Ghi nhận sau một năm thực hiện chương trình phối hợp bảo đảm TTATGT trong học sinh, sinh viên

Năm 2018, Công an tỉnh - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự công cộng giai đoạn 2018 - 2023. Qua một năm thực hiện, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên (HSSV) khi tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tích cực.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Kim Bảng tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS Văn Xá.

Huyện Kim Bảng có trên 60% số trường học nằm trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, thực hiện chương trình phối hợp, ngay từ đầu năm học Công an huyện, Phòng GD&ĐT huyện đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). 

Thiếu tá Trần Quang Nhật (Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Kim Bảng) cho biết: Mỗi tuần Công an huyện phối hợp tổ chức 1-2 buổi tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho HS các trường học trên địa bàn. Nội dung chủ yếu là quy định của pháp luật về TTATGT, quy tắc bảo đảm TTATGT đối với người điều khiển phương tiện giao thông, người đi bộ; việc cần thiết phải đội mũ bảo hiểm, cách đội mũ bảo hiểm an toàn; nhận biết các biển báo giao thông, kỹ năng xử lý tình huống và văn hóa khi tham gia giao thông... Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của HS, phụ huynh được nâng lên; tình trạng HS vi phạm pháp luật TTATGT giảm. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện không xảy ra vụ tai nạn, va chạm giao thông nào liên quan đến HSSV.

Trên cơ sở nội dung, chương trình phối hợp, từ năm học 2018 - 2019 Công an tỉnh, Sở GD&ĐT đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình hành động vì ATGT cho trẻ em, HS. Ngành giáo dục chỉ đạo các cấp học, bậc học giảng dạy ATGT kết hợp giáo dục chính khóa, hoạt động ngoại khoá, các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành và hoạt động của nhà trường. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về TTATGT, kỹ năng giảng dạy ATGT cho giáo viên, trong đó tập trung tuyên truyền những nội dung liên quan tới đối tượng tham gia giao thông là trẻ em; nguyên nhân phổ biến gây tử vong, chấn thương; hậu quả do TNGT tác động đến trẻ em, gia đình, xã hội. 

Các hoạt động được vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ yếu bằng trực quan như: tuyên truyền lưu động khu vực cổng trường học, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép vào các buổi chiếu phim, xem bảng ảnh các buổi học ngoại khóa, giờ sinh hoạt, chào cờ… tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng về ý thức tự giác chấp hành quy định TTATGT. 

Năm học 2019-2020, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Công ty Honda Việt Nam tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền pháp luật TTATGT tại các trường học với chủ đề: “ATGT cho nụ cười trẻ thơ”; “ATGT cho nụ cười ngày mai”. Đồng thời, trao tặng sách giáo dục ATGT cho các trường học, tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho hàng nghìn học sinh lớp 1 đầu năm học mới. Nhiều trường học phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, địa phương duy trì hoạt động mô hình “Cổng trường ATGT”; bố trí giờ vào lớp, tan trường hợp lý, tránh ùn tắc giao thông; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT của HS.

Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh Trường THCS Văn Xá

Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh Trường THCS Văn Xá

Công an huyện Kim Bảng vừa phối hợp với Trường THCS Văn Xá xã Văn Xá tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông TTATGT cho giáo viên học sinh nhà trường

Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định việc tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô; nâng cao tỷ lệ bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho HS khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe điện. Đồng thời, phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc ATGT, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; tổ chức cho HS ký cam kết không vi phạm quy định về bảo đảm TTATGT. 

Anh Phạm Văn Nam (Trưởng Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường THCS Văn Xá, Kim Bảng) cho biết: Chúng tôi đánh giá cao hoạt động phối hợp giữa lực lượng công an và ngành giáo dục trong tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho HS. Qua đây, giúp các cháu nâng cao nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông để tự bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh.

Một hoạt động nữa được ghi nhận, đánh giá cao là công tác bảo đảm TTATGT tại khu vực trường học. Công an các cấp thường xuyên phân công lực lượng tổ chức phân luồng giao thông tại khu vực trường tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân xung quanh trường học không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động dịch vụ hàng quán, internet, trò chơi điện tử, karaoke, trông giữ xe… gây ảnh hưởng đến TTATGT, trật tự công cộng (TTCC) khu vực xung quanh trường học; tổ chức nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử lý HSSV, thanh thiếu niên vi phạm TTATGT, TTCC. Hằng tuần gửi thông báo các trường hợp vi phạm về trường học để nhà trường có biện pháp quản lý, giáo dục, làm căn cứ đánh giá hạnh kiểm, đạo đức HSSV. Nhờ đó, số vụ vi phạm pháp luật TTATGT trong HSSV 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù, số vụ vi phạm, tai nạn giao thông liên quan đến HSSV giảm nhưng vẫn còn một bộ phận HSSV tham gia giao thông tùy tiện, theo thói quen. Hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là điều khiển mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang khi tham gia giao thông, chạy quá tốc độ, không chấp hành tín hiệu đèn; dừng, đỗ xe tràn lan dưới lòng đường sau giờ tan học. Trong khi đó, việc quản lý loại hình xe đạp điện, xe máy điện còn nhiều bất cập. Quy định điều kiện đối với người điều khiển xe đạp điện (được coi là xe thô sơ) chưa hợp lý, nhiều trường hợp HS dưới 16 tuổi điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông vi phạm chỉ bị phạt cảnh cáo, hình thức này chưa đủ sức răn đe.

Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho HS là góp phần xây dựng xã hội giao thông văn hóa. Do vậy, thời gian tới công an các cấp, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục phối hợp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, TTCC cho HSSV, nhất là các quy tắc giao thông, quy định về mức xử phạt, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt. 

Thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với lứa tuổi HSSV. Nhân rộng mô hình, phong trào về TTATGT, TTCC tại các trường học như “Đi tới trường an toàn- về đến nhà an toàn”, “Trường học an toàn”… phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cấp học, trường học. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, điều tiết giao thông tại các tuyến đường dẫn vào trường học, khu vực cổng trường, đặc biệt là vào giờ cao điểm; tuyên truyền, vận động nhân dân xung quanh các trường học không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động dịch vụ hàng quán, internet, trò chơi điện tử, karaoke, trông giữ xe… gây ảnh hưởng đến TTATGT, TTCC. 

Tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử lý HSSV, thanh thiếu niên vi phạm TTATGT, TTCC, nhất là hành vi không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang lạng lách đánh võng, không chấp hành tín hiệu đèn, sử dụng ô, điện thoại khi điều khiển phương tiện. Hằng tuần, gửi thông báo các trường hợp vi phạm về nhà trường để có biện pháp quản lý, giáo dục và làm căn cứ để đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của HSSV.

Lê Mai

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy