"Tôi tự hào là con của người lính đảo"

Đó là chia sẻ của Thiếu tá Trần Thị Thu Hà, Phòng Hậu cần, Công an tỉnh, con gái của Anh hùng liệt sỹ Trần Đức Thông, Tham mưu trưởng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng IV Hải quân, người chỉ huy trực tiếp cao nhất tại huyện đảo Trường Sa trong sự kiện 14/3/1988.

Một ngày cuối tháng 6, trên facebook của một người bạn có đăng một bài thơ và một tấm ảnh chụp nữ thiếu tá công an cầm bó hoa đặt lên đàn cúng cầu siêu khóc nức nở. Tôi nhận ra chị là Thiếu tá Trần Thị Thu Hà, Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Hà Nam, con gái của Anh hùng liệt sỹ Trần Đức Thông, Tham mưu trưởng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Vùng IV Hải quân, người chỉ huy trực tiếp cao nhất tại huyện đảo Trường Sa trong sự kiện 14/3/1988. Chúng tôi hẹn gặp nhau trước giờ chị đi công tác xa, một cuộc trò chuyện mang nặng hoài cảm…

Anh hùng liệt sỹ Trần Đức Thông, Tham mưu trưởng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Vùng IV Hải quân.

Bận rộn là thế, nhưng thấy tôi đến, chị xin phép gác lại công việc một tiếng để nói chuyện với tôi. Đôi mắt sâu thẳm vừa chất chứa nhiều nỗi niềm, vừa ánh lên niềm lạc quan của chị cho tôi một cảm tình đặc biệt. Chị hơn tôi 6 tuổi, sinh ra đúng lúc đất nước đang chiến tranh. Bố chị là người xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, tên là Trần Đức Thông, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và bị thương. Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, ông cùng với cán bộ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm Trường Sa, từ chuyến đi này, ông muốn xin chuyển sang Hải quân, đi xây dựng đảo. Gắn bó với biển đảo hơn 10 năm, Trung tá Trần Đức Thông đã có nhiều công sức xây dựng và phát triển các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Thuyền Chài… Ông từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa. Chị Hà kể:

- Khi bố chị công tác ở Trường Sa, ba mẹ con chị đang ở thị xã Phủ Lý. Theo quy định, 18 tháng lính đảo mới được về phép một lần, mỗi lần ông về cũng mất gần chục ngày cho việc đi lại. Vào đúng dịp Tết Mậu Thìn 1988, dạo ấy là tháng 2 dương lịch, ông được nghỉ phép về ăn Tết cùng gia đình. Đúng ngày mồng 2 Tết, ông nhận được lệnh phải trở lại đơn vị gấp, lúc đó còn nửa tháng nữa mới hết phép. 11 ngày sau đó, ông lên đường, từ biệt gia đình. Chị hỏi bố, có chuyện gì không? Ông không nói gì, nhưng chị biết rằng, tình hình Biển Đông lúc đó đang rất căng thẳng, Trung Quốc đang lấn chiếm một số đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Ở nhà, không ai biết cụ thể chuyện gì đang xảy ra ngoài ấy. Có lẽ vì chị là con gái, gần gũi với bố nên cảm nhận được nỗi trăn trở của ông. Thực sự, khi ông ra đi chuyến ấy, không ai nghĩ, đó là chuyến đi cuối cùng.

Và, chị vẫn tiếp tục viết thư cho bố?

- Đúng như thế. Tối hôm 20 tháng 3 năm 1988, chị viết thư cho bố như bình thường mà không hề biết rằng bố đã hy sinh từ một tuần trước đó. Bởi vì, sau ngày 13/3, cứ cách vài ngày, ở nhà ba mẹ con lại nhận được thư của bố. Ông hỏi thăm tình hình ở nhà, dặn mọi người đừng có lo lắng gì. Lúc chị cầm bút viết cho bố là khi đài đang phát những bài hát về Trường Sa, nhớ bố không chịu được, đầu óc cũng chẳng tập trung được vào chuyện học hành nữa, muốn viết để tâm sự với bố. Ba tuần bố xa nhà rồi, chị nói với bố là nhà nhận được 3 lá thư và bưu phẩm bố gửi về, nói về tình hình học hành của mình, nói về lá thư bố chị gửi cho thầy giáo chủ nhiệm… Tất cả chỉ vỏn vẹn một mặt giấy. Giờ lá thư ấy đang được giữ ở Bảo tàng Hải quân (Hải Phòng), vì không có người nhận!

Khi ấy chị có cảm thấy bất an không?

- Có! Tối hôm 26 tháng 3, chị và em trai chị vừa học xong, thấy rất mệt nên lại mở đài nghe ca nhạc. Tự nhiên có thông tin từ radio nói Trung tá Trần Đức Thông bị thương nặng vào đầu, vẫn đứng ở mũi tàu chỉ huy cho đến lúc hy sinh. Hai chị em nhìn nhau, lạnh người đi và vẫn chưa tin, vì ở đơn vị ấy có hai người cùng tên là Thông. Nhưng sau đó, thông tin được nhắc lại, chị đã nói với em mình giấu đài đi, không để mẹ nghe thấy. Nhưng không ngờ, mẹ cũng từ bệnh viện về, đi tìm chiếc đài để nghe tin tức. Trong bản tin muộn, thông tin về tình hình ở Trường Sa được phát lại, mẹ đã ngất lịm đi. Ba mẹ con ôm nhau nức nở. Không có gì đong đếm được nỗi đau tột cùng ấy, tất cả như chìm xuống biển sâu…

Lúc ấy chị đã 17 tuổi rồi, cái tuổi rất nhiều rung động, đa cảm lắm!

