Phòng, chống “bệnh” xa rời thực tiễn

Xa rời thực tiễn là “bệnh” thường thấy của các cán bộ quan liêu. Có những cán bộ chỉ “quản lý trên giấy”, cho ra đời những chính sách, quy định “ở trên trời”, thậm chí bất khả thi. Nhìn rõ nguyên nhân của tình trạng này và tìm cách khắc phục là điều nhất thiết làm.

Những “quy định” cười ra nước mắt

Không khó để liệt kê ra nhiều ý tưởng (đã công khai dưới dạng dự thảo, lấy ý kiến), thậm chí có quy định (đã ban hành) và lập tức gây ra đàm tiếu trong dư luận như: Quy định ngực lép không được lái xe (giải thích là để bảo đảm vận hành xe đúng quy chuẩn thiết kế và an toàn) (!); buộc trang bị bình chữa cháy trên ô tô - vừa không hiệu quả vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khi để trong xe đỗ ngoài trời giữa mùa hè (nhưng được giải thích rằng có thể cứu cháy kịp thời) (!); phạt tiền với hành vi nói bậy ở nơi công cộng, các hành vi xả rác, vứt tàn thuốc không đúng nơi quy định, tiểu bậy và cả hôn nhau (để bảo đảm văn hóa - văn minh đô thị) (!); phạt người đi xe không chính chủ (để bảo đảm trách nhiệm dân sự) (!); xe số chẵn (chỉ) được đi ngày chẵn, số lẻ được đi ngày lẻ (để giảm tắc đường) (!); đám cưới theo “nếp sống mới” không được mời ăn quá 50 mâm, tương đương với 300 người (để tiết kiệm, chống lãng phí) (!), sản xuất rượu thủ công cũng phải xin giấy phép và dán nhãn; chỉ được bán thịt trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ (để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm) (!)… Những ý tưởng, quy định này được đưa ra không đồng bộ với chế tài xử phạt, không quy định rõ nguồn lực nào sẽ được sử dụng và lực lượng nào sẽ được huy động để thi hành, giám sát… Kết quả là những “hoang tưởng” đó chỉ có “tác dụng” làm rối loạn thông tin, làm xã hội hoang mang và hoàn toàn bất khả thi.

Khôi hài hơn, còn có những quy định vô duyên đến mức ngớ ngẩn như cấm làm một ô nhỏ bằng kính trên mặt trước quan tài (được giải thích rằng đề phòng miếng kính rơi xuống mặt người chết và như vậy sẽ bất kính và mất vệ sinh) (? !)(1). Nhân dân bình luận: Bao nhiêu chuyện quốc kế dân sinh không lo, lại lo chuyện không phải của mình (!). Chuyện nguy cơ rơi kính trên quan tài không phải là chuyện để cán bộ ngồi phòng lạnh lo lắng, mà là chuyện của tang chủ phải bảo đảm hiếu kính với người thân đang được tổ chức tang lễ (!).

Còn có thể đưa thêm những quy định kiểu “giời ơi đất hỡi” gây nên những chuyện bi hài. Sự xa rời thực tiễn đó gây ra nhiều phiền toái cho xã hội, làm giảm tính pháp lý của văn bản, gây khó cho công tác quản lý, điều hành và thực hiện. Điều tác hại hơn lại ẩn khuất là gây ra hiện tượng xã hội “nhờn” luật và cán bộ cũng bị “nhờn” nốt. Có văn bản vừa ban hành đã phải thu hồi, thậm chí “chết” từ trong dự thảo. Đã có một quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, trong đó quy định cộng 2 điểm đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng như một chuyện khôi hài... Chỉ 12 ngày sau khi công bố, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải ban hành một thông tư khác để bãi bỏ ưu tiên này(2). Đến nay vẫn có những văn bản khôi hài tương tự chưa chấm dứt.  Một số địa phương quy định các học sinh là con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Đây là quy định phi thực tế vì những người hoạt động cách mạng trước năm 1945 đến nay đã gần 100 tuổi và học sinh thi tuyển vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 chỉ khoảng 15 tuổi.

Bất cứ quy định nào trước hết phải phù hợp với thực tế, với yêu cầu của xã hội và bảo đảm đủ các điều kiện để thực hiện, được nhân dân chấp nhận thì mới có sức sống. Chính sách phải gắn liền cuộc sống và mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Nếu không, chính sách, quy định sẽ “chết yểu”.

Nhìn rõ căn nguyên để phòng, chống

Phòng chống “bệnh” xa rời thực tiễn
Quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng do Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hằng

Những văn bản xa rời thực tiễn, ban hành thiếu cân nhắc, thiếu thận trọng làm cho dư luận phản ứng tiêu cực, gây những bức xúc xã hội và kết cục chung nhất là những quy định đó không được thi hành. Đó là sản phẩm của những “ông quan cách mạng” mắc “bệnh” quan liêu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ về “bệnh” này: “Bệnh quan liêu là thế nào? Nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình. Một thí dụ: Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết, thì không nói đến”(3) .

“Bệnh” xa rời thực tiễn của những “ông quan liêu” xuất phát từ lối tư duy giáo điều và kinh nghiệm. Tư duy giáo điều là phương pháp tư duy vận dụng những quan điểm, những nguyên lý bất biến, không tính đến những điều mới trong thực tiễn, những điều kiện lịch sử cụ thể của chân lý. Trong triết học, chủ nghĩa giáo điều gắn liền với quan điểm phản biện chứng, phủ nhận sự tiến bộ. Trong chính trị, chủ nghĩa giáo điều dẫn tới chủ nghĩa bè phái. Kinh nghiệm là một cực đoan khác. Những người tư duy theo lối này thường phóng đại về vai trò của nhận thức cảm tính, của kinh nghiệm, do đó phủ nhận tính tích cực, chủ động của tư duy sáng tạo. Cả hai lối tư duy giáo điều và kinh nghiệm đều không phải là tư duy khoa học. Đây là lối/nếp tư duy của những người sản xuất nhỏ, là sản phẩm của nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, ở đó logic khoa học chưa được coi trọng. Thực tiễn lặp đi lặp lại ít có sự biến đổi đã “in” vào ý thức lối tư duy kinh nghiệm. Những kinh nghiệm được coi như những “khuôn vàng thước ngọc”. Nhận thức lúc đó đã bị sơ cứng trong lớp vỏ lý luận giáo điều và những kinh nghiệm vụn.

“Bệnh” giáo điều ở Việt Nam xuất hiện phổ biến ở tình trạng xa rời thực tiễn, coi trọng sách vở (đến mức lạm dụng sách). Việc coi trọng (đến mức sùng bái) sách vở trớ trêu lại do đọc sách quá ít hoặc không đọc đến nơi đến chốn... Trích dẫn được thay thế cho suy nghĩ, cho lập luận logic. Những lý giải thoạt nhìn có vẻ giống như lý luận nhưng thực chất chỉ là tổng số những trích dẫn, sao chép suy nghĩ có sẵn hoặc là tổng số những công thức máy móc, đơn điệu, phiến diện. Lý luận đã biến thành “màu xám”, không có sức sống, xa rời thực tiễn, hoặc có một độ “vênh” với thực tiễn, không giúp ích gì trong việc lý giải, chỉ đạo thực tiễn. Từ đó lại xuất hiện tư tưởng coi thường lý luận hoặc nói một đằng, làm một nẻo - nói chỉ là nói “lý luận suông”, làm thì theo kinh nghiệm của cá nhân. Bệnh kinh nghiệm là hậu quả tất yếu của tình trạng kém và thiếu lý luận, tình trạng tiếp thu lý luận một cách giáo điều. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, kinh nghiệm có vai trò quan trọng và rất cần thiết. Không có hoặc thiếu kinh nghiệm, lý luận cũng sẽ không thể đi vào cuộc sống. Nhưng nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm, hơn nữa chỉ là những kinh nghiệm vụn vặt, tất yếu sẽ kém hiệu quả và rất dễ mắc sai lầm.

Hai “căn bệnh” trên là “di chứng” tư duy của một nền sản xuất chưa được mở rộng và hiện đại hóa. Có thể nhận ra rằng “bệnh” giáo điều, “bệnh” kinh nghiệm ở Việt Nam là nguyên nhân và kết quả của nhau, là cái vòng luẩn quẩn dễ mắc. Do giáo điều về lý luận nên cảm thấy chỉ đạo thực tiễn bằng kinh nghiệm đạt hiệu quả hơn (!). Do thỏa mãn với vốn kinh nghiệm của mình, có thói quen chỉ đạo thực tiễn bằng kinh nghiệm nên coi lý luận là điều viển vông.

Cả hai lối tư duy này đã hiện diện (thậm chí có lúc ngự trị) trong một số cán bộ và đã gây ra tác hại trên các lĩnh vực, cả ở tầm vĩ mô cũng như trong những việc cụ thể. Những “căn bệnh” này có nhiều nguyên nhân: do trình độ tri thức khoa học, lý luận còn hạn chế; do thói quen ứng xử và hành động theo kinh nghiệm từ truyền thống; do ảnh hưởng của cơ chế hành chính, quan liêu kéo dài; do chưa có được một cơ chế đầy đủ bảo đảm các quyền thực sự của nhân dân trong việc kiểm tra giám sát cán bộ; do ý thức tự học tập tu dưỡng của cán bộ kém...

Cũng nhìn từ những quy định, chính sách (đã) không tương thích và phải điều chỉnh có thể thấy ý nghĩa của thực tiễn, của những bài học thực tiễn, của quan điểm thực tiễn. Thực tiễn sinh động là căn cứ để điều chỉnh, sửa chữa những sự không tương thích trong chính sách, quy định để chính sách, quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn và thúc đẩy thực tiễn phát triển đúng hướng, hợp quy luật. Những chính sách, quy định chỉ đúng đắn khi được xây dựng dựa trên sự am hiểu thực tiễn sâu sắc, bởi những người hoạt động thực tiễn năng động và có khả năng tổng kết thực tiễn nên vấn đề đào tạo, rèn luyện cán bộ đáp ứng yêu cầu đó rất quan trọng.

Thực tiễn vận động và biến đổi không ngừng. Những đòi hỏi từ cuộc sống cũng đặt ra yêu cầu sàng lọc, kiểm chứng tính đúng đắn của những chính sách, quy định. Chỉ xin đơn cử hai ví dụ đang có để minh họa cho điều này: Quy định về đăng kiểm ô tô đã có “kẽ hở” sinh ra tiêu cực và “bộ đôi đi kèm” hệ lụy là tham nhũng - hối lộ ở các trung tâm đăng kiểm khắp cả nước, đã phải sửa đổi để khắc phục. Các quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy áp theo các tiêu chuẩn đã lỗi thời với các quy định ngặt nghèo khiến nhiều doanh nghiệp, người dân không thể đáp ứng đang phải tháo gỡ dần. Khi chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, tự nó đã mang tính khả thi và bao hàm cả sức mạnh để thay đổi cái cũ, tạo lập những điều mới, cách làm mới.

1.https://thanhnien.vn/khong-dung-cua-kinh-quan-tai-185400891.htm

2.https://vnexpress.net/bo-uu-tien-cong-diem-cho-me-viet-nam-anh-hung-2850781.html

3.Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr 433

Thiên Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy