề xuất bổ sung, xem xét, chỉnh sửa một số quy định cụ thể để đảm bảo tính thống nhất thực thi, chặt chẽ và phù hợp của Luật.

Sau các ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.    

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy