Đồng bằng châu thổ sông Hồng huy động sức mạnh chi viện miền Nam mở cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975

Đồng bằng châu thổ sông Hồng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thuộc địa bàn Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu 3), có vị trí chiến lược quan trọng, vừa là chiến trường trọng điểm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, vừa là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ.

Mùa Xuân năm 1975, quân và dân đồng bằng sông Hồng đã phát huy sức mạnh tổng lực chi viện miền Nam mở cuộc Tổng tiến công chiến lược giành thắng lợi cuối cùng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cuối, quán triệt đường lối, chủ trương cách mạng của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, quân và dân Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn nhận thức sâu sắc: Nhiệm vụ tổ chức, huy động lực lượng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến là một công tác chủ yếu, nhiệm vụ hàng đầu của đảng bộ, quân và dân hai quân khu; công tác huy động lực lượng là trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân.

Đầu năm 1975, quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam, Quân khu ủy hai quân khu tiếp tục xác định: “nhiệm vụ chi viện chiến trường là nhiệm vụ hàng đầu” và phát động mạnh mẽ phong trào: “Toàn Quân khu hướng ra tiền tuyến”, “Toàn Quân khu ra trận”, đẩy mạnh phong trào “Ra quân, ra của, ra chiến thắng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho chiến thắng”...

Thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu. Ảnh tư liệu

Thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, bổ sung lực lượng chủ lực chi viện chiến trường

Vận dụng kinh nghiệm và cách làm hay từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng khẩn trương, cấp bách, Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn gấp rút tổ chức tuyển quân với số lượng lớn. Chỉ trong thời gian rất ngắn, hai quân khu vừa hoàn thành việc tuyển quân theo chỉ tiêu trên giao, vừa tổ chức huấn luyện, kịp thời bổ sung cho các đơn vị bộ đội chủ lực chi viện miền Nam.

Ở Quảng Ninh, Quân khu Tả Ngạn phối hợp với Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành điều la cơ bản, nắm chắc từng địa bàn, chủ động lập kế hoạch tuyển quân, đẩy mạnh xây dựng các phân đội dự bị thành “Đơn vị chủ lực tại xã”. Nhiệm vụ tuyển quân chi viện chiến trường được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các chi bộ, đảng bộ, có sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể. Vào giữa tháng 2/1975, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và nghị quyết của Quân ủy Trung ương về công tác quân sự địa phương trong tình hình mới. Tại hội nghị, Tỉnh ủy phát động phong trào ra quân mùa Xuân, tập trung vào nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất và động viên tuyển quân, thực hiện kế hoạch giao quân cả năm 1975 trong một đợt, một ngày.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 20/2/1975, huyện Đông Triều mở đầu khí thế giao quân của toàn tỉnh hoàn thành gọn một đợt trong một ngày, vượt chỉ tiêu cả năm 5%. Sau Đông Triều, các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, thị xã Uông Bí cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển quân cả năm trong một ngày. Đến giữa tháng 3/1975, các huyện, thị xã còn lại của tỉnh đều hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển quân năm 1975.

Với tinh thần “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt, vì Đà Nẵng - Gò Công kết nghĩa”, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng chọn huyện An Thụy (nay là huyện An Lão, Kiến Thụy và quận Kiến An) làm điểm chỉ đạo công tác tuyển quân đầu năm 1975. Trong ngày 18/3, huyện đã bàn giao vượt chỉ tiêu 10,4%, trong đó xã Quang Hưng vượt 97%, xã Tân Trào vượt 32%... Ngoài chỉ tiêu kế hoạch tuyển quân năm, Hải Phòng còn xây dựng và tăng cường cho Quảng Nam - Đà Nẵng (thành phố kết nghĩa với Hải Phòng) một tiểu đoàn mang tên “Hải Đà” gồm 672 cán bộ, chiến sĩ là công nhân tự vệ các cơ quan, xí nghiệp của thành phố tình nguyện gia nhập quân đội. Ngày 18/3/1975, Tiểu đoàn Hải Đà có mặt ở chiến trường Quảng - Đà. Ngày 29/3/1975, tiểu đoàn vinh dự tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, góp phần làm vẻ vang truyền thống “Trung dũng, quyết thắng” của thành phố Cảng quê hương và truyền thống “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” của Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ cuối tháng 1 đến hết tháng 4/1975, Hải Phòng có 33 tiểu đoàn hành quân vào chiến trường.

Đến ngày 15/4/1975, các tỉnh còn lại trên địa bàn châu thổ sông Hồng đều hoàn thành chỉ tiêu giao quân cả năm trong một đợt. Riêng tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chính phủ biểu dương.

Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân, hai quân khu Tả Ngạn và Hữu Ngạn nhanh chóng bổ sung các đơn vị chủ lực của quân khu chi viện kịp thời cho các chiến trường theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng (bổ sung Trung đoàn Pháo binh 178; tăng cường lực lượng và xe vận tải bổ sung cho Đoàn 510B...).

Huy động vật chất, phương tiện chi viện miền Nam

Để chi viện tối đa sức người, sức của cho quân và dân miền Nam chiến đấu, thực hiện chỉ thị của Hội đồng Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn thành lập Hội đồng chi viện miền Nam tập trung chỉ đạo lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ lao động, sản xuất và huy động tối đa của cải chi viện cho chiến trường. Các địa phương đều dấy lên các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1975 mừng miền Nam giải phóng”, “Giờ làm việc giải phóng miền Nam”, “Thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch”... Tiêu biểu là tỉnh Ninh Bình đóng góp cho Nhà nước 135.000 tấn thóc, tích lũy cho hợp tác xã so với năm 1973 tăng thêm 5.500 tấn; Nam Hà đóng góp cho Nhà nước 110.000 tấn thóc, 9.000 tấn thị lợn, cung cấp riêng cho chiến trường 8.600 tấn lương thực và 4.000 tấn thực phẩm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975...

Những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4/1975, Hải Phòng giữ vị trí là đầu mối giao thông quan trọng chi viện cho chiến trường. Từ Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái ở phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An ở phía Nam, các đoàn tàu hỏa, xe vận tải, ca nô, xà lan dồn dập chở các loại đạn pháo lớn như 130, Đ74, H12, lựu pháo 122, đạn ĐKB, B40, B41... về cảng Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng huy động những đội bốc xếp giỏi nhất cùng hàng trăm xe vận tải, xe chở khách, hàng chục tàu thuyền, xà lan biển tham gia giải tỏa hàng hóa. Trường Lái xe Quân khu Tả Ngạn tham gia giải tỏa được 11.717 tấn hàng, vận chuyển cho quân khu được 845 tấn. Từ thành phố mà 13 năm trước là nơi đầu tiên xuất phát của những con tàu không số bí mật theo Đường Hồ Chí Minh trên biển chuyển vũ khí vào tiếp tế cho miền Nam, những tàu có trọng tải lớn, những đoàn tàu kéo theo xà lan mang tên “Hải đoàn Quyết thắng” xuất phát từ cảng Hải Phòng và cảng Chùa Vẽ kịp thời vận chuyển vũ khí phục vụ cuộc tiến công thần tốc trên chiến trường. Trong số các con tàu trên, có hai tàu vận tải của Đại đội 35 (Quân khu Tả Ngạn) kết hợp với tàu của hải quân vận chuyển quân đổ bộ lên Đà Nẵng, bảo đảm an toàn, đúng thời gian quy định.

Để kịp thời cơ động Sư đoàn 338C của Bộ Quốc phòng đang đóng quân trên địa bàn Quân khu Hữu Ngạn vào vị trí dự bị chiến lược tại Thác Cóc (Quảng Trị), từ 10-28/4/1975, Quân khu Hữu Ngạn tổ chức lực lượng vận tải để cơ động sư đoàn vào chiến trường. Kết hợp với sự chi viện của Bộ, Quân khu huy động xe của các đơn vị thành một tiểu đoàn phục vụ nhiệm vụ vận chuyển. Chỉ trong thời gian ngắn (từ 15- 28/4/1975), lực lượng vận tải quân khu đã thực hiện vận chuyển 215 chuyến xe, kịp thời cơ động Sư đoàn 338C đến vị trí đóng quân theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu.

Chi viện cán bộ tiếp quản vùng mới giải phóng và tiếp nhận an dưỡng, thực hiện chính sách cho thương, bệnh binh

Chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng về việc chi viện chiến trường, làm nhiệm vụ tiếp quản vùng mới giải phóng, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn cùng với Thành ủy Hải Phòng lựa chọn hàng nghìn cán bộ, đảng viên hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, an ninh, quản lý kinh tế, công nhân kỹ thuật, bác sĩ, nhân viên y tế, trong đó có 500 người quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng tham gia tiếp quản các thành phố miền Nam mới được giải phóng. Cán bộ, công nhân Cục Đường biển và cảng Hải Phòng khẩn trương vào làm nhiệm vụ ở các hải cảng mới giải phóng, góp phần ổn định tình hình, cùng nhân dân địa phương xây dựng cuộc sống mới.

Từ tháng 3 đến tháng 5/1975, quân dân ta liên tục thắng lớn, vùng giải phóng được mở rộng. Chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng về việc chi viện kịp thời cho chiến trường, làm nhiệm vụ tiếp quản thu hồi, sửa chữa xe, súng, pháo tại Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn nhanh chóng thành lập hai đội sửa chữa chi viện cho Đà Nẵng.

Ở các tỉnh, thành phố, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan, tổ chức Đảng và chính quyền đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ các ngành từ 300 - 400 người sẵn sàng bổ sung cho các địa phương kết nghĩa miền Nam làm nhiệm vụ tiếp quản vùng mới giải phóng.

Nông dân miền Bắc đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các biện pháp thâm canh, tăng vụ nhằm tăng nhanh sản lượng lương thực, đáp ứng chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

Cuộc kháng chiến của quân và dân ta ngày càng quyết liệt, số lượng thương, bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra ngày càng lớn. Hai quân khu Tả Ngạn và Hữu Ngạn được giao nhiệm vụ tổ chức các đoàn an dưỡng tiếp nhận quân nhân chiến đấu từ miền Nam ra an dưỡng, chữa bệnh và tiến hành giải quyết chính sách cho thương binh, bệnh binh, cán bộ, chiến sĩ không đủ sức khỏe về địa phương hoặc chuyển ngành. Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn đã thống nhất với các tỉnh, thành phố: cơ quan quân khu và các Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố cử một bộ phận gồm tham mưu, chính trị, hậu cần giúp cấp ủy, chỉ huy thành lập các đoàn an dưỡng, điều dưỡng thương, bệnh binh. Quân khu có các đoàn 215, 253, 581, 582, 583. Các tỉnh, thành phố có các Đoàn 151 (Hải Phòng), 153 (Thái Bình), 155 (Hải Hưng), 587 (Hòa Bình), 157 (Hà Bắc)... Mỗi đoàn có từ 5 - 6 khung tiểu đoàn đón thương binh, bệnh binh. Bên cạnh đó còn có Viện Quân y 7, Viện Quân y 5 và các đại đội điều trị của hai Quân khu. Từ năm 1967 đến sau Đại thắng mùa Xuân 1975, hai Quân khu Tả Ngạn và Hữu Ngạn đã đón tiếp và điều trị cho 241.824 thương binh, bệnh binh, trong đó có 52.916 sĩ quan và 188.908 hạ sĩ quan, chiến sĩ. Đã giải quyết bổ sung trở lại quân đội, phục viên, chuyển ngành 48.113 sĩ quan, 171.168 hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Với những thành tích to lớn chi viện sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 nói riêng, quân và dân đồng bằng sông Hồng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 42 đơn vị, và 283 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng hàng vạn huân, huy chương các loại. Quân ủy Trung ương biểu dương quân và dân Quân khu: “Đoàn kết, nghiêm chỉnh, sáng tạo. Chi viện tiền tuyến hết lòng, chiến đấu dũng cảm, xây dựng lực lượng tốt, xây dựng hậu phương vững mạnh”. Chiến công và thành tích đó góp phần đắc lực cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Huy động sức mạnh tổng lực của quân và dân đồng bằng sông Hồng chi viện miền Nam có ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để động viên được sức người, sức của to lớn góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang này là kết quả của cả một quá trình vun đắp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần yêu chủ nghĩa xã hội, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Quân khu. Năm tháng qua đi, cùng với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hậu phương vững mạnh chi viện đắc lực cho tiền tuyén vẫn mãi còn nguyên giá trị.

Thiếu tướng Đỗ Căn, Chính ủy Quân khu 3

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam

Theo Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển (Nhà xuất bản Hồng Đức)

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.