Tọa đàm về tác động của tham nhũng đối với mua bán người và đưa người di cư trái phép

Sáng 1/12, tại tỉnh Hà Nam, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Văn phòng hỗ trợ khu vực Tiến trình Ba Li tổ chức chương trình tọa đàm về “Chia sẻ kết quả nghiên cứu của UNODC về tác động của tham nhũng đối với mua bán người và đưa người đi di cư trái phép”. Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì tọa đàm.

Tọa đàm về tác động của tham nhũng đối với mua bán người và đưa người di cư trái phép
Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu khai mạc tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ: Thời gian qua, vấn đề mua bán người, đưa người di cư trái phép vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các khu vực xảy ra xung đột vũ trang hoặc xảy ra nạn đói, nghèo, nhu cầu di cư của người dân các nước này đến các nước giàu có và an toàn hơn ngày càng tăng cao, tạo cơ hội cho các nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện việc đưa người di cư trái phép vì mục tiêu lợi nhuận hoặc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm đưa người di cư trái phép và mua bán người, năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cùng một số Nghị định thư Việt Nam trở thành thành viên của Công ước và Nghị định thư về Ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vào ngày 8/6/2012. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia Nghị định thư về Chống đưa người di cư trái phép và đang nghiên cứu, xem xét để sớm tham gia nghị định thư này.

Công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, đưa người di cư trú trái phép của Việt Nam trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật; trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này; những thách thức về tác động của tham nhũng đối với mua bán người và đưa người di cư trái phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ để tội phạm này tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở Chương trình hợp tác giữa Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam, Văn phòng hỗ trợ khu vực Tiến trình Ba Li, hôm nay Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với UNODC tổ chức Tọa đàm về “Chia sẻ kết quả nghiên cứu của UNODC về tác động của tham nhũng đối với mua bán người và đưa người di cư trái phép”.

Tọa đàm về tác động của tham nhũng đối với mua bán người và đưa người di cư trái phép
Đại biểu tham gia ý kiến tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe các chuyên gia của UNODC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an trình bày các tham luận về kết quả nghiên cứu của UNODC về tác động của tham nhũng đối với mua bán người và di cư trái phép; quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép, đề xuất, kiến nghị; thực tiễn thi hành pháp luật mua bán người và vấn đề hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phòng, chống vi phạm hiện nay.

Tọa đàm về tác động của tham nhũng đối với mua bán người và đưa người di cư trái phép
Đại biểu tham gia ý kiến tại tọa đàm.

Từ thực tiễn tại Việt Nam, tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở pháp lý hợp tác về phòng, chống di cư trái phép giữa Việt Nam và các nước còn chưa đầy đủ. Công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, còn bộc lộ kẽ hở để các đối tượng lợi dụng như đưa người xuất nhập cảnh hợp pháp với các mục đích du lịch, học tập, chữa bệnh, lao động… sau đó tìm cách trốn ở lại.

Tọa đàm về tác động của tham nhũng đối với mua bán người và đưa người di cư trái phép
Đại biểu tham gia ý kiến tại tọa đàm.

Đồng thời kiến nghị, Việt Nam cần sớm gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước trên thế giới để nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách về xuất nhập cảnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được với các điều kiện di cư hợp pháp.

Các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, lồng ghép nội dung Chương trình với các mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, bảo đảm an toàn đời sống xã hội cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về di cư hợp pháp, an toàn nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tránh bị dụ dỗ tham gia các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép./.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy