Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo bằng hình thức giới thiệu sản phẩm

Chiêu trò lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trá hình dưới những cuộc hội thảo, giới thiệu sản phẩm kèm tặng quà khuyến mại để dụ dỗ người dân mua hàng là những thủ đoạn không mới. Tuy nhiên, chiêu thức lừa đảo này lại tiếp tục tái diễn tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Các đối tượng thường nhằm vào nhóm người cao tuổi, phụ nữ nhẹ dạ cả tin để lừa đảo, gây bức xúc trong dư luận.

Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo bằng hình thức giới thiệu sản phẩm
Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Duy Tiên lấy lời khai đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức "Tri ân khách hàng, tặng quà".

Mới đây, một ổ nhóm lừa đảo dưới chiêu thức tinh vi, mở hội thảo bán hàng tặng quà tri ân đã bị lực lượng Công an thị xã Duy Tiên triệt phá, bắt giữ 15 đối tượng. Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, ngày 7 - 8/5 tại khách sạn Bảo Sơn (thuộc phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên), lợi dụng sự cả tin của người dân, Phạm Văn Đồng (sinh năm 1985, trú tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) và đồng bọn đã đến thuê khách sạn Bảo Sơn để tổ chức hội thảo, tri ân khách hàng, tặng quà nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng này hết sức tinh vi, chúng in sẵn những tấm thiệp, tờ quảng cáo rao vặt và chia nhau phân phát đến tận tay nhiều hộ dân phường Duy Hải và các vùng lân cận mời đến khách sạn để dự bữa tiệc giao lưu với tên gọi “Tri ân khách hàng”. Đối tượng chúng hướng đến là người già, phụ nữ trong độ tuổi trung niên. Khi người dân đến dự tiệc, ban đầu chúng tặng quà, như: bát, giá inox, đĩa không lấy tiền. Thậm chí, nhóm đối tượng này còn tặng một số sản phẩm khác không được quảng cáo có giá trị hơn, như máy xay sinh tố, chảo rán cho một số người trong hội thảo, với điều kiện phải đặt cọc 50-100 nghìn đồng.

Đúng như danh nghĩa “Tiệc tri ân”, ai nhận quà cũng được trả lại tiền. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, thực chất đây là một màn kịch lừa đảo được các đối tượng giăng ra, nhằm trực lợi, chiếm đoạt tài sản của người dân. Chiêu trò của nhóm đối tượng này là lợi dụng vào sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, ban đầu chúng tặng những món hàng không giá trị, sau khi người dân đã tin tưởng, bỏ ra hàng triệu đồng để đặt mua sản phẩm, một số đối tượng thu tiền trong  nhóm cao chạy xa bay.

Toàn bộ quá trình tổ chức hội thảo đã bị cơ quan chức năng theo dõi. Chờ thời điểm nhóm người thu tiền tẩu thoát ra xe ô tô 16 chỗ chờ sẵn bên ngoài, cơ quan công an đã ập đến và bắt giữ. Qua kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng, các đối tượng niêm yết giá một chiếc nồi cơm điện được quảng cáo có công dụng tách đường, giảm béo với mức 4,6 triệu đồng. Còn máy xay sinh tố có giá 3,1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo hóa đơn nhập hàng do nhóm này cung cấp, mỗi sản phẩm chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Toàn bộ số hàng bị thu giữ đều là hàng trôi nổi, kém chất lượng và không rõ đơn vị sản xuất. Theo tài liệu điều tra, chỉ trong một buổi chiều bán hàng, nhóm đối tượng này đã thu hơn 800 triệu đồng của người tham gia hội thảo. 

Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo bằng hình thức giới thiệu sản phẩm
Toàn bộ số hàng hóa bị thu giữ đều là hàng trôi nổi, kém chất lượng, không rõ đơn vị sản xuất. Ảnh: Quang Huy

Trung tá Bùi Quang Phúc, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, Công an thị xã Duy Tiên cho biết: Hình thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này hết sức tinh vi, chuyên nghiệp. Để thực hiện hành vi này, các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất với nhau rất kỹ, lựa chọn đối tượng để lừa đảo, đánh vào lòng tham của bà con, cứ nghĩ rằng đến là được tặng lại tiền và có sản phẩm nên bà con cần hết sức cảnh giác, đề phòng. Hiện tại, cơ quan công an đã bắt giữ 15 đối tượng để điều tra, làm rõ.

Qua nắm bắt thực tế chúng tôi được biết, chiêu trò lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trá hình dưới những cuộc hội thảo, giới thiệu sản phẩm kèm tặng quà khuyến mại để dụ dỗ người dân mua hàng cũng diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là chúng chủ động liên hệ với chính quyền một số địa phương thuê, mượn hội trường nhà văn hóa xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn, sân vận động để tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, tổ chức hội thảo kết hợp bán hàng. Một số đối tượng còn thuê tại một số hộ dân nhà có diện tích rộng, nơi tập trung đông đúc người qua lại để tổ chức. Khi thuê nhà của người dân, nhóm đối tượng này thường lợi dụng sự quen biết của chủ nhà để phát thiệp mời các gia đình trong khu dân cư đến tham gia chương trình. Đối tượng chúng hướng đến là người già, phụ nữ trung niên tại các vùng nông thôn. 

Để tạo sự tin tưởng và dụ người dân mua hàng, các đối tượng bán hàng đã áp dụng chiêu tặng quà là những mặt hàng thiết yếu, như: đường, mỳ chính, dầu ăn, nước mắm… Sau đó khi tặng quà xong, nhóm người này bắt đầu đưa ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, như bếp ga, nồi cơm điện, quạt điện, xoong, chảo… với giá trị từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng. Với tâm lý cả tin khi mua hàng sẽ được hoàn trả lại đúng số tiền bỏ ra, nhiều người dân đã đưa tiền triệu cho nhóm đối tượng để mua những sản phẩm gia dụng kém chất lượng, còn nhóm lừa đảo đã kịp “cao chạy xa bay”.

Có thể nói, chiêu trò lừa đảo, bán hàng giả, hàng kém chất lượng trá hình dưới hình thức những cuộc hội thảo, giới thiệu sản phẩm kèm quà tặng khuyến mại để dụ dỗ người mua hàng không phải là thủ đoạn mới. Cơ quan chức năng và báo chí đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng này, nhưng vẫn không ít người nhẹ dạ, cả tin vì hám lời mà bị lừa bởi hình thức kinh doanh biến tướng, trá hình này. Việc mua những sản phẩm kém chất lượng không chỉ mất tiền oan, thiệt hại kinh tế cho cá nhân, mà khi sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình đã lục đục, bất hòa vì chuyện mua sản phẩm giá trị cao ở các hội thảo.

Để ngăn chặn tình trạng này, thiết nghĩ chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần tiếp tục siết chặt, kiểm soát các hoạt động của những đơn vị, nhóm người kinh doanh đến quảng cáo, tiếp thị, mở hội thảo, bán hàng trá hình. Lực lượng công an cần tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn việc số đối tượng đến địa phương có những hành vi bán hàng lừa đảo. Và hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác với chiêu trò này. Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy