Chơi cùng con

Tôi trộm nghĩ rằng nếu có đứa trẻ nào không mê điện thoại, ấy là vì em bé ấy chưa từng được tiếp xúc với điện thoại thông minh và nhất là chưa từng thấy anh, chị hoặc bạn cùng tuổi chơi game trên điện thoại.

Trải nghiệm với thiên nhiên luôn là điều thú vị mà trẻ em cần có - Ảnh: L.N.M.

Con trai tôi từng là một cậu bé chỉ thích cầm điện thoại của mẹ và ném xuống đất cho vui, cho đến khi bé 4 tuổi.

Sức hấp dẫn

Trong một lần gia đình tập trung về đông đủ anh em cháu chắt, bốn đứa con nít đều say mê nhìn vào màn hình điện thoại để xem ông cậu nhỏ tuổi chơi trò ông cảnh sát rượt cậu bé vẽ graffiti bậy. Cậu bé trong game có thể chạy rất nhanh, vượt qua nóc những chiếc xe lửa và ăn được tiền, ông cảnh sát có thể bất thình lình xuất hiện phía sau bất cứ lúc nào...  Trò chơi hấp dẫn đến thót tim.

Sau hôm đó, con bắt đầu nài nỉ tôi cho tải game. Tôi cũng đồng ý và giao kèo là chỉ tải những trò chơi miễn phí, không được làm tốn tiền của mẹ. Nhưng các trò chơi có quảng cáo lẫn nhau, chẳng mấy chốc mà ứng dụng trò chơi con tải về đầy hẳn hai cái màn hình điện thoại.

Sự tiện lợi của game hoặc xem YouTube trên điện thoại rõ nhất là khi cùng bé đi du lịch. Trong chuyến đi hơn 10 ngày của hai mẹ con đến Philippines, những lúc thấy bé chán nản với những bữa ăn hơi lê thê của người lớn, hay lúc cần con ngồi yên trên xe, tôi cho con chơi điện thoại.

Giữa tôi với mẹ tôi có cái nhìn khá giống nhau trong việc hạn chế việc cho con chơi điện thoại. Bé sống chủ yếu với hai người nên rất dễ giải quyết. Dĩ nhiên, mẹ tôi nghiêm khắc hơn. Còn tôi, nhiều lúc vẫn thỏa hiệp để con chơi điện thoại “cho mẹ nói chuyện tí”.

Rồi một lần tôi về nhà, con chạy ra mừng, mẹ tôi nói bâng quơ: “Thằng này, nó mong mẹ nó về để chơi điện thoại chứ gì”, câu nói làm tôi giật mình. Tối đó, khi con hỏi mượn điện thoại, tôi ôm con vào lòng, hỏi: “Con có thương mẹ không, có phải con chỉ muốn gặp cái điện thoại của mẹ thôi không?”. “Không có”.

“Nếu con thích điện thoại của mẹ hơn mẹ thì từ bây giờ, mẹ tặng con điện thoại của mẹ, rồi mẹ không về nhà thăm con nữa con có đồng ý không?”. Bé tỏ ra suy nghĩ trước khi trả lời, và bắt đầu rươm rướm nước mắt. Bé trả lời: “Con không thích điện thoại của mẹ”. Nhưng bé vẫn rất kiên trì: “Tại sao mẹ không cho con mượn điện thoại?”. “Vì mẹ thương con, mẹ không muốn con bị mù mắt. Mẹ không muốn con ham chơi bỏ học”.

Trải nghiệm với thiên nhiên luôn là điều thú vị với trẻ em. Ảnh LNM

Chơi với con để phát hiện khiếm khuyết

Rất nhiều cuộc nói chuyện như thế đã diễn ra giữa hai mẹ con tôi. Có lẽ bé cũng muốn thử xem tôi có kiên trì không hay chỉ cần cố thêm lần nữa thì bé sẽ được điện thoại như với những người khác.

Để bé không chơi điện thoại, trước tiên điện thoại đừng nên xuất hiện trước mặt bé. Sau đó, người chăm sóc trẻ phải nghĩ ra hoạt động để bé chịu chơi và thích chơi. Con tôi không thích các trò chơi ít vận động và phải ngồi trong phòng kiểu như ngồi vẽ tranh, tô tượng.

Bé thích đá banh, chơi bóng rổ, chạy thật nhanh siêu tốc độ, lái xe hơi trẻ con nhiều vòng ở công viên hoặc đi bộ đường dài trong rừng. Buổi tối, bé sẽ thích chơi game tìm cặp hình giống nhau, Uno hoặc chơi xếp gỗ, nói chung là những trò chơi cần sự tương tác của bạn chơi hoặc người lớn. Vì bé đang hoàn thiện nhân cách, thích chiến thắng, không thích thua, có những lúc trò chơi thật sự biến thành màn tra tấn vào đoạn kết.

Nguyên tắc của tôi là cố gắng ngồi chơi ít nhất một ván đàng hoàng với con. Nếu không muốn chơi, tôi sẽ nói: “Mẹ mệt, mẹ chỉ chơi một ván thôi con nhé”. Tuy nhiên, đó là ván chơi mà tôi dành tất cả sự tập trung và vui vẻ chơi.

Tôi cũng không nhường con thắng hoài. Khi con nổi cáu, đá đổ các viên gạch hay quăng các lá bài vì thua, tôi giải thích với con chuyện thắng - thua trong một trò chơi. Chơi cùng nhau là vui rồi, ai thắng cũng được. Dù nói thế nhưng cũng rất lâu bé mới có cải thiện và nhìn chung bé vẫn rất thích thắng và được khen.

Tiêu hóa sự thua, dù là thua mẹ, thua chị, với bé là việc không dễ dàng. Bé thường khóc lóc dỗi hờn khi thua cuộc hoặc đòi chơi tiếp để gỡ. Nếu không chơi với con, bạn sẽ không thấy khiếm khuyết này của con. Vì vậy, tôi khuyến khích bạn hãy cùng chơi để giúp con xây dựng tính cách, chấp nhận thất bại để con đủ sức vượt qua những thử thách khác trong cuộc đời thực về sau.

Trở lại với câu chuyện chơi điện thoại, với ba của bé, người sống ở nước ngoài và không thường về Việt Nam, mọi chuyện có vẻ rắc rối hơn. Ngoài việc đưa con theo cùng đi uống cà phê, anh dường như chẳng nghĩ ra việc gì hay ho ngoài đưa cho con cái điện thoại của mình rồi nằm đó nhìn thằng bé chơi.

Con tôi đã quen, hễ gặp ba là đòi điện thoại, giảm volume cho nhỏ tiếng rồi say sưa coi các thể loại video của những YouTuber từ trong đến ngoài nước. Chúng tôi đã rất căng thẳng với nhau vì chuyện đó. Năm nay con tôi đi học lớp 1. Bé học bán trú từ sáng đến chiều, về nhà bé tập đánh bóng bàn hoặc có những sinh hoạt khác tiêu tốn hết thời gian.

Tôi không còn gặp khó khăn trong việc cấm bé chơi điện thoại nữa vì bây giờ, 10 lần để điện thoại trước mặt bé, chỉ một vài lần bé lấy chơi. Khi viết bài này tôi có hỏi con: “Dạo này con không chơi điện thoại của mẹ nữa?”. Thật bất ngờ khi con trả lời: “Con chán chơi rồi”. Tôi ôm con: “Con đúng là một cậu bé trưởng thành, độc lập. Mẹ thích con như thế”.

Hiện tại con vẫn dùng điện thoại, nhưng cùng với tôi, và để học ngoại ngữ. Chúng tôi học tiếng Pháp với ứng dụng Duolingo. Thật bất ngờ là con thích học và tối nào có mẹ cũng nhắc: “Mẹ ơi học tiếng Pháp”. Không chỉ điện thoại, những thiết bị khác như iPad, tivi, máy chơi trò chơi đều là những thứ nên hạn chế. Tôi có thể trích ra nhiều nghiên cứu, đa phần cho rằng các loại thiết bị kể trên ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển ngôn ngữ, cảm xúc của trẻ và khiến trẻ chậm nói, có xu hướng tự kỷ, béo phì...

Là người phải dựa vào điện thoại để liên hệ công việc, cá nhân tôi thật sự ao ước có một ngày không có công việc cần kiểm tra email hay đọc tin nhắn trên chat group. Ngày đó tôi chỉ ngồi uống cà phê, đọc báo, vẽ tranh hay chơi đàn.

Tôi có thể kiếm vài ngày phép và đi nghỉ để rời điện thoại nhưng khi trở về lại quay cuồng với bao nhiêu tin nhắn, cuộc gọi. Từ quan điểm cá nhân, tôi thật sự biết ơn ai dành cho mình thời gian và những cuộc trò chuyện có chất lượng.

Vì vậy, tôi cố gắng làm điều tương tự với con. Khi nấu ăn tôi cũng gọi con ra chỉ cho bé cắt củ cà rốt, giã đậu phộng... Tôi thấy sau đó bé thường rất tự hào khoe với chị là hôm nay em phụ mẹ nấu canh và ăn rất nhiệt tình.

Tuy nhiên, như chúng ta thường nói, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, con tôi sống chủ yếu cùng bà ngoại, xa ba triền miên, mẹ thì gặp mỗi tuần được hai ngày, việc thống nhất quan điểm trong việc dạy con là rất khó. Bà ngoại không có thời gian đưa đón bé đi chơi thể thao.

Bà cũng không có sức chơi cùng bé sau một ngày buôn bán bận rộn. Dù cấm bé chơi điện thoại nhưng bà bật tivi suốt ngày đêm. Bé thuộc diễn tiến các bộ phim bà xem và bà có vẻ thích thú về chuyện này.

Điện thoại rất hữu ích để kết nối những người ở xa nhau, như tôi hay ba của con, có thể gọi điện và nhìn thấy con từ bất cứ đâu rất dễ dàng. Nhưng điện thoại lại là thứ chia rẽ những người sống gần nhau nếu chúng ta không tiết chế. Những cái ôm, ánh nhìn yêu thương, nụ hôn lên má là thứ điện thoại không thể thay chúng ta trao gửi. Con cái chúng ta cần cảm nhận yêu thương để lớn lên cũng nhiều như cần nước, thức ăn và một mái ấm.

Theo Tuổi trẻ

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy