Bác Hồ với Hà Nam, Hà Nam với Bác Hồ

Xuất phát từ quan điểm "Dân là gốc" cùng với tác phong sâu sát, nắm bắt nhanh nhạy thực tiễn, Bác Hồ kính yêu mặc dù phải gánh vác trọng trách lớn lao nhưng luôn dành sự quan tâm sâu sắc, cùng những động viên, khích lệ kịp thời đối với nhân dân các vùng miền trong cả nước, trong đó có nhân dân Hà Nam.

Bác Hồ với Hà Nam Hà Nam với Bác Hồ
Ngày 14/1/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhân dân đang lao động đắp công trình thủy lợi Cát Tường, xã Yên Mỹ, huyện Bình Lục (nay là thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục, Hà Nam).  Ảnh tư liệu

Ngay từ những năm 1930, khi còn đang bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Ái Quốc luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phong trào đấu tranh của các tầng lớp công nhân, nông dân trong nước và tỉnh Hà Nam. Vì thế ngay sau khi nổ ra cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của nông dân Bồ Đề, Bình Lục (20/10/1930), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thư gửi Quốc tế Nông dân đã có sự tôn vinh, ca ngợi rất kịp thời. Tiếp đó, ngày 20/4/1931, trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có những nhận định, đánh giá cao vai trò, sức mạnh của lực lượng cách mạng và tổ chức quần chúng ở Đảng bộ các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định. Mùa Thu năm 1945, ngay sau khi giành được chính quyền, giữa bộn bề công việc và khó khăn, thử thách của một quốc gia non trẻ vừa tuyên bố độc lập, Bác Hồ vẫn tranh thủ thời gian viết thư thăm hỏi, động viên Đảng bộ, nhân dân Hà Nam đã nỗ lực khắc phục hậu quả trận vỡ đê phía bắc sông Châu Giang. Sau đó, tháng 1/1946, Bác dành thời gian về thăm, gặp gỡ, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh vững vàng niềm tin và quyết tâm thi đua vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những điển hình tiên tiến trong thực tế chiến đấu, tăng gia sản xuất hưởng ứng chủ trương "kháng chiến toàn dân, toàn diện" và phong trào thi đua yêu nước ở khắp mọi miền đất nước cũng như ở Hà Nam luôn được Bác Hồ dõi theo, biểu dương, khen ngợi kịp thời. Ngày 2/7/1947, trên Báo Cứu quốc, Bác có bài báo ca ngợi, biểu dương gương hy sinh dũng cảm quên mình để bảo vệ cơ sở cách mạng của 32 cụ già, thanh thiếu niên Đức Bản (Nhân Nghĩa, Lý Nhân). Sau đó, Bác trực tiếp ký quyết định truy tặng Huân chương và danh hiệu liệt sĩ cho những cụ già, thanh thiếu niên anh hùng đó. Mùa Xuân Canh Dần 1950, nghe tin dòng họ Lại ở Phù Vân, Kim Bảng (nay thuộc thành phố Phủ Lý) có thành tích nổi bật về công tác động viên con em tòng quân tham gia kháng chiến, Bác đã viết thư khen ngợi kịp thời. Nội dung bức thư khen Bác gửi được Ban Khánh tiết họ Lại Phù Vân trân trọng khắc bia, lưu giữ tại từ đường, lưu truyền niềm tự hào cho muôn đời con cháu dòng họ và quê hương Phù Vân Anh hùng.

Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, trong phong trào thi đua yêu nước, những nỗ lực và thành tích của Đảng bộ, nhân dân Hà Nam luôn nhận được sự quan tâm cùng tình cảm sâu nặng của Bác. Ngày 22/4/1955, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam vinh dự được nhận "Cờ Luân chuyển" của Bác Hồ về thành tích dẫn đầu các địa phương trong phong trào thi đua làm thuỷ lợi, đắp đê, phòng chống lụt bão. Tháng 6/1957, Bác viết thư động viên, thăm hỏi anh chị em thương, bệnh binh đang điều trị tại Trại an dưỡng Hà Nam (nay là Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên). Tiếp đó, ngày 14/1/1958, lần thứ hai Bác về thăm Đảng bộ, nhân dân Hà Nam và dự hội nghị sơ kết công tác chống hạn. Người dành thời gian trực tiếp xuống động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân đang lao động tại công trường đắp đập Cát Tường, An Mỹ, Bình Lục (*). Nhân dịp này, Bác đã trực tiếp trao cờ thi đua "Đơn vị chống hạn khá nhất" cho huyện Bình Lục và tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân xuất sắc trong phong trào chống hạn tỉnh Hà Nam. Luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến nhân dân các địa phương và tỉnh Hà Nam, ngày 7/7/1961, Bác Hồ trực tiếp viết bài (đăng trên Báo Nhân Dân) biểu dương gương tập thể điển hình ngành giáo dục - Trường cấp hai Bắc Lý (Lý Nhân) và đề nghị phát động trong cả nước phong trào thi đua "Hai tốt" (Dạy tốt - Học tốt) theo gương Bắc Lý. Năm 1963, tại hội nghị phát động cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật", Bác biểu dương, khen ngợi cán bộ, nhân dân Duy Tiên có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Cũng trong năm 1963, nhân dân Hà Nam lại vinh dự được nhận cờ thi đua luân lưu của Bác về thành tích phát triển giao thông, vận tải. Ngày 27/3/1964, bên lề Hội nghị Chính trị đặc biệt do Bác triệu tập, đại diện lãnh đạo tỉnh cùng Ban Giám hiệu Trường cấp II Bắc Lý vinh dự được gặp và trực tiếp báo cáo với Bác (tại Phủ Chủ tịch) về những kết quả, thành tích, kinh nghiệm duy trì phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt. Nhiều lần phát biểu tại các hội nghị thi đua toàn quốc sau đó, Bác đều nêu gương "Lá cờ đầu Bắc Lý", khuyến khích nhân rộng điển hình của ngành giáo dục toàn quốc. Bức ảnh tư liệu quý về lần Bác dành thời gian làm việc với lãnh đạo tỉnh và Trường cấp II Bắc Lý mãi mãi là niềm tự hào, động viên Đảng bộ, nhân dân Hà Nam giữ vững truyền thống của quê hương phong trào "thi đua Hai tốt".

Nỗ lực xứng đáng với sự quan tâm và tình cảm sâu nặng của Bác, hơn 50 năm qua kể từ ngày Bác đi xa, cùng với cả nước, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam không ngừng phấn đấu thực hiện lời di huấn cùng ước nguyện thiêng liêng của Người: Xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”(**). Năm 2020, kỷ niệm lần thứ 130 sinh nhật Bác, năm tiến hành đại hội đảng bộ và đại hội thi đua các cấp cũng là thời điểm Đảng bộ, nhân dân Hà Nam tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục có những chuyển biến toàn diện, rõ nét. Kinh tế giữ vững nhịp độ phát triển ổn định với mức tăng trưởng GRDP ước đạt bình quân trên 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ đạt hơn 91%; nông, lâm nghiệp giảm còn chưa đến 9%). GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 phấn đấu đạt 71 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh có 100% xã  được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao (tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%). Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực, toàn diện.

Phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm xứng đáng với niềm tin yêu của Bác, những địa phương: Đức Bản, Nhân Nghĩa (Lý Nhân); Bồ Đề, Cát Tường, An Mỹ (Bình Lục); Châu Giang, Yên Bắc (Duy Tiên); Phù Vân (TP. Phủ Lý)... đã và đang tiếp tục giữ vững truyền thống là những điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới của quê hương Hà Nam. Trường Bắc Lý - Đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ngọn cờ đầu của phong trào thi đua "Hai tốt" toàn miền Bắc hôm nay vẫn vững vàng trên chặng đường dựng xây, phát triển, xứng đáng là niềm tự hào của tỉnh, xứng đáng với niềm tin yêu Bác trao. Nhiều năm qua, hàng nghìn tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp, ngành ghi danh sổ vàng, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, trở thành những điểm sáng và nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước.

Kỷ niệm sinh nhật Bác lần thứ 130, cùng với cả nước, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam không ngừng phấn đấu đẩy nhanh công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, góp phần hiện thực hóa ước nguyện thiêng liêng mà Bác hằng thiết tha theo đuổi, đó là xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.