Cảnh giác với tội phạm mua bán người

Tình trạng tội phạm mua bán người đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tuy nhiên, nhận thức của người dân nói chung về loại tội phạm này vẫn chưa thực sự cao dẫn đến thiếu cảnh giác hoặc chưa có kỹ năng xử lý trong nhiều tình huống.

Một trong các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - ngày 30/7" (theo Quyết định số 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) của Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam là tổ chức hội nghị Phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mua bán người, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em và trợ giúp pháp lý cho cán bộ, nhân dân địa phương.

Cán bộ Sở Tư pháp phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người

Tại buổi tuyên truyền, hơn 300 đại biểu là hội viên hội phụ nữ và đại diện các hội, đoàn thể của các xã Châu Giang (huyện Duy Tiên), Bình Nghĩa, Bồ Đề (huyện Bình Lục) đã được báo cáo viên pháp luật Sở Tư pháp phổ biến những quy định của pháp luật liên quan tới phòng chống mua bán người và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em: Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012; những biểu hiện của hành vi mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em; cách thức phòng ngừa, trách nhiệm tham gia phòng ngừa; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân…

Người dân bày tỏ sự quan tâm tới thực trạng mua bán người hiện nay

Ghi nhận tại các buổi tuyên truyền, thông qua trao đổi trực tiếp có thể thấy người dân đều rất bức xúc với loại tội phạm mua bán người song trên thực tế phần lớn vẫn còn những nhận thức chưa đầy đủ về loại tội phạm nguy hiểm này. Nhiều người dân cho rằng mua bán người tức là lừa đảo phụ nữ, trẻ em để bán sang nước ngoài làm nô lệ, lấy nội tạng. Đúng nhưng chưa đủ.

Trên thực tế, tính chất, thủ đoạn của tội phạm mua bán người rất tinh vi, xảo quyệt. Đối tượng mà chúng nhắm đến không chỉ là phụ nữ, trẻ em (nhóm người yếu thế) mà là bất cứ ai nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, mang lại lợi ích về sức lao động, nội tạng… Phạm vi mua bán người cũng không nhất thiết là lừa bán sang nước ngoài mà hoàn toàn có thể diễn ra trong nước hay chính tại địa phương đang cư trú.

Cùng chia sẻ những kiến thức về phòng chống mua bán người

Ngoài lừa đảo mua bán người sang nước ngoài hay cho các nhà hàng, quán karaoke, động mại dâm... hành vi mua bán người còn có nhiều biểu hiện khác tinh vi, khó nhận diện hơn như: đẻ thuê núp bóng từ thiện nhân đạo; trẻ em, người ăn xin có đối tượng chăn dắt; xuất khẩu lao động không đúng với tư vấn, thỏa thuận theo hợp đồng; cưỡng bức lao động bằng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực; nô lệ tình dục do bị lệ thuộc mà buộc phải phục vụ nhu cầu tình dục của người khác…

Đặc biệt, khi thời đại công nghệ thông tin bùng nổ thì mạng xã hội chính là “mảnh đất” vô cùng thuận lợi để các đối tượng phạm pháp thực hiện hành vi mua bán người. Thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Wechat, Viber… tiếp cận, làm quen với một số phụ nữ, trẻ em, nhắn tin kết bạn, giả vờ yêu đương rồi rủ rê lôi kéo, hay vẽ ra viễn cảnh về sự giàu sàng, xa hoa để lừa đảo, mua bán người.

Nhận diện đúng biểu hiện của hành vi mua bán người khiến người dân chủ động trong phòng ngừa cũng như sẵn sàng phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn loại tội phạm này.

Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy