Công bố Chỉ số cải CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020

Chiều 24/6, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR Index) của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Công bố Chỉ số cải CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam

Theo báo cáo tại hội nghị, kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 của các Bộ chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất (đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%) tiếp tục là 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp. Nhóm thứ 2 (từ trên 80% đến dưới 90%) gồm 14 đơn vị. Không có đơn vị nào có Chỉ số CCHC dưới 80%. Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2020 là 87,56% (tăng 1,93% so với năm 2019). Chỉ số CCHC năm 2020 đạt giá trị trung bình cao nhất trong 9 năm triển khai xác định Chỉ số CCHC.

Đối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 có giá trị trung bình đạt 83,72% (cao hơn 2,57% so với năm 2019) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây. Đáng chú ý, năm 2020 có 58 địa phương đạt Chỉ số CCHC trên 80%, không có địa phương nào đạt dưới 70%. Trong nhóm A (Chỉ số CCHC từ 90% trở lên) có 2 tỉnh gồm Quảng Ninh, Hải Phòng; 56 địa phương xếp nhóm B (Chỉ số CCHC từ 80% đến dưới 90%); 5 địa phương xếp nhóm C (Chỉ số CCHC từ 70% đến dưới 80%).

Kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 cho thấy: 85,48% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của các cơ quan hành chính nhà nước; sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh nằm trong khoảng 75,68 - 95,76%. Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc thuộc nhóm tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất. Năm yếu tố cơ bản của quá trình và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong khuôn khổ Chỉ số SIPAS 2020, gồm: Tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức, kết quả dịch vụ, việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị, nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức nói chung trong cả nước lần lượt là: 87,41%; 88,45%; 86,53%; 89,73%; 73,76%.

Đối với Hà Nam xếp 43/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số PAR Index với 83,45 điểm (tăng 2 bậc so với năm 2019, chỉ đạt 79,91 điểm). Với Chỉ số SIPAS, Hà Nam giảm 6 bậc so với năm 2019, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố với 88,39 điểm (năm 2019 là 88,33 điểm).

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cũng như những kết quả tích cực mà các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong CCHC thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC và sự hài lòng của người dân, tổ chức, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ kết quả Chỉ số PAR INDEX 2020, kiểm điểm lại việc thực hiện công tác CCHC thời gian qua, đề ra các biện pháp khắc phục dựa trên phạm vi địa bàn quản lý; tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện một số giải pháp cấp bách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Thường xuyên rà soát, tăng cường đổi mới, sáng tạo và mạnh dạn triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình cải cách mới, có tính đột phá để kịp thời tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế chính sách, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, theo dõi, đánh giá và kiểm tra thực hiện nhiệm vụ CCHC. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao tính đồng bộ, tính thống nhất và bảo đảm tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch hành chính, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Bên cạnh đó, phải sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số SIPAS 2020 trong chỉ đạo, điều hành CCHC tại Bộ, ngành, địa phương và có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức, nhất là trong tình hình hiện nay, đất nước đã và đang trải qua đại dịch Covid-19, có sức ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu, ngay sau hội nghị này, các Bộ, ngành trung ương và địa phương phải bắt tay ngay thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PAR Index và chỉ số SIPAS ở những năm tiếp theo một cách quyết liệt, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề, sức bật cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.