Đường Hồ Chí Minh trên biển: Nơi tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước, quyết tâm thống nhất đất nước của toàn dân tộc Việt Nam

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, có hai con đường được ghi danh vào lịch sử vĩ đại của dân tộc, đó là đường Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích lớn lao của dân tộc, là biểu tượng sáng chói về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, về ý chí kiên cường quyết tâm thống nhất đất nước của toàn dân tộc. 50 năm trôi qua nhưng ký  ức về con đường vẫn hiện rõ trong tâm khảm của từng cán bộ, chiến sĩ và trong  lòng mỗi người dân Việt Nam. Khi nhắc đến con đường này, chúng ta tự hào rằng: Quân đội ta, nhân dân ta, thông qua việc mở đường trên biển, đã chứng minh cho thế giới thấy được, trong cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, chủ nghĩa yêu nước tỏa sáng ở mọi lúc, mọi nơi trên đất Việt Nam, mà đường Hồ Chí Minh trên biển là một biểu tượng cao đẹp.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ (1954) được ký kết, đất nước bị tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam lại phải tiếp tục trường kỳ kháng chiến. Trong những ngày gian lao đó, đồng bào miền Nam ruột thịt thiếu thốn nhiều thứ, trong đó thứ thiếu nhất là vũ khí chiến đấu cho lực lượng vũ trang. Để giải quyết khó khăn này, ngày 23-10-1961, Đoàn 759 ra đời và gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho mở đường vận chuyển chiến lược trên biển nhằm cung cấp vũ khí cho Nam Bộ. Từ đó, đường vận tải chiến lược trên biển và cũng là đường Hồ chí Minh trên biển, được hình thành.

Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đường Trường Sơn trên bộ là hai tuyến đường huyết mạch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Con đường này đã tượng trưng cho ý chí sắt đá, lòng quả cảm và trí sáng tạo của dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ, nhưng dám đương đầu với tên đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Những cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích trong vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam. Ảnh dantri.com.vn

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được hình thành, phát triển trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt khi đất nước bị kẻ thù xâm lược thì chủ nghĩa yêu nước như làn gió thổi bùng lên ngọn lửa kháng chiến của cả dân tộc. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chủ nghĩa yêu nước biểu hiện ở quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc, quyết tâm kháng chiến giải phóng đất nước, cho dù đường đi có muôn vàn phong ba, bão tố và kẻ thù xâm lược giàu mạnh hơn ta rất nhiều; lòng kiên định của mỗi con người Việt Nam tự nguyện tham gia trên con đường đầy gian khổ nhưng vẫn lạc quan và tin tưởng vào tương lai sáng lạn và ngày toàn thắng của cả dân tộc; những bộ óc thông minh, sáng suốt của những cán bộ lãnh đạo của Đảng và quân đội ta ngày đêm trăn trở tìm phương thức mở đường vận tải chiến lược trên biển để phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Không những thế, lòng yêu nước còn thể hiện qua những người tham gia mở đường và vận chuyển trên chiến trường. Họ dám xả thân vì cuộc kháng chiến của dân tộc mà không đòi hỏi điều gì ngoài ước muốn đất nước được độc lập, thống nhất. Họ yêu nước bằng những đóng góp cụ thể của mình, âm thầm chấp nhận mọi thử thách, gian nguy cho con đường tồn tại với những chuyến hàng vào bến an toàn. Những hình ảnh tươi đẹp đó đã tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những biểu hiện chói ngời nhất.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự quan tâm sâu sát của Bác Hồ, những ngày đầu tìm cách mở đường trên biển, ta gặp muôn vàn khó khăn: không có người thạo nghề đi biển dài ngày, thiếu phương tiện chuyên chở và chưa có bến nhận hàng ở các tỉnh ven biển phía Nam là những thách thức lớn. Nhưng với ý chí kiên cường của dân tộc có truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước nồng nàn và khát vọng giải phóng Tổ quốc khỏi ách ngoại xâm, Đảng ta, Quân đội ta đã và thực hiện thành công trong việc mở tuyến đường vận tải trên biển. Con đường đã hình thành và bắt đầu những chuyến đi thắng lợi cho dù kết quả vận chuyển những chuyến đầu còn khiêm tốn. Tập san Quốc phòng của quân đội Sài Gòn, số 18 năm 1968 có đoạn viết: “Việt Cộng chở vũ khí vào Nam bằng đường biển là mạo hiểm, cuồng tín, không sao hiểu nổi”. Đô đốc Hải quân quân đội Sài Gòn là Nguyễn Hữu Chí viết: “Đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển”. Nhiều học giả trên thế giới, những tướng lĩnh nước ngoài có kinh nghiệm chuyên sâu về vận tải chiến lược trong chiến tranh và cả những khách tham quan du lịch đến Việt Nam, khi tìm hiểu về đường Hồ Chí Minh trên biển, họ đều có chung cảm nhận kinh ngạc xen lẫn khâm phục chúng ta về con đường và những người làm nên con đường đó.

Trước hết, là sự quan tâm sâu sát của Bác Hồ về con đường và những người tham gia hoạch định mở đường. Cùng với Bác, các đồng chí trong Bộ Chính trị như đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và các đồng chí khác trong Trung ương, đều dốc hết tâm sức để theo dõi, chỉ đạo sâu sát quá trình mở đường và duy trì các hoạt động của con đường suốt 12 năm. Tháng 10 năm 1962, khi những chuyến đi đầu tiên được khai thông, những tấn vũ khí đầu tiên đưa vào được Cà Mau, Bác Hồ rất vui mừng và Người đã gửi thư khen ngợi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Bức thư của Bác có đoạn viết: “...Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc”.

Không chỉ có Bác và Trung ương Đảng, những cán bộ, chiến sĩ mở đường trong những ngày đầu và sau này trực tiếp hoạt động nhiều năm trên con đường đó cũng thể hiện lòng yêu nước thiết tha, chí căm thù giặc sâu sắc. Họ đã gạt bỏ mọi riêng tư, hết lòng hết sức vì sự tồn tại và phát triển của con đường mà họ hiểu rõ: có thể bị địch bắt hoặc hy sinh khi làm nhiệm vụ, nhưng vẫn quyết tâm sống chết vì con đường. Họ là những nhân chứng cụ thể về lòng yêu nước mà Bác Hồ và Đảng ta đã truyền cho họ. Nói đến những cán bộ, chiến sĩ của đường Hồ Chí Minh trên biển, ta không thể không nhắc đến các đồng chí Bông Văn Dĩa, Hai Tranh, Tư Phước, Bảy Cửu và nhiều đồng chí khác, là con em đồng bào miền Nam vượt biển ra Bắc để chuẩn bị cho những chuyến đi mở đường đầu tiên của Đoàn 759. Nhiều chuyến đi thành công trong những năm tháng sau này đều do các cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng, là con em đồng bào Nam Bộ và các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 759 - Đoàn 125 Hải quân đảm nhiệm.

Những năm đầu đánh Mỹ, thông qua đường vận tải trên biển, ta đã đưa được hàng trăm tấn vũ khí vào miền Nam. Nhờ có vũ khí chuyển vào, ta mới có chiến thắng vang dội ở Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), Vạn Tường, Dương Liễu, Bầu Bàng (1965)…, làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước, kẻ thù phải khiếp sợ, kinh hoàng. Thắng lợi trên con đường vận tải chiến lược đưa vũ khí vào Nam là kết quả của tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc của cán bộ và chiến sĩ ta, những người ưu tú nhất, đại diện cho ý chí và nghị lực người Việt Nam khi đất nước bị kẻ thù chia cắt. Trên con đường gian lao vất vả đó, đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Nhiều chiếc tàu “Không số” đã phải nằm lại biển khơi.

Tên tuổi của những chiếc tàu và các anh hùng liệt sĩ như: Nguyễn Phan Vinh, Dương Văn Lộc, Trần Nhợ, Nguyễn Văn Hiệu và nhiều đồng chí khác sẽ mãi mãi sống cùng trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam mà các anh là những người đã góp xương máu của mình để viết nên trang sử đó. Những chuyến đi không thành công, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên tàu không trở về, sự mất mát rất lớn lao nhưng không nản lòng những con người trên đường vận tải. Trái lại, càng làm cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 tăng thêm quyết tâm, rèn dũa ý chí để tham gia những chuyến đi mạo hiểm hơn, trước sự kiểm soát chặt chẽ, gắt gao giữa biển khơi của địch.

Trong gần 14 năm hoạt động liên tục và bền bỉ, trong đoàn chưa có cán bộ, chiến sĩ nào chùn bước, kể cả những người bị địch bắt cũng dũng cảm chấp nhận hy sinh, kiên quyết bảo vệ bí mật con đường. Thật cảm động trước hình ảnh những người chuẩn bị xuất bến trước mỗi chuyến đi giữa đêm tối mênh mông, đều giơ cao tay thề trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng hy sinh vì những chuyến hàng. Những hình ảnh đó của cán bộ, chiến sĩ trên đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu hiện rực rỡ nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.

Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ thể hiện chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà còn là biểu tượng quyết tâm thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Đầu năm 1962, khi đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra Bắc được Bác Hồ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, Bác hỏi: “Các chú ra đây có yêu cầu gì với Trung ương nào?”. Tất cả đều đồng thanh: “Thưa Bác, chúng cháu ra đây có một nguyện vọng là xin được thật nhiều vũ khí để về đánh giặc”. Câu trả lời đơn giản đó đã thể hiện quyết tâm đánh giặc, mong mỏi đất nước thống nhất của 14 triệu đồng bào miền Nam. Nếu không khát vọng thống nhất để Nam, Bắc một nhà thì làm sao những cán bộ của con em đồng bào Nam Bộ lại vượt hàng nghìn hải lý, qua bao giông tố của biển khơi, dưới mọi hiểm hoạ của kẻ thù để ra Bắc xin được cung cấp vũ khí mang về đánh giặc. Thậm chí, có những đồng chí như: Tư Quang hay Võ Tất Thành biết chuyến trở về trên tàu chưa có vũ khí, đã kiên quyết không chịu về tay không, xin được ở lại để khi có vũ khí mới quay về Nam Bộ. Những hình ảnh đẹp đẽ của đồng bào và cán bộ miền Nam kể trên, là tấm gương tiêu biểu, đại diện cho ý chí quyết tâm giải phóng, khát vọng thống nhất đất nước của toàn dân tộc.

Tình đoàn kết quân dân giữa cán bộ, chiến sĩ trên đường vận tải và sự che chở, đùm bọc của nhân dân các địa phương ven biển thật sâu sắc và cảm động. Từ những chuyến vượt biển đầu tiên của đội thuyền Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, đến khi thành lập “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” và sau đó là Đoàn 759 - Đoàn 125, con đường vận tải trên biển của ta vẫn nằm trong lòng dân, được nhân dân các địa phương đùm bọc, che chở. Nhân dân các tỉnh Nam Bộ,trực tiếp là cán bộ và nhân dân ở các bến mà tàu ta cập vào như: Vàm Lũng, Rạch Kiến Vàng, bến Cà Mau, Ba Làng An, Hòn Hèo, Vũng Rô, Ninh Phước v.v. Đã hết lòng vì cách mạng, không quản ngại hy sinh, chờ đợi ngày đêm để đón tàu vào bốc dỡ vũ khí.

Thật cảm động trước tấm lòng của bà Mười Vinh (Vũng Tàu) đã bỏ tiền riêng để đóng tàu cho các chiến sĩ cùng với con trai của bà vượt biển ra Bắc. Những du kích ở Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre chia nhau từng thùng đạn, khẩu súng vừa nhận được giữa đêm tối để vận chuyển về nơi cất giữ an toàn. Họ nâng niu từng gói hàng, quý trọng từng khẩu súng, viên đạn của đồng bào miền Bắc chuyển vào, góp sức cùng miền Nam đánh giặc. Tấm gương chiến đấu, hy sinh của bộ đội địa phương Phú Yên cùng du kích trong nhiều ngày đêm (2.1965) bảo vệ và giải vây cho những chiến sĩ tàu 143 vào bến Vũng Rô bị lộ, phải huỷ tàu để rút lên bờ, sau đó hành quân ra Bắc an toàn. Biết bao nhiêu đồng bào và chiến sĩ không thể kể hết tên, đã thể hiện khí phách của người Việt Nam với quyết tâm đấu tranh thống nhất đất nước, đã đem nhiệt tình cách mạng của mình để bảo vệ và giữ vững con đường máu lửa mà cán bộ, chiến sĩ của ta đang hành quân trên đó.

Công tác hiệp đồng trong chuyên chở và bốc dỡ vũ khí giữa đầu cầu miền Bắc với miền Nam, giữa tàu với bến trong lúc vào, ra của những chuyến hàng cũng được tổ chức chặt chẽ. Mỗi khi tàu rời cảng vào Nam là bến nhận đã sẵn sàng cả về người và phương tiện để bốc dỡ nhanh, giải phóng tàu khẩn trương, giữ bí mật tuyệt đối cho con đường vận chuyển. Có những chuyến bến vào bị lộ, địa phương đã tìm mọi cách báo cho tàu biết để chuyển bến an toàn, giao hàng ở địa điểm khác, không để tàu và vũ khí rơi vào trận địa phục kích của kẻ thù. Những hoạt động đó là biểu hiện sinh động của tấm lòng Nam Bắc, của cán bộ và chiến sĩ trên con đường, cùng với nhân dân các tỉnh ven biển, nơi có tàu đi và đến, cùng chung ý chí quyết tâm: Thống nhất nước nhà.

Ở miền Bắc, hàng ngày hàng giờ, bằng những việc làm thực tế của mình, cán bộ và chiến sĩ cũng cố gắng hết mình để miền Nam được giải phóng. Từ việc lo cho cán bộ miền Nam chỗ ăn, nghỉ đến đi tham quan các địa danh nổi tiếng của miền Bắc; tham gia sửa chữa hoặc đóng mới những con tàu “Không  số” sao cho thật nhanh và chất lượng để có phương tiện chở vũ khí vào Nam. Đó là hình ảnh cao đẹp của quân và dân miền Bắc, muốn kề vai sát cánh với đồng bào miền Nam ruột thịt mong mỏi chờ ngày thống nhất đến gần hơn.

Tham gia vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ có cán bộ miền Nam mà cả cán bộ, chiến sĩ là con em miền Bắc của Đoàn 125, kế tục truyền thống của những người đi trước, vận chuyển thành công những chuyến hàng vào Nam trên con đường mà những người đi trước đã mở. Khó có thể kể hết ra đây tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên biển hoặc bị địch bắt, bị tù đày cho đến ngày miền Nam giải phóng mới gặp lại. Những mất mát quả là lớn lao, nhưng với khát vọng tự do độc lập, quyết tâm thống nhất đất nước, những người con ưu tú của dân tộc ta đã tự nguyện nhận lấy mọi hy sinh, vất vả về mình. Họ trung kiên vì sự sống còn của con đường mang tên Bác để có ngày chiến thắng.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam, nơi tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước và quyết tâm thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Chỉ có Đảng ta, Quân đội ta, cùng nhân dân hai miền Nam, Bắc giàu lòng yêu nước, với ý chí và nghị lực phi thường mới mở được đường mòn trên biển. Nhìn lại lịch sử chiến tranh trên thế giới, chưa ở đâu lại có con đường vận tải chiến lược độc đáo như đường Hồ Chí Minh trên biển của Việt Nam. Con đường ấy, cùng với đường Trường Sơn trên bộ, đã tô đẹp thêm truyền thống kiên cường bất khuất của một dân tộc anh hùng.

