Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Sáng 24/11, tại Hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức trực tuyến Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Dự hội nghị có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Cùng dự có nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên  Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, văn học, nghệ thuật, nghề nghiệp, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu…

Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Các đại biểu dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng (thành phố Hà Nội).

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa,  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh…

Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam. Ảnh: Trương Dũng

Hội nghị văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác văn hóa, văn nghệ; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 -2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày Báo cáo tóm tắt về việc “kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Báo cáo đã nêu bật đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, trong đó nhấn mạnh văn hóa là hồn cốt dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đạt nhiều kết quả: phương thức lãnh đạo đổi mới cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế; quản lý nhà nước về văn hóa được nâng cao, xây dựng môi trường văn hóa đạt nhiều kết quả, gắn xây dựng văn hóa với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến; bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa; tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… 
Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa 35 năm qua, trong đó đánh giá môi trường văn hóa gia đình, nhà trường, xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp; việc xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế tuy đã được quan tâm nhưng kết quả chưa tương xứng…Nguyên nhân ở đây có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, đó là sự nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể chưa đầy đủ và sâu sắc về vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước; sự biến đổi trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người. 

Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Báo cáo cũng nêu quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Văn hóa là nền tảng của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa chú trọng vai trò gia đình, cộng đồng; xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị để tạo động lực, niềm tin và lan tỏa trong nhân dân; xây dựng văn hóa là sự nghiệp toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. 

Báo cáo cũng đề ra 10 giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng việc tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; đổi mới tư duy quản lý văn hóa; phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, trong Đảng để trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; phát triển thị trường văn hóa; xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; đầu tư các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Sau báo cáo của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện lãnh đạo các ngành, các tỉnh, thành phố, các trí thức, văn nghệ sĩ tham gia tham luận các chủ đề: triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về văn hóa; về quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng; về giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển bền vững trong quá trình hội nhập; phát huy truyền thống của địa phương trong phát triển văn hóa; văn hóa con người nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững văn hóa Việt Nam; văn hóa, nghệ thuật Việt Nam không ngừng phát triển…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa và dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà chưa giành được độc lập Đảng ta đã đề ra Đề cương văn hóa của Việt Nam, trong đề cương chỉ rõ: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa và chủ trương phát triển văn hóa theo 3 hướng: dân tộc, khoa học và đại chúng. Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong văn kiện quan trọng này đã tạo ra một luồng sinh khí mới để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tập hợp nhân dân phát huy vai trò của văn hóa, thống nhất về tư tưởng, nhận thức và tổ chức, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho Cách mạng tháng Tám thành công lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á năm 1945.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược với khẩu hiệu “Văn hóa hóa kháng chiến”, “xây dựng đời sống mới”…văn hóa Việt Nam đã thực sự trở thành động lực tinh thần, huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cả nước ta thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất nước nhà. Đảng ta thường xuyên quan tâm đến công tác văn hóa, động viên và cổ vũ đội ngũ văn nghệ sĩ và những lực lượng làm công tác văn hóa phát huy vai trò của mình xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, con người mới. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần lần thứ III của Đảng năm 1960 xác định mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về văn hóa và áp dụng những nhận thức đó để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, thiết thực phục vụ sự nghiệp cách mạng chủ nghĩa, nâng cao không ngừng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảng ta nhấn mạnh phương pháp phát triển về văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thanh, điện ảnh, thư viện, bảo tồn, bảo tàng, nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng của các loại hình đó. Đồng thời, Đảng ta cũng đặc biệt quan tâm đến công tác văn hóa của quần chúng, xây dựng các hoạt động, các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa mới, cải tạo các thói quen và nếp sống cũ, xây dựng thói quen và lối sống mới. Sự lãnh đạo của Đảng trong suốt thời kỳ từ năm 1960 – 1975 đã góp phần phát huy vai trò của văn hóa Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ vừa kiến quốc vừa kháng chiến, huy động được các binh chủng, các lực lượng làm công tác văn hóa và toàn dân tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX của Đảng đánh giá rất cao những đóng góp của ngành văn hóa trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và khẳng định văn hóa, văn nghệ nước ta xứng đáng đứng vào vị trí tiên phong của nền văn hóa văn nghệ chống đế quốc phong kiến, trên phạm vi toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh được vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Từ 1975 – 1985 là những năm bản lề chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, đất nước ta khắc phục hàng loạt những hậu quả của chiến tranh, khôi phục lại các cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục, thống nhất về thể chế và các thiết chế văn hóa trên cả nước. Đồng bào đã đồng cam cộng khổ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để vượt quan những thách thức do cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội và tinh hình phức tạp của quốc tế lúc đó gây ra

Bước vào thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đổi mới đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Riêng về lĩnh vực văn hóa Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn  hóa trong thời kỳ mới. Ttrên cơ sở tổng kết những thành tựu đã đạt được về lĩnh vực văn hóa những năm đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII và Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Đảng ta đã chọn 8 lĩnh vực để tập trung chỉ đạo, trong đó quan trọng nhất là lĩnh vực xây dựng con người, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. 

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011, Đảng ta đã xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ XHCN mà chúng ta xây dựng. Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 nêu rõ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc  dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, mang tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ làm cho văn hóa tạo gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của quá trình. Tiếp đó Nghị quyết 33 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI năm 2014 về xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong Nghị quyết này, Đảng ta tiếp tục khẳng định những quan điểm, nhiệm vụ tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã nêu đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số vấn đề mới khẳng định mục tiêu, vai trò, nhiệm vụ của văn hóa: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, gắn liền tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững, và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Đảng ta đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội và nhấn mạnh trọng tâm xây dựng văn hóa là xây dựng con người. Trong Nghị quyết này, Đảng ta quyết định một số nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa. Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kết luận số 76 để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Điều đó cho thấy nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng được hoàn thiện, đẩy đủ và sâu sắc hơn. 

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại,...

Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ,..

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng,... 

Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh,...

Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh,...

Buổi chiều hội nghị tiếp tục làm việc về việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.