kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nếu không có chùa thì cái “Vịnh Hạ Long trên cạn” ở Hà Nam mãi là nơi chăn vịt, thả cá

Nếu không có chùa thì cái “Vịnh Hạ Long trên cạn” ở Hà Nam mãi là nơi chăn vịt, thả cá

Ngồi suy ngẫm trong những ngày nghỉ tết, tôi cứ vẩn vơ, đặt ra các câu hỏi: Nếu doanh nghiệp không xây chùa thì trăm năm nữa có ai biết đến quần thể danh thắng Tam Chúc được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn ở Hà Nam?

Khu Du lịch Tam Chúc được ví như "Vịnh Hạ Long trên cạn" của Hà Nam

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, dư luận cả nước xôn xao chuyện một doanh nghiệp xây chùa “lớn nhất thế giới” ở thị trấn Ba Sao (H.Kim Bảng, Hà Nam) cứ làm tôi day dứt mãi. Khen có, chê có. Thậm chí nhiều người còn cho đây là việc “buôn thần bán thánh”, so sánh số ngôi chùa hiện nay trên cả nước ta với cả đời nhà Lý.

Có người cho rằng với số tiền bỏ ra trên 11.000 tỉ đồng để xây chùa thì nên để vào việc xây trường học, làm đường, làm từ thiện, hoặc lo cho đời sống người dân.

Điều này làm tôi nhớ lại bài báo “Hà Nam được hỗ trợ hơn 418 tấn gạo dịp Tết Nguyên đán 2017” được đăng trên báo Hà Nam ngày 12.1.2017. Thời điểm này, tôi đã có ý định viết trên mạng xã hội để mỉa mai chuyện xây chùa, xây lâu đài ở Hà Nam trong khi người dân vẫn còn phải nhận gạo cứu đói của Chính phủ.

Hà Nam là quê hương tôi, tuổi thơ gắn liền với dòng sông Đáy, sông Nhuệ với núi Rùa, Kẽm Trống, chùa Trinh Tiết (H.Thanh Liêm); núi Đọi, sông Châu hiền hoà (H.Duy Tiên), hang Luồn, đền Trúc (H.Kim Bảng)… Đến bây giờ, trong tâm thức tôi còn chưa thể nào quên Lão Hạc, Giáo Thứ, nhân vật Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở, chị Dậu; với cách nhìn miệt thị người nhà quê chúng tôi của nhân vật Hoàng: "Bán cháo lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết làm uỷ ban thế nào mà bắt nó làm uỷ ban?"... trong các tác phẩm của nhà văn Nam Cao (quê H.Lý Nhân, Hà Nam) nói lên cái nghèo khó của vùng quê đồng chiêm trũng Hà Nam và cái im lìm, lạnh lẽo “vắng như chùa Bà Đanh” (H.Kim Bảng).

Cho đến bây giờ, vào những mùa lũ lụt người dân quê tôi vẫn phải nao núng mỗi khi hay tin: “Hà Nội lụt rồi, nếu lụt to thì phải xả đê Hà Nam, Ninh Bình để cứu lụt cho Hà Nội”. Vào cái ngày đi học cho đến tận bây giờ một số người hay hỏi quê tôi ở đâu? Khi tôi trả lời quê Hà Nam thì người ta lại nói ngay “Quê cầu tõm” chứ gì?”, hay có người lịch sự hơn thì nói “À, Hà Nam danh giá nhất ông Cò”.

Ngồi suy ngẫm trong những ngày nghỉ tết, tôi cứ vẩn vơ, đặt ra các câu hỏi: Nếu doanh nghiệp không xây chùa thì trăm năm nữa có ai biết đến quần thể danh thắng Tam Chúc được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn ở Hà Nam? Nếu không có chùa, liệu khách hành hương có đổ dồn về đây như dịp Tết Kỷ Hợi 2019, hay cái được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” mãi mãi chỉ để là nơi chăn vịt, thả cá và cho những cái “cầu tõm” mọc lên?

Đáng quan tâm nhất là sau khi ngôi chùa và khu du lịch tâm linh này hoàn thành thì sẽ có bao nhiêu người dân có cơ hội có việc làm và kinh doanh buôn bán?. Còn chuyện làm đường, xây trường học doanh nghiệp hảo tâm thì làm, không thể bắt ép. Vấn đề đặt ra là nếu doanh nghiệp làm sai, nhất là về lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng và nguồn tiền có “sạch” hay không mới là vấn đề cần quan tâm.

Chuyện ông Nguyễn Xuân Trường (Tập đoàn Xuân Trường, Ninh Bình) xây chùa to, đúc tượng lớn có khác gì chuyện ông Dũng “lò vôi” (Huỳnh Uy Dũng, Bình Dương) xây khu du lịch Đại Nam, xây núi nhân tạo, chở nước biển từ Vũng Tàu về biển nhân tạo Đại Nam cho du khách tắm. Chưa dừng lại ở đó, ông Dũng “lò vôi” còn dự định xây 18 ngôi đền thờ trong khu vực KDL Đại Nam (đã xây được 6 cái) chưa kể khu Kim Điện được dát vàng.

Nhiều lần tôi hỏi ông Dũng vì sao lại xây nhiều đền, chùa đến như vậy? Ông Dũng đáp: “Thứ nhất là để lại cho con cháu đời sau. Thứ hai nhà báo cứ thử nghĩ, bá tánh thiên hạ có người giàu sang, có người nghèo khổ, người phạm tội, lầm lỗi. Một người phạm tội, lầm lỗi đến viếng chùa, khi họ cúi đầu lạy phật, khấn vái cầu an chính lúc đó tâm người ta thiện nhất. Và ít nhiều tôi đã gieo được chút ít lương thiện nhất cho người ta trong một khoảnh khắc nào đó, dù ngắn, chính là lúc người ta cúi đầu niệm phật”.

Chuyện ông Trường thích xây chùa hay du lịch tâm linh có khác gì ông Phạm Nhật Vượng thích sản xuất ô tô? Ông Đoàn Nguyên Đức xây học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai?… Đó là quyền và sở thích của mỗi doanh nhân. Và người dân Hà Nam đến bao giờ mới thoát khỏi nghèo khó nếu không có những dự án lớn đầu tư vào đồng đất chiêm trũng này?

Hiện nay trên thế giới có khoảng 1,6 tỉ phật tử. Khách du lịch khi đến Thái Lan không thể không ghé chùa Vàng, đến Nhật Bản không thể không ghé đền Asakusa Kannon, đến Ấn Độ không thể không ghé chùa Đại Lộc… Và đến Hà Nam (Việt Nam) thì họ sẽ ghé đâu?

Xây chùa làm du lịch tâm linh, gieo mầm thiện sao so được với những doanh nghiệp đè đầu, chặn xe ngoài quốc lộ để lấy tiền? Sao bằng đi vay tiền của nước ngoài, lấy tiền thuế của dân để chia chác, bỏ túi riêng?... Dù thế nào, riêng tôi vẫn tâm đắc câu nói của ông Dũng “lò vôi” khi xây chùa là gieo lương thiện cho mỗi người khấn phật.

Đỗ Trường (Phóng viên Báo Thanh niên tại TP. Hồ Chí Minh)

Đỗ Trường, Phóng viên Báo Thanh niên tại TP Hồ Chí

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy