Cần cơ chế huy động tối đa nguồn vốn hiệu quả để phát triển đất nước

Người đại biểu nhân dân 14:54 23/11/2024 NDO
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, sáng 23/11. (Ảnh: DUY LINH)

Dứt khoát phải đổi mới tư duy, cách làm dựa trên các bài học thực tiễn

Sáng 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Phát biểu thảo luận tại Tổ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định đây là hai dự án luật quan trọng. Riêng về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo người đứng đầu Chính phủ, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển.

Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn một cách hợp pháp và hiệu quả nhất từ nhiều nguồn lực khác nhau, bao gồm cả vốn nhà nước, vốn từ xã hội, doanh nghiệp, và các kênh huy động vốn khác như trái phiếu chính phủ, hợp tác công tư, cũng như vay nợ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: DUY LINH)

“Chúng ta là một quốc gia đang phát triển, nền kinh tế còn khiêm tốn dù đứng thứ 34 trên thế giới, nhưng với độ mở nền kinh tế cao, năm nay có thể đạt 800 tỷ USD về xuất nhập khẩu, gần gấp đôi tổng GDP. Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta vẫn đang chuyển đổi và khả năng chống chịu với các cú sốc còn hạn chế. Chính vì vậy, phải có cách huy động nguồn lực bao gồm nguồn lực nhà nước, nguồn lực trong dân, xã hội, phát hành trái phiếu chính phủ, hợp tác công tư, đi vay,… Đây là nội dung quan trọng để thúc đẩy, phát triển kinh tế trong giai đoạn tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, và thịnh vượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, dứt khoát phải đổi mới tư duy, cách làm và cách vận hành dựa trên các bài học thực tiễn.

Thủ tướng cho rằng đó là những nguyên tắc bắt buộc và những vấn đề này phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, căn cứ vào bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để kết hợp sức mạnh thời đại và sức mạnh dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nội lực trong quá trình đổi mới sáng tạo và huy động nguồn lực.

"Nội lực chính là từ con người, thiên nhiên, lịch sử, truyền thống văn hóa và từ cơ chế chính sách. Nếu cơ chế chính sách đúng và phù hợp với bối cảnh của đất nước, xu thế thời đại thì sẽ giúp nhân đôi, nhân ba sức mạnh, làm thay đổi tình thế và thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ", Thủ tướng chia sẻ.

Thay đổi mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với nền kinh tế thị trường

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, sáng 23/11. (Ảnh: DUY LINH)

Đi vào góp ý cụ thể dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng đề cập đến mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước, cho rằng mỗi giai đoạn phát triển đều có những yêu cầu và mô hình quản lý riêng biệt.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay vẫn chưa ổn định và cần phải có những thay đổi để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Thủ tướng cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp nhà nước cần phải hoạt động theo các quy luật của thị trường, không thể can thiệp quá nhiều bằng các biện pháp hành chính, nếu không sẽ dễ dẫn đến méo mó thị trường và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

“Nếu can thiệp bằng các biện pháp hành chính sẽ dẫn đến méo mó thị trường và doanh nghiệp cũng không phải cơ quan hành chính để can thiệp. Điều đó không đúng với tư duy phát triển”, Thủ tướng phân tích và cho rằng cần tuân thủ quản lý các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không can thiệp nhiều bằng biện pháp hành chính.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8, sáng 23/11. (Ảnh: DUY LINH)

Theo Thủ tướng, nên giao trách nhiệm cho hội đồng quản trị của doanh nghiệp trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn, tránh tình trạng phải xin ý kiến từ các cơ quan hành chính, dẫn đến chậm trễ và thiếu quyết đoán.

“Từ cách đặt tên mô hình đã có từ quản lý, thành ra nặng về quản lý. Khi không quản được thì can thiệp bằng biện pháp hành chính, như vậy là không đúng quy luật thị trường”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, trong quá trình đổi mới, cần phân cấp mạnh mẽ, giao quyền cho các cơ quan, doanh nghiệp và hội đồng quản trị để tự quyết định, tạo không gian sáng tạo, thay vì phụ thuộc vào các thủ tục hành chính rườm rà.

Thủ tướng lấy thí dụ như việc ngân hàng thương mại cổ phần được tăng vốn thoải mái nhưng Ngân hàng Nhà nước lại phải xin ý kiến mới có thể tăng vốn, điển hình là trường hợp của ngân hàng Vietcombank vừa qua, hay như hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng phải xin ý kiến Bộ Chính trị mới có thể tăng vốn.

“Kế hoạch kinh doanh hoạt động của doanh nghiệp phải do hội đồng quản trị quyết định. Hội đồng quản trị sinh ra để quyết định, vì sao phải đi xin một cấp hành chính nữa?... Xin ý kiến lòng vòng một cơ quan không đồng ý lại đi xin lại”, Thủ tướng đặt câu hỏi và nhấn mạnh trong luật này phải quy định rõ để doanh nghiệp mạnh dạn làm, không sợ sai và quan trọng nhất là để họ đưa ra quyết định kịp thời, đúng lúc.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải thay đổi cách đánh giá doanh nghiệp nhà nước. Thay vì chỉ đánh giá từng sự kiện cụ thể, nên đánh giá tổng thể giá trị doanh nghiệp trong một năm hoặc cả nhiệm kỳ để có cái nhìn toàn diện và chuẩn mực hơn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Cuối cùng, Thủ tướng kêu gọi cần tiếp tục xây dựng các quy định luật pháp theo tinh thần phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm cá nhân, không biến cơ quan Trung ương thành cơ quan giải quyết vấn đề cụ thể, và xây dựng các công cụ quản lý để tránh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

“Chúng ta cần rà soát để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo không gian cho sáng tạo, dứt khoát không theo tư duy không quản được thì cấm”, Thủ tướng khẳng định.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Chính trị  |  18:24 23/11/2024

Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Cần cơ chế huy động tối đa nguồn vốn hiệu quả để phát triển đất nước

Người đại biểu nhân dân  |  14:54 23/11/2024

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur

Chính trị  |  12:33 23/11/2024

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC