Sức mạnh chính trị tinh thần trên tuyến vận tải biển chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, tuyến đường Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử của mình và mãi mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như một bản anh hùng ca bất hủ, khẳng định sự sáng tạo vĩ đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của quân và dân ta.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước ta vẫn tạm thời chia làm hai miền, miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng bào miền Nam ruột thịt vẫn phải sống dưới ách quân xâm lược và bè lũ tay sai. Mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn. Quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội đã trở thành ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung và của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Hải quân nói riêng.

Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng

Ngày 13 tháng 01 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II đã xác định rõ nhiệm vụ và vạch ra đường lối cho cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới, khẳng định con đường giải phóng miền Nam phải bằng con đường cách mạng bạo lực. Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ 15 về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5 năm 1959, Tổng Quân ủy quyết định thành lập một cơ quan nghiên cứu mở đường vận tải trên bộ để đưa lực lượng, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 7-1959, Tổng Quân ủy đã quyết định tổ chức đường vận tải trên biển.

Từ việc “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” được thành lập tháng 7 năm 1959, có nhiệm vụ mở đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam, đã tổ chức chuyến vượt biển đầu tiên, song gặp phải bão gió, sóng to, thuyền bị hỏng lái, chuyến vượt biển không thành nhưng tuyến đường vận tải trên biển vẫn giữ được bí mật tuyệt đối; rồi những chuyến tàu từ miền Nam vượt biển ra Bắc vừa thăm dò, mở đường, vừa nghiên cứu phương tiện vận chuyển trên biển, nếu có điều kiện thì chở vũ khí về, đến việc ra đời Đoàn 759 với nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển đã đánh dấu quyết tâm không gì lay chuyển nổi của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về chi viện sức người sức của cho cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam ruột thịt.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường mà cán bộ, chiến sỹ ta vừa tận dụng được những thuận lợi lại vừa phải vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm. Vùng biển của ta gắn với Biển Đông rộng lớn, có đường hàng hải quốc tế đi qua với mật độ tàu thuyền đi lại rất đông. Ven biển Nam Bộ có nhiều kênh rạch, nhiều tàu bè của dân cư làm ăn là điều kiện thuận lợi để lực lượng vận tải của ta có thể lợi dụng để trà trộn với thuyền dân vận chuyển hàng hoá chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, vùng biển đảo từ vĩ tuyến 17 trở vào phía Nam do Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiểm soát, khi xa bờ, việc xác định vị trí tàu sẽ gặp khó khăn vì vùng biển mới, lạ và ít các mục tiêu địa văn. Địa hình khu vực miền Trung nước ta lại trống trải hơn, khó khăn cho công tác nguỵ trang tàu thuyền. Hơn nữa, các yếu tố địa hình, thời tiết, khí hậu thuỷ văn như bãi cạn, đá ngầm, bão gió, dòng chảy, sương mù, đêm tối… cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển chi viện miền Nam.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là nơi hội tụ đầy đủ sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sức mạnh chính trị - tinh thần trên tuyến đường chiến lược vận tải biển là biểu hiện của ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội; tình cảm của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn; tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, ý chí, quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ, lòng dũng cảm, sự thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam. Họ luôn luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, thông minh, quyết đoán, táo bạo, nhất là những lúc hiểm nguy, sẵn sàng lao thẳng vào tàu địch, chiến đấu đến phút cuối cùng để bảo vệ vũ khí, trang bị, giữ bí mật về chủ trương của Đảng, về con tàu, về bến, bãi. Đó là tinh thần vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ác liệt khi phải đối mặt với kẻ thù, với thiên nhiên, với những tình cảm riêng tư để bảo vệ bí mật cho con đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Những chuyến vượt biển là những chuyến đi của tình đồng chí, đồng đội, lòng yêu thương gắn bó như anh em ruột thịt, đồng cam, cộng khổ, sẵn sàng nhận khó khăn, hy sinh về mình, giành thuận lợi, sự sống cho đồng đội, của tinh thần đoàn kết, kề vai sát cánh chiến đấu giữa quân đội với nhân dân; của tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức và hành động kỷ luật tự giác, nghiêm minh của cán bộ, chiến sỹ Hải quân.

Sức mạnh chính trị - tinh thần trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển được biểu hiện phong phú, sinh động trong các hoạt động của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam và của đồng bào hai miền Nam Bắc trong phục vụ chi viện sức người, sức của cho miền Nam chiến đấu và chiến thắng.

Đó là hoạt động của cán bộ, chiến sỹ Hải quân trong việc trực tiếp vận tải chở vũ khí, trang bị và bộ đội từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam trong những chuyến đi đầy khó khăn, gian khổ và căng thẳng. Mỗi một chuyến tàu ra đi, cán bộ, chiến sỹ phải đối mặt với những thiếu thốn, nhọc nhằn, những sự cố trên đường, những lần gặp địch, những lúc lạc bến, những ngày thả trôi, đói khát, say sóng và mưa nắng thất thường; thậm chí ra đi là xác định cảm tử, xác định hy sinh. Đó là, hoạt động của đồng bào miền Bắc trong việc giúp cán bộ, chiến sỹ Hải quân ổn định nơi ăn ở để làm nhiệm vụ, tham gia làm nhiệm vụ đóng tàu từ tàu gỗ đến tàu vỏ sắt và tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí, trang bị để các đoàn tàu vận chuyển vào Nam. Đó là hoạt động của đồng bào và chiến sỹ miền Nam trong việc tìm kiếm bến, bãi, bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, vũ khí và bảo vệ các con tàu. Đó là sự giúp đỡ, đùm bọc, chở che của nhân dân địa phương, các đơn vị ở các bến, bãi đối với cán bộ, chiến sỹ trong những điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù và sự khắc nghiệt của địa hình, khí hậu, thời tiết.

Hình ảnh những đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: VOV.VN

Như vậy, sức mạnh chính trị - tinh thần trên tuyến đường chiến lược vận tải biển là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần vào thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sức mạnh ấy được bắt nguồn từ những nhân tố cơ bản sau:

Một là, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin, lý luận về chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vào điều kiện cụ thể của chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng ở nước ta; kế thừa và phát huy truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của dân tộc ta; kết hợp với những kinh nghiệm quý báu của quân đội và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa vào điều kiện cụ thể của nước ta để đề ra đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo.

Đó là đường lối chính trị lãnh đạo toàn dân hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đồng thời tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời ra sức tranh thủ viện trợ quốc tế.

Đó là quyết định đúng đắn của Bộ Chính trị, của Tổng Quân ủy về tổ chức đường vận tải chiến lược trên biển để đưa lực lượng, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng ta là kịp thời chi viện vũ khí đạn dược cho lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam đánh thắng các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và tay sai. Chính đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta là ngọn cờ tập hợp lực lượng, động viên, cổ vũ quân và dân ta nói chung, cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng phát huy tinh thần yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

Hai là, sự quan tâm chỉ đạo, động viên, cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Đêm 11 tháng 10 năm 1962, chuyến thuyền gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng lên đường đi Cà Mau… Ra tiễn đoàn thủy thủ có các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà… Đồng chí Phạm Hùng thay mặt Trung ương Đảng căn dặn và đặt niềm tin vào các thủy thủ…

Đồng chí Bông Văn Dĩa thay mặt anh em hứa hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng bộ và nhân dân Nam Bộ. Và khi tin vui thắng lợi của  chuyến chở vũ khí đầu tiên vào Cà Mau được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bác Hồ đã điện biểu dương cán bộ, chiến sỹ, công nhân đã đóng góp công sức lập nên chiến công xuất sắc đó. Bác đã chỉ thị: Nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí hơn nữa cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam - Bắc sớm sum họp một nhà(1).

Ba là, sự quan tâm giúp đỡ của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến và tinh thần, ý chí quyết tâm của đồng bào, đồng chí miền Nam trong việc quyết tâm vận chuyển lực lượng và vũ khí chi viện cho miền Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa là nơi chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam chiến đấu và chiến thắng. Sức mạnh chính trị - tinh thần trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển bắt nguồn từ sự quan tâm giúp đỡ, cổ vũ to lớn của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Đúng như V.I.Lênin đã khẳng định: “...Mọi biện pháp giúp đỡ của hậu phương đối với Hồng quân đều lập tức tăng cường sức mạnh của Hồng quân, nâng cao tinh thần của họ, giảm bớt số người ốm đau và tăng thêm năng lực tấn công của họ”(2).

Trong khi chờ phương thức vận chuyển vũ khí từ miền Bắc bằng đường biển vào miền Nam, dưới dự chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh Nam Bộ đã tích cực, chủ động chuẩn bị bến, bãi và cho thuyền ra miền Bắc vừa thăm dò, mở đường, vừa nghiên cứu phương tiện vận chuyển trên biển và nếu có điều kiện thì chở vũ khí về miền Nam. Từ giữa năm 1961 đến đầu năm 1962, mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng 5 con thuyền của Nam Bộ đã ra tới miền Bắc và những người con của thành đồng Tổ quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đón tiếp ân cần.

Bốn là, thường xuyên tiến hành tốt công tác đảng, công tác chính trị cho cán bộ, chiến sỹ trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tiến hành tốt công tác đảng, công tác chính trị là một trong những biện pháp quan trọng để củng cố và phát triển tinh thần chiến đấu của quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải tăng cường công tác chính trị... tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”(3).

Để phát huy sức mạnh tổng hợp, trước hết là sức mạnh chính trị - tinh thần, đồng thời, khắc phục những khó khăn của ta trong việc thực hiện nhiệm vụ  trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển, trong công tác chuẩn bị mọi mặt cho hoạt động của lực lượng vận tải trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 759 - tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay đã tập trung sức tiến hành nhiều biện pháp, hình thức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Ngay sau khi được thành lập, cùng với công tác tập luyện kéo lưới, chịu đựng sóng gió, lấy phương hướng theo sao, theo địa hình…là công tác bồi dưỡng chính trị và xây dựng quyết tâm cho cán bộ, chiến sỹ. Tập đoàn đánh cá Sông Gianh đã tổ chức nhiều đợt học tập để nâng cao giác ngộ chính trị, lập trường giai cấp, ý thức căm thù địch cho cán bộ, chiến sỹ, từ đó xây dựng tinh thần dũng cảm, hy sinh, chịu đựng gian khổ. Trong qua trình hoạt động, công tác Đảng, công tác chính trị đã tiến hành giáo dục chính trị, tư tưởng một cách hết sức sâu rộng, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa to lớn về nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Những biện pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, đặc biệt là những bức thư, điện động viên của Bác Hồ, của Quân ủy Trung ương, của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc  nghĩa to lớn về nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển, trên cơ sở đó xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, quyết chiến, quyết thắng.

Như vậy, có thể thấy sức mạnh chính trị - tinh thần trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển là kết tinh của sức mạnh tinh thần dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước được nâng lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Sức mạnh chính trị - tinh thần đó bắt nguồn từ đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sự quan tâm giúp đỡ, động viên, cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương, của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam, đến ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam và việc thường xuyên tiến hành tốt công tác đảng, công tác chính trị trong cán bộ, chiến sỹ trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Sức mạnh chính trị - tinh thần trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã được khơi dậy đến đỉnh cao trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với “Đại thắng mùa Xuân 1975” góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tự hào về sức mạnh chính trị - tinh thần vô địch của quân đội và nhân dân ta nói chung, của cán bộ, chiến sỹ trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng, lực lượng vận tải Hải quân tiếp tục phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng; thực hiện tốt phương hướng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trước hết là xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần, trên cơ sở đó phát huy tốt vai trò của vũ khí trang bị kỹ thuật, của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam... tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng (Viện trưởng Viện KHXHNVQS)

Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4/12/2015

Theo Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển (Nhà xuất bản Hồng Đức)

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy