Văn xuôi Hà Nam - 5 năm nhìn lại và những trăn trở

Văn học - Nghệ thuật 06:26 28/06/2019 Minh Thu, Chu Bình
5 năm qua, mặc dù nhiều giải thưởng đã được trao, nhiều tác phẩm văn chương cũng đã tìm được chỗ đứng trên văn đàn nước nhà nhưng nếu nhìn nhận lại chặng đường đã qua của bộ môn văn xuôi Hà Nam không ít những người đã, đang gắn bó và tâm huyết với bộ môn này trăn trở cho chặng đường phát triển tiếp theo.

Nhiều tác phẩm văn học của Hà Nam ra đời hàng năm. Ảnh: Bình Nghĩa

Không trăn trở sao được khi mà đội ngũ văn nghệ sỹ của bộ môn này hiện cả tỉnh chỉ có vỏn vẹn 12 hội viên, trong đó hội viên trẻ nhất cũng sắp bước vào tuổi lục tuần. Thiếu một đội ngũ kế cận sung sức, thiếu một tư duy sáng tác mới phải chăng chính là một trong những hạn chế khiến cho văn chương Hà Nam thiếu màu sắc, thiếu những nhân tố mới mang tính bứt phá? 

Thực ra, đó là tình trạng chung của văn học nước nhà chứ không riêng gì Hà Nam. Từ nhiều năm nay, mặc dù vấn đề phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều nội dung đã được đề cập và bàn thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng mảng sáng tác VHNT dường như chững lại, chưa vươn lên xứng tầm với vị thế. Vậy vấn đề vướng mắc nằm ở đâu? VHNT đang đứng ở đâu khi thực tiễn phát triển của xã hội đang đòi hỏi ngày một bức thiết.

Đánh giá về chặng đường phát triển của văn chương Hà Nam 5 năm qua, báo cáo chính trị tại Đại Hội đại biểu Hội VHNT tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2018-2023 cũng đã ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của bộ môn văn xuôi Hà Nam giai đoạn 2013- 2018. Toàn hội có 27 tác phẩm đạt giải, 2 nhà văn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Một số tác phẩm, tác giả đã được vinh danh trên văn đàn nước nhà. Tuy nhiên, ngoài một số gương mặt quen thuộc như: Nhà văn Đoàn Ngọc Hà với tiểu thuyết “Thầy Đàn”, tập truyện ngắn “Thưa thầy”; nhà văn Lê Thanh Kỳ với hai tập truyện ngắn “Nắng vỡ” và “Vua thợ hàn”; nhà văn Nguyễn Thế Nữu với bộ sách nhiều tập về “Chủ tịch Hồ Chí Minh” hay nhà văn Chu Thị Phương Lan với tác phẩm “Người lính không cầm súng”... dường như bộ môn văn xuôi Hà Nam vẫn thiếu vắng những gương mặt mới với những sáng tác mới mang tính bứt phá.

Là người đến với sáng tác văn chương khá muộn (tính theo khái niệm thời gian) nhưng nhà văn Lê Thanh Kỳ, Trưởng bộ môn văn xuôi (Hội VHNT tỉnh) đã gặt hái được khá nhiều thành công. Chưa đầy 10 năm, hơn 60 truyện ngắn, bút ký, tản văn và 4 cuốn tiểu thuyết đã được hoàn thành và còn đó rất nhiều những tác phẩm đang được thai nghén. Là người yêu văn chương, gắn bó với văn chương và cũng đau đáu vì văn chương, anh chia sẻ: Nếu người viết văn không lao tâm khổ tứ, không có những trải nghiệm thực tế, không có một nhãn quan chính trị, một góc nhìn nhân văn sâu sắc, lại lười đổi mới về tư duy, đề tài quanh quẩn, hồn nhiên, dễ dãi, thậm chí lạc lối theo chiều số đông thì văn chương cũng chỉ bàng bạc, rất khó đi vào lòng người. Cái khó nhất của mảng văn xuôi Hà Nam hiện nay lại nằm chính ở nguồn lực con người, vừa thiếu vừa yếu. 12 hội viên nhưng phần lớn đều cao tuổi, sức khỏe yếu, sức sáng tạo cũng cạn kiệt trong khi đội ngũ kế cận vẫn thiếu vắng. Bên cạnh khó khăn về nguồn lực con người thì nguồn lực đầu tư cho phát triển VHNT cũng khá èo uột, chủ yếu trông chờ vào phân bổ ngân sách của Nhà nước. Như bạn biết đấy, sáng tác VHNT thực chất cũng là một nghề, nhưng sản phẩm của VHNT lại không mang lợi nhuận ngay lập tức nên để thu hút nguồn lực đầu tư theo phương thức xã hội hóa như một số lĩnh vực khác là rất khó khăn...

Nếu nhìn vào thực tế phát triển của văn học Việt Nam hiện đại bạn sẽ dễ dàng nhận thấy: dưới áp lực cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn, văn học đang cố "thu mình lại", lựa chọn một "khuôn hình" thể loại đáp ứng được thị hiếu văn chương và nhu cầu thông tin thời hiện đại. Vấn đề đặt ra ở đây là, trước sự thay đổi lớn lao để phù hợp với phương thức sản xuất mới thì văn học sẽ định chuẩn ra sao? Làm thế nào để văn học phát triển trong không gian văn hóa rộng mà không lệch chuẩn? Trong sự giao thoa với các nền văn hóa mở toàn cầu mà vẫn giữ được bản sắc.

Nhà văn Lê Thanh Kỳ (ngoài cùng bên phải) trao đổi chuyện nghề với các nhà văn Việt Nam. Ảnh: Ngọc Minh

Vì vậy, để phát triển xứng tầm, VHNT Hà Nam nói chung, bộ môn văn xuôi nói riêng cần trước hết phải khắc phục được những khó khăn về đội ngũ. Mỗi hội viên phải tự đổi mới từ tư duy sáng tác đến việc đa dạng hóa các thể loại cũng như mảng đề tài được xã hội quan tâm. Từ sự đổi mới quan niệm thể loại, người viết mới có những cách tân táo bạo, tạo nên sức sống, luồng gió mới cho các sáng tác. Có nhà văn đã từng nói, sức sống của một thời đại văn học phụ thuộc vào sự phong phú và khả năng hồi sinh, đổi mới của các thể loại...

Tuy nhiên, bên cạnh sự vận động tự thân của Hội VHNT tỉnh, cần có sự quan tâm đầu tư xứng tầm của các cấp, các ngành, địa phương đối với sự phát triển của VHNT trong giai đoạn mới. Một đội ngũ văn nghệ sỹ mạnh cả về lượng lẫn chất, cộng với một nguồn lực đầu tư xứng tầm và một cơ chế đãi ngộ thỏa đáng chính là điều kiện “cần và đủ” để VHNT Hà Nam hòa với dòng chảy của VHNT nước nhà, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Minh Thu

TIN MỚI CẬP NHẬT

6 lợi ích của loại trái cây thân thiện với bệnh tiểu đường

Sức khỏe  |  06:51 18/04/2024

Ổi đào chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và tốt cho sức khỏe, đặc biết tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Cả làng ở Hưng Yên góp gạo làm bánh chưng nặng 7 tấn, luộc liên tục 4 ngày

Giải trí  |  06:50 18/04/2024

Chiếc bánh chưng khổng lồ được người dân xã Hùng Cường cùng góp gạo làm có trọng lượng khoảng 7 tấn, luộc liên tục 4 ngày.

Duy Tiên nâng cao chất lượng môi trường sống trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Môi trường - Đô Thị  |  06:06 18/04/2024

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2021-2025 bao gồm 2 tiêu chí có liên quan, bổ trợ trực tiếp cho nhau. Đó là tiêu chí số 17 về môi trường và tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống. Hai tiêu chí này bao gồm 20 chỉ tiêu (chiếm gần 17% tổng số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xã NTM nâng cao). Đây được xem là những tiêu chí quan trọng phản ánh rõ nét nhất chất lượng sống của người dân nông thôn. Thực hiện các tiêu chí này, thị xã Duy Tiên đang tích cực chỉ đạo các xã, nhất là những xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2024 đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC