Đánh giá kết quả xếp hạng chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI tỉnh Hà Nam năm 2021

Sáng 20/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị nghe Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan báo cáo đánh giá kết quả và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Hà Nam năm 2022 và những năm tiếp theo.

Năm 2021, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tiếp tục được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính. Việc xây dựng và thực hiện các văn bản pháp luật tại tỉnh được thực hiện kịp thời, đúng tiến độ. Cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm soát; người dân, tổ chức đánh giá cao việc tiếp cận dịch vụ hành chính công.

Bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp được tinh gọn. Thực hiện thu ngân sách của tỉnh theo kế hoạch được Chính phủ giao tăng, tỷ lệ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Chỉ số PIPAS duy trì vị trí trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao của cả nước.

Cụ thể, năm 2021, chỉ số PAR INDEX của tỉnh Hà Nam đạt 81,51 điểm (giảm 1,94 điểm so với năm 2020), xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố, giảm 17 bậc so với năm 2020; chỉ số SIPAS đạt 88,38%, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố (giảm 0,01% và giảm 1 bậc so với năm 2020); chỉ số PAPI đạt 43,29 điểm, xếp thứ 22/60 tỉnh, thành phố trên cả nước, giảm 4 bậc so với năm 2020.

Đánh giá kết quả xếp hạng chỉ số PAR INDEX SIPAS PAPI tỉnh Hà Nam năm 2021
Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh đã thảo luận, phân tích làm rõ hơn về kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân khiến các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh năm 2021 đều giảm về chỉ số và thứ hạng so với năm 2020. Trong đó, nguyên nhân chính được chỉ ra là: Công tác tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ CCHC của một số cơ quan chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng; sự phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC của một số cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tinh thần, trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về CCHC, về các chỉ số đến người dân, tổ chức chưa thực sự hiệu quả…

Đánh giá kết quả xếp hạng chỉ số PAR INDEX SIPAS PAPI tỉnh Hà Nam năm 2021
Các đại biểu dự hội nghị

Để đạt mục tiêu năm 2022: Chỉ số PAR INDEX của tỉnh tăng 10-12 bậc; Chỉ số PAPI tăng 3-4 bậc; Chỉ số SIPAS tiếp tục duy trì trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất cả nước, kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tiếp tục nghiên cứu các mô hình, sáng kiến, giải pháp mới để áp dụng vào tình hình CCHC của đơn vị; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, tạo điều kiện để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở, đóng góp ý kiến, phản hồi kịp thời các vấn đề phản ánh, kiến nghị của người dân nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân với chính quyền.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu đầy đủ các văn bản, việc cần làm, tiến độ triển khai các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch CCHC năm 2022 của tỉnh; khảo sát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận 1 cửa; đôn đốc kịp thời việc triển khai các phiếu điều tra khảo sát cán bộ, lãnh đạo quản lý liên quan đến tác động của CCHC.

Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổng hợp, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để các tổ chức, cá nhân tích cực nghiên cứu, tham mưu các giải pháp, cách làm mới, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ CCHC.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu đôn đốc, đánh giá, tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh giải pháp nâng cao tỷ lệ tiếp nhận và trả hồ sơ thủ tục hành chính mức độ 3, 4; tham mưu giải pháp cải thiện, nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đảm bảo thuận tiện, đồng bộ với hệ thống của Bộ Nội vụ trong việc phối hợp triển khai điều tra xã hội học phục vụ chấm điểm chỉ số CCHC của tỉnh; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền CCHC, rà soát và tìm biện pháp tăng cường hiệu quả các thiết chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện giải ngân kịp thời kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước hàng năm; tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách, tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.