Phần I: Địa lý (Chương XI)

Địa chí Hà Nam 05:16 21/07/2019 Điện tử
Thời kỳ lịch sử từ 1858 đến 1945, là thời kỳ nước ta bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị. Đây là một thời kỳ đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam chống ách áp bức và bóc lột của kẻ thù trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhân dân Hà Nam trực tiếp cầm súng đánh quân xâm lược khi chúng tấn công Lý Nhân từ ngày 26/11/1873.

Chương XI

HÀ NAM THỜI KỲ CẬN ĐẠI

Thời kỳ lịch sử từ 1858 đến 1945, là thời kỳ nước ta bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị. Đây là một thời kỳ đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam chống ách áp bức và bóc lột của kẻ thù trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhân dân Hà Nam trực tiếp cầm súng đánh quân xâm lược khi chúng tấn công Lý Nhân từ ngày 26/11/1873. Trong cuộc chiến đấu bi hùng quyết liệt đó, kể từ năm 1930, đã xuất hiện sự kiện cực kỳ mới mẻ quyết định vận mệnh đất nước. Đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương (tức Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay). Sự ra đời của Đảng đánh dấu hai giai đoạn phát triển khác nhau về tính chất của lịch sử cận đại Việt Nam. Trên phương diện lịch sử mỗi địa phương, sự ra đời của Đảng ở Trung ương và ở các địa phương là một mốc có ý nghĩa như vậy. Do đó, lịch sử cận đại Hà Nam có thể được chia làm 2 giai đoạn với mốc chuyển biến vào khoảng năm 1929 - 1930. Từ khi Pháp thống trị, đất nước nói chung, Hà Nam nói riêng bắt đầu có nhiều biến đổi mới mẻ về nhiều phương diện so với xã hội truyền thống. Những gì chính quyền thuộc địa đã làm về cơ bản và chủ yếu là để phục vụ lợi ích thực dân. Còn nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu kiên trì vì độc lập, tự do, vừa biết bảo toàn những giá trị truyền thống, lại biết tiếp thu học hỏi những giá trị tinh hoa của nhân loại kể cả của nhân dân Pháp mà thực dân Pháp đã đem theo trong thời kỳ cai trị nước ta.

I. HÀ NAM THỜI KỲ TRƯỚC KHI CÓ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (1858 1929)

1. Tổ chức hành chính và cư dân Hà Nam

Hà Nam là một tỉnh nhỏ song mật độ dân cư lại thuộc loại cao nhất.

Như đã trình bày trong phần Địa lý, năm 1831, khi tỉnh Hà Nội được thành lập gồm 4 phủ, trong đó có phủ Lý Nhân. Đất Hà Nam ngày nay là toàn bộ phủ Lý Nhân hồi đó được mở rộng thêm về phía tỉnh Nam Định và về phía Hà Nội (do vậy có người đã coi đây là cơ sở của tên gọi Hà Nam).

Hà Nam nằm trong tỉnh Hà Nội, được đặt dưới quyền cai quản của hệ thống quan lại Hà Nội từ tỉnh đến xã theo hệ thống sơ đồ dưới đây:

Như vậy, trước năm 1890, với tư cách một phủ bao gồm 5 huyện, Lý Nhân đã có các chức tri phủ, tri huyện với bộ máy quan lại cấp từ phủ, huyện xuống tổng và xã. Mỗi cấp phủ, huyện, tổng đều có các thuộc lại dưới quyền về các mặt quân sự, thuế má và luật pháp. Nhưng thường các viên tri phủ, tri huyện nắm quyền cai trị chung và đặc trách các việc tố tụng xử án. Dưới quyền có các chức đề lại, thông lại, huấn đạo, lễ sinh, suất đội... Ở cấp cuối cùng, tức làng hay xã, thì hình thức chính quyền phổ biến tại vùng đồng bằng Bắc Kỳ là một bộ máy quản lý gồm 2 bộ phận: Hội đồng kỳ mục và chức dịch hay lý dịch. Đây là một loại hình chính quyền đặc biệt mang dấu ấn lịch sử của làng xã Việt Nam (1). Bộ phận thứ nhất gồm tiên chỉ, thứ chỉ và các kỳ mục. Bộ phận này nắm quyền phán quyết mọi việc trong làng xã. Bộ phận thứ hai gồm lý trưởng, phó lý và các dịch mục, có nhiệm vụ thực hiện các quyết định và ứng xử với chính quyền cấp trên. Lý trưởng và phó lý do Hội đồng kỳ mục cắt cử ra. Như vậy, chính quyền cơ sở cấp làng xã là một hình thức chính quyền kết hợp Nhà nước và làng xã, vừa đại diện cho làng xã, vừa đại diện cho Nhà nước trung ương.

(1): Xem: Vũ Huy Phúc – “Tổ chức quản lý xã thôn (chức năng và tính chất)”. Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập II. NXB. Khoa học xã hội. Hà Nội – 1978.

Nói cách khác là một hình thức chính quyền lưỡng tính, trong đó tính làng xã nhiều khi chiếm vị thế ưu thắng, làm cho làng xã mang tính độc lập trong một chừng mực nào đó so với Nhà nước. Ở phủ Lý Nhân, hình thức chính quyền từ phủ xuống xã đều giống như tình hình đã trình bày trên và cũng tương tự như tất cả các địa phương khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Từ sau năm 1890, khi phủ Lý Nhân được tách ra, mang danh một tỉnh dù là tỉnh vào loại bé nhất thì hình thức chính quyền có sự thay đổi theo một chính quyền bảo hộ, hay thực chất là một chính quyền thuộc địa Pháp (Xem sơ đồ sau):

Trên đây là sơ đồ chung ở các tỉnh Bắc Kỳ. Riêng ở Hà Nam, có tài liệu cho biết Hà Nam có một viên Công sứ Pháp, về phía chính phủ Nam triều thì có một viên Tuần phủ (1), giúp việc Tuần phủ có viên Bố chính hoặc Án sát và Đốc học. Công sứ Pháp kiểm soát các việc quan lại trong tỉnh, có quyền đề nghị Nam triều thuyên chuyển quan lại và triều đình Huế không được từ chối. Công sứ còn kiểm soát việc thu và chi dùng thuế với sự giúp đỡ của viên Bố chính. Giúp việc Công sứ là một khối các cơ quan gọi chung là Tòa sứ, coi sóc các cơ quan chuyên trách như kho bạc, thương chính, bưu điện, giao thông công chính (hay lục lộ) trước bạ, đạc điền, thú y, giáo dục, bệnh viện... Về tư pháp, Công sứ xét xử các vụ liên quan giữa người Âu với người Âu, người Âu với người Việt hoặc với người châu Á. Nếu có kháng án thì phải kháng nghị ở Tòa án Sài Gòn. Ngoài Tòa án Tây chuyên xử các vụ chính trị, đàn áp hoạt động chống Pháp còn có Tòa án Nam phụ trách những vụ hình sự thông thường.

(1): Công sứ Pháp đầu tiên năm 1890 là Phera. Lúc ấy triều Huế chưa bổ Tuần phủ Hà Nam mà mọi việc do viên Bố chính đảm nhiệm. Mãi đến năm 1904, Hà Nam mới có Tuần phủ của Nam triều là Nguyễn Hữu Đắc. Năm 1923, sau khi Hà Nam từ cấp Đại Lý trở lại là tỉnh thì Công sứ Pháp được Thống sứ Bắc Kỳ bổ nhiệm là Phoócxăng Pie. (Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam, tập I (1927 – 1975) do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam xuất bản năm 2000, tr.31 – 32).

Dưới cấp tỉnh là các tri phủ và tri huyện kiêm trách mọi việc hành chính tư pháp. Cấp tổng với chánh và phó tổng là cấp trung gian giữa phủ, huyện với xã.

Một quan chức người Pháp đã nhận xét như sau về chính quyền ở cấp làng xã Hà Nam kể từ năm 1890: “Cai trị làng xã là lý trưởng bên cạnh hội đồng kỳ mục. Lý trưởng được công sứ bổ nhiệm trên cơ sở giới thiệu của các kỳ mục và của những địa chủ thường giàu có nhất, những người trực tiếp liên quan tới việc quản lý tốt các công việc làng xã... Lý trưởng không phải là viên kỳ mục quan trọng nhất, Tiên chỉ mới thường là có ảnh hưởng lớn nhất... Thực ra lý trưởng chỉ là người ủy quyền của làng xã, có nhiệm vụ đứng ra làm bậc đệm cho dân làng. Dân làng thực tế trao nguyện vọng cho lý trưởng và đẩy lý trưởng thành kẻ thí sai chịu tội trước chính quyền cấp trên. Cạnh lý trưởng có các phó lý, một hay nhiều tùy theo làng xã to hay nhỏ. Đối với Nhà nước, có thể nói cái đơn bào xã hội này không phải là cá thể mà là làng xã, tự bản thân nó lập sổ dân đinh và ruộng đất, phân bổ thuế cho các người phải nộp, tiến hành thu gom thuế, nộp thuế vào kho bạc, trở thành một kiểu nào đó của một nước cộng hòa thực sự tự vệ chống lại sự can thiệp của Nhà nước... Kỳ mục có nhiều hạng:

1. Các kỳ mục hạng trên, trước kia giữ những chức vụ hành chính.

2. Các kỳ mục hạng dưới, gọi là lý dịch.

Tất cả đều do xã dân cử ra, nhưng chỉ những hạng trên trong thực tế mới có quyền hành trong làng xã và quyết định mọi vấn đề theo ý mình. Những kỳ mục hạng dưới thường chỉ có nhiệm vụ chấp thuận và vào sổ các quyết định của kỳ mục, chỉ làm những nhiệm vụ thứ yếu trong làng như đi thu thuế, trông coi đồng áng, tuần phòng v.v...

3. Cuối cùng là các “Nhiêu”, những người mua chức danh để được có chỗ trong các cuộc tế lễ chung... (1).

(1) Xem: Lorin – “Notice sur la province de Ha Nam” trong Tạp chí Revue Indochinoise, số 12 năm 1905, tr 890 – 891.

Kể từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa chuyển dần từ ý định duy trì hiện trạng chính quyền xã sang chính sách cải cách hương chính, nhằm can thiệp ngày một nhiều hơn vào việc cai trị các xã (các năm cải cách là 1921, 1927 và 1941). Tuy vậy tình hình thực tế các xã vẫn luôn cho thấy đó là những mảnh trời riêng của các giai cấp và đẳng cấp trên trong từng xã.

Về mặt quân sự, thời kỳ trước 1890, phủ lỵ của Hà Nội từng là một địa điểm chiến lược sát kinh đô. Khi Pháp đánh xuống Phủ Lý lần đầu tiên vào ngày 26/11/1873, thì ở đây đã có thành. Thành đắp bằng đất, chu vi 327 trượng (1 trượng = khoảng 4 mét) cao 7 thước 2 tấc, hào rộng 5 trượng, mở 3 cửa, đặt tại xã Châu Cầu (huyện Kim Bảng), sau là huyện lỵ hai huyện Thanh Liêm và Duy Tiên (2). Ngoài ra các huyện Nam Xang, Bình Lục đều có thành nhỏ hơn chút ít. Các tài liệu không cho biết quân số, chỉ biết khi Pháp đánh phủ Lý Nhân và quân Việt phải rút lui thì trong thành còn 30 khẩu thần công, 60 súng tay, nhiều lương thực (khoảng 50 tấn thóc và gạo).

(2) Đại Nam nhất thống chí, tập III. NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội – 1971, tr. 167.

Như vậy, Phủ Lý là một địa điểm quân sự có tầm quan trọng ở phía Nam Hà Nội. Tài liệu Pháp cho biết: “Vị trí của Phủ Lý, nơi hợp lưu sông Đáy với kênh Phủ Lý trên đường từ Nam Định lên Hà Nội cách nhau 50km, đương nhiên phải xem trung tâm bản địa này như một điểm chiến lược quan trọng. Quân đội chúng ta đã xây dựng ở Phủ Lý một đồn binh trong đó hiện nay đã hình thành Tòa công sứ Hà Nam. Các quân sĩ ta ở Phủ Lý năm 1886, đã phải chịu một trận dịch tả khủng khiếp tràn lan toàn Bắc Kỳ, tới nay người ta còn thấy chỉ chừng 100m cách tòa sứ một nghĩa địa quân đội cũ với các nấm mộ trùng điệp các binh lính nạn nhân chết dịch” (3). Sau 1890, phủ lỵ Phủ Lý trở thành tỉnh lỵ Hà Nam và tại đây đã có 2 trại lính: 1 trại lính khố xanh do 1 giám binh Pháp chỉ huy và 1 trại lính cơ. Trại giám binh có 130 lính, ngoài ra còn có một số đồn lẻ rải rác trong tỉnh; mỗi đồn có từ 15 đến 25 lính. Bên cạnh đồn lính là trại giam. Phủ Lý có 1 trại giam và ở các huyện đều có nhà giam nhỏ.

(3) Xem: Lorin. Sđd

Khi Hà Nam là một Đại lý (Délégation) trong 10 năm từ 1913 đến 1923 thì Hà Nam trực thuộc tỉnh Nam Định. Công sứ Nam Định chỉ đạo cả Đại lý Hà Nam. Đại lý là một cấp hành chính, không bằng tỉnh, nhưng lớn hơn phủ và huyện. Đại lý giống như một trung tâm hành chính nhưng dưới quyền cai trị của một viên sĩ quan Pháp toàn quyền mọi mặt. Hẳn là trong giai đoạn 1913-1923, Hà Nam trở thành Đại lý vì những lý do về tình hình quân sự, chính trị đáng lo ngại cho chính quyền thuộc địa. Cũng có thể chỉ để tiện cho sự khai thác kinh tế hoặc đơn giản hóa bộ máy chính quyền.

a.    Dân cư Hà Nam

Hà Nam là một tỉnh nhỏ, nhưng có mật độ dân cư cao, Hà Nam là một vùng đông dân ở giữa đồng bằng Bắc Bộ. Thời gian trước 1890, chưa có số liệu dân số phủ Lý Nhân. Sau 1890, khoảng năm 1904, tài liệu của Pháp cho biết, dân số Hà Nam khoảng 300.000 dân, đa phần là người Kinh, khoảng 60 người châu Âu, 40 người Hoa kiều. Hà Nam còn có một số ít đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Phù Lưu (huyện Kim Bảng). Kể từ 1908, Hà Nam có thêm châu Lạc Thủy, là địa bàn cư dân của đồng bào Mường với số lượng chừng 1.700 người (số liệu năm 1928). Theo tài liệu chính thức của Pháp năm 1928 thì dân số, diện tích và mật độ cư dân ở Hà Nam như sau (1):

 

Hà Nam

Dân số

Diện tích

Mật độ người/km2

Huyện Lý Nhân (huyện Nam Xang)

115.107

168km2

685

Huyện Bình Lục

102.851

160km2

643

Huyện Duy Tiên

83.756

158km2

530

Huyện Kim Bảng

54.753

200km2

274

Huyện Thanh Liêm

64.983

185km2

351

Châu Lạc Thủy

1.312

269km2

5

Cộng và trung bình:

422.762

1.140km2

371

 

(1) Documents de Démographie et Riziculture en Indochine. Yver Henry va Maurice de Visme. BEI, Hanoi - 1928.

         

Để tiện so sánh với các tỉnh khác ở Bắc Kỳ có thể xem bảng kê dưới đây:

Tỉnh

Dân số

Diện tích

Mật độ người/km2

Hà Nam

422.762

1.140km2

371

Bắc Ninh

394.658

1.098km2

360

Hải Dương

659.987

2.249km2

294

Hà Đông

789.451

1.637km2

483

Hưng Yên

392.396

881km2

446

Nam Định

887.236

1.494km2

594

Phúc Yên

149.630

692km2

217

Thái Nguyên

72.000

3.425km2

21

 

Như vậy, Hà Nam là một tỉnh không lớn về diện tích, nhưng đông dân. Toàn Bắc Kỳ có số dân 6.924.893 người. Tỉnh đông dân nhất hồi đó là tỉnh Nam Định (887.236 người), Thái Bình ít dân hơn (855.825 người), tỉnh ít dân nhất là Sơn La (35.209 người) và Bắc Kạn (36.524 người), về mặt dân số, Hà Nam xếp thứ 5 trong số 26 tỉnh Bắc Kỳ lúc ấy (23 tỉnh và 3 Đạo quan binh):

1. Nam Định:   887.236 dân                         2. Thái Bình:          855.825 dân

3. Hà Đông:    789.451 dân                          4. Hải Dương:        659.987 dân

5. Hà Nam:        422.762 dân                      6. Bắc Ninh:         394.658 dân

7. Hưng Yên:    392.396 dân                        8. Kiến An:            335.482 dân

9. Ninh Bình:     299.704 dân                       10. Phú Thọ:          253.953 dân

11. Bắc Giang:  253.882 dân                   12. Sơn Tây:                250.614 dân

13. Vĩnh Yên:    178.885 dân                       14. Phúc Yên:         149.630 dân

15. Lạng Sơn:   134.815 dân                   16. ĐQB 2 Hòa An: 132.232 dân

17. Thái Nguyên: 72.000 dân          18. ĐQB2 BắcQuang: 70.743 dân

19. ĐQB 1 Móng Cáy: 66.912 dân          20. Quảng Yên:      65.000 dân

21. Yên Bái:    63.040 dân              22. Hòa Bình:                        2.949    dân

23. Lào Cai:     42.104 dân                      24. Tuyên Quang:          38.000    dân

25. Bắc Kạn:    36.524 dân            26. Sơn La:                            35.209    dân

Bảng thống kê trên cho thấy Hà Nam là 1 trong 5 tỉnh đông dân nhất ở Bắc Kỳ. Nhân dân Hà Nam đa phần là nông dân theo đạo Phật, có một bộ phận không nhỏ theo đạo Thiên Chúa. Theo tài liệu của người Pháp, số lượng giáo dân vào khoảng 70.000 người. Đây là một đặc điểm lịch sử của Hà Nam. Đạo Thiên Chúa được truyền vào Hà Nam từ khá sớm, nhưng từ năm 1879 (sau khi triều Nguyễn ký Hiệp ước 1874), thì tại Kẻ Sở (cách Phủ Lý 7km), Giám mục Puginier mới cho xây dựng nhà thờ và Tòa Giám mục giáo khu Tây Bắc Kỳ. Nhà thờ theo kiểu vòm cung có 2 tháp cao, được hoàn thành năm 1884. Quanh nhà thờ có một chủng viện lớn, một nhà in sách đạo, các trường học do 10 giáo sĩ Pháp trông nom. Đứng đầu các cơ sở đó là Cha tổng quản Schlicklin, một Tiến sĩ y khoa. Lãnh đạo Tòa giám mục giáo khu này là Giám mục Gendreau (năm 1928). Nói về Thiên Chúa giáo Hà Nam, tài liệu của Pháp cho biết:

“Không có gì phải bàn cãi về ảnh hưởng của các giáo sĩ đối với dân chúng Hà Nam. Ảnh hưởng đó không chỉ nhận thấy trong số các tín đồ bản xứ của đạo Thiên Chúa vào khoảng 70 ngàn giáo dân, mà cả trong số 200 ngàn dân tín đồ đạo Phật. Về cơ bản người dân An Nam rất khoan dung, thậm chí lãnh đạm về vấn đề tôn giáo. Họ mong sự giúp đỡ và lời khuyên một cách tự nhiên, vô tư. Cho nên họ không hề chống đối việc chấp nhận một tôn giáo mới. Một số tục lệ của họ không hề trái ngược lại với các giáo điều Thiên chúa giáo và chính Sắc lệnh 1742 của giáo hoàng Benoist XIV đã làm ngăn trở sự tăng tiến của đạo Thiên Chúa ở Bắc Kỳ. Bởi vì sắc lệnh đó coi những lễ nghi thờ phụng tổ tiên của người An Nam là điều sùng bái cực đoan, sắc lệnh đó do sự gợi ý của các giáo phẩm dòng Dominicains và Hội Truyền giáo nước ngoài, bất chấp ý kiến chống lại của dòng Tên. sắc lệnh đó chắc chắn đã cản trở nhiều trường hợp theo đạo. Điều đó càng là như vậy vì việc thờ cúng tổ tiên trong số các tín đồ Phật giáo là cơ sở cho một thiết chế khác có tính thế tục, đó là các tài sản gọi là của Hương hỏa...

Nhìn chung, các giáo sĩ đã và đang tiếp tục tuyển lựa các tín đồ chính trong các dân nghèo, ở xứ này, nơi mà trong một thời kỳ quá lâu người ta coi thường quyền cá nhân, thì những người nghèo nhất thiết phải tìm những người che chở. Các giáo đoàn trong chừng mực nào đó đã đóng vai trò ở Bắc Kỳ giống như Giáo hội ở châu Âu thời trung cổ khi Nhà thờ được dùng làm nơi ẩn náu cho những người bị áp bức... Nhà thờ Kẻ Sở không phải là nhà thờ duy nhất ở Hà Nam. Còn nhiều nhà thờ ở nhiều nơi, tất cả đều được xây cất theo thị hiếu và duy bằng nhân lực của dân sở tại, được trang trí và gìn giữ rất cẩn thận. Trong số các nhà thờ đáng kể nhất có thể kể nhà thờ Bích Trì, An Mông, Ngô Khê v.v... (1).

Còn về đạo Phật thì người Pháp nhận xét:

“Có khoảng 3/4 dân số Hà Nam theo đạo Phật và họ đều có nhiều chùa do bỏ tiền của công đức xây dựng. Mỗi làng Việt Nam đều có:

1.    Chùa của làng thờ Phật.

2.    Các đền nhỏ hơn thờ thần, thờ các bà chúa.

3.    Các miếu xây gạch thờ Khổng tử.

4.    Đình làng rất lớn thờ Thành hoàng coi như ngôi nhà chung, nơi hội họp của các kỳ lão và hương lý bàn việc làng.

... Nền văn minh Hy-La của chúng ta hầu như không có gì mới mẻ với họ về vấn đề này, bởi lẽ người Việt Nam đã có ý thức về Tổ quốc thông qua các nhân vật lớn từ những thời kỳ xa xưa nhất... Ở Hà Nam, chùa thờ Phật danh tiếng nhất hay đúng hơn, cụm tổng thể nhiều chùa nổi tiếng được xây cất trên đồi Đọi Sơn, có tu viện nổi tiếng toàn Bắc Kỳ, đào tạo các nhà tu hành bác học Phật giáo cho tất cả các chùa. Bên cạnh chùa thiêng Đọi Sơn là Điệp Sơn. Chùa này không chỉ là một chùa nổi tiếng, mà còn là một tu viện cho các sư nữ... Ngoài ra còn nhiều chùa nổi tiếng nữa như chùa Lý Nhân, Vũ Điện, Yên Trạch, Ninh Đồng, Bảo Thôn... (2).

(1), (2) Xem: Lorin. Sđd

2. Tình hình kinh tế, xã hội và văn hóa

a. Tình hình kinh tế

Hà Nam là một tỉnh nằm ở đồng bằng Bắc Bộ. Nền nông nghiệp trồng lúa ở đây giống như nhiều tỉnh đồng bằng khác, có một truyền thống sản xuất tốt đẹp từ xa xưa. Những ghi chép trong chính sử về cây lúa 9 bông ở Đọi Sơn, về các ruộng “kim ngân” ở Hà Nam đều phản ánh địa vị hàng đầu của sản xuất nông nghiệp miền này. Theo những số liệu chính thức năm 1928, thì tổng số ruộng đất các loại của một số tỉnh Bắc Kỳ trong đó có Hà Nam như sau:

 

Tỉnh Châu Huyện

 

Dân số

Ruộng các loại (đơn vị tính ha)

Tổng số

Chiêm

Mùa

2 vụ

Phủ Lý Nhân

115.107

16.360

6.630

 

9.930

Huyện Bình Lục

102.851

15.930

12.330

 

3.600

Huyện Duy Tiên

83.750

15.870

13.170

 

2.700

Huyện Kim Bảng

54.753

12.120

7.500

 

4.620

Huyện Thanh Liêm

64.983

12.270

9.510

 

2.760

Châu Lạc Thủy

1.312

 

 

 

 

Hà Nam

422.762

72.750

49.140

 

23.610

Mức độ phát triển ruộng đất canh tác ở Hà Nam so với các tỉnh lân cận đồng bằng sông Hồng:

Tỉnh

Tổng diện tích

Tổng số ruộng lúa

Tỷ lệ %

Hà Nam

114.000

72.750

63,8

Bắc Ninh

109.800

99.900

90,0

Nam ĐỊnh

149.400

138.990

93,0

Hà Đông

163.700

123.540

75,2

Hưng Yên

88.100

78.080

88,6

 

Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ ruộng đất không cao ở Hà Nam, nhưng Hà Nam là một trong những tỉnh bị thực dân Pháp chiếm đất đầu tiên để lập các đồn điền trồng cà phê và bãi chăn nuôi gia súc. Đó là những vùng đất đỏ và thung lũng phì nhiêu ở các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và châu Lạc Thủy. Ngay từ năm 1883, các tay thực dân như anh em nhà Ghiôm, Bôren đã vào vùng Kẻ Sở, Quyển Sơn khai thác đá, thăm dò lập đồn điền. Năm 1896, anh em nhà Ghiôm chiếm 200ha đất ở vùng Đồng Tâm. Ngày 13/6/1898, thực dân Pháp lại cấp cho chúng một nhượng địa 1.000ha. Năm 1907, Bôren được cấp 100ha ở Đầm Đa, tổng cộng Hà Nam đã có 5 đồn điền Pháp. Năm 1930, số đồn điền là 6, năm 1931 là 8 và năm 1945 là 9 với diện tích rất rộng lớn như sau: đồn điền Bôren chiếm 7.311 ha, đồn điền Lơ Công: 1.252ha, đồn điền Đờ Salanh: 1.162ha, đồn điền Lơvi: 200ha, đồn điền Blai: 200ha (tổng số cả thảy là 10.125ha). Cây trồng ở các đồn điền này chủ yếu cà phê và các cây lương thực, và cây công nghiệp như trẩu... Cà phê được trồng rất sớm từ năm 1888 ở Kẻ Sở, ban đầu có 300 gốc. Năm cà phê mất mùa thì diện tích cà phê ở Hà Nam là 675 ha thu hoạch 77 tấn. Các gia súc chăn nuôi tại các đồn điền ở Hà Nam gồm trâu, bò, dê, cừu lấy phân bón cây và lấy sữa làm bơ, pho mát, dăm bông... Năm 1932, đàn gia súc ở đây gồm hơn 2.000 bò sữa và bò thịt, gần 1.000 con trâu và 1.370 dê, cừu. Sản phẩm từ sữa được đưa đi bán ở Hải Phòng, Hà Nội và nhiều nơi khác (1). Trong các đồn điền Pháp, nguồn lao động trực tiếp sản xuất luôn luôn là nông dân Hà Nam và các tỉnh lân cận.

(1) Theo cuốn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam, tập I (1927 – 1975). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam xuất bản năm 2000, tr. 34 – 35. Cũng theo tài liệu này, diện tích đồn điền Pháp ở Hà Nam năm 1945 là 11.937ha, tr. 41.

Trên đồng ruộng của mình, nhân dân Hà Nam đã ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua sự khắc nghiệt và hạn chế của thiên nhiên để đạt được những kết quả nông nghiệp vào loại cao ở vùng châu thổ sông Hồng. Theo thống kê năm 1932, năng suất nông nghiệp ở Hà Nam vào loại cao ở đồng bằng Bắc Bộ (2).

(2): Y. Henry: “Economie agricole de l’Indochine”, 1932, p.247

Bảng Tr 313

 

Tỉnh

Thu hoạch ruộng 1 vụ trung bình 1ha

Thu hoạch ruộng 2 vụ trung bình 1ha

Hà Nam

13 tạ

19,5 tạ

Bắc Ninh

11 tạ

16,5 tạ

Nam Định

13 tạ

20,5 tạ

Hà Đông

13 tạ

22,5 tạ

 

Một người từng giữ chức vụ chính quyền ở Hà Nam thời đó đã viết về nông nghiệp Hà Nam như sau:

“Đất Hà Nam phần nhiều là đất phù sa, cây lúa tốt lắm, nhưng phải mấy nơi như huyện Duy Tiên và một phần phủ Lý Nhân và huyện Kim Bảng thường phải lụt, nên dân chỉ cấy được vụ chiêm thôi. Đất ruộng kể gần được nửa diện tích toàn tỉnh, nhưng thấp và ngập nhiều cho nên từ tháng 5 đến tháng 8 dân sự phần nhiều chỉ đi chài lưới... về miền núi có nhiều đồn điền của người Pháp giồng cà phê và nuôi súc vật thịnh vượng lắm, không kể ngô, đậu, khoai, ở Hà Nam lại có thầu dầu, thuốc lá và chè, nhất là ở những đồi thuộc huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Các giống rau ở Pháp đem giồng ở đất Hà Nam cũng tốt lắm. Ở trong miền núi Hà Nam có củ nâu, củ mài... bán được tiền lắm” (3).

(3) Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn... Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ. Nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội – 1927, tr 43.

Riêng về huyện Bình Lục, nông nghiệp đã được mô tả như sau: “Việc canh nông ở hạt Bình Lục chỉ trông về vụ chiêm nên không được thịnh lợi bằng các hạt khác. Về vụ tháng 10 thì nhiều ruộng bị úng thủy, năm nào mưa ít nước nhỏ thì cấy chia ba được ngót một phần lúa mùa. Từ ngày lấp sông Châu Giang ở Vĩnh Trụ và Phương Trà (về phủ Lý Nhân) không cho nước chảy ra sông Cái tức sông Hồng Hà, nước mưa đầy đồng không tiêu thoát được nên nhiều ruộng để đồng trắng nước trong. Bao giờ Nhà nước làm xong cống sông Đáy, khơi được sông Ninh Giang nối với sông Đáy thì nước mới lưu thoát ra sông Đáy được, nhiều ruộng mới cấy được hai mùa. Tổng cộng ruộng cấy chiêm được 32.640 mẫu ta (khoảng 90,6ha), cấy mùa được 9.000 mẫu và giồng màu được 2.000 mẫu. Hiện năm 1934 mưa nhiều, nước trong đồng to nên mất 7.000 mẫu mùa...” (1). Ngoài các thổ sản như thóc lúa, ngô, khoai, đỗ, đậu... các thứ hoa quả: vải, nhãn, cam, quýt, hồng, chuối... ở xã An Lão có ít ruộng cấy được một thứ gạo thật trắng và thật thơm gọi là gạo Câu Cánh - là một vị cống phẩm ngày xưa (2).

Cùng phát triển với nông nghiệp là những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt, gốm sứ, nung gạch ngói, nề... xây dựng đền chùa miếu mạo... Những ngành nghề này đều giống như các tỉnh đồng bằng khác ở Bắc Bộ. Tuy nhiên, Hà Nam có những ngành nghề đặc sắc riêng biệt và nổi bật như sau:

Nghề khai thác và sản xuất các loại đá hoa và đá xanh, phát triển từ xưa ở Hà Nam dọc sông Đáy, ở Kẻ Sở (cách Phủ Lý 7km) vùng Lạt Sơn (huyện Kim Bảng). Thực dân Pháp khi mới tới đã chú ý ngay đến nghề này. Có tài liệu cho biết ở Hà Nam có đến 18 số mỏ đá. Năm 1918, sản lượng là 50.000m3/năm; năm 1920 - 1929, được nâng lên 126.740m3 rồi 145.730m3. Cùng với khai thác đá có xưởng cưa đá hoa rất có tiếng trong cả nước, đá được đem bán ở nhiều nơi, nhất là ở Hà Nội. Việc khai thác mỏ than ở Đồi Hoa gần Chi Nê từ năm 1912 đến 1929 thì ngừng, không rõ sản lượng.

Nghề làm thuốc lá xì gà ở Kẻ Sở, thời đó sản phẩm này thường được gọi là xì gà Sở Kiện, khá danh tiếng.

Nghề ấp vịt ở xã Đồng Du (huyện Bình Lục).

Nghề làm đồ sừng ở xã Thứ Nhất (huyện Bình Lục), được truyền từ Hà Đông sang.

Nghề làm quạt giấy ở xã Vũ Bản (huyện Bình Lục).

Tình hình thương mại trong tỉnh khá sôi nổi, nhất là việc buôn bán lúa gạo vào các mùa vụ. Các thương nhân Hoa kiều đi vào khắp ngõ xóm làng mạc thu mua thóc gạo đem đi các tỉnh khác, ở thị xã Phủ Lý, việc buôn bán cũng đã phát triển. Nhiều cửa hàng cửa hiệu mọc lên, kinh doanh các mặt hàng địa phương và từ các nơi khác chuyển đến. Những hiệu cầm đồ, đại lý ty rượu cũng; xuất hiện cùng các loại chợ thường ngày. Hà Nam có rất nhiều chợ ở khắp các xã thôn, nổi tiếng là chợ Thịnh Đại, chợ Sông, chợ Bầu... khá đông đúc. Riêng một huyện Bình Lục đã có tới 23 chợ họp theo phiên ấn định và các ngày âm lịch. Mỗi một tháng chợ họp ít nhất 6 phiên, nhiều nhất là 12 phiên (ví dụ: chợ Họ, chợ Giải, chợ Giằm, chợ Lão, chợ Sông...). Thực dân Pháp cũng cho phép các hãng buôn lớn của Pháp ở Hà Nội như Đờniphơre, Đềcua Cabô... lập các đại lý ở Hà Nam để buôn bán hàng Pháp và hàng nội địa. Sự phồn thịnh của thương mại một phần nhờ Hà Nam có nhiều đường giao thông thủy, bộ chạy qua. Đó là các con sông Hồng, sông Đáy, sông Châu. Các đường bộ cũng ngày càng mở mang. Tài liệu về giao thông Hà Nam năm 1927, cho biết:

“1. Đường thuộc địa số 1 đi từ Hà Nội vào Ninh Bình, qua tỉnh Hà Nam từ Bắc đến Nam;

2. Đường Phủ Lý đi Hưng Yên qua sông Hồng, ở bến Nga Khê;

3. Đường Phủ Lý đi Nam Định dài 30km qua địa hạt Thanh Liêm và Bình Lục;

4. Đường Đồng Văn đi Hưng Yên (dài 14km);

5. Đường Phủ Lý vào Chi Nê;

6. Đường xe hỏa đi qua tỉnh, 35 km (đường Hà Nội vào Vinh).

“Đường Hà Nội xuống Nam Định qua Hà Nam. Đường xe hoả Hà Nội về Vinh đi khỏi ga Cầu Guột, qua hai cái cầu sắt thì vào tỉnh Hà Nam. Đến km45 là ga Đồng Văn (thuộc huyện Duy Tiên). Ở đường xe lửa mà trông về phía Tây Nam thì thấy một dãy núi ngọn cao lổm chổm, đấy là dãy “Chín mươi chín ngọn”. Xe hỏa đi qua cầu sông Châu là đến tỉnh lỵ Phủ Lý (cách Hà Nội 56 km). Cách Phủ Lý độ bốn năm trăm thước tây có làng Mễ Tràng là huyện lỵ huyện Thanh Liêm, ở Phủ Lý có đường đi:

1.    Ninh Bình (33km);

2.    Kẻ Sở (7km);

3.    Chi Nê (28km);

4.    Vào Chùa Hương thì đi đò đến Bến Đục (độ 8 giờ), đi tầu thủy độ 2 giờ, rồi đi bộ độ 1 giờ vào đò suối, đi độ 2 giờ đò suối thì vào đến chùa ngoài.

Đường từ Phủ Lý vào Ninh Bình, đi bộ thì mất 33km, đi thủy theo sông Đáy thì mất 42km. Cách ga Phủ Lý 5 km cách đường cái về phía Đông độ 1.000 thước tây thì qua làng Ứng Liêm, có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, về phía Đông cách đấy độ 2km ở làng Ninh Thái, có đền thờ đức Thủy tổ nhà Tiền Lê. Đến km72 thì có núi Thiên Kiện Sơn, cũng có người gọi là Địa Càn. Về đời Trần đã có một ông vua lập một cái điện lên ở đấy. Năm 1384, khi nước ta bị quân Chiêm Thành đánh thua, vua đã bắt đem cả kho tàng châu báu giấu vào núi ấy để cho giặc khỏi lấy mất. Đến km 17 ở làng Bình Cách và Thọ Cách có vết thành Cổ Động, năm 1408 tướng Mộc Thạnh nước Tàu bị thua đóng tàn quân ở đó. Đến km20 qua sông Đáy thì vào tỉnh Ninh Bình”(1).

Giao thông vận tải không chỉ phục vụ sự phát triển hoạt động kinh tế, mà còn thúc đẩy mọi mặt đời sống nhân dân, kể cả văn hóa - giáo dục.

b. Tình hình xã hội và văn hóa

Các loại ruộng công điền công thổ còn chiếm một vị trí quan trọng trong làng xã ở Hà Nam. Tỷ lệ ruộng đất công so với ruộng đất tư ở Hà Nam vào loại cao nhất đồng bằng Bắc Kỳ(2), chỉ xếp sau Nam Định.

 

 

Tỉnh

Công điền

(tính ra mẫu)

Diện tích canh tác (tính ra mẫu)

Tỷ lệ công điền (tính ra %)

1. Nam Định

135.165

346.944

39,0

2. Hà Nam

58.615

155.556

37,7

3. Quảng Yên

3.983

11.111

35,8

4. Thái Bình

106.881

328.055

32,5

5. Ninh Bình

48.998

175.855

27,8

6. Hà Đông

59.395

231.944

25,6

7. Thái Nguyên

11.705

49.723

23,5

8. Hưng Yên

42.912

195.000

22,0

9. Kiến An

28.714

163.612

17,5

10. Bắc Ninh

35.302

226.944

15,5

11. Yên Bái

2.608

17.500

14,8

12. Hải Dương

54.849

375.555

14,6

13. Phúc Yên

13.505

119.445

11,2

14. Sơn Tây

12.149

118.889

10,1

15. Vĩnh Yên

11.339

116.944

9,6

16. Phú Thọ

9.851

106.667

9,1

17. Bắc Giang

13.004

296.111

4,3

18. Tuyên Quang

320

48.333

0,7

Cộng:

649.292

3.084.188

21

(1)   Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ. Sđd, tr. 44-45.

(2)   Xem: Vũ Huy Phúc - Chế độ công điền công thổ Bắc Kỳ dưới thời Pháp thống trị. Tạo chí NCLS số 87 tháng 6-1966. tr. 35 và số 88 tháng 7-1966, tr. 51.

Nếu tính đến đơn vị huyện thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Trong tỉnh Hà Nam, phủ Lý Nhân có tỷ lệ công điền là 46%, huyện Kim Bảng là 54%([1]). Tài liệu Pháp cho biết: “Về nguyên tắc, công điền được chia 3 năm 1 lần công bằng cho tất cả dân đinh có tên trong sổ thuế thân và chịu các đảm phụ làng xã. Nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Các hào mục, các người có ảnh hưởng thường tự nhận lấy phần rộng lớn bất chấp dân thường có thể tố cáo việc hà lạm đó. Ở người An Nam cũng như ở khắp nơi và hơn ở đâu hết, những cá lớn ăn thịt cá bé...

Về việc chi tiêu quan trọng thì người ta kêu gọi mọi dân cư đóng góp, các công điền được đem ra cầm cố nhưng phải có phép của Công sứ và trong một thời hạn không quá 3 năm, các chức Nhiêu được đem bán cho những ai muốn mua...”(2).

Mặc dù có công điền nhưng nông dân nghèo không thể trở thành chủ ruộng nhỏ mà vẫn phải đi làm tá điền cho địa chủ, bởi họ không thể đủ lưng vốn để chi phí các khoản giống má, thuế lệ (thuế ruộng và thuế thân). Thuế ruộng có 3 loại đẳng hạng và 2 ngạch công điền tư điền, nhưng đều quy lại như nhau: 2 đồng 40/mẫu (thời kỳ 1930 giá 1 tạ thóc là 3 đồng Đông Dương). Thuế thân là 2 đồng 50 chưa kể các loại phụ thu khác (phụ thu là tuỳ thuộc hương lý từng làng). Vì vậy kể cả các khoản này thì thuế thân có nơi là 3 đồng 1 người, có nơi lên tới 4 đồng 50. Thuế đất ở cũng chia ra nhiều loại nhưng đồng loạt là 0 đồng 30/1m2. Người nông dân nào chẳng có đất từ bao đời để lại. Thuế đất cũng là một khoản khá nặng nề cho nông dân nghèo, có thể tính lên tới hàng trăm đồng. Quả là một nỗi thống khổ nặng nề của nông dân Việt Nam thời thuộc địa. Theo sự tính toán của Pháp thì thu nhập và chi tiêu của 1 hộ nông dân (5 người) vùng Nam Định, Hà Nam năm 1932 như sau:

Thu

Chi

- 1 mẫu ruộng thu hoạch 850 kg.

- Tiền công của người bố trong 5 tháng (5, 6, 9, 10, 11) mỗi tháng 20 ngày làm mướn:

100 ngày x 0,30 đồng/ngày = 30 đồng

Tiền công người mẹ đi cấy: 5 đồng

Cộng: 35 đồng

- Lương thực: 1.300 kg thóc, thêm một ít ngũ cốc.

- Chi tiêu các khoản 24 đồng cả năm.

- Thuế ruộng và

các thuế khác: 29 đồng

 

53 đồng

 

(1) Xem: Vũ Huy Phúc – Chế độ công điền công thổ Bắc Kỳ dưới thời Pháp thống trị. Sđd.

(2) Xem Lorin. Sđd.

Nếu sự tính toán trên đây là đúng thì người nông dân đồng bằng Bắc Bộ suốt đời đói khổ, đó là chưa kể những chi tiêu bắt buộc khác. Ví dụ việc mua rượu cồn bắt buộc. Khi thực dân Pháp kinh doanh độc quyền nấu rượu thì chính quyền thuộc địa buộc nhân dân phải mua rượu cất của Pháp. Độc quyền này sau tuy bị bãi bỏ, nhưng chính quyền cấp dưới vẫn bắt ép các xã dân phải mua rượu cồn. “Chỉ một thôn nhỏ như thôn nội ở Đồng Du (Bình Lục) có tới 3 tiểu bài bán rượu, làng Lũng Xuyên (Duy Tiên) có 2 tiểu bài. Riêng 1 tiểu bài ở làng Đại Vượng (Thanh Liêm) một tháng bán 300 lít rượu. Năm 1937, tri huyện Lý hiểu dụ dân chúng rằng: Theo lệnh của quan phụ mẫu mỗi suất đinh phải mua lít rượu trong 1 tháng vì chính phủ làm ra được nhiều rượu. Quan lớn truyền cho là phải mua nếu không phải chịu pháp luật”(1).

(1) Ngô Vi Liễn: Địa dư huyện Bình Lục. Nhà in Lê Văn Tân. Hà Nội - 1935, tr. 9 - 10.

Nói đến các tệ nạn xã hội ở Hà Nam thời thuộc địa, ngoài rượu cồn, còn phải kể đến thuốc phiện, là mặt hàng kinh doanh của chính phủ thuộc địa giống như rượu. Nhiều tiệm hút đã mọc lên trên đất Hà Nam. Tỉnh lỵ Phủ Lý trước 1930 chưa đầy 1km2 mà có tới 300 bàn đèn thuốc phiện. Cả dãy phố bờ hồ có độ 50 nhà thì hầu hết đều mở tiệm hút, hay sòng bạc, cô đầu. Chánh Kỳ, Tuần Thành là chủ sòng bạc lớn. Ở nông thôn cũng mọc lên nhiều bàn đèn thuốc phiện. Có làng như Thanh Châu (huyện Thanh Liêm) có đến 15 bàn đèn; làng Đôn Lương (nay là thôn Đôn Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên) có 32 bàn đèn. Cùng với những tệ nạn xã hội đó còn có những hủ tục xa phí, khao vọng, mua danh bán tước, mê tín dị đoan... làm kiệt quệ người dân lành.

So với cuộc sống truyền thống, Hà Nam có những thay đổi về mặt y tế. Cả tỉnh đã có 1 bệnh viện nhỏ chừng 20 - 30 giường với 4 dãy nhà chia thành các khu vực: khu khám bệnh, khu điều trị bệnh nhân nam, khu điều trị bệnh nhân nữ, phòng mổ, phòng băng bó và khu hộ sinh. Bệnh viện có 1 bác sĩ người Pháp và một số nhân viên y tế. Từ năm 1930 trở đi, mỗi huyện có thêm 1 trạm xá có 1 y tá, 1 nữ hộ sinh. Năm 1932, Hà Nam có 32 bà đỡ phân phối về các làng đông dân. Riêng huyện Bình Lục, năm 1935 có 8 trạm hộ sinh ở 8 xã, mỗi trạm phụ trách công việc đỡ đẻ cho nhiều xã lân cận được đặt ở 8 xã: An Đổ, Mỹ Thọ, Tái Kênh, Cát Lại, Văn Ấp, Tiêu Động, Vũ Bản, Ngọc Lũ (1).

Về mặt giáo dục, thời kỳ trước 1923 mỗi tổng có 1 trường Tổng sư (có 3 lớp Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng). Từ sau 1928, các xã được phép mở trường học. Cả Hà Nam có 6 phủ huyện châu (45 tổng gồm 388 xã). Năm 1930, các huyện của Hà Nam đều có trường học gọi là trường Kiêm bị, tức là trường Tiểu học Pháp - Việt toàn cấp có 6 bậc học: Lớp Nhất, Lớp Nhì năm thứ hai, Lớp Nhì năm thứ nhất, Lớp Ba (sơ đẳng), Lớp Tư (dự bị), Lớp Năm (đồng ấu). Riêng huyện Bình Lục có 2 trường Kiêm bị (1 ở huyện lỵ và 1 ở xã Ngô Khê), 7 trường Tổng sư (huyện Bình Lục có 8 tổng) và 24 trường Hương sư (Bình Lục có 70 xã). Tổng số học sinh trong tất cả các trường đó là 1.561 trò, tức 1,3% dân số trong huyện (112.675 người). Có tài liệu cho biết tính toàn tỉnh Hà Nam, tỷ lệ này khoảng 2%(2).

 

(1) Ngô Vi Liễn: Địa dư huyện Bình Lục. Nhà in Lê Văn Tân. Hà Nội - 1935, tr. 9 - 10.

Có thể nói tuyệt đại đa số nông dân Hà Nam đều mù chữ, cũng như toàn vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là chữ Quốc ngữ, còn chữ Hán Việt hay Hán Nôm cũng không phải không còn người biết và chắc tỷ lệ cũng rất ít. Việc thi cử bằng chữ Hán (lần cuối cùng trước khi bị bãi bỏ hẳn) ở các trường thi truyền thống trên toàn quốc lần lượt được tổ chức vào các năm 1915, 1918, 1919. Trường thi Nam Định (gần với Hà Nam) tổ chức kỳ thi Hương cuối cùng vào tháng 11 - 12 năm 1915. Mặc dầu vậy, nếp sống tinh thần và văn hóa truyền thống không bao giờ thui chột mà còn tiếp thu thêm những nét mới, làm phong phú hơn những giá trị vững chắc từ ngàn xưa.

Người dân Hà Nam sống trọn đời trên một mảnh đất lưu giữ đậm nét dấu ấn của hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Những trống đồng Ngọc Lũ, hành cung Lỵ Nhân, tịch điền Đọi Sơn... luôn nhắc nhở và tạo nên sự thôi thúc lối sống văn hiến của nhân dân nơi đây. Những đền chùa miếu mạo ở khắp nơi trong tỉnh luôn nuôi dưỡng; một nhân sinh quan nhân văn cao quý. Những văn bia, bằng sắc, những bút tích văn chương Hán tự vẫn luôn luôn gắn bó với lớp trí thức và với bao người dân xã thôn Hà Nam. Đời sống tôn giáo, đời sống xã thôn theo lệ làng và các thuần phong mỹ tục là bầu không khí nuôi dưỡng tâm hồn và văn hóa truyền thống. Lớp trí thức công giáo vừa có Hán học lại có cả Tây học. Văn hóa Thiên chúa giáo do những giáo dân yêu nước đóng góp khiến cho di sản của cha ông có thêm những mảng màu sắc đẹp đẽ, mới mẻ.

3. Phong trào đấu tranh chống Pháp xâm lược

Khi liên quân xâm lược Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, rồi đánh chiếm cả miền Nam từ năm 1858 đến 1867, lăm le tiến ra Bắc từ 1867 đến 1873, thì nhân dân cả nước trong đó có nhân dân Hà Nam đã biểu thị một ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc kiên cường. Thái độ của triều Nguyễn thì ngược lại, từ chỗ mang quân chống trả kịch liệt, đến hèn nhát cầu hòa xin chuộc đất, chịu hết thất bại này đến thất bại khác. Kẻ địch thì lấn tới và mở cuộc tiến công ra Bắc Kỳ. Ngày 20/11/1873, thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Ngày 23, chúng chiếm đóng Hưng Yên. Ngày 26, địch kéo sang Phủ Lý. Đây là đội quân chỉ hơn 30 tên tưới sự chỉ huy của Baniđavricua và Ácmăng trên chiếc pháo hạm Étspanhgôn.

Ở Phủ Lý “cuộc chiến đấu diễn ra chưa đầy 15 phút, thành bị địch chiếm, mất toàn bộ số tài sản lương thực, vũ khí hiện có gồm 54.000 đồng tiền kẽm, 30 khẩu thần công, 60 súng tay, 15 tạ muối, 48.000 tạ thóc, 9.000 tạ gạo và 20 thuyền chở đầy gạo” (1). Sau đó, với sự giúp rập của Giám mục Puydinhiê ở Kẻ Sở quân Pháp thiết lập ngay một bộ máy ngụy quyền tại đây. Việc để mất thành là trách nhiệm của quan quân triều đình. Lúc này Phủ Lý thuộc Hà Nội mà Hà Nội đã thất thủ từ trước đó. Nhưng nhân dân Hà Nam với truyền thống chống giặc từ ngàn xưa đã chuẩn bị tinh thần chống Pháp ngay từ sau ngày 26/11/1873. Địch chưa đứng chân được bao lâu thì triều đình đã ký tắt Hiệp ước Nhâm Tuất 1874, cho nên trong khoảng từ 10 đến 16 tháng 1/1874, toàn bộ quân Pháp đã rút khỏi Phủ Lý và Hà Nội, giao thành cho triều đình Huế.

Trong khoảng thời gian non 2 tháng đó, nhân dân Hà Nam cùng nhân dân các tỉnh lân cận đều đua nhau hưởng ứng lời hô hào chiến đấu của các sĩ phu địa phương. Những căn cứ kháng chiến được thiết lập ở các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân... hình thành thế bao vây địch từ bốn phía.

Ngay từ những ngày đầu đánh Pháp này đã nổi lên tên tuổi Đinh Công Tráng ở Hà Nam. Đinh Công Tráng đã phối hợp với dân binh của Phạm Văn Nghị ở Nam Định xây dựng nên căn cứ Nham Tràng, quấy rối địch trên đường quan lộ dọc huyện Thanh Liêm từ Phủ Lý vào Ninh Bình. Cùng chiến đấu với Đinh Công Tráng còn có Hoàng Văn Tuấn đánh giặc trên sông Châu (phần thuộc huyện Lý Nhân) và có lần đã đột kích vào thành Phủ Lý (2). Đinh Công Tráng bằng biện pháp gửi thư kêu gọi khắp nơi, nên nghĩa quân tụ tập đông đảo tới 400 - 500 người, chia làm 4 đạo đóng ở quanh làng Tràng. Một bài vè địa phương đã mô tả:

Văn thân đâu đấy xa gần

Chia làm bốn đạo là quân quan Hoàng (*)

Đạo tây đóng ở làng Tràng

Đạo đông làng Bưởi quân quan cũng nhiều

Đạo dưới đóng ở Lác Chiều

Đạo trên Hưng Ngãi cũng nhiều quân gia.

Tập hợp xong đội ngũ nghĩa quân, Đinh Công Tráng tổ chức đánh giặc ngay: “Ngày 14/12/1873, ông Tráng hạ lệnh tấn công Trại Cần (xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm ngày nay) là một chỗ dự trữ lương thực do bọn gián điệp đội lốt giáo sĩ đã chuẩn bị từ trước cho giặc. Tất cả của cải lấy được đều chia cho nhân dân ăn tết. Nghĩa quân thừa thắng tiến lên bao vây uy hiếp Kẻ Sở. Giặc thấy thế nguy vội chở quân đổ bộ lên làng Tràng đánh giải vây. Cuộc chiến đấu kéo dài trong 3 ngày, sau nghĩa quân yếu thế phải lui về vùng Nam Định là trung tâm kháng chiến của Bắc Kỳ lúc đó, phối hợp với các đạo nghĩa quân của Phạm Văn Nghị đánh thắng nhiều trận ở Tâng Bùng, Mai Độ (huyện Ý Yên), Phủ Bo, Phủ Lý, đuổi tên lãnh binh ngụy Lê Văn Ba chỉ huy bọn mã tà của Pháp chạy về Nam Định” (1).

Đinh Công Tráng từ chối nhận chức Hiệp quản của triều Nguyễn đồng thời liên hệ với các tướng lĩnh Cờ Đen để tiếp tục chiến đấu. Đúng lúc này triều đình Huế chủ trương cầu hòa và đã chuẩn bị ký kết Hiệp ước Nhâm Tuất; chịu nhượng bộ để ngưng cuộc chiến. Nhưng nhân dân Hà Nam và các tỉnh khác không nguôi ý chí chiến đấu. Năm 1882, thực dân Pháp lại đem quân tấn công Bắc Kỳ lần thứ hai và lần này nhân dân Hà Nam đã cùng nhân dân toàn Bắc Kỳ cầm vũ khí chiến đấu lâu dài hơn, kiên trì hơn vì vận mệnh của Tổ quốc khi triều Nguyễn đã đầu hàng, trở thành công cụ của bọn thực dân. Sau khi Hà Nội bị chiếm, Hoàng Diệu tử tiết (25/4/1882). Quân Pháp biết quân Thanh chắc chắn sẽ vào Bắc Kỳ nên nghĩ ngay tới việc đánh chiếm trước khu vực mỏ than ở Hòn Gai - Quảng Yên (12/3/1883).

Sau đó địch mở rộng đánh chiếm xuống phía Nam Hà Nội, đánh chiếm Ninh Bình (25/3/1883), Nam Định (27/3/1883). Hà Nam chắc đã lọt vào tay quân Pháp trong thời gian nửa cuối tháng 3 này, và lẽ tự nhiên nhân dân Hà Nam lại đứng dậy cầm vũ khí đánh Pháp. Tài liệu của Pháp viết: “Năm 1882, việc (quân Pháp) chiếm thành Nam Định đã đẩy những người bị hãm phải lui lên các vùng núi sông Đáy làm nơi ẩn náu. Họ đã nhiều lần toan tấn công vào giáo đoàn Kẻ Sở là nơi nếu chiếm được sẽ có nhiều quân nhu cho họ. Một trong số các thủ lĩnh là Đinh Công Tráng, thường được gọi là Cai Tràng vì là tên làng quê của ông, làng Nham Tràng, trên tả ngạn sông Đáy, phía Nam huyện Thanh Liêm. Cai Tràng đã chống trả quân đội ta cho mãi tới năm 1885. Cùng với đa phần đồng đảng của mình, Cai Tràng bị chiếc pháo hạm “Suyếcpơrisơ” tấn công tại làng quê ông ta và đã trốn thoát, nhưng sau lại bị các giáo dân truy đuổi đến chân núi và bị thương ở cánh tay. Ông ta ẩn náu ở làng Thông và nhờ sự thông báo của các giáo sĩ nên Đại tá Briôngvan tới nơi bao vây đánh bắt cả toán. Nhưng lại một lần nữa Cai Tràng thoát, còn các đồng đảng thì người chết, người chạy tán phát, ông ta mất uy thế, chạy vào miền núi Nghệ An rồi sau đó bị quân ta giết chết” (1).

Nhưng địch đã lầm to, Đinh Công Tráng đã từng dự tính trước việc quân xâm lược sẽ đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, nên ông tổ chức nghĩa quân quy củ hơn và liên kết rộng rãi hơn. Ông chiêu tập nhiều tướng lĩnh tài giỏi từ các huyện Nam Sang, Bình Lục, Ý Yên, Gia Viễn... “Về vũ khí, thì ngoài những súng cướp được của giặc để tự trang bị, ông còn tổ chức bí mật đi mua súng ống thuốc đạn trong thành Hà Nội, trong doanh trại giặc. Ông tập trung nhiều thợ rèn giỏi vào rừng để rèn vũ khí, đúc súng thần công. Các tướng lĩnh đều chọn trong hàng ngũ những người dũng cảm, có thành tích chiến đấu. Ngoài ra, có những người chuyên huấn luyện và bổ sung quân như sư So, Hiệp Thiềng, Hiệp Bảo, Đội Ôn (người Nam Hà). Quân số lúc này lên đến 5, 6 ngàn người. Ông đã phối hợp với quân Cờ Đen và quân của Hoàng Tá Viêm, trong các trận đánh xung quanh Hà Nội và tích cực chống càn vùng Nam Sang, Bình Lục, Vụ Bản. Suốt từ năm 1882 cho tới cuối 1885, Đinh Công Tráng đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, đáng kể nhất là những trận Kẻ Non (nay là xã Thanh Lưu) đồn Tâng, đồn Tràng, Kẻ Bưởi, làng Thong, Đinh Công Tráng bị thương nặng phải về cổ Đam (Nam Hà) điều trị. Một tháng sau lành vết thương ông lại tiếp tục chỉ huy nghĩa quân đánh chiếm vùng Gia Khánh, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh (Ninh Bình). Sau khi Tôn Thất Thuyết ra Thanh Hóa, nghe tiếng Đinh Công Tráng vào bàn kế hoạch chống Pháp với các lãnh đạo nghĩa quân ở đây, và tại Hội nghị Bồng Trung, Đinh Công Tráng đã được giao trách nhiệm cùng với Phạm Bành xây dựng cứ điểm Ba Đình” (2).

(1) Lorin. “Notice sur la province de Ha Nam”. T. C. Revue Indochinoise, số 12 năm 1905, tr 882 – 893.

(2) Phan Trọng Báu. Sđd. tr. 19.

Ba Đình là một cuộc khởi nghĩa kiệt hiệt của nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ Cần Vương mà linh hồn của cuộc chiến đấu này là Đinh Công Tráng và Phạm Bành. Nhân dân Hà Nam tự hào có người con ưu tú trở thành người anh hùng của căn cứ địa Ba Đình lừng danh toàn quốc" (1).

Trong lúc Đinh Công Tráng chiến đấu ở Ba Đình thì tại Hà Nam quê ông, nhiều cuộc chiến đấu chống Pháp vẫn diễn ra quyết liệt. Đó là các cuộc nổi dậy do các thủ lĩnh nổi tiếng như Lê Hữu Cầu, Ông Hàm, Hoàng Văn Tuấn... lãnh đạo suốt từ 1885 đến cuối thế kỷ XIX, trong đó cuộc chiến đấu của Đề Yêm là nổi bật hơn cả.

Đề Yêm tên chính là Đinh Quang Lý, người làng Đồng Lạc (nay thuộc xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng), một hào mục triều Nguyễn. Ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật, được phong làm Đề đốc. Năm 1889, khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại, Đề Yêm cùng Tắc Vi đem quân vượt sông Hồng về Đồng Văn (huyện Duy Tiên), chợ Đại (huyện Kim Bảng), xây dựng phòng tuyến chống Pháp, sau đó mở rộng địa bàn sang chợ Dâu, Tuyết Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Đông), lấy Tuyết Sơn làm căn cứ. Nghĩa quân đã đánh những trận lớn ở Quang Thừa, Mã Não (huyện Kim Bảng). Nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra ở các huyện Thanh Liêm, Nam Xang và vùng núi Hà Đông, trong trận làng Đùng (huyện Thanh Liêm) cả làng bị giặc giết sạch. Nghĩa quân chiến đấu anh dũng, sau phải rút lui vì tương quan lực lượng giữa địch và ta quá chênh lệch” (2).

Thực dân Pháp phải đối phó cực kỳ khốn khó với các cuộc chiến này. Theo tài liệu của Pháp (1) thì ở vùng núi Khả Phong nghĩa quân hoạt động tỏa đi khắp nơi liên tục và vào khoảng tháng 10, tháng 11 năm 1890, địch phải dùng cả một binh đoàn có pháo hạm Avalăngxơ từ sông Đáy yểm hộ để tiến hành càn đi quét lại mới làm giảm được sức mạnh của nghĩa quân. Cũng theo tài liệu của Pháp thì năm 1894, một thủ lĩnh nghĩa quân tên là Hàm chỉ huy một đội quân hơn 200 người trang bị súng và rất nhiều đạn khiến quân Pháp phải ngạc nhiên. Nghĩa quân ông Hàm từ Mỹ Đức kéo sang tấn công bốt Quang Thừa, gây cho địch tổn thất nhưng nghĩa quân cũng không chiếm được đồn. Phong trào vũ trang chống Pháp ở Hà Nam tiếp tục kéo dài từ 1885 đến 1894 thì tạm lắng.

Sau thất bại của phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước và các vị vua có tinh thần quật khởi, các nhà ái quốc Việt Nam tìm con đường cứu nước mới. Đó là các phong trào đấu tranh quần chúng như phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, phong trào chống thuế ở Trung Kỳ... Cùng với nhân dân trong cả nước, nhân dân Hà Nam đã hăng hái tham gia, hưởng ứng tích cực các phong trào đó và bước vào một thời kỳ đấu tranh dưới những hình thức mới.

II. Sự HÌNH THÀNH ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG DƯỚI sự LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG (1929 - 1945)

1.    Tình hình chính trị, xã hội và sự phân hóa giai cấp ở Hà Nam

a. Những biến đổi chính trị - xã hội Hà Nam

Cho đến trước năm 1890, Hà Nam vẫn là một phủ thuộc tỉnh Hà Nội. Binh đoàn Misô Larivie vẫn cùng pháo hạm Avalăngxơ kiểm soát vùng này. Công sứ Pháp đầu tiên khi tỉnh Hà Nam được thành lập, như đã đề cập đến, là Phera, còn bộ máy Nam triều trong tỉnh do một Bố chánh nắm giữ. Từ sau 1904, Hà Nam có tuần phủ Nguyễn Hữu Đắc. Sau 10 năm là Đại lý thuộc Nam Định (1913-1923), năm 1923 Hà Nam lại trở thành tỉnh và Công sứ Pháp từ đây là Phoócxăng Pie. Bộ máy Nam triều lúc này có tuần phủ, dưới là Bố chính và Án sát. Dưới cấp tỉnh là phủ, huyện có các tri phủ, tri huyện (giúp việc là các lục sự, thừa phái và 1, 2 tiểu đội lính cơ). Mỗi tổng có chánh tổng, phó tổng, tổng đoàn. Xã có lý trưởng, phó lý, trưởng bạ, thư ký, trương tuần và Hội đồng hương chính do chánh hội, phó hội trông coi. Riêng châu Lạc Thủy (sáp nhập vào Hà Nam ngày 24/10/1908) vẫn theo chế độ lang đạo; với cách dùng người địa phương nắm giữ các cấp bậc từ châu xuống tổng, xã. Bên cạnh hệ thống chính quyền là tổ chức tư pháp. Ở cấp tỉnh có tòa án đệ nhị cấp do Công sứ Pháp làm Chánh án, có phó sứ và tuần phủ tham dự các phiên tòa. Phủ Lý Nhân và huyện Thanh Liêm cũng được đặt tòa án đệ nhị cấp nhưng người phụ trách là một người của ngành tư pháp. Các huyện Bình Lục, Kim Bảng, Duy Tiên và châu Lạc Thủy thì các viên tri huyện, tri châu kiêm luôn việc tư pháp.

Về mặt quân sự, cùng với sự kiểm soát của các đơn vị đồn trú, quân Pháp có tàu chiến yểm hộ, ở Hà Nam còn có một lực lượng lính khố xanh. Trại lính Hà Nam năm 1900 có khoảng 100 người, năm 1931 là 130 người do một giám binh Pháp cai quản. Trại giám binh này có mối liên hệ hỗ trợ thường xuyên với các đồn binh trong tỉnh như: Như Trác (huyện Lý Nhân); Thành Thị, Vũ Xá (huyện Bình Lục); Quang Thừa, Khả Phong (huyện Kim Bảng); Chi Nê (châu Lạc Thủy). Ở cấp các phủ, huyện luôn có một tốp lính cơ túc trực thường xuyên chịu sự chỉ huy của các tri huyện, tri phủ, tri châu. Năm 1931, số lượng lính cơ rải rác ở các phủ, huyện, châu tại Hà Nam là 68 người. Ở cấp tỉnh, Hà Nam còn có một lực lượng cảnh sát khoảng 25 - 30 người, tập trung ở Sở cẩm, chuyên trách việc trật tự an ninh trong tỉnh. Tất cả các lực lượng quân sự và cảnh sát kể trên đều nhằm đối phó với sự chống đối của các lực lượng kháng chiến và các phong trào yêu nước của nhân dân.

Để tiến hành khai thác bóc lột thuộc địa, cũng là để thực hiện công việc đàn áp, khống chế mọi cuộc phản kháng của nhân dân, thực dân Pháp đã chú trọng việc xây dựng các cơ sở vật chất như điện, nước và các đường sá giao thông liên lạc, bưu điện, điện tín... Mạng lưới giao thông từ sau 1930 được hoàn thiện khắp nơi, kể cả ở Hà Nam (1). Đường xe lửa từ Hà Nội vào Vinh chạy qua tỉnh Hà Nam trên một đoạn đường dài 34km, có các ga chính là Đồng Văn, Phủ Lý và Bình Lục. Đoạn đường sắt này do Sở Hỏa xa quản lý. Hằng năm chuyên chở một khối lượng lớn đá và hàng hóa đi các vùng. Đường bộ không được mở rộng lắm, có khoảng 155km đường rải đá và 215km đường đất. Những đường chính là đường Quốc lộ 1 được xây dựng năm 1885, chạy qua tỉnh từ Bắc xuống Nam dài 42km; đường 21 được xây dựng năm 1904 - 1905, từ cầu Họ (huyện Bình Lục) đến Nhượng Lạo (châu Lạc Thủy) chạy qua Phủ Lý và Chi Nê, dài 73km. Một số đường liên tỉnh như đường 60, 61, 62, 63B, 22, 21B... đều được rải đá. Những con đường này tạo thành một mạng lưới giao thông nối Hà Nam với các vùng lân cận.

Tuyến đường thủy cũng được chú trọng sử dụng vì chi phí vận chuyển rẻ tiền. Tàu thủy ở Hải Phòng và ở Nam Định đi Hà Nội chạy trên sông Hồng đoạn qua Hà Nam dài 39km với các bến Phương Trà, Như Trác, Vũ Điện, Nga Khê (huyện Lý Nhân); Từ Đài, Yên Lạc, Hoàn Dương (huyện Duy Tiên). Sông Đáy chảy vào Hà Nam ở địa điểm xã Tân Sơn (huyện Kim Bảng) qua thị xã Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, thường chỉ có thuyền đi từ trung du xuôi xuống, mang lâm sản hoặc chở đá vôi khai thác ở Kẻ Sở, Vũ Xá. Sông Đào (Phủ Lý) có tác dụng như cầu nối giữa sông Đáy với sông Hồng. Thị xã Phủ Lý là đầu mối của tuyến tàu thủy từ Ninh Bình đi Hà Nội qua sông Đào làm cho thị xã thêm phần sầm uất.

b. Sự phân hóa xã hội ở Hà Nam

Lĩnh vực phản ánh tập trung những biến đổi kinh tế, xã hội, chính trị là bức tranh phân hóa xã hội hay phân hóa giai cấp, trước hết là giai cấp nông dân. Như trên đã trình bày, tuy Hà Nam là nơi còn nhiều công điền làng xã, nhưng trong thực tế người nông dân suất đinh vẫn không có ruộng và vẫn phải làm tá điền cho các địa chủ. Chế độ công điền trong thực tế không còn tác dụng tích cực mà chỉ làm người dân nghèo khốn khổ thêm. Giống như các tỉnh khác, nông dân tá điền ở Hà Nam chiếm tới 90% tổng dân số của tỉnh và sống một cuộc đời lam lũ vất vả đói khổ (1).

Dân nhiều ruộng ít, bình quân nhân khẩu của lớp trung nông chỉ được 3 sào, bần nông 1,6 sào, cố nông 0,8 sào, đa số là ruộng xấu và là ruộng chiêm. Hàng năm, dân nghèo chỉ trông vào một vụ chiêm mà lại luôn thất bát. Vì vậy nhiều gia đình nông dân Hà Nam triền miên sống bằng khoai, sắn, bữa cháo, bữa rau. Đồng bào theo đạo Thiên chúa còn phải đóng góp cho địa chủ Nhà Chung. Nhiều nông dân miền núi phải vào làm thuê tại đồn điền. Nhiều nông dân hoạn nạn phải bỏ làng đi kiếm việc làm ở các tỉnh khác, làm phu đồn điền cao su tại Nam Kỳ, Cao Miên, Tân Đảo. Những làng như Dũng Kim, Mạc Thượng, Bàng Ba, Vạn Thọ (huyện Lý Nhân), Đồng Du (huyện Bình Lục), Văn Bút (xã Trác Văn, huyện Duy Tiên) có tới 80% nam giới bỏ quê hương ra đi không về. Có làng dân phải bỏ đi hết và bị xóa tên như làng Gạo (huyện Bình Lục).

Địa chủ Hà Nam không nhiều. Tính đến 1944-1945, tổng số địa chủ toàn tỉnh là 3.458 người, tức là chỉ khoảng 0,8% dân số, nhưng chiếm hữu tới 16.812ha, tức là khoảng 31% diện tích canh tác. Nhà Chung (Sở Kiện - Kiện Khê) có ruộng riêng với diện tích 468ha. Địa chủ loại lớn cũng không nhiều, khoảng 30 hộ. Địa chủ Bang Diệu ở thôn Tâng (huyện Thanh Liêm) cùng con cháu 3 đời chiếm hữu hàng ngàn mẫu ruộng ở vùng này, tạo thành một dòng họ địa chủ lớn. Trong số 26 địa chủ ở Thanh Hương có 17 địa chủ là con cháu của Bang Diệu. Bang Diệu từng là tay sai cho thực dân Pháp đàn áp phong trào yêu nước do Đinh Công Tráng lãnh đạo và chỉ đường cho chúng đánh chiếm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, được Toàn quyền Đông Dương cấp giấy “Di hậu ban” nên con cháu được nhiều đặc quyền đặc lợi, dựa thế thực dân chiếm đoạt và bóc lột dân thường. Phương thức bóc lột của địa chủ là phát canh thu tô và cho vay nặng lãi. Tô chính là 50% hoa lợi cộng thêm một khoản tô phụ. Tức cũng rất nặng. Tá điền muốn được nhận ruộng còn phải lễ tết hằng năm. Người vay tiền phải trả trước 10%, nếu vay thóc từ tháng 5 đến tháng 10 phải trả 150%. Địa chủ khi cho vay đều buộc con nợ phải viết văn tự thế chấp ruộng đất. Đây là nguyên nhân làm cho nông dân nghèo mất hết ruộng đất, còn địa chủ thì sở hữu nhiều ruộng đất trong tay. Một số địa chủ Hà Nam không chỉ bóc lột tô tức mà còn tham gia hoạt động thương mại và tiểu công nghệ. Ví dụ Phạm Quang Vọng (huyện Thanh Liêm) có tiệm cầm đồ ở thị xã Phủ Lý, Phạm Quang Doãn có nhà cho thuê cả ở Phủ Lý và Hà Nội. Hàn Tư ở thôn Tâng (huyện Thanh Liêm) mở xưởng làm pháo Yên Phú, sau thua lỗ lại mở xưởng chè Yên Phú, cạnh tranh với các loại chè khác. Bát Giằng mở cửa hiệu buôn bán cùng các thương nhân Hoa kiều ở thị xã. Giai cấp địa chủ Hà Nam có khuynh hướng tư sản hóa. Địa chủ kiêm tư sản, đó là một đặc điểm phân hóa xã hội của Hà Nam.

Giai cấp tư sản Hà Nam xuất hiện sớm gồm nhiều lớp. Lớp tư sản đầu tiên chính là bọn chủ thực dân khai thác mỏ đá và kinh doanh đồn điền. Từ 1883 anh em nhà Ghiôm đã tiến hành khai thác mỏ đá Kẻ Sở trên dãy núi triền sông Đáy từ Kiện Khê đến Đoan Vĩ. Năm 1884, Lui Bôren tiếp tục khai thác thêm đá ở Quyển Sơn (huyện Kim Bảng). Sau đó, một số tư sản Việt Nam như Chu Văn Luận cũng kinh doanh ngành khai thác đá. Giai cấp công nhân ở Hà Nam đã xuất hiện cùng với giai cấp tư sản, những công nhân đầu tiên của Hà Nam là công nhân khai thác đá theo cách thủ công hoặc dùng mìn. Đá được chế biến lúc đầu chủ yếu bằng tay với các công cụ thô sơ như búa, xà beng... Công nhân rất vất vả và thu nhập theo khối lượng sản phẩm. Bình quân tiền công mỗi người 1 ngày được 0đ18. Những công nhân đầu tiên ở Hà Nam này cũng là những người đầu tiên của giai cấp công nhân Bắc Kỳ.

Lớp công nhân Hà Nam ra đời sau đó một vài năm là công nhân các đồn điền Pháp. Kể từ 1896 trên đất Hà Nam đã có những đồn điền rộng lớn do thực dân Pháp kinh doanh. “Các chủ đồn điền tổ chức sản xuất và quản lý nhân công khá chặt chẽ như một xí nghiệp. Dưới chủ là đốc công thường là người Pháp rồi đến ký lục và cai. Mỗi đồn điền chia ra nhiều sở theo đơn vị thôn xóm. Mỗi sở tùy theo việc sản xuất chăn nuôi và số phu mà định ra số cai. Một cai thường điều khiển từ 30 đến 60 phu” (1). Phu đồn điền là những người địa phương và người các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên. Họ chia làm hai khối: một số sống trong các lán ngay tại đồn điền, một số sáng đi tối về (chắc hẳn số này là người ở địa phương Hà Nam). Những phu đồn điền kể trên là một bộ phận của giai cấp công nhân Việt Nam. Bởi lẽ, họ tuy còn nhiều mối liên hệ với nông thôn và nông dân cũng như với ruộng đất, nhưng lại bị bóc lột theo kiểu tư bản chủ nghĩa, tức là bóc lột giá trị thặng dư với hình thức làm công ăn lương. Họ là một trong các bộ phận công nhân hình thành sớm nhất ở Hà Nam và có thể ở toàn Bắc Kỳ, nếu tính từ 1896 khi xuất hiện đồn điền ở Hà Nam.

Khi các tư sản thực dân kinh doanh trên đất Hà Nam cũng là thời điểm xuất hiện các tư sản người Việt. Họ đều từ nền sản xuất thủ công truyền thống tiến lên nền sản xuất tiểu công nghệ. Chẳng hạn như xưởng nung gạch ngói của Chu Văn Luận ớ thôn Trung Thứ (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm) lúc đầu quy mô nhỏ. Khoảng năm 1930 xưởng này được mở rộng sản xuất, mua thêm 12 máy dập khuôn gạch ngói xây lò bát, thuê thêm thợ từ Bát Tràng về làm việc, mở thêm 20 lò nung vôi, lập ra công ty Chu Văn Luận. Có nhận xét cho rằng giai cấp tư sản Hà Nam đa số đều từ nơi khác đến, kinh doanh không thuận lợi. Công nhân trong lĩnh vực này (trong các xưởng gạch ngói các lò bát, lò vôi, xưởng giấy...) cũng không nhiều nhưng tăng trưởng dần từ đầu thế kỷ XX.

Nhìn chung, giai cấp công nhân Hà Nam trong tất cả các ngành kinh doanh kể trên không lớn. Theo thống kê năm 1930, số lượng công nhân khoảng 1.400 người. Thời kỳ cao điểm vào những dịp thu hoạch ở đồn điền, số lượng công nhân có thể lên vài nghìn, chủ yếu ở vùng đồn điền tại châu Lạc Thủy, các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, công trường đá Kiện Khê, ga Phủ Lý... Có lẽ công nhân đồn điền sống khổ cực nhất là năm 1931, lương công nhật ở đồn điền là 0đ13 cho đàn ông, 0đ12 cho đàn bà và 0đ08 cho trẻ em. Tại đồn điền Lơcông, mỗi gia đình công nhân hàng tháng chỉ được ăn cơm 3 - 4 bữa. Ở Cốc Nội, Thung Cầu, Ba Non có gia đình công nhân cả nhà chết vì đói rét tật bệnh. Đó là chưa kể đến những trận đánh đập đòn roi, chửi mắng, cúp phạt... của bọn cai ký.

Một khi đã có tư sản và công nhân thì cũng có tầng lớp tiểu tư sản. Ở Hà Nam, tầng lớp tiểu tư sản bao gồm nhiều thành phần như thợ thủ công, tiểu thương, công chức nhỏ, hương sư, giáo viên, nhân viên các công sở và tư sở, học sinh các trường trung học hay dạy nghề... Tầng lớp này ra đời và phát triển phần nhiều ở thị xã Phủ Lý và các thị trấn tập trung về người và các cơ quan hành chính địa phương. Đời sống của lớp tiểu tư sản nhìn chung dễ chịu hơn nông dân và công nhân, nhưng cũng đầy khó khăn và rất bấp bênh, luôn bị chính quyền Pháp chèn ép, đánh thuế cao. Một số nghể thủ công cổ truyền bị mai một như nghề dệt La Xá, nghề làm đồi mồi ở Bình Lục. Các thành phần khác trong số tiểu tư sản đều chịu những áp bức vật chất và tinh thần, đời sống khó khăn. Nhưng chính lớp người này do được học hành, có tri thức, có nhận thức tiến bộ, nhận thấy được vai trò dân tộc và bản chất chế độ thuộc địa, nên họ có khả năng đi theo cách mạng, cùng với các giai cấp nông dân và công nhân.

2. Hoàn cảnh lịch sử và sự ra đời của các tổ chức Đảng Cộng sản ở Hà Nam

a. Phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX ở Hà Nam

Trên phạm vi cả nước, sau khi phong trào đấu tranh vũ trang dưới cờ Cần Vương thất bại, nhân dân Việt Nam tìm con đường cứu nước bằng các hình thức đấu tranh khác. Đó là phong trào chống thuế, phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào ủng hộ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu... Giống như nhân dân các tỉnh khác, nhân dân Hà Nam tham gia các phong trào như vậy trong những điều kiện hoàn cảnh riêng. Trong những năm 1925 – 1926, nhiều thanh niên yêu nước Hà Nam đã tích cực hưởng ứng phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và tổ chức truy điệu Phan Chu Trinh bùng lên sôi nổi khắp các thành phố lớn và nhiều vùng khác nhau. Nguyễn Hữu Tiến người làng Lũng Xuyên (huyện Duy Tiên) dạy học ở làng đã hăng hái tuyên truyền cổ vũ lòng yêu nước trong nhân dân và thanh thiếu niên. Nguyễn Hữu Tiến thường viết những vần thơ cổ vũ lòng yêu nước như:

Nghĩ câu máu chảy ruột mềm,

Thương nòi, thương nước anh em một lòng.

Đinh ninh ghi tạc chữ đồng,

Nước non này nước non chung đó mà!

Hòa cùng khí thế cả nước, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Văn Chưởng (người cùng quê Lũng Xuyên) kéo theo một số bạn bè tham dự các đoàn người đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu ở các tỉnh lân cận, tổ chức làm đơn lấy chữ ký gửi Toàn quyền Đông Dương yêu cầu thả Phan Bội Châu. Cuộc vận động này được nhân dân Hà Nam hưởng ứng mạnh mẽ, hòa cùng phong trào trên toàn quốc gây áp lực khiến thực dân Pháp chỉ dám quyết định đưa cụ Phan Bội Châu về an trí tại Huế. Đó là một thắng lợi của quần chúng đấu tranh. Ngày 24-3-1926, nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đột ngột qua đời tại Sài Gòn, gây một nỗi xúc động sâu sắc trong toàn dân. Ngày 4-4-1926, đám tang cụ được tổ chức tại Sài Gòn có tới 14 vạn người tham dự. Từ đây các hình thức đưa tang, truy điệu Phan Chu Trinh trở thành những cuộc đấu tranh chính trị diễn ra khắp nơi trên toàn quốc, bất chấp những hành động đe dọa ngăn chặn của bọn thực dân, làm cho chúng thất đảm kinh hồn.

Tại Nam Định, lễ truy điệu Phan Chu Trinh được tổ chức tại Nghĩa trang Bắc Tế ngoại thành (Mỹ Trọng, Mỹ Xá), thu hút các tầng lớp nhân dân thanh niên Nam Định, Hà Nam và mấy tỉnh lân cận. Đám thanh niên Hà Nam sang Nam Định gồm nhiều người như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Văn Phác, Bùi Xuân Lan... đều ở Lũng Xuyên. Họ mang tới một bức trướng đề dòng chữ “Tinh thần bất tử” bày tỏ sự noi gương yêu nước đối với cụ Phan. Trong lúc đó, tại Hà Nam, một số học sinh và thầy giáo cũng tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh ở sân chùa Bầu (Phủ Lý). Sư chùa Bầu cho học sinh mượn hương án bày trên thềm nhà khách. Tan học chiều, học sinh tụ tập về sân chùa. “Một băng vải đỏ đề chữ Phan Tây Hồ tiên sinh bằng chữ Quốc ngữ màu vàng được treo trang trọng trên hương án có đủ đèn, nến, lư hương, dưới đất trải hai hàng chiếu. Có khoảng 200 người cả thanh niên và học sinh. Sau khi nghe thầy giáo Nhạ đọc điếu văn và kêu gọi học tập tinh thần yêu nước của Phan Chu Trinh, mọi người đã mặc niệm trước hương án. Buổi lễ được bí mật chuẩn bị và bất ngờ tổ chức nên bọn địch không hay biết. Sau đó chúng tổ chức điều tra, bắt một số học sinh, họ đã dũng cảm trả lời: “Chúng tôi truy điệu Phan Chu Trinh như người Pháp kỷ niệm Gianđa mà thôi”.

Bọn Pháp không biết đối phó ra sao trước tinh thần khảng khái đó, đành phải thả. Nhân dân ở thị xã Phủ Lý rất có cảm tình với những học sinh yêu nước, họ rất xúc động gọi các anh là những người chống Pháp (1).

Trong phong trào này còn phải kể đến một thanh niên Hà Nam khác là Phạm Tất Đắc, người quê ở Dũng Kim (huyện Lý Nhân), học trường Bưởi (Hà Nội) năm 1923. Năm 1926, anh tham gia lễ truy điệu Phan Chu Trinh và hô hào bãi khóa nên bị đuổi học. Ngay cuối năm đó, anh viết cuốn Chiêu hồn nước tràn đầy lòng ái quốc thiết tha, tác động mạnh đến giới thanh niên, thúc giục mọi người tranh đấu giành độc lập. Thấy quá nguy hiểm cho chính quyền thuộc địa, thực dân Pháp bắt giam anh (2). Lớp thanh niên như anh trong cả nước cũng như ở Hà Nam đang nung nấu quyết tâm chiến đấu. Đó là hoàn cảnh lịch sử thuận lợi cho sự tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang đẩy mạnh từ bên ngoài vào sâu trong đất nước ta.

Trước khi đề cập tới quá trình người Hà Nam gặp gỡ chủ nghĩa Mác - Lênin, cần phải nói tới vấn đề Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Trên phạm vi toàn quốc, Việt Nam Quốc dân Đảng là một tổ chức cách mạng nhằm lật đổ chế độ thuộc địa Pháp, khôi phục độc lập cho Tổ quốc. Việt Nam Quốc dân Đảng hình thành từ Nam Đồng Thư xã và chính thức thành lập tháng 11-1927, theo chủ thuyết tư tưởng của Tôn Trung Sơn và Quốc dân Đảng Trung Hoa. Việt Nam Quốc dân Đảng đã hoạt động tích cực, chống trả quyết liệt sự đàn áp của thực dân, tập hợp tới hơn 1.500 đảng viên. Theo tài liệu của mật thám Pháp, năm 1929 ở Bắc Kỳ đã có tới hơn 120 chi bộ. Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức cuộc khởi nghĩa toàn quốc tháng 2-1930 được gọi chung là khởi nghĩa Yên Bái, gây tiếng vang rất lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp... đều bị bắt, bị hành hình nhưng họ đã nêu cao tấm gương khí tiết của một dân tộc anh hùng bất khuất. Theo tài liệu của mật thám Pháp, Việt Nam Quốc dân Đảng có cả một kế hoạch hoạt động khắp các tỉnh thành. Riêng với Hà Nam, tài liệu địch không đề cập một sự kiện nào của Việt Nam Quốc dân Đảng những năm 1927-1930. Sau khi khởi nghĩa thất bại, các đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng đã quyết tâm cứu vãn tình thế và nhiều đảng viên đã buộc phải tổ chức lấy tiền của các địa chủ giàu có để làm kinh phí cho Đảng khôi phục phong trào. “Ngày 20-8-1930, một nhóm đảng viên Hà Nội do một người tên là Hoàng Đình Gi điều hành đã vào cướp một địa chủ giàu có ở làng Bích Trì (tỉnh Hà Nam). Bị đuổi, họ chạy trốn, dùng súng ngắn bắn lại làm 1 người bị tử thương. Vụ cướp chỉ được 16 đồng bạc và 4 lượng vàng trị giá 240 đồng. Ngày 6-9-1930, cũng nhóm trên đến huyện Vụ Bản (Nam Định) giả làm người của mật thám đến hỏi tội một địa chủ giàu có nhưng không kết quả” (1). Sau đó Hoàng Đình Gi bị thương trong một vụ chống trả mật thám rồi bị bắt và hy sinh.

Việt Nam Quốc dân Đảng ở trong nước thời kỳ 1927-1930 là một đảng yêu nước, nổi lên trong không khí bừng bừng đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Tất cả những phong trào đấu tranh được trình bày trên đây đã góp phần tạo cơ sở nền tảng cho con đường cứu nước theo tư tưởng Mác - Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo.

b. Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và sự thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Hà Nam

Trong khoảng thời gian từ sau Cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc đến 1927-1929, nhiều sách báo từ nước ngoài được mang vào Việt Nam hoặc in ấn trong nước, đã có tác động thức tỉnh và động viên thanh niên ta. Các cuốn như Huyết lệ tân thư của Phan Bội Châu; sách của Nam Đồng Thư xã (Việt Nam Quốc dân Đảng), của Quan Hải Tùng thư; Cường học thư xã, Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc... Các sách báo từ Trung Quốc, từ Pháp như báo Việt Nam hồn (1), Người cùng khổ (Le Paria), cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc được những người yêu nước bí mật mang về Việt Nam và phân phát trên toàn quốc. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và du nhập tư tưởng cộng sản chủ nghĩa vào Việt Nam thông qua những hoạt động tổ chức cách mạng thực tiễn.

Năm 1925, lãnh tụ Ncuyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc) trên cơ sở nhóm Tâm Tâm xã, tập hợp, đào tạo huấn luyện lý luận và hoạt động cách mạng cho các thanh niên ưu tú Việt Nam có mặt ở Trung Quốc hoặc từ trong nước sang. Người còn lập báo Thanh Niên, tổ chức nhóm Thanh niên Cộng sản đoàn làm nòng cốt và viết cuốn Đường Cách mệnh làm tài liệu giảng dạy và truyền về nước. Những hoạt động đó ở ngay bên kia biên giới Việt - Trung lập tức tác động đến nhân dân trong nước. Năm 1926, tại Hà Nam, Nguyễn Hữu Tiến, một thanh niên yêu nước ở Lũng Xuyên (Duy Tiên) được Trần Tử Yến - sinh viên Cao đẳng Thương mại Đông Dương (Hà Nội) là hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN) giác ngộ và đưa tài liệu cho đọc để tuyên truyền trong nhân dân. Sau đó Nguyễn Hữu Tiến được kết nạp vào VNCMTN và tổ chức được nhiều cơ sở ở địa phương. Năm 1927, Trần Tử Yến tham gia bãi khóa, bị đuổi học, bèn về làng Lũng Xuyên dạy học (thầy giáo Việt).

Từ đây Trần Tử Yến cùng Nguyễn Hữu Tiến và Vũ Hưng (Uyển), người làng Thận Tu (huyện Duy Tiên) thành lập chi hội VNCMTN tại đình làng Lũng Xuyên vào năm 1927. Cũng thời gian này ở Nam Định đã thành lập tỉnh bộ VNCMTN và được kỳ bộ Bắc Kỳ giao nhiệm vụ phát triển Hội sang các tỉnh lân cận kể cả Hà Nam. Vũ Khế Bật, tức Cả Tất, hiệu là Đông Sơn, người Nam Định đã tuyên truyền tổ chức được nhiều cơ sở hội trong hầu hết các huyện trong tỉnh Hà Nam. Một hội viên nữa ở Nam Định là Đào Gia Lưu cũng về Bình Lục tổ chức các hội viên Nguyễn Hữu Hựu, Nguyễn Văn Dương, lên thị xã gặp gỡ Lương Văn Thái - Thư ký Bưu điện ở Phủ Lý, rồi lại về Duy Tiên gặp thầy giáo Nguyễn Doãn Chấp ở Tường Thụy. Tổ chức Hội VNCMTN từ đó ngày một phát triển rộng khắp cho đến cuối năm 1928 đã ra đời tỉnh bộ lâm thời VNCMTN Hà Nam (Đào Gia Lựu, Vũ Đức Thọ, Lương Văn Thái). Những năm 1928-1929 là thời kỳ tuyên truyền giác ngộ nhân dân, học tập các tác phẩm cách mạng của Hội và tổ chức cơ sở. Nhưng do tinh thần hăng hái nên ở một số nơi Hội đã sớm tổ chức các hoạt động đấu tranh.

Ở thị xã Phủ Lý, các phu kéo xe, công nhân ga xe lửa, học sinh thị xã đã được vận động ném gạch đá vào trụ sở mộ phu, giật cờ đuổi đánh các cai mộ phu. Ở huyện Duy Tiên, các hội viên có sáng kiến tổ chức sưu tầm bằng chứng tham nhũng của hào lý để Nguyễn Hữu Tiến viết bài đăng báo tố cáo tội ác của chính quyền làng xã, động viên nhân dân chống lại các việc làm tệ hại của bọn lý dịch kỳ hào. Hội viên VNCMTN phát triển khá nhanh ở Hà Nam. Tính đến tháng 9-1929, ở hầu hết các huyện của Hà Nam đều có các cơ sở Hội. Bình Lục là huyện có số hội viên đông nhất. Cả tỉnh Hà Nam lúc này có tới 77 hội viên, đa số là thanh niên giáo viên, hương sư, học sinh, nông dân... rải rác từ thị xã Phủ Lý xuống đến các huyện và làng xã. Những chi hội VNCMTN là cơ sở cho sự hình thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương sau này.

Đầu năm 1929, Kỳ bộ VNCMTN Bắc Kỳ đề xuất với Tổng bộ ý kiến thành lập Đảng Cộng sản để đáp ứng yêu cầu của quần chúng cách mạng. Sau Hội nghị trù bị của Tổng bộ hồi tháng 1-1928 và Đại hội tại Hương Cảng (19-5-1929), Đoàn đại biểu Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về và thống nhất ý kiến thành lập Đảng Cộng sản. Vì vậy, ngày 17-6-1929 xuất hiện Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hà Nội. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 10-1929, đồng chí Lê Công Thanh được cử về Hà Nam xây dựng các chi bộ Đảng, bắt liên lạc với các cơ sở VNCMTN, lựa chọn những thành viên ưu tú kết nạp đảng viên. Những nơi đầu tiên đồng chí Lê Công Thanh đến là Bỉnh Trung, Ngọc Lũ, Hưng Công, cổ Viễn. Sau một thời gian học tập mục đích, điều lệ, chính cương của Đông Dương Cộng sản Đảng, các hội viên VNCMTN được lựa chọn và chuyển thành đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng. Các chi bộ ghép đầu tiên được thành lập: Bỉnh Trung - Ngọc Lũ (5 đảng viên), Hưng Công - cổ Viễn - Sơ Lâm (3 đảng viên), Và - Vối (3 đảng viên). Tháng 11-1929, Chi bộ Đảng Đông Dương Cộng sản được thành lập ở Trường học Duy Tiên (6 đảng viên, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến làm Bí thư). Tháng 1-1930, Chi bộ Đảng được thành lập ở thị xã Phủ Lý (3 đảng viên, 2 là nữ). Chi bộ đường phố thứ hai được thành lập vào tháng 3-1930 (3 đảng viên). Cũng do hoạt động của đồng chí Lê Công Thanh, các chi bộ sau đây được thành lập: Chi bộ phố huyện Kim Bảng (3-1930) với 3 đảng viên; Chi bộ Đại Vượng - Thanh Liêm (5-1930) với 3 đảng viên; Chi bộ Thọ ích - Lý Nhân (9-1930) với 3 đảng viên. Tính đến 9-1930, Hà Nam đã có 9 chi bộ với trên 30 đảng viên. Thế là trong vòng non 1 năm (10-1929 đến 9-1930), các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Hà Nam đã ra đời và cũng trong tháng 9-1930, Tỉnh ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam của Hà Nam được thành lập tại Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam họp tại Lũng Xuyên gồm 3 đồng chí: Lê Công Thanh, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Duy Huân. Bí thư là đồng chí Lê Công Thanh. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời, phong trào cách mạng của nhân dân Hà Nam chuyển sang giai đoạn mới.

3. Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Hà Nam trong giai đoạn 1930 - 1939 dưới sự lãnh đạo của Đảng (1)

Sau khi có sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Hà Nam mang một sắc thái mới mẻ và sôi nổi hẳn lên. Đó là các hoạt động rải truyền đơn, treo cờ Đảng, chống cường hào ác bá v.v...

- Ngày 21-1-1930, lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm của Đảng được treo trên dây điện thoại ngang sông Đáy ở thị xã Phủ Lý nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Lênin, Các Lípnếch, Rôsa Luýchxembua theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Lá cờ còn ghi rõ dòng chữ “Đảng Cộng sản Đông Dương”. Ngay đêm đó truyền đơn kỷ niệm 3 vị và giới thiệu đường lối của Đảng được rải khắp thị xã.

- Trong dịp 1-5-1930 có nhiều cờ và truyền đơn được treo và rải ở rất nhiều nơi từ thị xã xuống đến các huyện lỵ, các làng xã, kêu gọi nhân dân tranh đấu, khích lệ tinh thần nhân dân trong toàn tỉnh.

- Ngày 22-8-1930, hơn 300 nông dân Hưng Công (huyện Bình Lục) kéo lên huyện đường vạch tội bọn kỳ hào, hương chính đòi phế bỏ tổ chức Hội đồng Hương chính, bỏ sổ chi thu tiền đắp đê. Tri huyện Lan bị buộc phải chấp thuận giải quyết.

- Sáng ngày 25-8-1930, 500 nông dân Ngọc Lũ (huyện Bình Lục) kéo lên huyện đấu tranh, có cả phụ nữ tham gia. Tri huyện đòi phải làm đơn. Chi bộ Đảng Ngọc Lũ lãnh đạo quần chúng viết bản yêu sách và cả 500 người cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Tri huyện đành phải nhận yêu sách, hứa giải quyết.

- Tháng 9-1930, khi tin tức về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh lan truyền khắp nơi thì tại đền Lảnh thôn Lảnh Trì (xã Mộc Hoàn Nam, huyện Duy Tiên) nhân ngày hội đền, đã diễn ra cuộc mít tinh và tuần hành của 200 người, nghe diễn thuyết, biểu thị ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh, ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Đoàn người từ Ba Hàng tiến ra dốc Chợ Lệnh theo đê Đại Hà kéo vào đền, vừa đi vừa hô các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc và phong kiến”, “Chống sưu cao thuế nặng”...

- Tháng 9-1930, ở Lý Nhân cuộc rước đuốc Tết Trung thu của trẻ em làng Mạc Thượng đã biến thành một cuộc biểu tình tuần hành đả đảo tên phó lý Canh, một cường hào gian ác ở xã này, thu hút sự tham gia rất đông đảo của nhân dân trong làng.

- Tháng 9-1930, tại thị xã Phủ Lý, các tiểu thương trong chợ làm đơn đòi bỏ phạt, giảm thuế, sửa sang chợ, kéo vào Tòa sứ buộc Chánh sứ phải nhận đơn và bỏ thuế chỗ ngồi.

Trong các hoạt động kể trên có phần sơ hở nên địch dò la phát hiện được một số cán bộ Đảng và cơ sở cách mạng ở Phủ Lý, chúng liền mở cuộc khủng bố lớn vào cuối tháng 9-1930. Lực lượng cách mạng bị thiệt hại, nhưng cơ quan lãnh đạo của Tỉnh ủy vẫn được bảo toàn. Vượt qua khủng bố, Tỉnh ủy lâm thời họp và quyết định một cuộc đấu tranh mới để hưởng ứng phong trào nông dân Thái Bình và Xô viết Nghệ Tĩnh.

- Ngày 20-10-1930, cả phiên chợ Bỉnh Trung (chợ Bồ Đề) thuộc huyện Bình Lục đã biến thành cuộc mít tinh và tuần hành của vài trăm nông dân trong vùng. Sau lời diễn thuyết của đại diện Tỉnh ủy Ngô Gia Bảy, cờ đỏ búa liềm được trương lên và pháo nổ giòn giã, đoàn người hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều”, “ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh và nông dân Tiền Hải, “Ủng hộ Liên bang Xô viết”, “Đảng Cộng sản Đông Dương vạn tuế”... Đoàn người vừa đi về hướng An Ninh vừa hô khẩu hiệu, đốt pháo reo hò, đòi bãi sổ chi thu, đòi giảm thuế. Đến chợ Vọc vào giữa trưa thì đoàn biểu tình giải tán. Cuộc biểu tình thu hút tới 1.000 lượt người tham dự trong 7 giờ đồng hồ một cách sôi nổi quyết liệt, gây tiếng vang lớn trong nhân dân. Trong thư gửi Quốc tế Nông dân ngày 5-11-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thông báo: Hà Nam là một trong những tỉnh có phong trào nông dân" (1). Hội nghị cán bộ Đảng Trung Kỳ thì nhận định: “Nông dân ở Thái Bình và Phủ Lý đã tổ chức những cuộc bãi công và biểu tình chống tư bản và địa chủ”, “Thái Bình và Phủ Lý có nông hội” (2). Địch rất lo sợ trước cuộc đấu tranh này, điều động binh lính từ thị xã Phủ Lý và từ Nam Định tới tổ chức càn quét, bắt bớ, kiểm soát chặt chẽ. Lực lượng cách mạng ở quanh vùng Bỉnh Trung bị thiệt hại, một số người bị địch bắt. Địch đồng thời tổ chức đánh phá cơ sở cách mạng ở các huyện khác. Nhân dân Hà Nam kiên cường bảo vệ, giúp đỡ các đảng viên, do đó sự thiệt hại của lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh là không đáng kể.

Lúc này, Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng (10-1930) thông qua Luận cương Chính trị và đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 22-1-1931, Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam được triệu tập để truyền đạt Nghị quyết Trung ương và hoạch định chiến lược đấu tranh trong tỉnh. Hội nghị bầu Ban Tỉnh ủy chính thức. Từ sau sự kiện này phong trào cách mạng Hà Nam chuyển theo hướng đấu tranh sâu sắc hơn.

Duy Tiên là nơi đấu tranh mạnh từ trước, nay bước vào đấu tranh giành những quyền lợi thiết yếu cụ thể như bài trừ các hủ tục hương thôn mà các hào lý muốn lợi dụng, như bỏ lệ tế quan ôn (Lũng Xuyên), bỏ lệ cỗ ăn cỗ dựa (cỗ mang phần về của mâm trên - Hòa Mạc). Tháng 4-1931, nhân dân thôn Vân Chu (xã Phù Vân, huyện Kim Bảng) chống chủ thầu lấy ruộng lúa của dân để làm đê và đòi bồi thường. Tháng 6-1931, nhân dân Yên Lạc (xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng) phản đối địa chủ xâm chiếm khu đất cấm của làng. Tri huyện đem lính về đe dọa, nhưng không làm được gì hơn.

Để chống lại phong trào cách mạng, địch không chỉ sử dụng những công cụ bạo lực có trong tay mà còn tuyên truyền và lưu hành những cuốn sách, bài báo xuyên tạc, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản. Thủ đoạn này rất nham hiểm và được thực hiện từ các tỉnh thành xuống đến tận các làng xã. Vì vậy Đảng bộ Hà Nam và nhân dân trong tỉnh đã đồng thời tiến hành cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Nhiều ấn phẩm sách báo do Đảng bộ chủ trương đã được phát hành nhằm đánh bại các luận điệu phản tuyên truyền của địch. Đồng thời nhiều lớp huấn luyện chính trị, văn hóa được tổ chức bí mật ở nhiều nơi cho đảng viên và quần chúng cách mạng. Đây chính là điểm khởi đầu dẫn dắt đến sự ra đời các tổ chức cách mạng. Lần lượt các tổ chức như Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Phụ nữ liên hiệp hội... được thành lập và phát triển. Số lượng các hội viên tăng lên nhanh chóng. Chỉ trong vòng hai năm 1930-1931, số hội viên Nông hội Hà Nam lên tới 300. Riêng huyện Bình Lục có tới 168, một xã Ngọc Lũ có 37; xã Đại Vượng (huyện Thanh Liêm) có 20, huyện Lý Nhân có 68. Ngoài các tổ chức bí mật, còn có các tổ chức bán công khai như Hội Hoa đăng, Hội Tập thiện ở Đoan Vĩ (huyện Thanh Liêm); Hội may áo Thư Lâu, Hội Đàn Thiện ở Dũng Kim (huyện Lý Nhân)... đã hình thành ở những nơi phong trào mạnh như ở các huyện Bình Lục, Duy Tiên. Các Tổ xích vệ được thành lập để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ đi công tác...

Phong trào cách mạng phát triển mạnh thì kẻ thù cũng tăng cường khủng bố. Ngày 4-5-1931, cơ quan Tỉnh ủy tại thị xã Phủ Lý bị mật thám lục soát bắt đi một số cán bộ. Địch dùng kế nội gián phá hoại Xứ ủy, Tỉnh ủy. Các cơ sở cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh bị phá vỡ, một số nơi mất trắng cả lãnh đạo và tổ chức. Đấy là một thời gian đầy khó khăn thử thách đối với Đảng và phong trào cách mạng cả nước và của tỉnh Hà Nam. Nhưng cũng chính qua thử thách này, nhân dân cả nước thấy rõ khí tiết và bản lĩnh người cộng sản trước tòa án đế quốc, trong tù đày và chịu muôn trùng khủng bố của kẻ thù. Nhân dân Hà Nam tự hào vì những người con ưu tú của mình từng có mặt trong số những tấm gương ưu tú đó:

- Đó là các đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, Trần Thị Phúc, Nguyễn Duy Huân, Phạm Văn Tô tại Tòa án Hà Nam, Hà Nội và trong nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo. Tại phiên tòa ngày 10-2-1932, ở Phủ Lý, đồng chí Trần Thị Phúc phụ trách cơ quan giao thông Tỉnh ủy đã hiên ngang vạch mặt bọn cướp nước và bán nước. Theo báo cáo của Giám đốc Mật thám Hà Nội, chị Phúc “đã nhiều lần chửi chính phủ thực dân và ca ngợi chủ nghĩa cộng sản” (1).

- Đồng chí Lương Khánh Thiện, người làng Mễ Tràng, xã Liêm Chính (huyện Thanh Liêm), năm 1927 gia nhập Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Năm 1929 đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Năm 1930 đồng chí bị bắt và bị đày đi Côn Đảo. Năm 1936 đồng chí ra tù. Trước phiên tòa đế quốc ở Kiến An, đã biến phiên tòa thành diễn đàn, phất cao cờ Đảng và hô vang các khẩu hiệu cách mạng.

Sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, đồng chí về Hà Nội hoạt động. Năm 1937 là xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Năm 1939 - 1940 là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Tháng 11-1940, đồng chí bị bắt, ngày 1-7-1941 bị xử tại Kiến An, bị kết án tử hình.

- Các đồng chí Trần Đình Quỳ, Ngô Gia Bảy, Trần Xuân Đán hiên ngang tranh đấu cho lý tưởng bất chấp khủng bố.

Từ năm 1932, phong trào cách mạng của nhân dân Hà Nam vì bị khủng bố nên tạm thời lắng xuống. Cũng từ đây, Đảng bộ Hà Nam bước vào giai đoạn khôi phục và củng cố sau những tổn thất lớn. Nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ của Xứ ủy, nhờ hoạt động tích cực của các đảng viên địa phương hoặc từ các tỉnh lân cận trở về, nhờ sự đùm bọc của nhân dân, hoạt động cách mạng lại dần dần hồi phục. Năm 1935, toàn Hà Nam lại đã có 30 đảng viên và 4 chi bộ lập thêm ở thị xã Phủ Lý, các huyện Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm. Các Hội Tập thiện, Hội Phật học, Hội Hoa đăng, Hội Hiếu lại triển khai hoạt động. Đặc biệt là trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, đấu tranh cho “nghệ thuật vị nhân sinh” lúc ấy đang sôi nổi trên văn đàn. Kể từ năm 1933, đồng chí Nguyễn Thượng Cát (bút danh Hồ Xanh) đã viết bài tham gia tranh luận, nêu cao quan điểm của Đảng về nghệ thuật. Điều này vừa chứng tỏ Đảng bộ Hà Nam quan tâm tới trí thức văn nghệ sĩ, vừa cho thấy tác động mở đường của sự kiện đó cho văn nghệ sĩ Hà Nam đi theo cách mạng ngày một hăng hái.

Từ năm 1934, các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày lại bắt đầu diễn ra và phát triển. Nhiều vụ đấu tranh chống cường hào lý dịch phù thu lạm bổ thu được thắng lợi. Nông dân các thôn Trung Hiếu, Bồng Lạng, Đoan Vĩ, Đại Vượng (huyện Thanh Liêm) làm đơn gửi lên Tòa sứ tỉnh khất thuế. Dân làng ở huyện Lý Nhân, được đảng viên lãnh đạo, chỉ nhận nộp thuế chính. Lý trưởng không nhận thì dân mang lên huyện nộp. Tri huyện gọi lý trưởng lên nhận. Thế là phong trào đấu tranh thắng lợi, lan sang các thôn Phú Cốc, Đồng Thủy, Thanh Nga, Do Đạo và đều giành thắng lợi. Hình thức đấu tranh này đã từng diễn ra ở thời kỳ cao trào 30-31, nhưng vào thời kỳ này tỏ ra thích hợp và có hiệu quả, nó chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh công khai, bán công khai trong thời gian sau.

Tháng 3-1935, Đại hội lần thứ Nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Ma Cao đánh dấu sự phục hồi của toàn Đảng. Tháng 4-1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm chính quyền ở nước Pháp. Chính phủ Pháp thực hiện một số chính sách nới rộng tại các thuộc địa, như ân xá tù chính trị, nới rộng quyền tự do dân chủ, cải thiện dân sinh... Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương liền họp hội nghị nhận định tình hình và nêu cao mục tiêu đấu tranh “đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình” (Nghị quyết Trung ương 7-1936). Những biến đổi chính trị hết sức quan trọng đó đã mở ra một giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam. Đó là cao trào 1936-1939. Hầu như tất cả các tầng lớp nhân dân ở nông thôn, đô thị đều đứng lên tham gia tranh đấu qua các cuộc mít tinh biểu tình tuần hành, bãi công, bãi thị nhằm vào các mục tiêu cụ thể tùy từng địa phương, mà đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Điều đặc biệt là nhiều tờ báo của Đảng xuất bản công khai đã tuyên truyền rộng rãi về các chủ trương đường lối của Đảng, nhiều cuốn sách, tạp chí cách mạng và tiến bộ được in ấn phát hành công khai... Các hình thức đấu tranh kết hợp công khai, bán công khai phát triển như những ngày hội quần chúng.

Ở Hà Nam, đầu tiên là việc đọc các sách, báo cách mạng trở thành phong trào tại thị xã Phủ Lý. Tất cả các tầng lớp nhân dân đều đọc sách, báo của Đảng. Nhiều cuộc nói chuyện về chủ nghĩa cộng sản diễn ra liên tiếp. Đặc biệt, lớp công chức giáo viên, học sinh tiểu tư sản cũng tham gia phong trào này một cách đông đảo. Trường tư thục Minh Tiến ở thị xã Phủ Lý là nơi đọc sách, báo, tiến bộ, trở thành nơi hội họp quần chúng công khai. Phong trào này lan rộng xuống các vùng nông thôn các vùng Khả Phong, Thụy Sơn, Nhật Tân (huyện Kim Bảng); Lũng Xuyên, Đọi Sơn, Điệp Sơn (huyện Duy Tiên); Bằng Khê, Mễ Tràng, Bích Trì (huyện Thanh Liêm). Các loại sách, báo phổ biến như: Nhành lúa, Bạn dân, Thời thế, Đời nay, Tin tức, Le Travail, Tư bản luận... được bày bán ở các cửa hiệu Việt Dân, Vĩnh Long (thị xã Phủ Lý), Nam Kim (huyện Kim Bảng). Các cửa hiệu này đều là cơ sở của Đảng, công khai phát hành các loại sách, báo tiến bộ. Vì mục đích tuyên truyền là chính cho nên các sách, báo này thường được bán giá hạ, có cuốn như cho không. Người phát hành được hưởng 1/3 hoa hồng. Các đại lý còn vận động cả độc giả mua báo tháng, trả tiền trước (1).

Tỉnh ủy Hà Nam còn trực tiếp đóng góp vào việc biên dịch, biên soạn và in ấn các tác phẩm cách mạng. Đồng chí Nguyễn Thượng Cát lược dịch cuốn Tư bản luận, in thành 3 tập khoảng 4.000 bản, viết nhiều bài cho báo Hồn trẻ. Đồng chí vận động chủ hiệu tạp hóa Việt Dân là một quần chúng cách mạng biến cửa hiệu đồng thời làm một Nhà xuất bản (in ấn ở Nhà in Mới - Hà Nội, 58 Hàng Đậu). Cuốn Tư bản luận được bán rất chạy không chỉ trong tỉnh mà còn ở cả Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Đức Quỳ (còn có những tên khác là Đào Thành Kim, Đào Bình Luống), khi mới 24 tuổi (năm 1938) là Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Hà Nam trong thời kỳ 1938-1939, đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Với bút danh An Dương, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ trực tiếp dịch một bài trong cuốn Trường Sơ học của Đảng Cộng sản Pháp, biên soạn cuốn Tổ chức vô sản lên án chế độ tư bản, đưa ra chương trình hành động của Đảng Cộng sản. Tác giả kêu gọi công nông, tiểu tư sản, binh lính, làm cách mạng lật đổ chế độ đương thời (theo tài liệu Mật thám Pháp). Đồng chí Đỗ Đình Phát, bút danh Đỗ Thị Bích Liên viết Tự do và bình đẳng, Gót sắt, Thơ mới... Kẻ địch rất bực tức nhưng cũng chỉ đe dọa khám xét Nhà xuất bản Việt Dân mà không dám làm gì hơn. Sau đó địch ra lệnh cấm xuất bản.

Trong lúc đó ở nông thôn, các hình thức đấu tranh của các hội Hiếu, Tương tế, Tập thiện, Giáp mới... phát triển rầm rộ hơn trước trong hầu khắp các làng xã. Tại huyện Kim Bảng còn có Hội Bóng đá để tập hợp thanh niên, ở Khả Phong (huyện Kim Bảng) có Hội Sư tử tập luyện võ nghệ. Tại thị xã Phủ Lý có Hội Chấn hưng công nghệ của các tư sản và chi bộ thị xã đã cử người vào hoạt động. Các lớp truyền bá Quốc ngữ theo chủ trương của Đảng được mở ở Đọi Sơn (huyện Duy Tiên), Phù Đê (huyện Kim Bảng) và thị xã Phủ Lý. Hà Nam còn có Hội Ái hữu Hương sư thu hút hầu hết các hương sư, tổng sư trong tỉnh. Hội đã đấu tranh đòi cải tiến chế độ lương bổng. Kết quả là thực dân Pháp phải bỏ chế độ cấp lương bằng ruộng, thay bằng tiền. Các hương lý từ nay phải nộp tiền về tỉnh để phát cho hương sư, tổng sư hàng tháng.

Nhân dân nông thôn còn đẩy mạnh phong trào chống phụ thu lạm bổ, chống cường hào, hào lý tham nhũng bắt nạt dân lành. Nhân dân Lũng Xuyên (huyện Duy Tiên) đấu tranh đòi bỏ một số tục lệ do lấy ra 7 mẫu ruộng tư văn, sau đó kiện Chánh tổng Yểng lấy lại 8 mẫu ruộng hắn bắt phải nộp lên tổng. Nhân dân xã Khả Phong (huyện Kim Bảng) buộc chính quyền thuộc địa phải xử tù lý trưởng vì tội thu thuế nặng và có hình phạt dã man người thiếu thuế. Nhân dân huyện Kim Bảng viết bài tố cáo tội tham nhũng, biển thủ, bao che tội lỗi cấp dưới... của tri huyện Nguyễn Ước Lễ trên báo Bạn dân rồi kiện hắn lên phủ. Thống sứ Saten phải về xem xét tại chỗ và chuyển viên tri huyện này đi nơi khác. Hình thức đấu tranh này còn được thực hiện mãi sang tháng 3-1939 ở tổng Đồng Thủy và Cao Đà khi viên tri huyện thông đồng với chủ thầu đắp đê Phương Trà bớt xén và chậm thanh toán tiền công. Nhân dân ở đây được sự lãnh đạo đứng lên đấu tranh thắng lợi.

Tháng 1-1937, đặc sứ Gôđa của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp sang Đông Dương. Quần chúng cách mạng xem đây là một dịp đấu tranh đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Cuộc đón tiếp Gôđa do Đảng tổ chức đã diễn ra cực kỳ sôi nổi, tỏ rõ thế lực của Đảng và cách mạng vô cùng mạnh mẽ trên tất cả mọi miền đất nước. Hà Nam là một tỉnh mà Gôđa không tới, nhưng Gôđa có tới Nam Định sát gần Hà Nam. “Đảng bộ Hà Nam đã hướng dẫn các cơ sở Đảng lãnh đạo quần chúng làm những bản Dân nguyện; công khai vạch trần sự áp bức bóc lột của quan lại cường hào, yêu cầu cải thiện các chế độ đóng góp, sưu thuế, giải quyết công ăn việc làm hoặc chống việc bắt dân uống rượu Phôngten. Phong trào phát triển tương đối rộng khắp các vùng Phù Đê, Đức Mộ, Cao Mật, An Đông, Cát Nguyên, Khả Phong, Lưu Xá, Gốm, Thụy Sơn (Kim Bảng); Phú Cốc, Đông Tây Trữ, Duyên Hà, Thanh Nga, Đồng Thủy (Lý Nhân). Ở Bình Lục, một số đảng viên bị địch quản thúc đã làm đơn gửi Gôđa yêu cầu Chính phủ Pháp can thiệp trả lại công quyền cho những người bị quản thúc. Kết quả chính quyền tay sai của địch đã phải công bố hủy bỏ chế độ quản thúc và trả lại tự do cho các đồng chí đó. Ở Lý Nhân, đồng chí Trần Doãn Sách đã vận động được hơn 200 người ký vào bản Dân nguyện và trực tiếp mang lên Hà Nội để trao cho Gôđa, nhưng bị nhà cầm quyền cản trở không cho gặp và bắt giam một thời gian sau phải trả tự do” (1).

Trong năm 1938, ở Hà Nam có tới 10 cuộc đấu tranh dưới hình thức mít tinh biểu tình đã được tổ chức ở các địa điểm như chợ Bầu (thị xã Phủ Lý); núi Bảo Thái (huyện Thanh Liêm); núi Bàn Cờ, Đồng Sóc (huyện Kim Bảng); chợ Nội, đống Voi Phục (huyện Bình Lục); cuộc mít tinh ở chùa Đọi (huyện Duy Tiên) đông tới 200 người. Điều đáng lưu ý là khi ở Hà Nội, Đảng tổ chức cuộc mít tinh công khai lớn ở nhà Đấu xảo ngày 1-5-1938 thì Hà Nam cùng hưởng ứng với một đoàn quần chúng tới 500 người đã kéo lên Hà Nội tham dự. Số đông trong đó là nhân dân các huyện Kim Bảng, Lý Nhân, Duy Tiên. Cũng năm đó, chính quyền thuộc địa bày ra việc bầu cử đại biểu vào Viện Dân biểu (tháng 1-1937, cuộc bầu cử đại biểu Dân biểu Bắc Kỳ đã được tổ chức và đại biểu của Đảng đã thắng lớn). Nay lại diễn ra bầu cử cấp tỉnh. Hà Nam cũng chuẩn bị cho sự kiện này. Đảng bộ Hà Nam quyết định đưa đồng chí Nguyễn Bá Ương (tức Thận thuộc Chi bộ Hưng Công, huyện Bình Lục) ra tranh cử. Nhân dịp này, Tỉnh ủy chủ trương vận động; tranh cử rầm rộ đồng thời tuyên truyền nêu cao uy tín của Đảng trong nhân dân. Rất nhiều sáng kiến được thực hiện (đặt trụ sở ứng cử viên tại tiệm đồng hồ Vĩnh Long của đồng chí Đắc ở thị xã Phủ Lý, lập Ban vận động bầu cử, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, áp phích, viết báo, tổ chức từng đoàn đi xe đạp về các vùng nông thôn, mở các cuộc tiếp xúc ứng cử viên và cử tri...). Các khẩu hiệu tranh cử hợp với lòng dân về tự do dân chủ, chống sưu cao thuế nặng, chống cường hào, chống Nhật toan chiếm Đông Dương, bênh vực người lao động v.v... Sau cuộc bầu cử, tuy không trúng cử trước các đối thủ như Phạm Quang Vọng, Phan Trần Trúc, Nguyễn Giang là các nhà tư sản kiêm địa chủ tung tiền mua cử tri và dồn phiếu cho nhau, nhưng đại biểu của ta được 200 trong tổng số 500 phiếu. Điều quan trọng hơn là uy tín ảnh hưởng của Đảng và cách mạng tăng lên rất lớn.

           4.Phong trào cách mạng 1939-1945 và Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nam

Cuối năm 1938, chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp đổ, chính phủ phản động của Thủ tướng Đalađiê lên thay thế. Tháng 11-1939, Đalađiê ra sắc luật hủy bỏ mọi thành quả của Mặt trận Bình dân Pháp và quay trở lại các chính sách phản động đàn áp thuộc địa. Trên thế giới, sau nhiều năm chuẩn bị chiến tranh của phe trục phát xít, ngày 1-9-1939 phát xít Đức tấn công Ba Lan mở đầu cuộc Đại chiến Thế giới II. Hai tháng sau, ngày 6 đến 08-11-1939 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị lần thứ 6 tại Hóc Môn Bà Điểm (Gia Định), quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho cách mạng trong tình hình mới. Một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc đã sang trang.

Tại Hà Nam, bước vào năm 1939, bọn thực dân lập tức triển khai các hành động khủng bố bắt bớ cán bộ, vây ráp càn quét, khám xét các cơ sở của cách mạng ở thị xã và khắp các làng xã trong tỉnh. Nhiều cán bộ Đảng hoặc bị bắt hoặc phải tạm lánh đi nơi khác. Địch lại thực hiện các chính sách bóc lột vơ vét, bắt lính... để chuẩn bị cho chiến tranh, chúng xóa bỏ các tổ chức hợp pháp của nhân dân, cấm lưu hành và đọc các sách báo thời Mặt trận Bình dân v.v... Nhưng nhân dân Hà Nam vẫn một lòng trung kiên che chở, báo vệ cán bộ Đảng của địa phương và của Xứ ủy. Lúc này đồng chí Trần Tử Bình, người xã Tiêu Động Thượng (huyện Bình Lục) được trao nhiệm vụ phụ trách Hà Nam.

Trước tình hình mới ở địa phương và trên phương diện toàn quốc, Tỉnh ủy Hà Nam triệu tập Hội nghị mở rộng vào cuối năm 1939 nhằm triển khai các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 vừa được thông qua. Tại Hội nghị này đồng chí Trần Tử Bình được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy mới. Chỉ ít tháng sau trong Đại chiến thứ II, Pháp đầu hàng phát xít Đức (22-6-1940), tướng Đờcu được cử sang Đông Dương, rồi quân Nhật tiến vào Đông Dương (28-6-1940). Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra (17-9-1940), lực lượng vũ trang Cứu quốc quân ra đời. Tình hình cho thấy con đường đấu tranh vũ trang đã bắt đầu. Tháng 10-1940, Hội nghị Tỉnh ủy Hà Nam lại được triệu tập tại Cổ Viễn (huyện Bình Lục) dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Tử Bình. Hội nghị đã quyết định chuẩn bị điều kiện tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền(1).

Ngay sau đó, ngày 6-11-1940, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 7 tại Đình Bảng (Bắc Ninh) khẳng định các nghị quyết chiến lược của Hội nghị 6 và chủ trương vũ trang bạo động giành chính quyền, xác định kẻ thù trực tiếp là đế quốc Pháp và phát xít Nhật, thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương.

Từ sau Hội nghị Tỉnh ủy ở Cổ Viễn, phong trào cách mạng ở Hà Nam lại bắt đầu phát triển. Tại huyện Bình Lục, nhiều hoạt động rải truyền đơn, treo cờ, khẩu hiệu, áp phích... diễn ra liên tiếp tố cáo tội ác của Pháp - Nhật, kêu gọi đánh đổ Pháp - Nhật. Nhân dân nhiều nơi nổi dậy đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống chủ trương nhổ lúa trồng đay và thầu dầu của Nhật như ở các xã Ngọc Lũ, Bồ Đề, Hưng Công, Vũ Bản, An Ninh, Mỹ Tho, Đồng Du... (huyện Bình Lục). Cùng với đấu tranh chính trị, nhiều nơi tổ chức quyên góp sắt rèn vũ khí và tập luyện quân sự tổ chức tự vệ chuẩn bị cho khởi nghĩa. Xét thấy chưa phải đến lúc khởi nghĩa ngay, lại thấy các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ không thành công, Tỉnh ủy Hà Nam ra chỉ thị hoãn các kế hoạch khởi nghĩa và vẫn duy trì các hình thức đấu tranh hiện có. Đúng lúc này địch tổ chức các cuộc càn quét lớn vào các xã Cổ Viễn, Hưng Công, Ngọc Lũ, Đồng Du, Bồ Đề, Vụ Bản để tiêu diệt lực lượng cách mạng với mục tiêu “chặt đầu, phá tổ, nhổ rễ”. Trong đợt này gần 200 người đã bị địch bắt, Ban Tỉnh ủy chỉ còn lại đồng chí Trần Tử Bình, ở huyện Kim Bảng, nhiều cán bộ và đảng viên rút vào bí mật nên bảo toàn được lực lượng khi địch càn quét lùng sục. Do biết rút vào bí mật và tìm các biện pháp thích hợp đối phó với kẻ thù, do được nhân dân hết lòng giúp đỡ che chở bảo vệ nên ở nhiều nơi như các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên... lực lượng cách mạng vẫn tồn tại và phát triển. Ngay tại Cổ Viễn, cơ quan in báo Cờ Giải phóng của Xứ ủy cũng vẫn hoạt động bình thường. Tóm lại, dù đã ra sức triệt phá lực lượng cách mạng một cách quyết liệt, địch vẫn không thể tiêu diệt hoàn toàn được phong trào đấu tranh của nhân dân và bộ máy lãnh đạo là Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đúng vào lúc tình hình trong nước và quốc tế có những biến chuyển quan hệ tới vận mệnh dân tộc thì lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước ngày 8-2-1941. Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 được triệu tập tại Pắc Bó (Cao Bằng) dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị khẳng định chiến lược Cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc khỏi ách Pháp - Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh rộng rãi đoàn kết dân tộc. Sự thay đổi chiến lược này hết sức quan trọng và đúng đắn, vì vậy đã dấy lên cao trào chưa từng có trong lịch sử, dẫn tới khởi nghĩa toàn quốc giành chính quyền về tay nhân dân thắng lợi vào tháng 8-1945.

Trên địa bàn Hà Nam, trong nửa cuối 1941 các hoạt động cách mạng và tranh đấu lại bắt đầu được nhen nhóm khi tiếp xúc với chủ trương đường lối Việt Minh nhờ các cán bộ của Đảng (như đồng chí Trần Quyết, Lương Văn Đài...). Các hội Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc... được thành lập; truyền đơn, biểu ngữ giới thiệu Mặt trận Việt Minh được trương lên, cờ đỏ sao vàng được treo từ ga Đồng Văn đến cống Nhật Tựu (huyện Kim Bảng), trên cây đa làng Chuông (huyện Duy Tiên), tại Văn Quán (huyện Thanh Liêm), huyện lỵ Kim Bảng và nhiều nơi khác. Các tổ chức quần chúng đã có trước đây nay được chấn chỉnh và chuyển thành các đoàn thể Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh.

Cơ sở Việt Minh đã phát triển đến các thôn Lưu Xá, Cao Mật, Thụy Sơn, Khả Phong, Phương Đình (huyện Kim Bảng); Cổ Viễn, Hưng Công, Bối Kênh (huyện Bình Lục); Đoan Vĩ, Văn Quán (huyện Thanh Liêm); Ngọc Động (huyện Duy Tiên); Mạc Thượng (huyện Lý Nhân) và thị xã Phủ Lý. Tham gia vào Việt Minh, ngoài các tầng lớp nhân dân lao động còn có cả một số phú nông, tiểu chủ, con cái các địa chủ. Các tổ chức Đảng cũng được kiện toàn và phát triển thêm (như chi bộ ghép Duy Tiên - Kim Bảng đầu năm 1942), công tác huấn luyện chính trị được tăng cường v.v... Đêm 9-3-1942, chi bộ ghép đã phối hợp với Việt Minh huyện Mỹ Đức (Hà Đông) cắm cờ đỏ sao vàng và rải truyền đơn ở Bến Đục và các chùa nhân Hội chùa Hương. Những hình thức như vậy cũng được thực hiện ở làng Chuông, ga Đồng Văn (huyện Duy Tiên), dọc đường 21 (huyện Bình Lục) và nhiều nơi khác. Việt Minh huyện Kim Bảng còn tổ chức quyên góp được nhiều quần áo, tiền, thuốc ủng hộ các chiến sĩ Bắc Sơn.

Phong trào cách mạng đang lên thì địch lại tiến hành khủng bố kể từ tháng 5-1942. Các cơ quan đầu não của Đảng bị đánh phá, một số cán bộ, đảng viên bị địch bắt. Trong vòng 3 năm 1942 - 1944, có lúc Hà Nam không còn cán bộ lãnh đạo, Bí thư liên Tỉnh ủy C tức đồng chí Trần Tử Bình phải kiêm lãnh đạo Hà Nam. Có lần Xứ ủy họp ở Cổ Viễn (huyện Bình Lục) vì có nội gián nên phải chuyển địa điểm và bị bao vây, địch bắt được đồng chí Phan Trọng Tuệ (5-1943). Cuối năm 1943, An toàn khu của Xứ ủy ở huyện Kim Bảng bị phá vỡ, đồng chí Trần Tử Bình cũng bị bắt (tháng 12-1943) v.v... Nhưng cũng như các lần trước, dù không có cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh nhưng các cơ sở cách mạng còn lại vẫn vững vàng và duy trì hoạt động thích hợp, bí mật phát triển các cơ sở Việt Minh. Đó là những nền tảng vững chắc để cán bộ đảng ở cấp trên về khôi phục phong trào.

Vì vậy cuối năm 1944, nhờ sự hoạt động tích cực và có hiệu quả của cán bộ Xứ ủy mới được cử về là đồng chí Lê Quang Tuấn, các cơ sở cách mạng lại được liên kết lại, các đoàn thể Việt Minh lại được xây dựng ở khá nhiều nơi, các hoạt động treo cờ rải truyền đơn cổ vũ Việt Minh hô hào tham gia cứu quốc lại liên tiếp diễn ra ở tỉnh lỵ và ở khắp các huyện, xã. Mặt trận Việt Minh còn tổ chức phá cuộc mít tinh của bọn Đại Việt thân Nhật, vạch mặt chúng làm tay sai phát xít. Phong trào Việt Minh hoạt động mạnh mẽ và có mục tiêu đúng đắn đoàn kết nhân dân, nên có sức lôi cuốn cao ngay cả với các tầng lớp trên; các lớp hào lý, tổng lý cũng hăng hái tham gia cách mạng. Nhiều nơi trong tỉnh lại xuất hiện các đội Tự vệ cứu quốc, tổ chức huấn luyện quân sự để tiến tới khởi nghĩa. Phong trào cách mạng dâng cao, bất chấp đợt khủng bố lớn của địch hồi tháng 7-1944 ở huyện Thanh Liêm làm thiệt hại về cán bộ và tổn hại khí thế quần chúng. Cho đến đầu năm 1945, các cơ sở cách mạng trong tỉnh vẫn trụ lại vững vàng, chờ thời cơ mới.

Năm 1945 là năm cực kỳ khó khăn về đời sống cho nhân dân lao động, nhất là nông dân nghèo. Do chính sách vơ vét của Pháp - Nhật, do chủ trương nhổ lúa trồng đay và thầu dầu để phục vụ chiến tranh của phát xít Nhật, nên tình hình nông nghiệp tiêu điều xơ xác. Đó là nguyên nhân chính gây nên nạn đói khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ từ cuối 1944 trở đi và ngày một trầm trọng hơn vào đầu 1945. Ở Hà Nam nạn đói thê thảm đã cướp đi 50.398 sinh mệnh. Hầu hết các huyện, xã đều có người chết đói, thôn An Thặng (xã Tiên Hiệp, huyện Duy Tiên) chỉ có số dân 370 người mà có tới 94 người chết đói, xã Xuân Khê (huyện Lý Nhân) chết mất 520 người; ở huyện Bình Lục người chết đói nằm ngổn ngang khắp các đường làng, xó chợ, bến xe. Nhiều gia đình chết hết không còn một ai"’.

Đúng lúc này (3-1945), Hồng quân Liên Xô giải phóng hoàn toàn Ba Lan tiến vào nước Đức phát xít và chỉ cách Béclin 60km. Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương nhìn thấy trước cơ hội giải phóng và biết trước phát xít Nhật sẽ làm đảo chính hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương. Quả nhiên cuộc đảo chính đó đã xảy ra trên toàn Đông Dương vào đêm 9-3-1945. Cũng đêm đó, Trung ương Đảng họp và ra Chỉ thị nổi tiếng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trên toàn cõi Đông Dương. Sau ngày đảo chính, phát xít Nhật vội vã thực hiện nhiều chính sách bóc lột nặng nề hơn, với những thủ đoạn lừa bịp hơn. Về chính trị, chúng lập chính phủ Trần Trọng Kim với chiêu bài độc lập và theo thuyết Đại Đông Á, da vàng đồng chủng. Về kinh tế, chúng thu thuế mạnh hơn, triệt để nhổ lúa trồng đay và thầu dầu, ráo riết vơ vét thóc gạo nấu cồn thay xăng v.v... Từ 1940, Pháp và Nhật lập các kho thóc gạo làm nảy sinh nạn đầu cơ thóc gạo và lạm phát tràn lan v.v... Về mặt quân sự, chúng thay thế quân Pháp ở các vị trí cũ nhưng; còn đóng thêm ở nhiều vị trí quan trọng khác. Ở Hà Nam có thêm đồn Phù Đê (huyện Kim Bảng), Nga Khê (huyện Lý Nhân). Chúng lập Bảo an binh và ở Hà Nam lực lượng này gồm một tiểu đoàn, có mặt ở khắp các thôn xóm, chúng cũng tổ chức mật thám dưới quyền hiến binh Nhật, luôn đi lùng sục dò la bắt bớ triệt phá các cơ sở cách mạng. Chúng còn bắt lính, bắt phu xây dựng đường sá và công sự ở vùng núi rừng huyện Thanh Liêm và dọc đường 21 đi huyện Kim Bảng và châu Lạc Thủy.

Kẻ thù đã lộ rõ bản chất xâm lược và tàn ác đến cùng cực. Nhân dân lâm vào một tình thế không thể chịu đựng nổi, chỉ có thể vùng lên giải phóng. Tình thế cách mạng tiến lên khởi nghĩa đã tới. Trong một tình hình như vậy, phong trào Việt Minh cuốn hút được cả các phần tử nhẹ dạ theo địch, các phần tử lừng chừng, các tầng lớp trên trong xã hội. Còn bọn tay sai Nhật vô cùng hoang mang sợ sệt, Chánh Phung, Nghị Mẫn ở Đôn Thư, một số ở Cổ Viễn, Hưng Công, Đồng Du, cha con Bá Doãn ở Trà Châu (huyện Thanh Liêm) khi được thuyết phục đều ngả theo cách mạng. Các hương lý ở Thụy Xuyên, Phù Đê, cũng theo cách mạng khi thấy các tổ chức Việt Minh phát triển sôi nổi với các đoàn thể Cứu quốc trong Việt Minh. Lực lượng cứu quốc ở Khả Phong (huyện Kim Bảng) còn làm công tác địch vận thu được vũ khí và quân trang quân dụng của tàn quân Pháp.

Cuối tháng 3-1945, các cán bộ Đảng bị tù đã vượt ra ngoài trở về địa phương, liên lạc với các cán bộ lãnh đạo Hà Nam và tại thôn Ngọc Động (xã Hoàng Đạo Đông, huyện Duy Tiên), tháng 4-1945 đã thành lập Ban cán sự lâm thời của tỉnh để chỉ đạo phong trào sau 4 năm thiếu vắng (Ban cán sự gồm 5 người là: Lê Thành - Trưởng ban, Lê Quang Tuấn, Trần Quyết, Lê Hồ và Phạm Sĩ Phú). Cùng lúc Xứ ủy cử đồng chí Hà Kế Tấn về phụ trách hai tỉnh Nam Định và Hà Nam. Sau đó, Hội nghị Ban cán sự mở rộng do đồng chí Hà Kế Tấn chủ trì đã họp tại thôn Cao Mật (huyện Kim Bảng) vào đầu tháng 5-1945, quyết định phát động phong trào đấu tranh theo các hoạt động cụ thể như sau:

“1. Tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, treo cờ đỏ sao vàng, rải truyền đơn, dán biểu ngữ với nội dung đánh đuổi phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu Mặt trận Việt Minh.

           2. Tổ chức phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói, thu triện của Lý trưởng, vận động quần chúng không nộp thuế, đồng thời răn đe Lý trưởng không được thu thóc thuế.

           3. Ra tờ báo Quyết chiến để tuyên truyền, hướng dẫn và cổ vũ phong trào.

           4.Phát triển và củng cố Tự vệ cứu quốc, tổ chức lớp huấn luyện quân sự, thu thập vũ khí để trang bị cho lực lượng tự vệ”(1).

Cùng với phong trào Việt Minh dâng cao trong     cả nước, phong trào Việt Minh ở Hà Nam từ đây phát triển sôi nổi, thu hút được cả Thanh niên xã hội, Bảo an đoàn, các tư sản, tiểu chủ, tiểu thương cùng con cái họ ở thị xã Phủ Lý. Một số tầng lớp trên trong đạo Thiên chúa, như các Linh mục, Chánh, Trương Trùm, Trưởng cũng ủng hộ Việt Minh hoặc bí mật hoặc công khai. Phong trào cách mạng từ đây dưới ngọn cờ Việt Minh cũng là phong trào tiền khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám. Đó là một phong trào tổng hợp của bạo lực cách mạng thể hiện qua các sự kiện sau:

-- Chuẩn bị căn cứ địa và lực lượng vũ trang

Từ cuối tháng 1-1945, Ban cán sự Việt Minh huyện Bình Lục đã quyết định xây dựng căn cứ cách mạng ở xã Đồng Du. Tại đây đã có một trung đội võ trang tuyên truyền giải phóng quân 38 người do đồng chí Nguyễn Việt Tiến (tức Đắc) chỉ huy. Đội đã luyện tập quân sự, rèn sắm vũ khí, canh gác bảo vệ, xung kích dẫn dắt biểu tình phá kho thóc, trấn áp bọn tay sai địch. Tự vệ cứu quốc được tổ chức ở nhiều nơi, ngay cả ở những khu vực gần thị xã Phủ Lý. Tháng 6-1945, Ban cán sự tỉnh mở lớp huấn luyện quân sự ở Phù Cốc (huyện Lý Nhân) do đồng chí Lê Quang Tuấn phụ trách. Ban cán sự huyện Kim Bảng sau khi được thành lập đã cử cán bộ đi học trường quân chính kháng Nhật ở chiến khu Quỳnh Lưu (tỉnh Ninh Bình), học lớp quân sự Phú Cốc, lớp dài ngày ở Hòa Bình do Xứ ủy mở. Những nơi Tự vệ cứu quốc mạnh là Phú Cốc (huyện Lý Nhân), Cổ Viễn (huyện Bình Lục), Lũng Xuyên (huyện Duy Tiên). Ban cán sự Đảng còn phát động phong trào “Sắm vũ khí đuổi thù chung” để các đội viên tự vệ tự trang bị mỗi người một loại vũ khí thô sơ hoặc súng trường, súng ngắn. Có quần chúng bỏ tiền mua một khẩu tiểu liên ủng hộ cách mạng (như ở huyện Thanh Liêm). Tháng 6-1945, quần chúng ở Khả Phong (huyện Kim Bảng) phát hiện ra kho vũ khí Pháp cất giấu từ trước ngày Nhật đảo chính, Ban cán sự đã phân công Tự vệ cứu quốc Khả Phong, Thụy Xuyên, Phương Khê, ấp Thọ Cầu mưu trí dũng cảm luồn rừng đem được 2 khẩu tiểu liên, 5 khẩu súng trường, nhiều đạn dược về căn cứ cho lực lượng tự vệ. Một số lính khố đỏ quê huyện Lý Nhân cũng tìm cách đưa vũ khí về cho tự vệ.

          - Huy động quần chúng đấu tranh dưới nhiều hình thức

Tháng 6-1945, Ban cán sự Đảng tỉnh tổ chức cuộc mít tinh ở Đền Lảnh xã Mộc Nam (huyện Duy Tiên), cổ vũ cho phong trào Việt Minh, treo cờ đỏ sao vàng và đốt pháo, biểu dương lực lượng. Tổ chức Việt Minh phát triển mạnh ở các huyện trong tỉnh kể cả ở thị xã. Có nơi thanh niên tự rủ nhau đi tìm cán bộ Việt Minh yêu cầu tổ chức kết nạp hoặc xin tự tổ chức. Nhiều thôn xã hầu như toàn bộ nhân dân tham gia Việt Minh. Có nhiều giáo dân gia nhập tổ chức cứu quốc (như ở các huyện Thanh Liêm, Bình Lục). Ngoài các hình thức mít tinh tuyên truyền và biểu tình, các đoàn thể Việt Minh còn vận động cứu đói, kêu gọi lạc quyên tương trợ, vận động nhà giàu cho vay, thuyết phục các tổng lý không thu thóc, thu thuế hoặc dân không nộp thuế (như ở các huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Lý Nhân), cảnh cáo tổng lý, tịch thu tiền thuế trả lại dân, chặn xe nộp thóc cho Nhật... Ngày 18-6-1945, Ban cán sự tổ chức mít tinh tại chợ Dầu (xã Phù Đê, huyện Kim Bảng) cổ vũ Việt Minh, hô hào chống thóc tạ, chống sưu cao thuế nặng, vạch mặt chính phủ Trần Trọng Kim v.v... Từ 15 đến 30-7-1945, nhân dân các xã ở huyện Bình Lục nổi dậy phá các kho thóc của địa chủ và của Nhật (ở Vũ Bị, Ngô Khê, An Thư, ga Bình Lục) chia cho dân nghèo.

Tất cả các hoạt động trên đây làm tê liệt chính quyền địch từ tỉnh xuống xã. Tỉnh trưởng và Phó tỉnh trưởng lo sợ không dám chống phá cách mạng, Bảo an binh tan rã ý chí, chính quyền địch rệu rã, có nơi tan rã hẳn. Mặt trận Việt Minh hoạt động công khai trong khi đó quân đội Nhật nằm im.

Ngày 13-8-1945, tại Vãng Sơn, ấp Thọ Cầu (huyện Kim Bảng), Ban cán sự Đảng tỉnh Hà Nam tập hợp theo dõi tình hình và biết tin Nhật đã có ý định đầu hàng Đồng minh. Các đồng chí nghĩ ngay tới Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” quyết định triệu tập Hội nghị Ban cán sự mở rộng cũng là Hội nghị đại biểu Việt Minh tỉnh hoạch định kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Hội nghị họp trong hai ngày 15 và 16-8-1945 tại thôn Lũng Xuyên (huyện Yên Bắc - Duy Tiên) - cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hà Nam. Mỗi huyện có từ 3 đến 5 đại biểu. Sáng ngày 16, Hội nghị nhận được Chỉ thị Tổng khởi nghĩa (Quân lệnh số 1 của Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc đã phát đi ngày 13-8-1945). Hội nghị quyết định:

“1.Giành chính quyền ở các huyện trước, sau đó tập trung lực lượng giành chính quyền ở tỉnh và huyện Thanh Liêm (địa bàn sát với tỉnh lỵ).

2. Kết hợp chính trị với quân sự, dụ hàng địch trước khi đánh; triệt để cô lộp quân Nhật, sẵn sàng đối phó khi chúng ngoan cố chống lại.

3.Thành lập Ủy ban Quân sự Cách mạng tỉnh gồm 5 đồng chí, mỗi đồng chí trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa ở một huyện. Dự kiến thành phần của Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh và đề ra phương hướng thành lập Ủy ban Quân sự Cách mạng, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời các huyện”(1).

1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam, tập I, tr135

Hội nghị cử ra Ủy ban Quân sự Cách mạng tỉnh gồm:

- Đồng chí Lê Thành, Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh làm Chủ tịch.

- Đồng chí Lê Quang Tuấn, Phó Chủ tịch.

- Đồng chí Trần Quyết: phụ trách quân sự, an ninh.

- Đồng chí Minh Phú: Ủy viên.

- Đồng chí Lưu Quang Bích: Ủy viên.

Các đồng chí trên được phân công phụ trách khởi nghĩa ở từng huyện như sau:

Huyện Kim Bảng: đồng chí Lê Thành.

Huyện Lý Nhân      : đồng chí Lê Quang Tuấn.

Tỉnh, huyện Thanh Liêm và Ý Yên: đồng chí Trần Quyết.

Huyện Bình Lục: đồng chí Minh Phú.

Huyện Duy Tiên: đồng chí Lưu Quang Bích.

Ngày 17-8, đồng chí Lê Thành giao cho mỗi huyện một ít súng đạn và đồ quân dụng.

Ngày 19-8, tin tức Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi lan nhanh ra cả nước. Lúc này ở Hà Nam lệnh khởi nghĩa cũng đang truyền khắp tỉnh. Bọn Bảo an binh nhận được thư của Uỷ ban Quân sự Cách mạnh Hà Nam dao động mất hết tinh thần. Còn nhân dân Hà Nam và quần chúng cách mạng tưng bừng chuẩn bị cờ, khẩu hiệu và vũ khí để nhất tề vùng lên. Sáng ngày 20- 8, cả 3 huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng đều nổ ra khởi nghĩa cùng lúc.

Sáng 22-8, khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở huyện Bình Lục và châu Lạc Thủy; và sau đó sáng 24-8 ở huyện Thanh Liêm và thị xã Phủ Lý. Trước khi đi sâu trình bày về khởi nghĩa ở thị xã Phủ Lý, cần lướt nhanh qua tình hình khởi nghĩa đã nổ ra trước đó ở các huyện.

          -Khởi nghĩa ở huyện Duy Tiên

Sáng 17-8, tại thôn Lũng Xuyên, Hội nghị cán bộ toàn huyện được triệu tập quyết định khởi nghĩa vào ngày 20-8 và cử ra ủy ban Quân sự Cách mạng lâm thời huyện do đồng chí Lưu Quang Bích làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Huân - Phó Chủ tịch và 5 Uỷ viên. Mọi công tác chuẩn bị được nhanh chóng hoàn thành. Đêm 19-8, lực lượng chính tập trung ở đình Lũng Xuyên, còn ở các cơ sở cũng tập trung theo từng khu vực. Sáng sớm 20-8, hàng ngàn người từ các ngả đường cùng nhân dân đi chợ Điệp kéo đến địa điểm tập kết. Được tin viên huyện trưởng đã dẫn lính cơ lên hộ đê sông Hồng, Uỷ ban Quân sự Cách mạng lập tức phát lệnh khởi nghĩa.

Đúng 10 giờ, một hồi kèn vang lên, dưới lá cờ đỏ sao vàng, đội quân khởi nghĩa tiến vào huyện đường tại Điệp Sơn. Đến cổng chính người chỉ huy cho nổ băng tiểu liên làm hiệu lệnh, lực lượng quần chúng từ các ngả tràn vào huyện đường. Viên đội và tốp lính cơ toan chống cự nhưng thấy lực lượng cách mạng áp đảo bèn nộp vũ khí. Toàn bộ nhân viên huyện đường đầu hàng, giao nộp sổ sách bằng triện cho cách mạng. Trong lúc đó một lực lượng ở khu Mộc Hoàn lên đê Lãnh Trì (Mộc Hoàn Nam) bắt viên huyện trưởng và 8 lính cơ, thu 6 súng trường, 1 súng lục. Cuộc mít tinh lớn được tổ chức ngay trên đê, thu hút nhân dân các làng ven đê và dân đi đắp đê. Chiều 20-8, tại huyện lỵ Điệp Sơn, uỷ ban Quân sự huyện tổ chức mít tinh lớn đông tới hơn 2.000 người nghe đại diện Việt Minh tuyên bố 10 chính sách của Việt Minh và giới thiệu uỷ ban Quân sự Cách mạng lâm thời huyện ra mắt nhân dân.

          - Khởi nghĩa ở huyện Lý Nhân

Huyện lỵ Lý Nhân đóng tại Nga Khê sát đê sông Hồng, nước đang lên rất to. Tại đây có quân Nhật đóng cùng với các kho thóc của chúng ở các đình, chùa xung quanh. Tối 19-8, Hội nghị đại biểu toàn huyện được triệu tập, quyết định khởi nghĩa, nghe, kế hoạch bắt viên huyện trưởng và chiếm huyện lỵ. Hội nghị dự tính khởi nghĩa sáng 20, lực lượng tập trung ở chợ Nẻ trước cổng huyện rồi bất ngờ đột nhập bắt viên huyện trưởng, tước vũ khí lính cơ. Một bộ phận khác lo đối phó với quân Nhật. Họp xong thì trời sáng và có tin báo là viên huyện trưởng đã ở điếm Vũ Điện trên sông Hồng. Kế hoạch mới được thực hiện tức thời, phái một mũi lực lượng cách mạng đi bắt tên huyện trưởng. Đoàn quân ra đê, mọi người hô to “Việt Minh”, “Hoan hô Việt Minh”. Cán bộ Việt Minh đứng lên kêu cọi khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, kêu gọi nhân dân giữ đê, kêu gọi các lý dịch giữ đê nhưng không được đánh đập nhân dân. Đoàn người áp giải huyện trưởng về huyện đường, trên đường về nhân dân tự động tham gia rất đông với đủ loại vũ khí thô sơ. Về đến cổng huyện, lính Nhật chĩa súng vào đoàn người. Theo lệnh chỉ huy, đoàn người dừng lại yêu cầu chỉ huy Nhật và phiên dịch ra cổng huyện nói chuyện. Đồng chí chí huy nói: “Việt Minh đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, quân Nhật đã đầu hàng Đồng minh, yêu cầu không can thiệp vào việc khởi nghĩa của Việt Nam”. Viên sĩ quan Nhật chấp thuận mời chỉ huy Việt Minh vào huyện và cùng niêm phong các kho thóc có chữ ký của hai bên, rồi quân Nhật lên xe về tỉnh lỵ.

Đoàn người kéo vào huyện lỵ, treo cờ đỏ sao vàng báo hiệu chính quyền đã về tay nhân dân. Đồng chí Lê Quang Tuấn báo sang Duy Tiên đề phòng quân Nhật trở lại Lý Nhân thì cản đường chúng và chuẩn bị đối phó. 2 giờ chiều, biết tin quân Nhật quay lại qua đường Đồng Văn, Ban lãnh đạo huyện Lý Nhân liền triển khai chiến đấu 2 mũi chống cự 2 mũi của địch. Một trận giáp chiến đã xảy ra và quân Nhật bị thương vong nhiều tên. Quân Nhật sau đó tỏ ý thương lượng, ta đồng ý gặp gỡ ở đình Trúc Bắc. Đại biểu Việt Minh huyện đã vừa kiên quyết vừa khéo léo thuyết phục quân Nhật. Viên chỉ huy Nhật cuối cùng chấp thuận cho cả 6 xe chở đầy lính Nhật rút lui, trong niềm hân hoan của mọi người dân phố huyện. Ngay đêm đó Uỷ ban Quân sự Cách mạng huyện Lý Nhân đã họp, quyết định lãnh đạo nhân dân và các lực lượng cách mạng phòng lụt, hộ đê để bảo vệ nhân dân và xây dựng chính quyền cách mạng.

          - Khởi nghĩa ở huyện Kim Bảng

Ngày 18-8, Ban cán sự huyện triệu tập Hội nghị đại biểu Việt Minh toàn huyện tại ấp Thọ Cầu, quyết định khởi nghĩa vào ngày 20-8, cử ra uỷ ban Quân sự Cách mạng và Uỷ ban Nhân dân lâm thời do đồng chí Đỗ Đình Phát (người xã Thụy Lôi) làm Chủ tịch. Lực lượng tự vệ chiến đấu có 2 trung đội. 17 giờ ngày 20-8, sau phát súng lệnh nổ vang, các mũi tiến công áp sát khống chế bộ máy chính quyền huyện và binh lính, chúng hoảng sợ không dám chống cự. Huyện trưởng cúi đầu nộp triện dấu, hạ vũ khí đầu hàng. Lực lượng cách mạng thu 5 súng trường, 1 súng bắn chim, 1 súng lục. Chính quyền lâm thời tổ chức mít tinh mừng thắng lợi, cờ đỏ sao vàng tung bay trước đông đảo quần chúng. Uỷ ban Nhân dân lâm thời tuyên thệ trước nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, ban bố 10 chính sách của Việt Minh.

          - Khởi nghĩa ở huyện Bình Lục

Ban cán sự huyện đang chuẩn bị khởi nghĩa thì ngày 19-8, một số thanh niên trong tổ chức Thanh Niên xã hội ở huyện Bình Lục lôi kéo một số thanh niên ở khu vực Đầm Giải giả danh Việt Minh vác cờ đỏ sao vàng, tước vũ khí của huyện trưởng huyện Bình Lục, thu 7 khẩu súng trường. Ban cán sự đang họp ở thôn An Thư (xã An Thư), nghe tin ấy liền bố trí lực lượng đi thu lại số vũ khí đó. Sáng 21-8, Ban cán sự Việt Minh huyện thành lập uỷ ban Khởi nghĩa do đồng chí Phạm Sĩ Phú làm Chủ tịch và quyết định khởi nghĩa. 7 giờ sáng ngày 22-8, hàng ngàn người cầm cờ đỏ sao vàng và vũ khí thô sơ cùng Đội tự vệ vũ trang kéo tới bao vây huyện đường. Huyện trưởng huyện Bình Lục vội vã nộp ấn triện, sổ sách, vũ khí, đầu hàng uỷ ban Khởi nghĩa.

          - Khởi nghĩa ở châu Lạc Thủy

Ngày 22-8, quần chúng cách mạng ở đây tự động nổi dậy phá chính quyền địch rồi cử cán bộ gặp Ban cán sự xin ý kiến về thành lập chính quyền nhân dân.

          - Khởi nghĩa ở huyện Thanh Liêm

Ngày 20-8, uỷ ban Quân sự Cách mạng huyện tổ chức 1 trung đội tự vệ từ cơ sở Trà Châu (nay thuộc xã Thanh Tâm) do đồng chí Trần Quyết chỉ huy tiến sang giành chính quyền ở huyện Ý Yên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã bàn giao chính quyền cho lực lượng cách mạng huyện Ý Yên rồi rút về Trà Châu chuẩn bị giành chính quyền huyện Thanh Liêm và tỉnh lỵ. Ban cán sự Việt Minh họp tại thôn Thượng Tổ quyết định khởi nghĩa vào ngày 24-8 ở huyện và ở tỉnh lỵ. 5 giờ sáng ngày 24-8, hơn 1.000 tự vệ cùng đông đảo quần chúng cách mạng tiến về tập kết ở Thượng Tổ rồi kéo tới bao vây chính quyền địch ở thị xã Phủ Lý. Khiếp đảm trước khí thế cách mạng, chính quyền địch ở huyện Thanh Liêm lập tức đầu hàng.

          - Khởi nghĩa ở thị xã Phủ Lý

Sau khi lãnh đạo khởi nghĩa thắng lợi ở các huyện trong tỉnh, Ban cán sự Đảng và Ủy ban Quân sự Cách mạng tỉnh đã khẩn trương tập trung chuẩn bị giành chính quyền ở thị xã Phủ Lý. Đêm 20-8, cơ sở Phủ Lý báo tin bọn Đại Việt do cảnh sát trưởng cầm đầu định mạo danh Việt Minh tổ chức quần chúng biểu tình vào tước vũ khí trại Bảo an binh. Ủy ban Quân sự Cách mạng tỉnh cấp tốc gửi thư cho giám binh Bảo an nói rõ âm mưu bọn Đại Việt và yêu cầu không được giao vũ khí cho bọn Đại Việt mà phải chờ để giao cho Việt Minh. Trước khí thế của cách mạng, bọn Bảo an đã phải chấp nhận mệnh lệnh của cách mạng. Chiều 21-8, bọn Đại Việt và Thanh niên xã hội tổ chức một cuộc biểu tình khoảng 100 người vác cờ đỏ sao vàng diễu qua các đường phố rồi kéo đến dinh Tỉnh trưởng và trại Bảo an binh đòi tước vũ khí. Những cơ sở cách mạng trong trại Bảo an kiên quyết không giao. Hai bên giằng co hồi lâu rồi mọi người nhận ra sự lừa gạt của Đại Việt nên bỏ về hết, bọn Đại Việt đành tháo lui. Nhưng cũng vì việc này, chỉ huy Bảo an binh yêu cầu phải có lệnh của Bắc Bộ Phủ thì chúng mới giao súng. Tối 21-8, Ban cán sự về Duy Tiên họp quyết định tập trung lực lượng quần chúng ở 5 huyện, lấy lực lượng vũ trang làm xung kích biểu tình vũ trang bao vây thị xã, buộc địch phải đầu hàng, phân hóa bọn chỉ huy Bảo an để tránh xung đột bất lợi cho ta. Sáng 22-8, các đồng chí Lê Thành, Trần Quyết, Lê Quang Tuấn lên cơ quan Xứ ủy (Vạn Phúc, Hà Đông) xin chủ trương và đề nghị Xứ ủy yêu cầu Bắc Bộ Phủ ra lệnh cho bọn đầu sỏ chính quyền Bảo an Hà Nam phải trao chính quyền và vũ khí cho chính quyền cách mạng.

Ngày 23-8, Uỷ ban Quân sự Cách mạng tỉnh trực tiếp ra lệnh cho chính quyền và binh lính địch ở Hà Nam phải bàn giao chính quyền cho Việt Minh. Cũng hôm đó bọn địch ở Hà Nam nhận được lệnh cấp trên là nên cam đoan thực hiện yêu cầu của cách mạng. Sáng sớm ngày 24-8, quần chúng cách mạng trong Mặt trận Việt Minh của 5 huyện đông tới hàng chục vạn người với hàng ngàn tự vệ vũ trang (trang bị 1 trung liên, 3 tiểu liên, 80 súng trường và đủ loại vũ khí thô sơ), cả một rừng cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ trùng điệp rầm rập tiến vào thị xã Phủ Lý. Cả đoàn chia làm 4 bộ phận: 1 bố trí mai phục đề phòng quân Nhật, 1 bao vây trại Bảo an, 1 chiếm kho súng, còn đại bộ phận quần chúng bao vây cơ quan đầu não chính quyền địch. Tại trại Bảo An, bọn chỉ huy theo lệnh uỷ ban Quân sự Cách mạng phải cho mượn 50 khẩu súng (trang bị cho 50 nữ tự vệ), ở dinh Tỉnh trưởng, Đàm Duy Huyến sợ hãi giao nộp ấn triện, sổ sách cho đồng chí Lê Quang Tuấn đại diện uỷ ban Quân sự Cách mạng Hà Nam. Còn tiểu đoàn Nhật ở thị xã nằm im trong doanh trại. Thế là chính quyền địch ở Hà Nam đã bị đập tan.

Khoảng 10 giờ sáng 24-8, cuộc mít tinh khoảng 5 vạn người đã diễn ra tại sân vận động Phủ Lý chào mừng Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập do đồng chí Lê Thành làm Chủ tịch. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời công bố 10 chính sách của Việt Minh. Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành của quần chúng cách mạng từ thị xã tỏa về các ngả đường huyện, xã trong tỉnh. Cũng ngay sau cuộc mít tinh, uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Hà Nam họp phiên đầu tiên bàn kế hoạch thực hiện ngay những nhiệm vụ trước mắt của một chính quyền cách mạng.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 ngày (từ 20 đến 24-8-1945), Cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã lần lượt nổ ra thắng lợi giòn giã từ khắp các huyện, xã lên đến tỉnh lỵ Hà Nam. Đó là do đường lối, chủ trương đúng đắn, nắm bắt đúng thời cơ chuẩn xác của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do sự vận dụng linh hoạt sáng tạo của Đảng bộ, Việt Minh tỉnh và các huyện, xã của Hà Nam. Đó còn là do tinh thần hy sinh kiên trì của quần chúng nhân dân, của nhiều cán bộ, đảng viên trung kiên tận tụy. Thắng lợi của khởi nghĩa Tháng Tám mang lại nhiều bài học cách mạng về chiến lược chiến thuật, về bạo lực cách mạng và về các hình thức khởi nghĩa đóng góp cho lịch sử hào hùng của dân tộc.

*

*   *

Nhìn lại lịch sử cận đại Hà Nam trong vòng gần 1 thế kỷ, có thể thấy rằng từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta theo một quá trình từ Nam ra Bắc, lúc đầu triều đình phong kiến đã kháng cự nhưng rồi thoái chí và chịu ký hết hàng ước này đến hàng ước khác và cuối cùng trở thành kẻ phục vụ cho chế độ thuộc địa của Pháp. Nhưng nhân dân Việt Nam và các lực lượng yêu nước thuộc mọi tầng lớp không kể sang hèn đã đứng lên chiến đấu tới cùng. Trải bao hy sinh xương máu gian khổ, nhân dân ta đã linh hoạt sử dụng các phương thức đấu tranh, tiến lên hình thức đấu tranh phù hợp nhất. Sự ra đời của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam mở ra con đường đấu tranh đoàn kết dân tộc có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc đã thành công hoàn toàn, làm rạng rỡ cho lịch sử dân tộc. Điều đó không chỉ là bài học lịch sử chung mà còn là bài học rút ra từ lịch sử của nhân dân Hà Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nam.

(Còn nữa)

TIN MỚI CẬP NHẬT

Liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT và thanh niên, sinh viên huyện Kim Bảng

Âm nhạc  |  19:02 29/03/2024

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1947-22/12/2024) và 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024); chào mừng Đại hội thi đua Quyết thắng trong LLVT (giai đoạn 2019-2024), chiều ngày 29/3, UBND huyện Kim Bảng tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên năm 2024.

Hội Nông dân tỉnh triển khai nhiệm vụ quý II/2024

Đoàn - Hội  |  18:56 29/03/2024

Chiều 29/3, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác hội và phong trào nông dân quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024.

Chi cục THADS huyện Thanh Liêm tổ chức cưỡng chế bàn giao tài sản thi hành án

An ninh  |  14:09 29/03/2024

Ngày 28/3/2024, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Thanh Liêm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức cưỡng chế giao tài sản thi hành án tại thôn Chè Kho Làng, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC