Đãi ngộ tốt để “giữ chân” công nhân
Từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), các cụm công nghiệp (CCN) của Hà Nam đã treo băng zôn tuyển dụng lao động. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp do quy mô sản xuất được mở rộng chứ không hoàn toàn do lao động bỏ việc hay chuyển chỗ làm. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Sữa FrieslandCampina Hà Nam - Tập đoàn Royal FrieslandCampina cho biết: Nhiều năm nay, việc làm của công nhân trong nhà máy khá ổn định. Gần như không có lao động bỏ công ty tìm việc làm nơi khác sau mỗi kỳ nghỉ Tết. Nguyên nhân chính do chế độ tiền lương, thưởng của công ty với người lao động rõ ràng, minh bạch và đáp ứng yêu cầu. Trung bình tiền lương của người lao động trong công ty hiện tại từ 6 đến 10 triệu đồng, tùy vị trí việc làm. Hằng năm, người lao động được hưởng các chế độ nghỉ mát, lễ Tết, thưởng thi đua. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người lao động cũng được tặng quà, thưởng tháng lương thứ 13. Thực hiện tốt chính sách này cũng là cách “giữ chân” người lao động.
Một trong những doanh nghiệp có số lao động lớn nhất nhì Hà Nam hiện nay là Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, vấn đề lao động trước và sau Tết cũng có những thay đổi. Theo ông Đỗ Thanh Bình, Phó Giám đốc Bộ phận quản lý sản xuất, Chủ tịch Công đoàn công ty, số lao động nghỉ việc trước Tết khoảng 0,5%, sau Tết khoảng từ 1,5-2%. Với 2% trong tổng số 10.000 lao động của công ty, số công nhân công ty cần tuyển thêm sau mỗi dịp nghỉ Tết là 200 người. Giải quyết vấn đề này, công ty đã thực hiện một số giải pháp chuẩn bị cho công tác nhân sự, phỏng vấn công nhân trước khi về nghỉ Tết nhằm nắm bắt cụ thể nguyện vọng tiếp tục làm việc hay sẽ nghỉ việc để có kế hoạch dự trù tuyển dụng sau đó. 10 năm qua, nắm rõ tình hình biến động lao động dịp Tết nên chúng tôi luôn có sự chuẩn bị. Từ trước Tết, ngoài việc thực hiện chế độ cho công nhân, công ty sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất sao cho phù hợp với tình hình biến động lao động sau Tết. Hiện nay, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam đang thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thân thể cho 100% lao động, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ khen thưởng, thưởng Tết cho người lao động, chăm lo đời sống của công nhân có hoàn cảnh khó khăn, cho công nhân hưởng 300% lương trong những ngày nghỉ Tết…
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, có 80 – 90% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động. Đây chính là điều kiện “giữ chân” người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Ổn định do lao động địa phương chiếm tỷ lệ cao
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh năm 2019 khoảng trên 7.000 người, thấp hơn so với các năm trước. Lý do tuyển dụng của các doanh nghiệp chủ yếu do mở rộng quy mô sản xuất, nhiều dự án mới bắt đầu đi vào hoạt động. So với các địa phương khác, thị trường lao động sau Tết ở Hà Nam tương đối ổn định. Sự ổn định về lao động trong các doanh nghiệp ở Hà Nam do số lao động chủ yếu là người địa phương, lý do để người ta bỏ công ty chỉ khi tiền lương hoặc chế độ đãi ngộ không đáp ứng yêu cầu của họ. Tâm lý người dân nói chung không muốn xáo trộn đời sống, việc làm, nghề nghiệp. Đã làm nghề nào, họ đều muốn gắn bó lâu dài. Hiện, số lao động địa phương trong các doanh nghiệp ở Hà Nam chiếm xấp xỉ 80%.
Theo ông Vũ Ngọc Minh, tình hình lao động sau Tết bao giờ cũng có những xáo trộn nhất định. Riêng ở Hà Nam, sự xáo trộn này phần lớn do nhu cầu chuyển việc của một bộ phận người lao động. Và, ba lý do khiến người lao động có nhu cầu chuyển việc trong năm nay là không hài lòng với mức lương, không có cơ hội thăng tiến, đào tạo và phát triển không đúng cách.
Ông Phan Đình Vụ, Phó Giám đốc Công ty Deasung Hà Nam (CCN Nhật Tân, huyện Kim Bảng) cho biết: Sau Tết, bao giờ cũng có một lượng đáng kể người lao động chuyển việc, tạo xáo trộn đối với công tác nhân sự của doanh nghiệp. Đặc biệt với doanh nghiệp may, điều này thường xảy ra mỗi dịp đầu năm, chúng tôi phải chấp nhận, tự có giải pháp cho mình.
Hầu hết các doanh nghiệp đều không muốn có những xáo trộn về nhân sự hằng năm. Nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp “giữ chân” người lao động, trong đó đáng ghi nhận là việc cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của người lao động thời gian qua đã phần nào hạn chế được tình trạng người lao động bỏ việc sau mỗi kỳ nghỉ Tết. Song, người lao động cũng cần có những chia sẻ nhất định đối với doanh nghiệp trong điều kiện sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, tiền lương trả cho người lao động chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Giang Nam
Chiều 23/11, Hội Doanh nghiệp thành phố Phủ Lý tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Dự đại hội có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đào Đình Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phủ Lý; Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố Phủ Lý; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hội doanh nghiệp các huyện, thị xã và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến, chủ trương một số nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy.
Hội Nông dân huyện Bình Lục vừa tổ chức trao tặng bò vàng sinh sản năm 2024 cho gia đình hội viên Nguyễn Thị Nam, thôn Phú Thủy, xã An Lão. Đây là hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gắn bó nhiệt tình với công tác hội.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.