Chỉ có thể là học trò

Những ai từng ngồi trên ghế nhà trường hẳn ít nhất một lần tham gia hoặc chứng kiến trò nghịch ngợm “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. 

Những ngày này, học sinh trung học phổ thông vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp đáng nhớ khi cả nước đang dồn toàn lực để chống dịch COVID-19. Kỷ luật trường thi cộng với “kỷ luật” trong phòng, chống dịch được đảm bảo chặt chẽ, chu đáo để kỳ thi diễn ra an toàn, thành công, dù học sinh tham gia kỳ thi phải chia làm hai đợt. 

Chỉ có thể là học trò
Khác với hình ảnh tươi vui, nghịch ngợm hàng ngày, các nữ sinh lớp 12 dường như ưu tư hơn trong phút chia tay. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Dõi theo các em học sinh qua các ngày thi, tôi lại nhớ về khoảng thời gian chúng tôi thi tốt nghiệp cấp ba cách đây hai mươi tư năm. Hồi đó chưa có kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như bây giờ. Thế hệ chúng tôi, học sinh các trường trộn lẫn vào nhau, một phần học sinh thi ở trường, phần còn lại phải sang trường khác trong huyện để thi.

Nhưng việc thi cử thì thời nào cũng thế, căng thẳng và đầy lo âu, hồi hộp. Con cái thi ở trong, bố mẹ đội nắng mưa đứng ngồi không yên ở ngoài đường. Tôi không biết những người từng là học trò thì thế nào, nhưng như tôi bây giờ thỉnh thoảng vẫn mơ thấy mình đi thi. Mà oái oăm thay, lúc thì làm bài không được, lúc thì bút hết mực, lúc thì loay hoay mãi vẫn chưa ra khỏi nhà, đi thi bị muộn… Hốt hoảng và lo lắng. Rồi vì lo lắng quá mà bất chợt tỉnh giấc, khi biết mình mơ mới thở phào nhẹ nhõm. Đúng là ám ảnh chuyện thi cử. 

Học trò sợ nhất đi thi, nhưng học trò cũng có vô vàn kỷ niệm không thể quên. Trong đó, ngày chia tay ra trường luôn là kỷ niệm được lưu giữ lâu nhất.

Lớp tôi chỉ có ba mươi sáu học sinh, gái nhiều hơn trai, tất cả chơi với nhau thân thiết vô cùng. Mỗi khi có dịp được nghỉ, cả lớp tôi rủ nhau leo núi, vào rừng, trèo lên đồi sim, leo lên núi đá..., không nơi nào không lui tới. Tết đến, tụi tôi lần lượt rủ nhau đến từng nhà. Đạp xe từ làng trên đến xóm dưới, rồng rắn qua sông rồi lại lên núi, đi từ sáng tới khi tối mịt. Có khi tới nhà đứa nào đó ngồi chưa nóng chỗ lại tất tả lên xe đi tiếp nhưng rất vui vẻ và háo hức.

Nên khi chia tay cấp ba, tụi tôi lưu luyến, bịn rịn lắm. Trước đó, chúng tôi viết đủ thứ lưu bút vào sổ của nhau, còn dán cả ảnh chân dung, vẽ vời hoa lá cây cỏ. Lưu bút ngày xanh, lưu bút tuổi học trò, nhớ mãi tuổi học trò, mãi mãi tuổi học trò… ti tỉ những tựa bài viết lãng mạn được lưu lại. 

Ngày cuối cùng trước khi chia tay, bọn con gái ngồi trong lớp đứa nào mắt cũng đỏ hoe, có tiếng khóc ở từng nhóm nhỏ. Trong khi đó, một số bạn trai đứng ngoài cửa lớp, một số tản mát ra cái giếng xây của khu tập thể giáo viên gần đó. Cái giếng nông, nước không quá đầu người, thành giếng nhô cao lên nền đất chừng sáu, bảy mươi phân. 

Rồi có tiếng mấy đứa gọi nhau, gọi cả tụi con gái đang tâm sự nhỏ to trong lớp. Tôi thì mít ướt, ngồi một chỗ nước mắt ngắn dài. Rồi bỗng tụi tôi nghe tiếng “ùm” rõ to, thì ra tụi con trai nghĩ ra trò “lưu dấu tuổi học trò” bằng cách “quăng” nguyên một dàn cán bộ lớp… xuống giếng. May là tôi không ra, nếu không thì cũng bị uống no nước vì không biết bơi.

Nhỏ bạn tôi là bí thư lớp cũng bị “quẳng” xuống giếng, nhưng một lát không thấy nó ngoi lên, tụi con trai lại phải nhảy xuống túm nó lôi lên. Trò đùa khiến nhỏ bạn sợ khiếp vía, may là nó không bị sao. Còn giếng nước của thầy cô đục ngầu, bữa ăn tối hôm đó không gia đình nào trong khu tập thể múc nước mà dùng được. Còn tôi thì chỉ cười trừ khi các cô bác là đồng nghiệp của mẹ tôi bảo: -Tại lớp nó đấy, nghịch tinh nghịch ma!

Chỉ có thể là học trò
Những lời chúc dành cho những người bạn thân yêu đã gắn bó được viết lên chiếc áo trắng đồng phục. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Nhưng buổi chia tay hôm đó còn có một trò đùa tinh quái của cánh học trò nữa. Chiếc xe đạp mi-fa của cô giáo chủ nhiệm bỗng không cánh mà bay. Những năm chín mươi của thế kỷ trước, xe đạp là phương tiện chủ yếu. Chiếc xe đạp mi-fa là cả một tài sản khổng lồ, nhất là tại vùng quê nghèo đồng chiêm trũng như chúng tôi. Tất cả nháo nhào đi tìm, cô giáo thì hoảng hốt. Nhưng càng tìm càng vô vọng, không có bất cứ dấu vết nào để lại. Chẳng lẽ chiếc xe đạp không cánh mà bay?

Nhưng rồi, chỗ này chỗ kia, có ánh mắt là lạ của bọn con trai, có những nụ cười mủm mỉm có vẻ khoái chí khi thấy sự lo lắng của bọn con gái. Rõ là không bình thường. Và đúng là thế, sau đó thì lũ chúng tôi phát hiện, ôi, cái xe đạp của cô giáo đã bị mấy chàng học trò nghịch ngợm tháo tung ra, bánh ra bánh, khung ra khung, rồi treo mỗi thứ một nơi lên xà nhà. Giấu thế thì tìm làm sao được!

Nhưng rõ là, tự tháo ra thì lại phải tự lắp lại trả cô giáo. Không biết tụi bạn lắp vào có thừa cái ốc nào không. Cũng may là cô giáo chủ nhiệm không trách cứ gì vì là buổi cuối cùng cô trò gặp nhau. 

Buổi chia tay lớp mười hai của chúng tôi kết thúc như vậy, buồn vui và cả những trò mà chỉ có học trò mới nghĩ ra được.

Học đại học, cũng có nhiều trò nghịch ngợm khác mà cánh sinh viên có thể nghĩ ra. Con gái chúng tôi thường thích ra Hồ Tây nên cuối tuần hay đạp xe tới đây, ngồi ghế đá ngắm hoàng hôn. Thi thoảng tụi tôi mua mỗi đứa một bát tào phớ, vừa ăn vừa thưởng thức nó tan trong miệng với mùi thơm của giọt dầu chuối. Nhưng cả lũ không chịu ngồi yên mà ngó nghiêng các cặp đôi đang tâm sự. Giả vờ đi ngang qua rất vô tình nhưng thực ra là liếc trộm, rồi trong khi họ tỉnh bơ thì lũ chúng tôi mặt lại đỏ bừng lên. Đến lạ.

Bàn tôi có năm đứa con gái, thân thiết đến tận bây giờ, dù đã tròn hai mươi năm ra trường. Ngày ngày trên giảng đường học cùng nhau, đi đâu cũng đi với nhau như hình với bóng. Tụi tôi là những đứa học hành nghiêm túc, hiếm khi nghỉ học kể cả khi ốm. Nếu phải nghỉ vì lý do bất khả kháng thì tiếc hùi hụi buổi học. Thế mà, một lần, lần duy nhất ấy thôi, cả năm đứa đồng loạt nghỉ học đi... xem phim. Cả cái bàn ngay dãy thứ hai trống trải khiến cả lớp không khỏi ngơ ngác. 

Nhưng kỷ niệm vui nhất là ở khu nhà trọ. Khu tôi ở có bốn phòng, đều là sinh viên thuê cả nên lúc nào cũng vui như hội. Mùa bóng đá, anh em trong khu trọ cổ vũ đến khản cả tiếng, có anh chàng học Đại học Mỹ thuật mất luôn cả giọng, nói gì đều phải ra hiệu, ngôn ngữ cơ thể được dịp phát huy.

Hôm ấy, không hiểu vì lý do gì mà phòng trọ của tôi ồn ào, anh chàng không biết làm sao mà nói cho lại vì cả lũ chúng tôi có để ý đâu. Bực quá, chàng mang cái chậu nhôm ra gõ inh ỏi. Lúc ấy chúng tôi mới ngó ra, nhìn mặt chàng mà tôi cười không thành tiếng. 

Cũng ở nhà trọ sinh viên, trò mà cánh sinh viên nghĩ ra và hay trêu chọc nhất là những người bán bánh mì. Đêm mùa đông rét mướt, có hôm mưa rả rích, nghe tiếng rao “bánh mì nóng giòn đây” thì thật mau mắn, mấy đứa trong khu trọ gọi to: -Bánh mì ơi! Cũng ngay lập tức, người bán bán bánh mì dừng xe đạp, ngó vào trong khu nhà trọ.

- Anh ơi, bánh mì nóng không?
- Nóng chứ, nóng hôi hổi ấy. Học đêm mà ăn bánh mì nóng là nhất. Ăn nhé mấy em? 
- Nóng hả anh, thế thì anh đi bán đi không nguội. 

Kèm theo câu nói là tiếng cười rúc rích của mấy cô cậu. Không một lời đáp lại, dường như có một khoảng lặng vô hình. Anh bán bánh mì quay đi, người và xe chìm vào trong đêm rét mướt. Trò đùa tai quái của cánh học trò hồn nhiên đến vô tình. Chúng tôi nào biết, trong đêm giá lạnh ngoài kia, bước chân người bán bánh mì kiên nhẫn qua từng con ngõ hẹp, tiếng rao rơi vào trong đêm.

Chỉ có thể là học trò
Viết lưu bút là một trong những hình ảnh quen thuộc trong ngày bế giảng. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Nhưng suốt bốn năm đại học tôi nhớ nhất ngày Cá tháng Tư của năm học chuyên ngành. Thời chúng tôi học đại học chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đại cương và giai đoạn chuyên ngành. Có những bạn học hết hai năm đại cương đến khi thi vào học chuyên ngành thì trượt, buồn ghê lắm. Hôm ấy trống vào lớp đã mười lăm phút mà chưa thấy thầy giáo tới. Nhỏ bạn ngồi bàn đầu phía trên bàn tôi hôm đó cũng tới muộn, nó nói gặp thầy giáo trên đường, thầy nhờ chuyển lời hôm nay thầy có việc đột xuất không kịp báo nên cho lớp nghỉ học (hồi đó chưa có điện thoại di động để liên lạc như bây giờ). 

Cả lớp tôi như ong vỡ tổ, được nghỉ học luôn là niềm vui vô bờ bến của lũ học trò. Nhưng nghi ngờ hôm nay là ngày Cá tháng Tư, tất thảy đều phản đối:

- Hôm nay ngày nói dối, chả tin.

- Ơ, tớ biết hôm nay mồng Một tháng Tư, hơi đâu mà nói dối làm gì. Vì nói dối hôm nay cũng chả ai tin.

Nhỏ bạn nói thế, mặt tỉnh queo. Có lý quá. Hơn nữa, đã ba mươi phút trôi qua rồi vẫn không thấy thầy giáo đâu, chưa khi nào thầy tới muộn thế. Có khi thầy cho nghỉ thật, thế là cả lớp kéo nhau về hết.

Khi thầy giáo tới lớp thì mọi sự đã rồi, lớp học vắng tanh. Sau hôm đó, cả lớp tôi bị khoa gọi lên yêu cầu làm kiểm điểm. Chỉ có điều, bị “nhắc nhở” mà lũ chúng tôi cứ mủm mỉm cười. Cá tháng Tư mà, một con cá to khủng khiếp. Nhưng chúng tôi cho đến bây giờ thì vẫn cứ nghĩ, chắc các thầy cô thông cảm cho lũ học trò tinh nghịch. Học trò mà, có thể nào không nghịch ngợm và nghịch như thế, chỉ có thể là học trò.

Hoàng Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.