- Ừ, mặc dù chị là người cứng rắn nhưng lúc đó cảm xúc khó tả lắm! Cả ba mẹ con rơi vào trạng thái suy sụp kinh khủng, nhất là mẹ chị. Bà nằm bệt từ hôm ấy, sút 15 kg. Bà không tin là ông đã hy sinh, trong lòng cứ hy vọng biết đâu ông còn sống. Nhưng rồi sau đó, khi những đồng đội của bố chị trở về, trong danh sách những người còn sống không có tên ông. Mẹ chị mới thực sự chấp nhận sự thật với nỗi đau không gì lấp đầy được. Bà nâng niu từng kỷ vật của bố còn lại, những bộ quần áo, chiếc chăn, cái võng dù. Chị tận mắt nhìn thấy cái hố của nỗi đau xoáy tận đáy mắt bà mỗi lần bà cầm chiếc chăn của ông gấp để đầu giường mình như thể ông đang ở đó, ở cạnh bà… Rồi chỉ cần nghe một bài hát về Trường Sa, cả gia đình chị lại lịm đi trong nỗi đau đớn, nhớ thương.

Nghe nói, bà mất năm 2005 vì đột qụy?

- Mẹ chị bị đột qụy mất năm 2005, chẳng kịp nói gì với các con. Bố chị hy sinh nằm lại Biển Đông, còn mẹ thì ra đi lặng lẽ. Chị thương bà, cả đời làm vợ, thời gian được ở cạnh chồng cộng dồn chưa được một năm. Ông bà dành cho nhau sự yêu thương, trân trọng lắm.

Những người lính Trường Sa vẫn ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển đảo. Ảnh: baokhanhhoa.vn

Với chị, ông có ảnh hưởng như thế nào đến tính cách, tác phong và suy nghĩ?

- Có chứ, rất nhiều là khác! Ông gần gũi và chân thành. Ngoài ấy khan hiếm rau xanh, về nhà được ăn rau thoải mái, ông vẫn tiết kiệm. Ông kể cho chị nghe ngoài ấy cái gì cũng phải tiết kiệm, nhất là rau và nước ngọt. Tiêu chuẩn mỗi người chỉ có 3 lít nước một ngày, dùng để tắm, đánh răng, rửa mặt. Muốn có rau xanh thì tiết kiệm nước tắm, dùng để tưới. Cuộc sống ngoài khơi mênh mông khắc nghiệt, nhưng bố lại không bao giờ nói đến vất vả hay những hiểm nguy rình rập. Ông luôn lạc quan và dạy con tinh thần ấy. Mỗi lần ông về, ông dạy chị gấp chăn, gấp quần áo theo đúng nền nếp quân đội. Phong thái của bố cũng ảnh hưởng đến các con, nhà chị lúc nào cũng phải sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.

Sau này, chị đã biết được thêm những chuyện gì về bố?

- Chị đã gặp được đồng đội của bố chị, rồi qua các phương tiện truyền thông, biết được rành rọt cuộc chiến của những người lính Gạc Ma ngày 13/3 của 30 năm về trước. Hôm ấy, bố chị theo tàu HQ - 604 vào Gạc Ma. Ông tổ chức lực lượng khảo sát, xác định vị trí cắm cờ, dựng nhà. Đến 4h sáng hôm sau, trong khi tất cả đang tiếp tục bốc dỡ vật liệu từ tàu lên đảo thì phát hiện có 4 tàu Trung Quốc tiến tới, dùng xuồng máy đổ quân lên đảo để nhổ cờ, chiếm đảo. Bố chị đã báo cáo tình hình về Sở chỉ huy, sau đó lệnh cho đồng đội dùng xuồng máy cơ động tiến vào bãi cạn đảo Gạc Ma bảo vệ cờ. Khi ông báo cáo tình hình với Sở chỉ huy, ông nói "Dù địch vây ép, dù mất tàu, chúng tôi quyết không lùi". Quân Trung Quốc quá hung hăng, nã đạn trực tiếp vào các chiến sỹ của mình, dùng pháo 100mm bắn cấp tập khiến tàu HQ-604 bị chìm xuống biển. Cuộc chiến ấy đã làm cho 64 cán bộ, chiến sỹ bảo vệ Trường Sa hy sinh, trong đó có bố chị…

Nỗi buồn nào rồi cũng nguôn ngoai, vết thương nào rồi cũng lành. Từ khi mẹ mất, chị thay mẹ làm tất cả mọi việc cùng với em trai. Năm 2013, chị may mắn được ra Trường Sa thăm nơi cha mình đã ngã xuống. Biển dâng trào những con sóng lớn vùi dập mũi tàu, nhưng không tài nào dìm nén được nỗi đau xót khi chị nhìn xuống biển sâu. Chị nức nở trước biển trời mênh mông. "Bố ơi! Bố đang ở đâu giữa biển khơi mênh mông?". Đó là chuyến đi bắt đầu cho những hành trình sau đó, mở đường cho chị và  những người thân đến với Trường Sa. Chị nói: "Chị tự hào vì mình là con của người lính đảo. Chỉ có điều đó làm chị thấy nguôn đi mọi nỗi đau…".

Giang Nam (Thực hiện)

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy