Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng

Những năm gần đây, hoạt động dịch vụ công chứng trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ, dần đi theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thể hiện rõ tính phục vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chuyên viên bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính huyện Lý Nhân hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục lý lịch tư pháp. Ảnh: Thế Trang

Trên địa bàn 6 huyện, thành phố trong tỉnh hiện có 10 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm: 4 phòng công chứng và 6 văn phòng công chứng. Các đơn vị này đều được bố trí tại trung tâm 6/6 huyện, thành phố với tổng số 16 công chứng viên, cơ bản đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, công dân trong việc thực hiện công chứng các hoạt động giao dịch tại địa phương.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, các phòng công chứng trong tỉnh đã thực hiện công chứng 4.135 hợp đồng, giao dịch, thu phí 1.171.863.000 đồng; các văn phòng công chứng đã thực hiện công chứng 9.744 hợp đồng, giao dịch, thu phí 934.193.000 đồng, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hướng tới mục tiêu từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính phục vụ trong hoạt động dịch vụ công chứng, trong năm qua một số tổ chức hành nghề công chứng đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (phòng làm việc, thiết bị chuyên dụng…) đáp ứng yêu cầu hoạt động.

Việc lưu trữ hồ sơ công chứng được chú trọng thực hiện, bảo đảm nền nếp, khoa học, gọn gàng theo đúng quy định. Việc thành lập các văn phòng công chứng giúp giảm tải rất nhiều những áp lực công việc công chứng (trước đây hầu hết các giao dịch được thực hiện tại các phòng công chứng nhà nước). Bên cạnh đó, do xuất hiện tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường nên các tổ chức hành nghề công chứng cũng buộc phải thay đổi để thích ứng theo hướng đề cao tính chuyên nghiệp, phục vụ, nhờ đó chất lượng, hiệu quả dịch vụ được nâng lên, cung cách phục vụ linh hoạt, tiện ích, đơn giản, nhanh chóng.

Tại văn phòng công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm quy định niêm yết đầy đủ danh mục, quy định hồ sơ yêu cầu công chứng; công khai, minh bạch mức thu phí công chứng để khách hàng có thể thuận lợi trong thực hiện giao dịch cũng như theo dõi, giám sát, đánh giá. Thông qua hoạt động tiếp người yêu cầu công chứng, một số tổ chức hành nghề công chứng đã chủ động, tích cực thông tin, tuyên truyền, tư vấn về những quy định của pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân.

Một trong những hoạt động khẳng định rõ nét vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng là công tác thanh tra, kiểm tra. Thực hiện Kế hoạch công tác tư pháp năm 2019, Phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) tham mưu với Giám đốc Sở ban hành quyết định và kế hoạch kiểm tra Phòng Công chứng số 2 tỉnh Hà Nam. Kết quả kiểm tra cho thấy, Phòng Công chứng số 2 cơ bản chấp hành nghiêm quy định của Luật Công chứng và các văn bản pháp luật liên quan quy định về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên và nghiệp vụ công chứng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng đã phát hiện một số sai sót trong quá trình hoạt động của Phòng Công chứng số 2. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn đã hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình hoạt động đối với các tổ chức hành nghề công chứng khác trong tỉnh. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Tư pháp đã đề nghị Bộ Tư pháp cho tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ ba đối với 8 trường hợp đủ điều kiện; phối hợp với sở tư pháp các tỉnh, thành phố xác minh thông tin đăng ký hành nghề của công chứng viên nhằm kiểm tra chặt chẽ việc hoạt động và hành nghề của đội ngũ công chứng viên.

Trên cơ sở triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015) và thực hiện Quyết định 250/QĐ-TTg ngày 10/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020”, Sở Tư pháp đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực công chứng được triển khai dưới nhiều hình thức phù hợp, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của việc xã hội hóa hoạt động công chứng, giúp các tổ chức, cá nhân nắm rõ quyền, nghĩa vụ của các bên, trình tự, thủ tục khi tham gia dịch vụ công chứng theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp cũng thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng thời gian qua được tăng cường chặt chẽ hơn. Các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức; đáp ứng chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng và đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, chính quyền các cấp và ngành tư pháp cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động quản lý nhà nước; có sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thường xuyên về mặt nghiệp vụ công chứng. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành và nhân dân thực hiện tốt quy định của Luật Công chứng cũng như một số văn bản liên quan, qua đó góp phần làm lành mạnh các quan hệ giao dịch và ổn định xã hội, nâng cao uy tín, chất lượng dịch vụ của tổ chức hành nghề công chứng theo hướng chuyên nghiệp, phục vụ.

Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy