Tự ý tăng giá dịch vụ xử lý thế nào?

Bạn đọc Ngô Mạnh Thắng, hỏi: Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, gia đình tôi dự định đi du lịch. Trong quá trình sử dụng dịch vụ, nếu phát hiện nhà hàng, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch "thổi" giá, bán giá cao hơn so với giá niêm yết thì cần báo cho đơn vị nào?

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 10, Chương II, Nghị định 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán không đúng giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ trong cơ sở lưu trú du lịch.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.

Tự ý tăng giá dịch vụ xử lý thế nào
Ảnh minh họa: Thùy Dung

Đối với hành vi treo biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận, Khoản 6, Điều 13, Chương II, Nghị định 45/2019/NĐ-CP nêu rõ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Điều 5, Chương I, Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 4 và Điểm a, Khoản 5, Điều 13.

Cũng theo Luật sư Tuấn, Nghị định 45/2019/NĐ-CP không giải thích rõ thuật ngữ “kinh doanh dịch vụ du lịch khác” được hiểu như thế nào, tuy nhiên theo nhận thức thông thường thì kinh doanh dịch vụ du lịch khác có thể hiểu là những dịch vụ ăn theo điểm du lịch và diễn ra tại điểm du lịch bao gồm: bán vé tham quan điểm du lịch, cho thuê quần áo, ăn uống, xe điện, cáp treo, chụp ảnh…

Do vậy, khi phát hiện hành vi vi phạm, du khách có thể báo cáo sự việc đến Chủ tịch UBND cấp xã nơi có điểm du lịch trong trường hợp mức phạt tiền đến 5.000.000 đồng hoặc báo cáo đến Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có điểm du lịch nếu mức phạt tiền đến 25.000.000 đồng để được giải quyết kịp thời theo luật định./.

ĐCS

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy