Hiệu ứng đám đông

Hình minh họa.

Mấy chục năm trước đã từng có câu chuyện về một đám đông bất ngờ cụm lại, cùng ngửa cổ nhìn lên vòm cây cổ thụ. Ai cũng nghĩ chắc là ở đó có tổ chim, tổ quạ gì đó. Người nọ hỏi người kia: Cái gì đấy? Có chuyện gì thế?  Mãi sau, một chàng trai trẻ mặt tái dại quay sang vị trán hói đứng bên: Bác cũng bị chảy máu cam như cháu à, thì mọi người mới òa lên vì sự “ngớ ngẩn” của mình. Thì ra cậu ấy phải đứng ngửa mặt là vì thế. Chả hề có cái “tổ” con chuồn chuồn nào ở trên cao ấy.

“Hội chứng” chảy máu cam còn gặp ở nhiều nơi. Hễ thấy một vài người bàn việc gì hoặc cùng làm việc gì đấy là y như rằng những người chung quanh bị tác động, bị hút vào vòng xoáy ấy. Tâm lý tự nhiên của con người đó thôi, nó có cả mặt tốt và mặt xấu. Mặt tốt là trước những việc làm tích cực kéo theo được nhiều người học tập, làm theo, từ đơn lẻ mà lan rộng, từ chấm sáng nhỏ thành vầng sáng lớn. Nhiều phong trào thi đua sâu rộng bắt đầu từ một điển hình, từ một công việc bình thường. Còn mặt trái của tâm lý đám đông, hiệu ứng đám đông cũng không ít. Điều này có từ xa xưa, nó xuất hiện trong ca dao, tục ngữ: “Dại bầy hơn khôn độc/ Khôn độc không bằng ngốc đàn”. Nó tạo sức ỳ ghê gớm trong đời sống cộng đồng. Một chủ trương được đưa ra, có một vài người do tâm lý của người sản xuất nhỏ, do lợi ích riêng, bàn chùn, thế là chung quanh dẫu không phản đối nhưng cũng bảo nhau thôi hẵng từ từ, “để yên xem sao”. Lúc đầu còn “lao xao”, sau là đến “nhao nhao”, thành một làn sóng. Bởi vậy cái cũ bám sâu vào đời sống như tắc kè bám đá, cái mới khó vào. Chuyện giải phóng mặt bằng làm đường sá, xây dựng khu công nghiệp, đụng đến đất đai thường gặp sự phản ứng dữ dội là vì thế.

Thời nay, thời internet phát triển, mạng xã hội rào rào phán xét về những chuyện mới, lạ, bất kể đã kiểm chứng hay chưa. Chuyện thế giới ngừng sử dụng máy bay Boeing 737 MAX; chuyện nước mắm-nước chấm; chuyện trẻ em nhiễm sán lợn – bình thường và bất thường; chuyện “thỉnh vong báo oán” ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh; chuyện cô giáo vào phòng nghỉ với học trò… Ôi trời là chuyện! Nhiều người viết lên facebook cứ như nhà điều tra xã hội học, phán như Thánh, quy kết đủ điều.  Họ “mắng” ông sếp nọ là ngu hết phần ngu của người khác.  Họ bảo phải tay họ thì sẽ tóm sống “mụ” nọ cho vào “lò”.  Thế rồi hàng trăm,  hàng nghìn người like, bình luận, chia sẻ. Cái thế giới ảo tạo nên hiệu ứng đám đông mới thật nhanh chóng, khủng khiếp! Nguy hiểm hơn là có tờ báo mạng lại đăng theo facebook mà không hề kiểm tra thông tin.

Thế giới ảo dễ nảy sinh thói a dua, vô cảm. Hiệu ứng đám đông nếu không phải là những hiệu ứng tích cực thì sẽ tác động theo chiều ngược lại. A dua, ăn theo nói leo, nói cho sướng miệng “đổ phải nhà nào nhà nấy phải chịu”, gây nên không biết bao nhiêu phiền toái, oan ức cho người khác, mà khi khiếu nại, thanh minh xong, “được vạ thì má đã sưng”.

Không nên đổ lỗi cho “nhà mạng”. Kỹ thuật công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng chỉ là công cụ. Tạo nên, kích hoạt, lan rộng hiệu ứng hoàn toàn do con người. Trước hết, mỗi người phải là người tiếp nhận thông minh, tỉnh táo phân tích, sàng lọc và lựa chọn thông tin để quyết định, điều chỉnh hành vi của mình. Cao kiến hơn là biết cách tác động, cung cấp, lý giải thông tin, bác bỏ những điều vu cáo, bịa đặt, từ đó có thể biến hiệu ứng xấu thành hiệu ứng tốt.

Trần Quang

Trần Quang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.