Cần hiểu rõ và thực hiện nghiêm Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ (Nghị định 137/CP) về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021.

Nội dung chính được quan tâm nhất trong Nghị định 137/CP là Chính phủ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự được sử dụng pháo hoa vào dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi,... Do tính chất đặc biệt của Nghị định 137/CP; đồng thời, do nhu cầu sử dụng pháo hoa trong nhân dân khi dịp Tết Tân Sửu 2021 đang cận kề là không nhỏ, vì vậy người dân cần hiểu đúng, nắm rõ và thực hiện nghiêm nội dung những quy định đề cập trong nghị định để tránh vi phạm pháp luật.

Nghị định 137/CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009) gồm có 4 chương, 25 điều. Theo đó, Nghị định 137/CP quy định về quản lý và sử dụng pháo, thuốc pháo, quy tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong quản lý sử dụng pháo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm  quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Biết được thông tin về Nghị định 137/CP, nhiều người dân tỏ ra ủng hộ và vui mừng khi cho rằng Tết này gia đình có thể được bắn pháo hoa, bởi đối với nhiều người, nhất là lớp trung niên như được sống lại trong niềm vui, ký ức Tết xưa thông qua tiếng pháo. Ông Nguyễn Văn Bằng (thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm) bày tỏ: Tôi cũng nghe có thông tin Tết năm nay người dân được đốt pháo hoa, nhưng cụ thể thế nào thì tôi chưa rõ. Nếu được đốt pháo hoa thì thật vui, nhưng tôi cũng mong có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm an toàn, đúng pháp luật. 

Cần hiểu rõ và thực hiện nghiêm Nghị định 1372020NĐCP về quản lý sử dụng pháo
Các lực lượng Công an tỉnh phối hợp bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép 25 kg pháo. Ảnh: Mai Hương

Trên thực tế, một bộ phận người dân còn đang hiểu nhầm việc cho phép cá nhân được đốt tất cả các loại pháo hoa, pháo hoa nổ. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai nội dung Nghị định 137/CP sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị phạt hành chính, xử lý hình sự. Vì vậy, người dân cần hiểu rõ khái niệm pháo hoa, pháo hoa nổ, điều này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tránh vi phạm pháp luật khi sử dụng pháo hoa. Đại úy Bùi Duy Khánh, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự xã hội (Công an tỉnh Hà Nam) nhấn mạnh: “Nghị định 137/CP quy định người dân chỉ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, cưới hỏi, tổ chức sự kiện…và người dân chỉ được phép mua pháo hoa tại tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, được cấp phép an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Còn mọi loại pháo phát ra tiếng nổ, tiếng rít đều là hàng quốc cấm”.

Cụ thể, Nghị định 137/CP quy định rõ: Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công và công nghiệp khi có tác động của xung, kích thích cơ nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Trên thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật… trước khi Nghị định 137/CP ra đời. Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động của xung, kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Đây còn được gọi là pháo hoa nổ, cấm người dân sử dụng.

Để người dân hiểu chính xác, đầy đủ về Nghị định 137/CP, thời điểm này ngành chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền giúp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nắm rõ quy định và nghiêm túc thực hiện. Việc tuyên truyền tập trung vào một số nội dung: Không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ và pháo hoa nổ; không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thực hiện nghiêm túc Nghị định 137/CP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán... Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn người dân tham gia thông tin, tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nếu phát hiện những trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Trao đổi về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Lan (chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên Đường Lê Lợi, TP. Phủ Lý) cho biết, sau khi được cán bộ công an phường đến tận nơi tuyên truyền, nhắc nhở, cung cấp những thông tin mới trong Nghị định 137/CP, tôi đã vui vẻ chấp hành, kí cam kết. Là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, thường xuyên đón những đợt khách khác nhau, đặc biệt trong mỗi dịp lễ, Tết… nên cùng với việc niêm yết rõ ràng nội quy tại mỗi phòng lưu trú, tôi còn trực tiếp nhắc nhở khách không được sử dụng chất cấm, đặc biệt là pháo nổ.

Nghị định 137/CP có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để  buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép. Các ngành chức năng đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để tổ chức, cá nhân hiểu rõ những quy định của pháp luật, thực hiện đúng, không vi phạm pháp luật.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy