Ấn tượng Tam Chúc

Du lịch 06:55 30/01/2020 Chu Uyên, Trương Dũng
Ai đến Tam Chúc ngoài việc du ngoạn cảnh chùa lại chẳng muốn vãn cảnh du thuyền trên hồ, để tâm thư thái, lòng dạ thảnh thơi, trút bỏ những ưu phiền của cuộc sống lắng lòng giữa mênh mang sóng nước.

Toàn cảnh Tam Chúc. Ảnh: Trương Dũng

Thay đổi diện mạo

Hồ Tam Chúc rộng hơn 600 ha, nước mùa này trong vắt, sóng xôn xao mặt hồ. Ngồi trên con tàu du lịch mới được hạ thủy, nhìn về bốn phía mới thấy trí tuệ, công sức con người quả là to lớn. Tạo hóa cho Ba Sao một cảnh đẹp hoang sơ, kỳ bí, nhưng cũng đặt cho con người nơi đây một thử thách tưởng như không thể nào vượt qua. Thế mà sau khi Hà Nam tái lập tỉnh, chủ trương phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã hướng sự quan tâm đến Tam Chúc – Ba Sao. Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã thể hiện quyết tâm ấy, góp phần đưa Tam Chúc - Ba Sao trở thành Khu Du lịch trọng điểm quốc gia như bây giờ. Ngay rìa hồ này, trước đây là một làng nhỏ của gần 50 hộ dân sinh sống, lấy hồ là nơi sinh kế. Cuộc sống vất vả, khó khăn, nguy hiểm rình rập mỗi lần mưa to, gió lớn, ngập ngụa nhà cửa. Năm 2007, họ chính thức rời khỏi đây, vui vẻ nhường đất cho dự án và hy vọng một ngày không xa, người ta sẽ biết đến Ba Sao, biết về cái làng Tam Chúc như biết đến “một nàng công chúa ngủ trong rừng” vừa tỉnh giấc!

Trục đạo tâm linh của Khu du lịch Tam Chúc.

Quả nhiên, 12 năm sau, đúng vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, dòng người ở khắp nơi đổ về, mang theo nỗi niềm hân hoan và ước muốn được khám phá vẻ đẹp thiền linh Tam Chúc – Ba Sao. Những công trình tâm linh hoành tráng, uy nghi, có một không hai trên đất Bắc đang trong quá trình hoàn thiện chào mừng Đại Lễ Vesak Liên Hợp quốc lần thứ 16 được tổ chức tại đây. Đây  là một quần thể kiến trúc tâm linh được xây dựng trên mặt bằng diện tích ngót 44 ha, bố trí dọc theo một trục thần đạo từ cao xuống thấp, gồm: Chùa Ngọc, điện Tam thế, điện Pháp chủ, điện Quan Âm, cổng Tam quan. Chùa Ngọc tọa lạc trên đỉnh núi Thất tinh, nằm ở độ cao  200m so với mực nước biển. Chùa rộng 36m2, cao 13m, có 3 tầng mái cong, được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá Granit đỏ nặng 2.000 tấn, do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác tại Ấn Độ và vận chuyển sang lắp đặt theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam mà không cần bê tông kết dính. Trong chùa thờ một pho tượng bằng ngọc nặng 4,9 tấn. Chỉ có một con đường duy nhất để lên tới chùa Ngọc khi leo qua 299 bậc đá, từ đây có thể bao quát được toàn cảnh chùa Tam Chúc.

Điện Tam thế nằm ở độ cao 45m so với mực nước biển. Điện được  xây dựng với kết cấu cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép, sơn giả gỗ có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m2. Tại đây thiết linh ba bàn thờ lớn, bày 3 pho tượng Phật bằng đồng, mỗi pho nặng 125 tấn: Tượng phật Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Nét tinh tế trong kiến trúc tại điện Tam thế là 12 ngàn bức tranh đá được chạm khắc tinh xảo. Mỗi bức tranh đá gửi gắm một câu chuyện nhân văn, tái hiện cuộc đời Đức Phật do những người thợ Indonesia tạc bằng đá núi lửa nước này đưa sang.

Điện Pháp chủ nằm ở chính giữa điện Quan Âm và điện Tam thế có hai tầng mái cong được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam rộng 3.000m2.  Trong điện đặt một pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối, nặng 150 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác. Xung quanh điện có 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật do những người thợ Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa. Ngắm nhìn những bức phù điêu, cảm nhận như Đức Phật lịch sử đã thực sự hiển linh, hoà quyện với cảnh sắc nơi đây gắn với hồn thiêng sông núi…

Những người dân làng Tam Chúc cũ thỉnh thoảng về làng, nhưng là để ngắm cảnh, giao tình. Ông Nguyễn Trần Kiên chân thật: Khi Nhà nước thu hồi đất để làm dự án, người dân chúng tôi phải chuyển đổi ngành nghề, hầu hết lên trên khu chợ buôn bán, đời sống khá giả hơn. Hàng trăm người được đi học nghề mới như chèo thuyền, nấu ăn, may mặc, lái xe điện… phục vụ khu du lịch. Nhưng nói thật! Hồ rộng, nước sâu, ra xa bờ khoảng 100m thôi là sóng to, thuyền tay đâu có thể chở được. Để đáp ứng nhu cầu của du khách thăm quan hồ Tam Chúc, Doanh nghiệp Xuân Trường đã đưa tàu du lịch nhỏ vào phục vụ. Tàu đẹp, thiết kế nội thất rất tốt, du khách có thể ngồi trên đó nhìn ra bốn phía hồ ngắm cảnh…

Du khách quốc tế đến thăm Tam Chúc.

Mạch chảy tâm linh

Năm nay, du lịch Hà Nam bứt phá ngoạn mục. Lượng khách đến thăm Hà Nam tăng gấp đôi, gấp ba mọi năm. Chỉ tính ngay trong quý I thôi, lượng khách đến Hà Nam đã bằng cả năm 2017. Đó là do sức hút từ Tam Chúc – Ba Sao. Ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chia sẻ: Sự kiện Vesak 2019 được tổ chức tại Tam Chúc đã làm cho khu du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái. Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak từ năm 2013 đã trở thành tổ chức trực thuộc Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp quốc. Vì thế, đối với chúng ta, đây là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, Hà Nam nói riêng trong mắt bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước. Như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông đã khẳng định tại lễ tổng kết Vesak “đây là tiền đề quan trọng để Hà Nam tiếp tục quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển tiềm năng du lịch trong thời gian tới”.

Còn nhớ, những ngày đầu xuân năm mới Kỷ Hợi, khi Tam Chúc còn đang tiến hành các hoạt động chuẩn bị khai hội chùa thì mỗi ngày đã có hàng vạn du khách đến thăm quan. Tiếng lành đồn xa, cộng thêm sự quảng bá rầm rộ trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, du khách thập phương nô nức kéo nhau về đây du xuân. Lần đầu tiên, lễ hội chùa Tam Chúc được tổ chức, bắt đầu cho một loạt các sự kiện văn hóa, ngoại giao lớn mang tầm quốc tế diễn ra tại đây. Đứng trước hồ Tam Chúc mênh mông, sóng nước xôn xao, xem diễn xướng du thuyền trên hồ bằng thuyền rồng thực hiện nghi thức rước nước uy nghi, người Tam Chúc nói, hồ đẹp và thiêng lắm đấy!

Chèo thuyền trên hồ Tam Chúc.
Xe điện chở khách thăm Tam Chúc.

Đến tháng 5, Đại lễ Vesak chính thức diễn ra, Tam Chúc – Ba Sao trở thành tâm điểm thông tin của trên 200 cơ quan báo chí, 72 hãng thông tấn nước ngoài. Sự kiện thu hút 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Cùng với đó còn có trên 20.000 phật tử, hàng vạn người dân khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây trong những ngày diễn ra Đại lễ. Không ai không háo hức được chiêm ngưỡng Trung tâm Hội nghị được xây dựng trên hồ Tam Chúc với diện tích 10.000m2, chứa 3.500 khách. Du khách vô cùng sửng sốt trước sự chuẩn bị nhanh chóng, chu đáo của Ban tổ chức, chính quyền địa phương Hà Nam cho sự kiện này. Những con số gợi cảm giác đặc biệt làm người ta thấy nó đạt nhiều kỷ lục so với 15 lần tổ chức Đại lễ Vesak trước đó. Ấy là 40.000 suất cơm hộp phục vụ du khách, phật tử trong 3 ngày Đại lễ, 300 tác phẩm mỹ thuật của 150 tác giả được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật, hơn 2.000 công nhân tham gia phục vụ các hoạt động xây dựng tại khu du lịch mỗi ngày… Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: “Đây là ngày hội văn hóa, chan hòa tinh thần đoàn kết dân tộc và hữu nghị quốc tế, nêu cao thông điệp yêu thương, hòa giải trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật, bậc minh triết được nhân loại suy tôn và ngưỡng mộ”.

Dòng chảy tâm linh tiếp tục chảy trong tâm trí và đức tin của nhân dân, như nước hồ không bao giờ cạn, như gió trên dãy núi hình vòng cung phía đông hồ Tam Chúc không bao giờ ngừng lặng. Không thể nào lý giải hay diễn tả hết cảm xúc khi ngồi trên hồ Tam Chúc mênh mông nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai của mảnh đất, con người nơi đây… Chỉ biết, chốn này đang là mạch chảy tâm linh.

Giang Nam

TIN MỚI CẬP NHẬT

Cần cơ chế huy động tối đa nguồn vốn hiệu quả để phát triển đất nước

Người đại biểu nhân dân  |  14:54 23/11/2024

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur

Chính trị  |  12:33 23/11/2024

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.

Hội Chữ thập đỏ Lý Nhân trao kinh phí hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo

Đoàn - Hội  |  12:10 23/11/2024

Nhân dịp Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2024), hưởng ứng phong trào “Người tốt việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, trong hai ngày (21-22/11), Hội CTĐ huyện Lý Nhân đã thăm, tặng quà và trao kinh phí hỗ trợ quý IV cho 9 địa chỉ nhân đạo trên địa bàn huyện.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC