Chơi trong tự nhiên

Con người là sản phẩm của tự nhiên và mối gắn kết giữa con người với tự nhiên là một mối gắn kết không thể tách rời. Chơi trong tự nhiên, những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, dẻo dai, khéo léo, có kỹ năng sống, đó là cách ông bà ta đã làm và có lẽ chỉ trẻ xưa mới có.

Ảnh minh họa.

Tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn trước đây được thỏa thích vẫy vùng trong tự nhiên. Những trò chơi của chúng hầu như đều gắn với tự nhiên. Ở những miền quê xưa nhà nào cũng có vườn, với đủ loại trái cây như: ổi, mít, na, nhãn,… Mỗi vườn cây sum suê trái là cả thế giới cổ tích của những đứa trẻ. Trẻ trai thì hay leo lên cây lấy quả, bắt ve, hoặc vắt vẻo chơi đùa. Leo từ nhỏ, leo nhiều lần, thành kỹ năng chúng chuyền thoăn thoắt từ cành nọ qua cành kia. Lũ con gái thường hay ngồi ở dưới vườn chơi đồ hàng, đánh chuyền. Những thân cây, cành cây nhẵn bóng vì bị lũ trẻ leo nhiều. Những khoảng đất trống trong vườn nhẵn thín vì trẻ con ngồi. Tự nhiên là điều kiện, tạo cảm hứng cho lũ trẻ sáng tạo ra nhiều trò chơi từ những thứ có trong tự nhiên. Một tàu cau rơi xuống, thế là thành chiếc “tàu kéo” để đứa ngồi lên mo, đứa kéo, luân phiên nhau chạy khắp sân, khắp ngõ cười tít mắt. Bố tỉa, chặt cây, vậy là những cành cây lập tức trở thành chiếc ô tô. Những đứa trẻ leo lên những cành cây đã được chặt vứt ở góc sân, góc vườn, hai tay nắm cành cây như đang nắm vô lăng, người nhún, lắc tít miệng kêu “rỉn rỉn”, và vẻ mặt sung sướng mãn nguyện như đang được lái ô tô thật. Trẻ con ngày ấy quần luôn sờn, rách mông rất nhanh, xoạc đũng vì “cái tội” suốt ngày trèo cây, ngồi dưới đất như thế. Nhưng có sao, bẩn thì lại giặt, quan trọng là chúng được vui chơi thỏa thích cùng gió, mây và không khí trong lành.

Ngày ấy, mỗi ngày đến trường với mỗi đứa trẻ thực sự là một ngày vui, bởi ở đó chúng được vui chơi không bao giờ biết chán. Mỗi buổi đến lớp, đứa nào cũng muốn đi sớm. Trong túi mỗi đứa, khi là bộ chuyền, khi là chiếc dây thừng để nhảy, hoặc cuộn dây cao su, túi nịt, lọ bi,… Trước giờ học, trong giờ ra chơi là khoảng thời gian tuyệt vời của lũ trẻ bởi chúng được thỏa thích nô đùa dưới tán cây xanh mát. Con gái thì góc chơi chuyền, góc nhảy dây, nơi lại chơi chồng nụ chồng hoa, chỗ chơi u. Tụi con trai hay chơi trò đập đầu, đá bóng bưởi, bắn bi…, hầu như không có bạn  nào ở trong lớp. Tất cả đều thỏa thích nô đùa trên sân trường; say sưa, mê mải chơi những trò chơi không bao giờ biết chán.  

Vui chơi là một nhu cầu không thể thiếu ở trẻ. Và vì được chơi nhiều trong tự nhiên, được chạy nhảy, rèn luyện, nên sức khỏe dẻo dai, đầu óc chúng rất nhanh nhạy, sáng tạo, nghĩ ra đủ trò để chơi được ở mọi lúc mọi nơi. Ngay cả trong những công việc giúp bố mẹ như quét nhà, nấu cơm, đun nước, nấu cám cho lợn ăn, hay phụ giúp các công việc nhà nông như: cùng đi cấy, đi gặt, cuốc ruộng, phơi lúa, thu rơm, thì làm chỉ là một phần, còn lại ở đó cũng là nơi để trẻ khám phá, thử nghiệm thế giới xung quanh. Một đứa trẻ mới tập cấy sẽ được mẹ “giao cho” một mảnh ruộng bé ở góc gần bờ. Vui lắm, ai đi qua nhìn thấy cái dáng nhỏ bé dưới ruộng cũng khen ngợi, tỏ rõ sự vui mừng như đón một thành viên mới bước vào nghề nông. Đứa trẻ cũng háo hức vô cùng, rút một nắm mạ bé cầm trong bàn tay bé xíu và tập cấy những cây mạ đầu tiên siêu vẹo, nhưng chúng mừng rỡ vô cùng vì cảm thấy mình đã làm được công việc của người lớn. Chỉ một lúc thôi là chán, mỏi lưng, mệt, chúng quay ra nghịch ngợm, bỏ mạ, be bờ ngay trên ruộng lúa, hay sang con máng cạn bên cạnh be bờ bắt cá, cua lấm bê bết…

 Đi chăn trâu, cắt cỏ, vơ lá về đun bếp thì có nhiều thời gian và được tự do hơn bởi không có người lớn bên cạnh, chỉ lũ trẻ với nhau. Chúng sẽ nghĩ ra đủ trò. Mùa hè thì bỏ trâu tự ăn theo bờ cỏ rồi xuống mương máng bắt cá, hay vồ cào cào cho vào chai mang về rang làm thức ăn. Mùa đông chúng lấy đất dẻo ven mương làm những cái lò nhỏ và nhặt quả phi lao khô cho vào đó đốt, vừa là một thú chơi, cũng là để sưởi ấm, nướng cá, tôm. Mải chơi cũng nhiều khi bị ăn đòn của phụ huynh lắm, bởi để trâu ăn lúa bị làng phạt, hay thèm quá trộm ổi ven đường,… Những cái roi quất vào mông nhớ đời, là những ký ức tuổi thơ không thể quên của lũ trẻ.

Ngày ấy, thời gian bố mẹ bên những đứa trẻ không nhiều bởi gần như nhà nào cũng đông con và các bậc phụ huynh còn mải miết mưu sinh vất vả. Những đứa trẻ cứ vui chơi cùng nhau trong thiên nhiên và lớn lên thường dẻo dai, khéo léo, nhanh nhạy, sáng tạo, có trí tưởng tượng phong phú. Mẹ thiên nhiên vô cùng tuyệt vời!   

Nói về việc vui chơi của những đứa trẻ ngày xưa, để lại đầy ngậm ngùi, tiếc nuối khi nhìn việc vui chơi của những đứa trẻ bây giờ. Tuổi thơ của những đứa trẻ bây giờ, thời gian chính là ngồi, để bị thầy cô nhồi nhét kiến thức, từ ở trường cho đến các lớp học thêm, rồi về nhà là bò ra làm các bài tập theo mẫu. Rảnh rỗi lúc nào chúng cũng ít khi được ra ngoài chơi bởi không có chỗ chơi, hoặc nếu có thì không an toàn. Thi thoảng chúng cũng được bố mẹ cho đến các khu vui chơi để chơi, nhưng thường là mất phí nên thời gian chơi không nhiều, và cũng nhiều khu vui chơi cho trẻ nhưng lại ở trong nhà gắn với các siêu thị ngột ngạt mùi hàng hóa. Trẻ con bây giờ bé tý đã rất thạo đồ điện tử như điện thoại, tivi, nhưng có khi lại không thể phân biệt nổi một vài thứ rau quen thuộc vẫn ăn hằng ngày. Chúng dường như ở trong thế giới ảo nhiều hơn và lạc hậu, ngu ngơ với chính thế giới thực chúng đang sống. Ngay cả trẻ con nông thôn, trừ những gia đình khó khăn trẻ mới phải tham gia giúp bố mẹ, còn lại hầu hết việc chính của các em hằng ngày cũng chỉ có học, học, và ăn. Ít được chơi ngoài tự nhiên, ít được vận động, những đứa trẻ lớn lên gần như tách rời tự nhiên. Và dĩ nhiên sự phát triển thể chất, tâm hồn, tính cách chúng chắc chắn bị ảnh hưởng không nhẹ. Chúng được sống trong điều kiện vật chất, sinh hoạt tốt hơn, có nhiều đồ ăn ngon, quần áo, đồ chơi đẹp,… nhưng không ít người cho rằng chúng thiệt thòi hơn những đứa trẻ ngày xưa bởi không có một môi trường sống tốt nhất cho sự phát triển.

Biết rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giúp con người tiết kiệm sức lao động, làm ra của cải vật chất nhiều hơn. Nhưng việc hủy hoại tự nhiên, sống ngày càng tách rời tự nhiên đã và đang gây ra những lo ngại, ở đây mới nhìn dưới góc độ việc chơi của những đứa trẻ...

Mỹ Tho

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.