Năm tháng qua đi, nhiều thế hệ tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển không còn nữa, nhưng ký ức về con đường trên biển vẫn không phai mờ đối với từng cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta và trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta mãi mãi không quên Đoàn 759 - Đoàn 125 ngày nay với những chuyến đi lịch sử trên biển mà con cháu chúng ta hiện giờ nghe kể lại, tưởng như câu chuyện thần thoại. Chặng đường lịch sử hào hùng của Đoàn 125 là niềm tự hào của Quân đội ta và dân tộc ta.

Từ việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã chứng minh chủ nghĩa yêu nước Việt Nam luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc ở mọi thời đại. Suy rộng ra, cả dân tộc ta trường kỳ kháng chiến cũng xuất phát từ lòng yêu nước có sẵn trong mỗi con người và trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước đã được tôi luyện và thử thách trong kháng chiến trước đây, đến nay vẫn tỏa sáng trên con đường đi tới của cả dân tộc – con đường xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả nước bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh”. Tinh thần yêu nước ngày nay đã phát triển lên tầm cao mới, đó là yêu Đảng và Nhà nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu mến những thành quả cách mạng mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng và cả dân tộc ta nói chung đã hy sinh biết bao xương máu mới có được.

Thấm nhuần ý chí quyết tâm thống nhất đất nước trước đây, ngày nay ý chí đó vẫn tỏa sáng trong quân đội và các lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đang sống trong hoà bình, nhưng vẫn còn đó những thế lực nước ngoài âm mưu xâm lược hoặc lấn chiếm biển đảo của ta. Kế thừa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước để lại, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã nâng lên tầm cao mới, đó là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và nhân dân, bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên biển, chủ quyền quốc, gia lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng lớn của Tổ quốc. Những đảo, quần đảo và vùng biển của ta đang bị nước ngoài chiếm đóng, ta phải kiên quyết đấu tranh giành lại, như vậy mới giữ được toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tự hào với truyền thống, tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta cần phát huy vào hoạt động thực tiễn bảo vệ và xây dựng  đất nước “làm chủ được biển của mình, vươn lên trở thành quốc gia mạnh về biển” theo tinh thần Nghị quyết 3 của Bộ Chính trị khóa VI đã vạch ra.

Nước ta có bờ biển dài khoảng 3.260km, diện tích mặt biển hơn 1 triệu km2, cả nước đang hướng ra biển và phát triển kinh tế biển. Biết bao khó khăn đặt  ra cho chúng ta, giống như con tàu nhỏ vươn ra biển lớn. Đất nước còn nghèo, cơ sở vật chất để phát triển kinh tế biển còn thiếu, kinh nghiệm quản lý và khai thác biển của ta còn ít, nhưng trước tiềm năng to lớn của biển Việt Nam, với tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của một dân tộc đã trải qua bao đau thương mất mát trong chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đổi mới, nhất định chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc vùng biển và hải đảo của Tổ quốc, đồng thời xây dựng đất nước mạnh lên, giàu lên từ biển giống như những quốc gia quanh ta đã làm.

Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta đã có ý thức giữ biển và làm chủ vùng biển, từ những Hải đội Hoàng Sa trước đây, đến những Đoàn tàu “Không số” trên biển trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ và sự có mặt của các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các địa phương ven biển, ngày đêm làm kinh tế trên các vùng biển xa để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thời đại nào cũng có người Việt Nam trên biển. Vì thế, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển ngày nay là nghĩa vụ và trách nhiệm của quân đội, của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước. Nhất định chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc, xứng đáng với những mất mát, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng và đồng bào, chiến sĩ cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trung tướng, ThS. Đỗ Đức Tuệ, nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng

Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4/12/2015

Theo Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển (Nhà xuất bản Hồng Đức)

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy