Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng Đồng bằng sông Hồng

Sáng 29/11, Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh (QP-AN) vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KTXH bảo đảm QPAN vùng Đồng bằng sông Hồng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ Trung ương đến các địa phương trong vùng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Lê Thị Thuỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tich HĐND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh; các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ;  lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh…

Quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KTXH bảo đảm QPAN vùng Đồng bằng sông Hồng
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30-NQ/TW - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã trình bày những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 30).

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng, khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Giai đoạn 2005-2020, kinh tế vùng tăng trưởng bình quân 7,94%/năm (cao hơn mức trung bình cả nước). Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng (chiếm 29,4% GDP cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm (gấp 1,3 lần bình quân cả nước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đô thị phát triển nhanh với tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 41%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật với 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao…

Quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế  xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam.

Với quan điểm: Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc, Nghị quyết số 30 xác định mục tiêu đến năm 2030: Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao.

Tầm nhìn đến năm 2045: Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới thông minh, xanh, bền vững; người dân có thu nhập cao; Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường…

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu đề ra, Nghị quyết số 30 xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng với nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương đã tiếp thu đầy đủ nội dung Nghị quyết số 30; đồng thời phân tích, làm rõ những tiềm năng, thế mạnh của vùng; đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển vùng, các địa phương trong vùng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của cả nước. Vùng có tiềm năng, lợi thế vượt trội trong phát triển y tế, giáo dục – đào tạo, là nơi cung ứng nguồn lao động hàng đầu cho cả nước. Những năm qua, vùng luôn khẳng định được vị trí, vai trò là vùng kinh tế động lực, có đóng góp quan trọng hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Khẳng định, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng là trách nhiệm của các địa phương trong vùng và của toàn hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Cần tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng; xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo. Tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy