Người dưới 15 tuổi có được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng?

Bạn đọc ở tỉnh Lào Cai hỏi: Con gái tôi sinh ngày 19/10/2006, vậy cháu có được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay không? Có những hình thức gửi tiền tiết kiệm nào? Có thể gửi tiết kiệm và nhận chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ hay không?

Ảnh minh họa. (Ảnh: QĐ)

Trả lời:

Nội dung liên quan đến câu hỏi của bạn Trần Thị Thu được nêu tại Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy định về tiền gửi tiết kiệm. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/7/2019.

Cụ thể, Điều 3, Điều 6 và Điều 10 của Thông tư 48/2018/TT-NHNN nêu rõ:

Điều 3. Người gửi tiền

1. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

2. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

3. Công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc chưa đủ 15 tuổi thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật; Công dân Việt Nam có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người giám hộ.

Điều 6. Hình thức tiền gửi tiết kiệm

1. Hình thức tiền gửi tiết kiệm phân loại theo:

a) Thời hạn gửi tiền bao gồm tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Thời hạn gửi tiền cụ thể do tổ chức tín dụng xác định.

b) Tiêu chí khác do tổ chức tín dụng xác định.

2. Tổ chức tín dụng quy định cụ thể về từng hình thức tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng. Quy định về hình thức tiền gửi tiết kiệm phải có tối thiểu các nội dung về phương thức trả lãi, phương pháp tính lãi, kéo dài thời hạn gửi tiền, rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm, các trường hợp người gửi tiền phải thông báo trước việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm.

Điều 10. Đồng tiền nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm

1. Đồng tiền nhận tiền gửi tiết kiệm là đồng Việt Nam, ngoại tệ. Tổ chức tín dụng xác định loại ngoại tệ nhận tiền gửi tiết kiệm.

2. Đồng tiền chi trả tiền gửi tiết kiệm là loại đồng tiền mà người gửi tiền đã gửi. Việc chi trả đối với ngoại tệ lẻ được thực hiện theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.

3. Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của công dân Việt Nam là người cư trú, người gửi tiền và tổ chức tín dụng được thỏa thuận việc chi trả gốc, lãi vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của chính người gửi tiền.

4. Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của công dân Việt Nam là người không cư trú gửi từ tài khoản thanh toán của người gửi tiền, người gửi tiền và tổ chức tín dụng được thỏa thuận chi trả gốc bằng số tiền đã gửi và lãi tương ứng vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của chính người gửi tiền.

5. Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ của công dân Việt Nam là người cư trú gửi từ tài khoản thanh toán của người gửi tiền, người gửi tiền và tổ chức tín dụng được thỏa thuận chi trả gốc bằng số tiền đã gửi và lãi tương ứng vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của chính người gửi tiền.

Căn cứ vào những quy định trên, con gái của bạn sinh ngày 19/10/2006 (chưa đủ 15 tuổi) vẫn được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng với điều kiện phải thông qua người đại diện theo pháp luật.

Mặt khác, theo quy định, đồng tiền chi trả tiền gửi tiết kiệm là loại đồng tiền mà người gửi tiền đã gửi. Do đó, bạn có thể gửi tiết kiệm và nhận chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ.

Theo dangcongsan.vn

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.