Những “đứa trẻ song ngữ” đang là xu thế của nhiều phụ huynh. Từ 5 đến 7 tuổi là độ tuổi thích hợp để trẻ tiếp thu một ngôn ngữ khác. Nếu như trước đây, học sinh đến năm lớp 3 bậc tiểu học mới bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh thì hiện tại, các bậc phụ huynh đã có nhận thức cho con em làm quen với một ngôn ngữ mới ngoài tiếng mẹ đẻ từ rất sớm. Với những gia đình điều kiện kinh tế khá giả, việc cho trẻ tham gia các khóa học tại trung tâm Anh ngữ, nhất là vào dịp nghỉ hè đã không còn là chuyện xa lạ.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (đường Trường Chinh, thành phố Phủ Lý) đang cho con theo học tại Trung tâm Apax English Hà Nam chia sẻ: Tôi cho con theo học các khóa ngắn ngày tại trung tâm Anh ngữ để bé có thể làm quen trước khi bước vào môn học tiếng Anh ở bậc tiểu học, có nền tảng phát âm đúng chuẩn. Tuy học phí khá cao nhưng sau một thời gian cho theo học, tôi thấy con hoạt bát, năng động hơn rất nhiều. Khả năng tư duy, quan sát, đối chiếu ngôn ngữ của con cũng tốt hơn. Ngoài ra, gia đình tôi vẫn chú trọng kèm cặp, dạy xen kẽ giữa hai loại ngôn ngữ, không để con nhầm lẫn, giúp cháu tách bạch rõ giữa tiếp thu ngôn ngữ mới mà vẫn duy trì vững vàng nền tảng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Nhạy bén nắm bắt xu hướng chung đó, một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các trung tâm ngoại ngữ uy tín tổ chức dạy học, giúp trẻ làm quen với tiếng Anh. Mô hình thí điểm chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh trên địa bàn thành phố Phủ Lý năm học 2018 - 2019 ở một số trường đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ góp phần giúp trẻ sớm tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai mà thông qua đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Cô giáo Trần Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (T.P Phủ Lý) cho biết: Việc đưa tiếng Anh vào dạy trong trường mầm non dựa trên Kế hoạch triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018 – 2025 của UBND tỉnh và được sự đồng thuận từ phía cha mẹ học sinh. Hiện tại, trường có hơn 400 trẻ khối mẫu giáo từ lớp 3 tuổi đến lớp 5 tuổi (chiếm 50% tổng số cháu của trường) đăng ký học tiếng Anh với thời lượng 2 buổi/tuần. Để bảo đảm hiệu quả, nhà trường phối hợp với Trung tâm Anh ngữ quốc tế Asset English (đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định), chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, tài liệu, đồ dùng học tập theo chủ đề từng bài học. Mục đích không phải để các con có thể thành thạo tiếng Anh (vì điều này rất khó) mà nhà trường muốn tạo cho trẻ niềm đam mê, yêu thích học tiếng Anh thông qua phương pháp “học mà chơi”, bước đầu làm quen với phát âm tiếng Anh, giúp các con tự tin hơn trong giao tiếp, thoải mái khi dùng một ngôn ngữ khác song hành với tiếng mẹ đẻ.
Hiện việc tổ chức học tiếng Anh tại các trường mầm non không bắt buộc, do đó việc thông tin, tuyên truyền để các bậc phụ huynh hiểu đầy đủ mục đích, nội dung, ý nghĩa của chương trình và đồng thuận đăng ký cho con tham gia lớp học là rất cần thiết. Tuy nhiên, phụ huynh cần hiểu tâm tư, nguyện vọng của con em mình, không nên quá thúc ép con phải đạt được thành tích nào đó trong môn học, rất dễ gây tâm lý tiêu cực. Học thông qua trò chơi, thơ ca… sẽ giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái khi tham gia các lớp học ngoại ngữ, nâng cao vốn từ giao tiếp, qua đó đạt được mục tiêu của chương trình đề ra.
Chia sẻ về phương pháp giảng dạy, cô Jaselle Marianne Jasme, giáo viên Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu Phủ Lý cho biết: Khả năng phản xạ về ngôn ngữ là thứ chúng tôi sẽ giúp học sinh phát triển thêm qua quá trình học. Chúng tôi đặt các em trong môi trường của “âm thanh mới”, qua thời gian với những buổi học kỹ năng, qua thơ văn, bài hát, trò chơi tìm hiểu văn hóa… các em dần chấp nhận và có động cơ giao tiếp tự nhiên, không còn rào cản ngôn ngữ nữa. Theo tôi nghĩ, dù sử dụng phương pháp nào thì giáo viên vẫn phải hiểu học sinh của mình cần gì, muốn gì, vì mỗi một độ tuổi lại có nhu cầu và cách tiếp cận tri thức khác nhau.
Trong xu thế hội nhập, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh là yêu cầu cần thiết. 5-7 tuổi được cho là độ tuổi thích hợp để làm quen với ngôn ngữ mới, “cuộc dạo chơi” trong khu vườn mới lạ của âm thanh giúp trẻ có khả năng tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên thay vì phải học theo cách gò bó, bắt buộc. Tuy vậy, cần phân biệt mục đích của việc làm quen tiếng Anh của trẻ mầm non với mục đích học tiếng Anh của trẻ độ tuổi lớn hơn, từ đó tạo môi trường cho trẻ làm quen với một ngôn ngữ mới trong niềm vui, sự say mê chứ không phải bằng những giờ học áp đặt. Hiện tại, ngoài địa bàn thành phố Phủ Lý, chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh còn được triển khai thí điểm tại một số trường mầm non có đủ điều kiện tại Duy Tiên, Thanh Liêm. Sau khi kiểm tra, đánh giá thực tế việc dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình trong những năm học tiếp theo.
Hy vọng với sự chủ động, tích cực từ phía chính quyền, ngành giáo dục và đào tạo cũng như từ phía các bậc phụ huynh, việc cho trẻ làm quen sớm với tiếng Anh sẽ góp phần làm phong phú thêm kết quả thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.
Thanh Vân
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến, chủ trương một số nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy.
Hội Nông dân huyện Bình Lục vừa tổ chức trao tặng bò vàng sinh sản năm 2024 cho gia đình hội viên Nguyễn Thị Nam, thôn Phú Thủy, xã An Lão. Đây là hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gắn bó nhiệt tình với công tác hội.
Sáng 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp ở hội trường nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.