“Yêu cho roi cho vọt”?

Tranh minh họa.

Nhà anh M. chị H. bán hàng ăn sáng nên khá bận. Cậu con trai của anh chị mới học lớp đầu cấp THCS, khá lầm lỳ. Từ ngày cậu còn học tiểu học, hàng xóm, người làng ra ăn sáng đều khá quen thuộc với cảnh cậu con trai bị bố mẹ quát mắng, nhiều lúc bị đánh vì đủ các lý do: lười, làm đổ vỡ cái này, cái kia, bị điểm kém, nghịch ngợm trong giờ học bị giáo viên phạt,...

Thực ra ai biết gia đình này đều biết cậu con trai hồi nhỏ cũng vô cùng đáng yêu, chỉ là có hơi hiếu động kiểu con trai. Tuy nhiên, anh M., chị H. có quan điểm là: Có dạy dỗ, có roi vọt mới “nhớ”, mới vào nền nếp, mới nên người, nên con cứ sai cái gì, lỡ cái gì là bị quát mắng, bị đánh. 6-7 tuổi cậu bé thích tập xe đạp, bố mẹ không cho, vì bảo còn nhỏ. Một hôm cậu sang hàng xóm, thấy có xe đạp của bạn liền mượn ra đường tập không may bị xô vào một người làng đi xe máy. Cậu bé bị ngã trầy đầu gối nhưng không khóc, vẫn chịu đau dắt chiếc xe bị vênh vành về nhà. Và hàng xóm nghe thấy tiếng thét lên sau đó của cậu ở nhà, bởi những chiếc roi của bố cậu. Buổi sáng ngày nghỉ, hoặc chưa đến giờ đi học cậu thường phải phụ giúp mẹ bán hàng ăn. Vừa bê bát, cậu vừa liếc mắt vào chiếc tivi để góc quán, thế là vấp chân, vỡ bát. Mẹ cậu lại nổi điên dùng đôi đũa đang nấu ăn quất lia lịa vào lưng, vào tay cậu. Cậu hai tay ôm mặt tránh đòn, vừa khóc vừa xin "Ối ối, con xin mẹ, lần sau con không thế nữa". Nhiều người nhìn thấy cảnh ấy can ngăn, nhưng bố mẹ cậu luôn nói: Nó hư lắm, không nghe lời, làm cái gì cũng không nên hồn, không đánh, không mắng bao giờ mới nên người. Bố mẹ nào chẳng thương con, vì thương nên mới đánh, mắng. 

Tuy nhiên, càng bị đánh, mắng, đầu óc cậu dường như càng mụ mị đi, "hậu đậu" hơn, làm cái gì cũng dễ bị đổ vỡ, dễ hỏng, và cậu càng bị quát, đánh nhiều hơn. Cậu thành ra nhờn đòn, "miễn nhiễm" với sự quát mắng, dạy bảo. Giờ thì bố mẹ có đánh, mắng, cậu lặng im không nói gì, nhưng mặt lầm lỳ đầy chống đối, càng ngày càng ít nói chuyện, xa cách bố mẹ. Cuối năm học vừa rồi cậu bị xếp loại hạnh kiểm trung bình vì trong năm học mấy lần đánh nhau, trốn học.

Cuối năm học, hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm mời bố, mẹ cậu lên trường gặp để trao đổi về việc dạy dỗ con. Đi lên trường, bố cậu vẻ mặt lầm lỳ, bực lắm, chắc đang nghĩ tối về sẽ cho cậu một trận no đòn. Mẹ cậu thì ngồi ở phòng hiệu trưởng mà vẫn kêu than khóc lóc: Sao người ta đẻ con ngoan thế, giỏi thế. Sao tôi lại đẻ ra cái giống “rạch giời rơi xuống thế”? Dạy bảo bao nhiêu, dùng cả “biện pháp mạnh” mà sao nó càng ngày càng hư vậy?

Cô hiệu trưởng, chủ nhiệm ôn tồn trò chuyện với hai phụ huynh, nói chính việc quát mắng, sử dụng “biện pháp mạnh” trong dạy dỗ con của họ phần nào khiến con họ ra như thế. Các cô cũng nói trẻ con mỗi cháu mỗi tính, phải lựa theo tính của mỗi cháu mà dạy bảo. Quát mắng, đánh đập không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp, chỉ để lại những ký ức kinh hoàng, ám ảnh trong đầu mỗi đứa trẻ, chỉ khiến chúng ngày càng mất tự tin vào chính mình, chai lỳ cảm xúc, ngày càng xa rời người thân và dễ đi vào con đường xấu. Không biết bố mẹ cậu có nghe ra không, nhưng họ lặng im, nét mặt không còn bực tức mà có vẻ chùng xuống hối lỗi, cảm ơn các cô giáo rồi ra về.

Yên Chính

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy