Những cánh thư bay đi đâu

Bây giờ ít ai còn viết thư, nhưng thời của chúng tôi, hầu như ai cũng có những lá thư của riêng mình.

Đầu tiên, đó là những lá thư kẹp trong vở. Không đi đâu xa mà vẫn cứ phải viết thư, ấy là thứ mà cánh học sinh khi muốn thể hiện một thông điệp gì đó với người mình yêu quý, thậm chí là thể hiện thái độ với “đối thủ” vì bất cứ lý do, tình huống nào.

Có rất nhiều cách để “viết thư” gửi trong vở. Nhưng đi học quên vở ở nhà, nghỉ học rồi mượn vở để chép bài là cái cớ thông thường nhất để gửi một lá thư. Khi trả lại vở, lá thư như vô tình kẹp bên trong. Đây là cách mà cánh học trò hay làm. Nhưng có người mạnh dạn hơn thì viết luôn thư vào trong cuốn tập đó. 

Những cánh thư bay đi đâu
Ảnh: XP

Cách này liều lĩnh và vô cùng ấn tượng. Tất nhiên, nếu như đối phương là người e dè, kín đáo, hoặc giả như đối phương vốn không có cảm tình với tác giả của lá thư thì ôi thôi, tình bạn không những khó giữ, mà trang giấy ấy tan tành cũng giống như ánh mắt hình viên đạn có thể chĩa về phía đối phương bất cứ lúc nào. Đáng sợ hơn, là “chiến tranh lạnh” xuất hiện trong không gian lớp học vốn vô cùng sôi động.

Lớp năm, nhỏ bạn tôi, một cô bạn rất xinh xắn và học giỏi, nhận được một lá thư như thế. Cô giáo chủ nhiệm hôm ấy thu vở viết bài kiểm tra văn kể chuyện mang về nhà chấm. Tuần sau trả bài, nhỏ bạn nhận và phát hiện một bức thư được viết ngay trong vở. Là anh chàng con cô giáo, học trên nhỏ một lớp. 

Chàng ta biết mẹ chấm bài của nhỏ ấy, đã lén lấy cuốn tập rồi viết thư. Chàng học cấp hai buổi sáng, nhỏ bạn học chiều. Ngày xưa trường lớp thiếu thốn, cấp một và cấp hai học chung, khác buổi. Cùng trường nhưng không thể gặp, anh chàng chắc nghĩ cách này là hay nhất để làm quen. Nhưng lá thư đó đã không gửi được thông điệp mà chủ nhân của nó mong muốn. 

Nhỏ bạn nhận thư, đầu tiên là mặt mũi đỏ bừng, sau đó là xấu hổ và tức giận. Tất nhiên là nhỏ ấy xé tan bức thư mà chẳng cần đọc hết. Nhưng điều tệ hơn là, từ hôm ấy, nhỏ ấy đi học về không đi đường làng rợp bóng cây như mọi ngày nữa mà chọn lối đi giữa cánh đồng. Lối đi gập ghềnh, có đoạn cỏ mọc tới đầu gối. Ngày nắng thì chang chang nóng, ngày mưa thì chẳng có chỗ nào mà trú. Nàng ấy tránh con đường có ngôi nhà của cô chủ nhiệm. Cánh thư bay đi không khi nào có câu trả lời.

Tiếp đến, có những lá thư trong ngăn bàn. Đó là những lá thư luôn chứa đầy những bất ngờ. Những lá thư không cần dán tem, không cần có phong bì. Chỉ là tờ giấy gấp bốn, thậm chí vo viên như viên kẹo. Anh lớp buổi sáng gửi cho em lớp buổi chiều ngồi cùng bàn để làm quen, rồi có khi lén quan sát qua ô cửa. Bạn cùng lớp viết thư tỏ niềm yêu quý. Lá thư có khi còn gói theo viên kẹo bọc trong giấy bóng màu xanh, đỏ. Khi ấy, hồi hộp nhất là khi nhận thư trả lời. 

Một người bạn tôi rất yêu quý, giờ đang định cư ở nước ngoài, có lần trong câu chuyện ôn lại thời kẹo kéo ngày xưa, kể rằng, bạn ấy đã từng viết một lá thư rất đặc biệt gửi cho cô bạn gái khi mới chỉ học... lớp hai. Một lá thư không lời, nhưng lại là lá thư dài nhất mà bạn ấy viết. Đó là lá thư có hai chữ lồng vào nhau. Đó là chữ đầu tiên của tên bạn ấy và chữ đầu tiên của tên cô bạn kia. Bạn ấy đã nắn nót và viết rất khéo thành hình trái tim, ai tinh ý sẽ nhận ra ngay tên của hai người. Một bức thư gửi thông điệp rất rõ ràng của anh chàng lém lỉnh. Một lá thư gửi đi, đơn giản chỉ là muốn gửi, không cần cô bạn phải trả lời. 

Những cánh thư bay đi đâu
Ảnh: XP

Sau này, khi tôi lớn thêm, đã bắt đầu biết ý nghĩa của hai chữ cái lồng vào nhau, cũng là lúc được nhìn thấy nhiều bức thư như thế của các anh chị học cấp ba. Đó là những lá thư gửi qua bưu điện, có dán tem. Có bức thư bên ngoài dán một chiếc tem, có thư dán hai chiếc tem, chắc là do khoảng cách gần xa, hoặc thời gian nhanh chậm. Đây là những lá thư bay đi và bay đến từ khắp các vùng miền, những lá thư mà chủ nhân của nó đã đủ lớn để biết mình muốn gì và viết những điều mình mong muốn.

Cô phụ trách thư viện kiêm văn thư trường mẹ tôi dạy học mỗi ngày nhận hàng chục lá thư của học sinh. Việc của cô là phân loại các lá thư của từng lớp rồi chuyển trực tiếp cho lớp hoặc đưa lại cho giáo viên chủ nhiệm chuyển giúp. Mẹ tôi mỗi khi lên lớp thường cầm theo các lá thư của học trò.
Có lần tôi nhìn thấy cả một tệp thư dày, có những lá thư ngoài phong bì được viết rất cầu kỳ. Có cả những chữ cái lồng vào nhau, có cả hình vẽ trái tim. Có phong thư bên ngoài vẽ trái tim có một mũi tên xuyên qua, có vài giọt máu nhỏ xuống (tất nhiên là vẽ bằng bút bi đỏ thôi). Rất nhiều lá thư được viết bằng mực tím. 

Cầu kỳ nhất là lá thư vẽ hình một cậu bé có đôi cánh cầm một chiếc cung, vai đeo túi có mũi tên, sau này đọc truyện thì tôi mới biết ra là anh chị lãng mạn đó vẽ hình thần Cupid – vị thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp. Chắc là thư mong thần Cupid bắn mũi tên vàng (chứ không phải tên đồng), để cô nàng yêu chủ nhân lá thư từ cái nhìn đầu tiên (Ấy là sau này tôi suy đoán thế!).

Khi đi học đại học, sinh viên viết thư nhiều vô kể. Thời của chúng tôi, gọi điện thoại phải ra bưu điện, cước gọi rất đắt. Mỗi phút gọi có khi bằng tiền của cả bữa cơm sinh viên, gọi đi xa chẳng hạn từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, tôi nhớ năm 1999-2000 mỗi phút gọi có khi 7.000-8.000 đồng, bằng bốn bữa cơm bụi (sinh viên chúng tôi hồi đó ăn một bữa cơm 1.500-2.000 đồng). Vì thế, viết thư là tiện nhất. 

Thư viết về nhà cho bố mẹ (chủ yếu là xin tiền, sinh viên mà), thư của bạn bè - loại thư này chiếm phần lớn. Từ trường đại học này viết thư cho bạn ở trường khác, dù là cùng trong thành phố. Những lá thư là niềm vui không thể thiếu của sinh viên. Có những lá thư tụi tôi đọc chung, vừa đọc vừa cười rinh rích. Trong các khu ký túc xá, trên những chiếc giường tầng, cả bọn tranh nhau đọc thư, nhất là thư của bạn trai gửi cho nàng nào đó. Có những lá thư đã bị nhàu nát vì cả lũ giằng giật, trước khi chủ nhân của nó được đọc.

Tôi cũng viết thư, hẳn nhiên là vậy. Tôi cũng thích viết mực tím, thông thường như nhiều cô nàng. Giấy viết thư tôi chọn loại in hình hoa văn chìm, các màu khác nhau. Phong bì thì tôi thích tự tay mình làm, cắt giấy và tự gấp chứ ít khi mua phong bì sẵn. Nhưng trong vô số những lá thư tôi viết và nhận, tôi nhớ nhất lá thư đầu tiên. 

Đó là lá thư tôi viết cho em trai mình, khi đó tôi học lớp bốn, em tôi học lớp ba. Tôi đã viết lá thư ngắn chừng năm dòng, hỏi thăm em có khoẻ không, có chịu khó học không, và dặn nó viết thư cho tôi khi nhận được. Lá thư ấy tôi cũng gấp phong bì, viết tên người nhận và người gửi bằng những dòng chữ lên xuống như núi đồi. Mẹ tôi gửi cô phụ trách thư viện kiêm văn thư trường cấp ba mẹ dạy học khi nào lên bưu điện huyện thì mua tem dán rồi gửi giúp. 

Tôi đã hồi hộp chờ khi lá thư được gửi đi và lo lắng không biết lá thư có tới được chỗ của em mình hay không. Nhỡ thư đi lạc thì sao, sao lâu quá không thấy thư trả lời? Một tháng sau tôi nhận được thư của thằng bé, nét chữ cũng nguyệch ngoạc cả trong lẫn ngoài, nhưng tôi yêu con chữ xiêu vẹo ấy. Đó là ngày tôi thấy khoảng cách giữa những con đường, khoảng cách giữa những bến bờ xa cách như gần lại, như không có gì có thể chia cắt.

Hoàng Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.