50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019): ‘Đầu tiên là công việc đối với con người’

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều vấn đề Người căn dặn Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, trong đó “Đầu tiên là công việc đối với con người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951). Ảnh tư liệu

Bắt đầu từ năm 1965, “nhân dịp mừng 75 tuổi”, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Và bắt đầu từ năm đó (trừ tháng 5/1967 phải ra nước ngoài chữa bệnh) chọn đúng một ngày trong tháng Năm; chọn đúng lúc 9 giờ, cái giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất... Bác Hồ ngồi trước tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để đọc lại, suy nghĩ, bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời với bản Di chúc được công bố năm 1969, các bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc viết từ ngày 10 tháng 5 năm 1965 đến ngày 19 tháng 5 năm 1969, đã trở thành “Bảo vật quốc gia” của Việt Nam.

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều vấn đề Người căn dặn Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, trong đó “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Vấn đề “đầu tiên” nhưng không phải được viết ngay từ đầu mà vào tháng 5/1968, “khi xem lại thư này”, Người “thấy cần phải viết thêm mấy điểm, không đi sâu vào chi tiết”. Trong “công việc đối với con người”, đối tượng đầu tiên mà Bác Hồ đề cập không phải cho người sống mà là  “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...). Tiếp đến là các liệt sĩ và đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ); những chiến sỹ trẻ trong các lực lượng vũ trang; với phụ nữ; với các nạn nhân của chế độ xã hội cũ; đồng bào nông dân... Mỗi đối tượng xã hội, Bác Hồ lại đưa ra một số giải pháp chủ yếu, cơ bản, nhưng lại rất cụ thể để tỏ lòng biết ơn, hiếu nghĩa cũng như các chính sách nhằm chăm lo, cải thiện đời sống cho họ, trong đó “để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

“Công việc đối với con người” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc không phải chỉ là lời căn dặn cuối đời mà là mục tiêu đặt ra từ bước đi đầu tiên, khi Người đặt chân lên tàu buôn ở Bến cảng Nhà Rồng để tìm đường cứu nước, cứu dân và những bước chân không mỏi suốt cả cuộc đời của Bác Hồ phấn đấu hy sinh vì độc lập, thống nhất đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Điều này thể hiện ở ham muốn của Bác Hồ “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay cả khi nước nhà vừa giành độc lập tháng Tám năm 1945, Bác đã khẳng định rằng “...Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Trách nhiệm với “việc đầu tiên”, trước hết thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam, do vậy, Bác Hồ căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Thực hiện những ham muốn, khát vọng và nhất là những lời căn dặn của Bác, ngay sau khi ước nguyện của Người về độc lập dân tộc, thống nhất đất nước được thực hiện, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh trong hoạch định đường lối, kế hoạch đề ra chiến lược, chính sách phục vụ con người, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, với tinh thần “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, sau khi có Di chúc của Bác thì chúng ta phải trải qua 7 năm (1969-1975) để hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước; 13 năm (1977 - 1989) phải tiến hành cuộc chiến đấu ở hai miền biên giới để bảo vệ lãnh thổ, đồng thời vượt qua sự bao vây, cấm vận của các nước, các thế lực thù địch.

Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó đặc biệt phải kể đến các chủ trương, chính sách cho con người, vì con người mà cụ thể là cả hệ thống chính sách an sinh xã hội (ASXH). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”; thực hiện “chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất, gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội”.

Việt Nam đã xây dựng được hệ thống ASXH toàn diện và đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia trợ giúp các đối tượng có công với cách mạng, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Hệ thống chính sách ASXH được triển khai đồng bộ, nhiều ban chỉ đạo được thành lập, trên ba phương diện: khả năng tiếp cận các dịch vụ công của các đối tượng; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua quỹ tín dụng; phát triển kết cấu hạ tầng ở các địa phương phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn.

Một góc thành phố Phủ Lý hôm nay.

Nhờ có các chính sách ASXH bao phủ rộng khắp nên các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được đi học tăng lên, tỷ lệ mù chữ giảm xuống. Đến nay, chúng ta đã phổ cập trung học cơ sở, đã xóa được “xã trắng” về giáo dục mầm non. Các tỉnh và các huyện miền núi đã có trường nội trú, bán trú cho các học sinh dân tộc thiểu số và số học sinh, sinh viên học tại các trường đại học, cao đẳng tăng lên đáng kể nhờ chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên vay vốn, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, từ thiện. Hoạt động tham gia BHYT, BHXH ngày càng thu được hiệu quả cao, đối tượng ngày càng được mở rộng theo hướng bền vững với các hình thức, BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; bảo hiểm thất nghiệp, BHYT. Đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm tăng nhanh là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các cơ quan, tổ chức trong công tác tuyên truyền và vận động mọi người dân tham gia.

Thực hiện hiệu quả trụ cột cơ bản của chính sách ASXH đã tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; bình quân mỗi năm Việt Nam tạo ra 1,5 - 1,6 triệu việc làm mới. Người lao động trong khu vực chính thức đã qua đào tạo ngày càng cao trong tổng số lao động; tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức thấp, tỷ lệ thiếu việc làm cả nước giảm thấp; chất lượng việc làm, năng suất lao động, thu nhập bình quân đều tăng... Phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ thất nghiệp chung xuống dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.              

Chính sách ASXH đã góp phần tích cực vào bình đẳng giới, bước đầu góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vấn đề về nhà ở và nước sạch cũng được giải quyết tốt hơn. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới thực hiện thành công bước đầu Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2012 - 2015, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở miền núi, hải đảo, vùng ngập lũ, vùng bị nhiễm mặn, cải thiện cơ bản tình trạng sử dụng nước không bảo đảm an toàn; chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại nhiều khởi sắc cho nông dân, khu vực nông thôn cả nước.

Nếu như trong báo cáo phát triển con người năm 1990 của UNDP cho chỉ số HDI của Việt Nam năm 1990 là 0,472 (nhóm các nước có chỉ số thấp), thì năm 2018, chỉ số này của Việt Nam là 0,694 đứng 116 trong tổng số 189 nước tham gia xếp hạng, chỉ cần đạt thêm 0,006 điểm để nâng hạng lên mức “Phát triển Con người Cao”, trong đó phải kể đến thành tựu trong xóa đói giảm nghèo, chính sách giáo dục và chính sách y tế.

Tuyên bố Thiên niên kỷ có 08 mục tiêu chứa đựng nội dung của phát triển bền vững. Tại Việt Nam, giai đoạn 15 năm (2001 - 2015), tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao, trở thành nước có thu nhập trung bình, đặc biệt là trong vòng 1 thập niên (giai đoạn 2011- 2015), Việt Nam đã hoàn thành vượt mức một loạt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ như: xóa đói giảm nghèo cùng cực; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; thúc đẩy bình đẳng giới; đạt nhiều tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế như giảm tỷ số tử vong mẹ và tỷ suất tử vong trẻ em; đạt mục tiêu về kiểm soát sốt rét và bệnh lao cũng như đẩy lùi tỷ lệ lây lan HIV/AIDS. Đó là thành tích nổi bật, kết quả rõ rệt mà Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế đã thừa nhận trong quá trình thực hiện “công việc đối với con người” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn 50 năm về trước.

Vũ Lân

Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy