Giậu quê, tình quê...

Ảnh minh họa.

Ngày nhỏ, mỗi lần về quê chơi, tôi thích nhất được đi quanh các ngõ xóm quanh co, trên con đường làng lát gạch nghiêng mát rượi, nhà cách nhà bởi những giậu duối, giậu dâm bụt, giậu cúc tần... xanh mướt mắt. Dưới làn mưa bụi lất phất, lất phất rơi, mùa xuân, giậu quê được phủ vàng bởi dây tơ hồng giăng mắc. Hè về, trong ánh nắng chói chang, giậu quê nở đỏ hoa dâm bụt, bao cành duối quả chín vàng, sai chi chít...

Những buổi trưa hè trốn ngủ, trẻ nhỏ thường rủ nhau ra bờ giậu hái hoa, hái duối, chơi trốn tìm, đuổi bắt, đánh bi, đánh đáo... Trồng làm hàng rào ngăn cách, nhưng lũ trẻ cùng tuổi, gần nhà thường hay "khoét" một lỗ hổng đủ người chui để chạy sang nhà nhau cùng chơi, cùng ôn bài cho tiện. Không hề trách mắng, lâu dần, người lớn cũng chọn lối “đi tắt" qua bờ giậu để sang thăm nhau lúc ốm đau; khi san sẻ bát canh chua, nồi ốc luộc...

Không chỉ tô điểm cảnh sắc làng quê, nhiều cây trồng nơi bờ giậu được người dân quê sử dụng làm thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Trong nhà có người cảm cúm các bà, các mẹ ra ngay bờ giậu hái ngọn, hái lá cúc tần đánh cảm, đun nồi nước xông. Đau đầu, đau lưng hái lá ngải cứu sao chườm bệnh đỡ hẳn...

Ông nội tôi từng nói: Ý nghĩa ẩn sâu trong những bờ giậu xanh mát, thân thuộc, yêu thương đó chính là tình quê hương sâu sắc, đậm đà. Sinh ra, lớn lên, rời quê đi học, đi làm ăn xa, những người con quê hương khi nhớ về quê nhà là nhớ về cây đa cổ thụ bên sân đình cổ kính, linh thiêng; nhớ về những cánh đồng rộng bát ngát, ngày mùa lúa chín vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt; nhớ về những giậu quê gắn bó, bình yên - nơi mọi người tranh thủ chuyện trò, thăm hỏi, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống... Trồng với mục đích ngăn cách nhà với nhà, nhưng những giậu quê thân thương lại thể hiện được sự tin tưởng, sự gắn bó mật thiết của tình xóm làng bao năm cận kề sớm tối.

Quê tôi giờ đổi thay nhiều. Nhà tranh vách đất không còn, thay vào đó nhà mái bằng, nhà cao tầng khang trang, kiên cố “mọc lên” san sát. Nhờ đổi mới cách nghĩ cách làm, mạnh dạn đưa cơ giới hóa, đưa những giống cây mới cho năng suất cao vào đồng ruộng… đời sống của người dân được nâng lên; tháng ba ngày tám không còn cảnh nông dân phải “chạy” ăn từng bữa. Đường làng được bê tông rộng rãi, phẳng nhẵn, không còn mấp mô, lầy lội như trước… Ở nông thôn giờ người dân cũng được dùng nước máy hợp vệ sinh, xây công trình phụ sạch sẽ…

Vẫn biết quê hương “thay da đổi thịt” là điều đáng mừng, nhưng mỗi khi có dịp về quê, đứng nơi sân nhà được che nắng bởi mái tôn, bao quanh là dẫy tường rào được xây bằng gạch đỏ chắc chắn, cao lút đầu, phía trên chằng thêm dây thép; hàng xóm láng giềng khi cần gọi cổng mãi mới có người ra mở… lại thấy nhớ, thấy tiếc những giậu duối, giậu cúc tần, giậu dâm bụt… vừa làm đẹp cảnh sắc làng quê, lại sâu đậm tình người chân thật, đầy thương yêu và gắn bó.

Phạm Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.