Uống thuốc theo đơn cũ và những hiểm họa cho sức khỏe

Thực tế hiện nay có không ít người dân sử dụng thuốc một cách bừa bãi, không theo chỉ định của bác sỹ, đặc biệt là tình trạng sử dụng đơn thuốc cũ...dẫn đến những hiểm hoạ khó lường cho sức khoẻ.

Mù mắt, suy thận vì uống thuốc theo đơn cũ

Anh B.(ở thành phố Phủ Lý) bị bệnh mãn tính về gan. Cách đây vài năm, anh đi khám ở một bệnh viện tại Hà Nội và được bác sỹ kê cho đơn thuốc, trong đó có một loại bổ gan (anh biết qua hướng dẫn sử dụng thuốc). Uống thuốc bổ gan anh thấy sức khỏe cải thiện rất nhiều. Nghĩ rằng thuốc bổ uống thường xuyên chắc tốt, lại là đơn của bác sỹ bệnh viện trung ương kê, anh thường xuyên mua loại thuốc bổ gan này về uống.

Một thời gian sau anh hay bị đau đầu, chân tay hay bị tê, lóng ngóng. Đi khám ở một bệnh viện tuyến trung ương, sau khi nghe anh kể và thăm khám, bác sỹ cho biết, anh bị ngộ độc B6 mãn tính do uống thuốc bổ gan trong một thời gian dài (trong thuốc bổ gan có hàm lượng B6 cao). Bây giờ nhiều khi người vô cùng mệt mỏi do gan yếu nhưng anh cũng không thể dùng thuốc bổ gan bởi chỉ uống vài viên, anh lại bị đau đầu, tay chân tê.

Một lần cậu con trai 3 tuổi bị ho phải đi bệnh viện khám, bác sỹ cho đơn thuốc về uống và cháu khỏi khá nhanh. Vậy là lần sau con ho, chị Nh. (ở huyện Thanh Liêm) lại "bê" nguyên đơn đó ra hiệu thuốc mua thuốc về cho con uống với sự yên tâm tuyệt đối. Uống thuốc được mấy ngày nhưng bệnh của con dường như ngày càng nặng lên. Và chỉ đến khi người con có biểu hiện khó thở, tím tái, cả nhà mới tá hỏa gọi xe cấp cứu cho cháu lên bệnh viện. Nghe chuyện, bác sỹ mắng chị té tát, rằng suýt nữa thì giết con bởi lần trước cháu bị ho do nguyên nhân khác, còn lần này do nguyên nhân khác. Việc uống thuốc như thế vừa trái thuốc, vừa không được điều trị kịp thời khiến bệnh trở nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng của bé.

Trong các bệnh về mắt, bệnh glucom gây mù mắt vĩnh viễn, không thể hồi phục. Gây ra bệnh glucom có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tra thuốc corticoid kéo dài.

Theo thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nam, qua thăm khám cho những bệnh nhân bị bệnh này đến điều trị tại bệnh viện, được biết không ít người bị bệnh về mắt (đau mắt, ngứa, cộm mắt) đi khám được bác sỹ kê cho đơn thuốc có thuốc tra mắt corticoid. Những lần sau khi mắt có vấn đề họ cứ thế ra hiệu thuốc mua thuốc này về tra mắt. Chỉ đến khi mắt đau nhức, mờ dần, đến bệnh viện khám biết bị bệnh glucom gây mù vĩnh viễn do tra thuốc corticoid trong một thời gian dài, họ mới hối hận nhưng đã quá muộn. 

Cũng vì việc "bê nguyên đơn cũ" đi mua thuốc, ông N.(ở TP. Phủ Lý) từ bị sỏi thận bình thường giờ thành suy thận mãn. Hỏi ra mới biết mỗi lần đau bụng do sỏi thận, ông chỉ uống thuốc giảm đau theo đơn cũ chứ không đi khám để bác sỹ xử lý khối sỏi. Sỏi để lâu ngày lớn dần, thận bị ứ nước cộng thêm nhiễm trùng lần lượt phá hủy hết các mô thận, ông chỉ còn cách chạy thận để kéo dài sự sống.

Không theo đơn cũ nhưng một số người lại đi "xin" đơn thuốc của người khác có các triệu chứng bệnh tương tự về tự mua thuốc điều trị cho mình và hậu quả là tiền mất, bệnh vẫn không khỏi, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng.

Khi bị bệnh, bắt buộc phải đến cơ sở y tế khám và điều trị

Khi bị bệnh, người dân bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được các y, bác sỹ thăm khám và kê đơn thuốc điều trị. Ảnh: T.L

Trong một lần trò chuyện về việc sử dụng thuốc, thạc sỹ, bác sỹ Phan Anh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, việc dùng thuốc bắt buộc phải có sự chỉ định của bác sỹ, đây là quy định. Dù đã có chuyên môn nhưng bác sỹ vẫn phải cần sự hỗ trợ của các thiết bị chẩn đoán lâm sàng, trò chuyện với người bệnh mới "bắt" được bệnh và kê đơn thuốc. Nói thế để thấy việc chẩn đoán bệnh với người có chuyên môn cũng không hề đơn giản. Vậy, người dân bình thường không có chuyên môn dựa vào đâu mà tự "bắt bệnh" rồi mua thuốc uống, vô cùng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, mỗi đơn thuốc chỉ để điều trị bệnh của bệnh nhân ở thời điểm đó. Vì thế dưới đơn thuốc thường có dòng chữ hẹn một tuần, hay một tháng sau khám lại. Khi bị bệnh lại, đối với bệnh mãn tính, dù biết vẫn là bệnh cũ tái phát nhưng ở thời điểm khác mức độ bệnh đã khác, thể trạng của người bệnh cũng khác, vì thế bắt buộc phải đến cơ sở y tế khám để bác sỹ cho đơn thuốc mới. Hơn nữa, thuốc uống dù đúng bệnh nhưng phải có liều lượng nhất định, kể cả thuốc bổ. Nếu uống quá liều lượng sẽ làm trầm trọng bệnh, gây ra bệnh khác cho cơ thể. Với bệnh không phải mãn tính, có thể triệu chứng na ná như nhau nhưng có khi lại là bệnh khác. Vẫn "vác" đơn cũ đi mua về tự uống khi thấy triệu chứng bệnh lần sau giống lần trước thì thật quá chủ quan, coi thường tính mạng mình.

Cũng theo bác sỹ Phong, việc uống thuốc theo đơn cũ, đơn "xin", theo kê toa của người bán thuốc, hỏi "kinh nghiệm" của người từng bị bệnh tương tự hay tra trên internet đều để lại hậu quả khôn lường cho sức khỏe. Hậu quả không chỉ thấy ngay "nhãn tiền" mà còn tác động từ từ và lâu dài đến sức khỏe, gây nên tình trạng như kháng kháng sinh, phá hủy nội tạng, ung thư,… Vì thế, để bảo đảm sức khỏe, khi bị bệnh người dân bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được bác sỹ có chuyên môn thăm khám bệnh và có chỉ định điều trị cụ thể.

Yên Chính   

Yên Chính

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy