Thương con chồng không dễ…

“Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.

Ảnh minh họa.

Theo quan niệm của người xưa, những người được gọi là dì ghẻ (vợ kế của cha) thường đóng vai ác kể cả trong cuộc sống đời thường cũng như trong những câu chuyện cổ tích. Nhưng ngày nay, khi đời sống xã hội phát triển, với những tư duy tiến bộ, việc gây dựng và duy trì hạnh phúc trong một gia đình có sự tồn tại “con anh, con tôi, con chúng ta” không còn là chuyện quá khó đối với nhiều người và cụm từ “dì ghẻ” dường như cũng không còn xuất hiện nhiều trong cuộc sống hằng ngày của nhiều gia đình “rổ rá cạp lại”.

Ngay khi có ý định viết về vấn đề này tôi đã nghĩ đến chị và câu chuyện mà chị đã từng chia sẻ. Chị và anh đến với nhau khi hai người đều đã trải qua một lần đổ vỡ hôn nhân và mỗi người đều có một con riêng.

Giống như “con chim sợ cành cong”, chị luôn dè dặt trong mối quan hệ mới này. Một lần bị tổn thương với chị và bọn trẻ đã là quá đủ. Nhưng chính tình yêu, sự chân thành và kiên nhẫn của anh đã làm chị rung động, chị nhận lời yêu và cùng anh đi tiếp con đường dài phía trước, dù biết nó cũng không dễ dàng gì.

Hai đứa trẻ xêm xêm tuổi nhau, không cùng cha, cùng mẹ bỗng một ngày theo anh chị về sống chung trong một mái nhà. Một đứa gọi chị là dì, một đứa gọi anh là chú. Cuộc sống mới ban đầu cũng khiến bọn trẻ bỡ ngỡ nhưng vốn là trẻ con nên chúng cũng làm quen và hòa nhập với nhau khá nhanh.

Yêu anh nên chị yêu tất cả những thứ thuộc về anh. Bằng tất cả tấm chân tình của người mẹ, chị yêu thương, quan tâm, chăm lo cho hai đứa trẻ như nhau, cái quan niệm “con anh, con tôi” dường như không tồn tại trong ngôi nhà của chị.

Chị nghĩ, trong tất cả các cuộc ly hôn, trẻ con đều là nạn nhân của người lớn, những người đã quyết định sinh ra chúng. Vì thế, những đứa trẻ hậu ly hôn bao giờ cũng thiệt thòi và đáng thương; nhất là những đứa trẻ phải sống xa mẹ. Vậy, làm sao để bù đắp những thiếu hụt về tinh thần cho bọn trẻ mỗi ngày luôn là điều khiến chị trăn trở.

Yêu thương và dạy bảo con mình khó một, thì yêu thương và dạy dỗ con người khó mười. Bên cạnh những điều tiếng của nhân gian “dì ghẻ, con chồng” liệu chị có đủ bao dung, đủ yêu thương và kiên nhẫn để có thể đồng hành cùng anh đến cuối con đường???

Thấm thoắt, đến nay cũng đã gần 5 năm anh chị cùng về chung một nhà, hai đứa trẻ giờ đã lớn, ngôi nhà của chị luôn tràn ngập yêu thương. Chị giống như người gieo hạt cần mẫn giờ đến ngày được hái quả ngọt.

Có lần, cậu con trai riêng của anh thắc mắc: Tại sao hai anh em con đã lớn, dì và ba con không sinh thêm em bé? Chị cười bảo: Dì có con và em Dũng đã là quá đủ rồi, sao phải sinh thêm em bé…

Vẫn biết, trong cuộc sống, bất kỳ một người phụ nữ nào khi yêu đều muốn sinh cho người đàn ông của mình một đứa con và chị cũng không phải là một ngoại lệ. Nhưng hoàn cảnh của chị khác, chị không muốn bọn trẻ bị chia sẻ tình cảm vì bản thân chúng đã quá thiệt thòi rồi. Điều quan trọng là chị đang rất hạnh phúc khi có anh cùng bọn trẻ và ngược lại.

Trước đây, nhiều người cũng đã từng hỏi chị: Làm sao để có thể yêu thương con chồng? Chị bảo: Yêu con chồng không dễ nhưng cũng không hề khó, nếu chúng ta bắt đầu từ chữ “thương”.

Thu Minh

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy