Hào khí Đông A còn không?

Sự chung tay, đồng lòng của toàn dân là vũ khí cốt lõi tạo lên tinh thần " Hào khí Đông A"  chiến thắng đại dịch Covid -19

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tấn công và tàn phá hầu hết các quốc gia trên khắp thế giới. Việt Nam, một đất nước vươn mình lớn dậy và đi qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, đánh thắng biết bao nhiêu kẻ thù hung bạo, đã bừng sáng như một “ngôi sao” trong giai đoạn đầu tiên khi dịch bùng phát, khi mà hàng loạt các cường quốc phải điêu đứng. Tuy nhiên, hiện nay đất nước chúng ta đang phải đối diện với tình huống hiểm nguy.

Chính phủ đã rất quyết tâm, nhiều chiến sĩ áo trắng đã xung trận và nhiều người trong họ cũng đã trở thành F0, đã nếm trải khoảnh khắc sinh tử, đã tình nguyện hy sinh cả tình cảm cũng như vật chất của cá nhân, rất nhiều nguồn lực xã hội đã được huy động, nhưng tỉ lệ người mắc bệnh vẫn rất cao, nhiều bệnh nhân nặng đã tử vong, bao nhiêu gia đình phải li tán, chịu cảnh tang thương. Để chiến thắng kẻ địch lần này, có lẽ chúng ta còn cần huy động tối đa hơn nữa mọi nguồn lực, cần sự đồng lòng, sự phối kết hợp chặt chẽ và ý thức kỉ luật hơn nữa của mọi thành phần tham gia, cần phát huy tối đa sức mạnh của “hào khí Đông A”?

Nhớ khi xưa, quân dân nhà Trần đã lập được kì tích, đập tan được 3 lần cuộc chiến xâm lược của đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh, khiến cho vó ngựa hung hãn của đội quân, được gây dựng bởi Thành Cát Tư Hãn (theo tiếng Mông Cổ là Vua của các vị vua), từng tung hoành, chinh phục khắp cả lục địa Á - Âu, đã phải dừng bước ở Đại Việt ta thuở ấy.

Sức mạnh nào giúp chúng ta chiến thắng được đội quân hùng hậu và thiện chiến bậc nhất ấy, đội quân được coi là bất khả chiến bại, đã dựng nên một đế quốc có diện tích đất liền lớn nhất mọi thời đại? Các nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra rằng sức mạnh Việt Nam lúc đó đã hội tụ đầy đủ từ sức mạnh quân sự, kinh tế, văn hóa, nhưng hơn hết chính là tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, tất cả vì xã tắc Đại Việt.

Người Việt chúng ta ai cũng có thể kể nhiều câu chuyện lịch sử minh chứng cho tinh thần này như câu chuyện về Hội nghị Diên Hồng, câu chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam,... Còn một câu chuyện lịch sử khác, ít được nhắc đến hơn, đó chính là tinh thần chiến đấu kỉ luật của quân đội nhà Trần, điển hình là quân Túc vệ, hay còn gọi là Cấm vệ quân. Đối diện với thế giặc quá mạnh, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đã dùng kế “vườn không nhà trống”, rút khỏi kinh thành để tiêu hao dần sinh lực địch, tránh lúc địch mạnh. Tuy vậy, để cản bước của quân địch, những trận chiến quyết liệt là không thể tránh khỏi.

Chính lúc đó, những trận quyết chiến giữa quân Túc vệ nhà Trần với đội quân thiện chiến bậc nhất thế giới thời bấy giờ đã để lại những trang sử hào hùng cho dân tộc Việt. Lúc đó, đối diện với quân kị binh Mông Cổ hung hãn, thiện chiến, người đông, thế mạnh, những đội quân Túc vệ Đại Việt dường như trở nên nhỏ bé. Tuy nhiên, đội quân đó với các kĩ chiến thuật được rèn luyện kĩ càng lúc thời bình, tiến thoái đồng bộ, cùng với quyết tâm cao độ cản bước quân thù, mỗi người lính đã thích lên mình hai chữ “Sát Thát” (dịch nghĩa là quyết diệt giặc Nguyên), họ đã khiến cho quân địch phải thất kinh không chỉ về kĩ năng chiến đấu mà ở tinh thần kỉ luật thép, quyết tâm giữ vững đội hình đến người cuối cùng.

Sau những trận đó, các tướng tiên phong của quân địch đã không còn dám truy đuổi gắt gao nữa. Tinh thần thép “Đông A” đó đã làm nên biết bao chiến công hiển hách, hoàn thành nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, bẻ gãy ý chí kiêu hùng của quân địch, làm chậm bước tiến của chúng và góp phần vào chiến thắng cuối cùng của quân dân Đại Việt.

Nhìn sang nền văn minh phương Tây, tính kỉ luật và tinh thần làm việc nhóm càng thể hiện rõ trong nguyên tắc làm việc cũng như là văn hóa của họ, đó cũng chính là nền tảng của sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc của họ. Những người yêu nghệ thuật thứ bảy hẳn còn nhớ đến bộ phim “300”, một bộ phim mà ấn tượng mạnh mẽ không chỉ về kĩ xảo điện ảnh, không chỉ về độ khốc liệt của chiến tranh, mà còn về sự khát khao mạnh mẽ về hòa bình và lòng tự tôn

Ngày đó ở xứ Sparta, người dân ở một đất nước nhỏ bé phải đối mặt với nguy cơ bị nô dịch bởi một đế chế bạo tàn. Sự sợ hãi bao trùm cả ở nghị viện và trong dân chúng, chống lại đội quân hung hãn và hùng hậu đó chẳng khác nào đi vào chỗ chết.Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Leonidas, 300 chiến binh Sparta đã cấp tốc lên đường giành lấy cơ hội có thể dựa vào địa hình hiểm yếu để chống lại đội quân 1 triệu người, nhằm kìm chân chúng, trong khi một đội quân lớn hơn rất nhiều cần được chuẩn bị.

Họ lên đường vì niềm tin mãnh liệt vào tướng quân Leonidas, vì hiểu biết về chiến trường (đó là hẻm núi Thermopylae, cửa ngõ duy nhất để vào Sparta), vì tinh thần tự tôn, vì biết rằng đó là hy vọng duy nhất để giữ được hòa bình, độc lập cho đất nước, nhưng hơn hết, họ ra đi vì khát khao sự tự do và yên ấm cho gia đình mình. Tại chiến trường đó, họ đã khiến quân thù khiếp sợ không phải chỉ ở sự dũng mãnh, gan dạ mà đặc biệt nhất chính là ở kỉ luật chiến đấu trăm người như một, không hề nao núng. Sứ giả của Leonidas, tướng Dilios - người dũng tướng kề cận của tướng quân, kể lại rằng những người lính đã chiến đấu quên mình vì họ biết rằng mỗi thời khắc họ kìm được chân giặc là mỗi thời khắc hậu phương của họ, gia đình của họ được yên bình. Và người dũng tướng đó với sự ủng hộ của toàn dân đã hoàn thành tâm nguyện của đội quân 300 xứ Sparta , đội quân của tinh thần quả cảm, tính kỉ luật, yêu chuộng hòa bình và tự do.

Ngay lúc đang viết những dòng này, chúng tôi, những chiến sĩ áo trắng, vẫn đang trên tuyến đầu chiến đấu để chống lại bệnh dịch nghiệt ngã, kiên quyết giành lại sự sống cho những bệnh nhân nặng tại bệnh viện hồi sức covid, cũng như các đồng nghiệp khác của chúng tôi trên toàn mặt trận, mỗi người một nhiệm vụ, nghiêm ngặt tuân thủ sự phân công công tác và quyết tâm chiến thắng.

Hơn lúc nào hết, chúng tôi hiểu cái giá phải trả là vô cùng khủng khiếp nếu như không nhanh chóng chặn đứng kẻ địch hung hãn này. Chúng tôi đã rời xa gia đình yêu dấu, rời xa Thủ đô yêu thương, rời xa vùng an toàn của mình, tình nguyện là lính tiên phong, quyết là tấm lá chắn vững chắc chặn đứng đòn tấn công hung ác của kẻ địch covy. Sự quyết tâm khi lên đường của mỗi người lính áo trắng chúng tôi như được nói hộ qua câu thơ trong bài ”Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:

                                          “ Người ra đi đầu không ngoảnh lại

                                              Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

Và để chiến thắng kẻ địch hoàn toàn, ngoài đội quân áo trắng chúng tôi, rất cần sự phối kết hợp chặt chẽ của tất cả các lực lượng, của mỗi người dân trên mặt trận của chính mình, mỗi người chúng ta hãy cùng quyết tâm cao nhất hoàn thành trách nhiệm của mình, tất cả cùng ra trận với tinh thần hào khí “Đông A”. Nhất định, vâng, nhất định chúng ta sẽ ca khúc khải hoàn, vinh quang này thuộc về nhân dân và gia đình yêu dấu của mỗi chúng ta!

ThS. BS. Trần Nam Chung - Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E, 89 Trần Cung, Hà Nội

(viết từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Xa lộ Hà Nội, Quận 9, TP.HCM)

.

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.