Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ

Với việc quy định người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia mà lái xe sẽ bị xử lý với mức phạt rất cao, tước bằng lái xe 24 tháng, không chỉ mang lại hiệu quả răn đe đối với người tham gia giao thông mà còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần từng bước hình thành chuẩn mực khi tham gia giao thông. 

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã từng bước đi vào cuộc sống. 

Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ
Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an thị xã Duy Tiên kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 126 vụ TNGT, làm chết 70 người, bị thương 77 người (so với năm 2019 giảm 4 vụ, 8 người chết, 3 người bị thương); lực lượng chức năng lập biên bản xử lý trên 10 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 20 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 1.835 trường hợp, tạm giữ trên 1.700 phương tiện. Trong đó có 468 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Số liệu thống kê này khẳng định sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của lực lượng chức năng trong triển khai và thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt làm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của các tầng lớp nhân dân.

Xác định những ngày đầu triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 trên địa bàn tỉnh sẽ gặp phải những khó khăn nhất định, do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân, vì vậy, để quy định của luật đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thành viên, ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã phối hợp các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn trong các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và tính phòng ngừa, cảnh báo giúp nâng cao nhận thức, giảm  hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT; tổ chức cuộc vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện chủ đề năm ATGT 2020 "Đã uống rượu, bia, không lái xe", trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu gương đi đầu thực hiện. Nhờ đó, đã tạo được chuyển biến tích cực, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông. 

Trung tá Phạm Việt Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) - Trật tự, Công an thành phố Phủ Lý cho biết: Mặc dù, những ngày đầu áp dụng Nghị định 100 cũng có nhiều ý kiến phản đối bởi những quy định khắt khe, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nghị định đã thực sự đi vào đời sống; đạt kết quả tốt, tác động rất lớn đến ý thức, hành vi của người tham gia giao thông và thói quen sử dụng rượu bia vốn tưởng chừng khó thay đổi được của một bộ phận người dân. Giờ đây người dân đã chủ động hơn trong việc tìm phương án đi lại cho mình khi tham gia tiệc tùng, hiếu hỉ hoặc chủ động từ chối những cuộc nhậu. Các nhà hàng trên địa bàn chủ động bố trí lái xe đưa khách về sau khi có sử dụng rượu, bia. Đây là tín hiệu tích cực, góp phần bảo đảm tình hình TTATGT ở địa phương, kéo giảm số vụ tai nạn, va chạm giao thông và những hệ lụy do rượu, bia gây ra.

Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã thực  hiện một cách quyết liệt, nghiêm túc công tác phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là ở khu vực đông nhà hàng, quán ăn, gần các khu công nghiệp. Ngoài ra, các quán bar, karaoke hay những nơi phức tạp về an ninh, trật tự... đều được tiến hành tuần tra, kiểm soát nghiêm túc. Nhờ vậy, đã tạo sự răn đe, phần lớn những người uống rượu, bia đã tự ý thức bản thân không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Anh Hà Mạnh Hải (ở thành phố Phủ Lý) cho biết: Tôi rất ủng hộ quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì nghiêm việc tuần tra, xử lý và thường xuyên công bố số người bị xử phạt vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự răn đe, phòng ngừa trong toàn xã hội, từ đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Cùng với chế tài xử phạt đủ sức răn đe, chính quyết tâm, nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai các quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã tác động, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần điều chỉnh nhận thức, hành vi của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của lực lượng CSGT còn gặp một số khó khăn do sự thiếu hợp tác của người vi phạm. Một số trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Có người lảng tránh khi bị yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc cố tình không thổi; có những tài xế còn liều lĩnh tăng ga “thông chốt”, gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng và người đi đường. Lại có người sẵn hơi men, không làm chủ bản thân đã có những lời nói quá khích, thiếu tôn trọng lực lượng thực thi nhiệm vụ. 

Thời gian tới, lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, nhất là sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền các nội dung của Nghị định 100 đến người tham gia giao thông, lựa chọn các biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, khu vực dân cư; tập trung tuyên truyền vào những đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng CSGT Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào các vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, vượt đèn đỏ,… gây mất an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Công an tỉnh huy động lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, công an cơ sở phối hợp với lực lượng CSGT kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, góp phần phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn. 

Với sự đồng thuận của người dân và sự kiên quyết vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với tinh thần "nói không" với rượu bia khi tham gia giao thông, tin rằng trong thời gian tới, số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên địa bàn sẽ giảm sâu hơn. Qua đó, góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh. 

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.