Triệt tiêu những nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn tâm thần

Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm gần đây, số bệnh nhân mắc các chứng rối loạn về tâm thần đang điều trị nội trú tại bệnh viện và được theo dõi, quản lý, tư vấn, điều trị tại cộng đồng có xu hướng gia tăng.

Đáng chú ý là nguyên nhân dẫn đến một số chứng rối loạn tâm thần ở những bệnh nhân không do yếu tố di truyền, phần lớn phát sinh từ sự chủ quan, bất cẩn, thiếu hiểu biết cùng những thói quen không lành mạnh của con người trong lao động, học tập và sinh hoạt.

Tăng bệnh nhân mắc các chứng rối loạn tâm thần

Hiện nay, cùng với hơn 100 bệnh nhân đang điều trị nội viện, Bệnh viện Tâm thần Hà Nam (đóng tại Liêm Tiết, TP. Phủ Lý) đang quản lý, theo dõi, tư vấn điều trị cho hơn 4.000 trường hợp mắc chứng rối loạn tâm thần ở cộng đồng.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nam.

Theo bác sĩ Trần Đình Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nam, ngoài yếu tố di truyền, tuổi tác, giới tính, sức khỏe… rối loạn tâm thần ở người còn có nhiều nguyên nhân xuất phát từ mặt trái của cuộc sống hiện đại. Tai nạn giao thông, tai nạn lao động và những tai nạn khác gây chấn thương sọ não, ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến số lượng người bị tâm thần gia tăng.

Có đến "nghìn lẻ một" nguyên nhân khiến người khỏe mạnh có thể dẫn đến mắc bệnh tâm thần, từ sự bất cẩn, chủ quan, không chấp hành quy định khi tham gia giao thông, tùy tiện trong thực hiện các quy trình về bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động dẫn đến những tai nạn, thương tích, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh và cơ quan thần kinh trung ương.

Ở một khía cạnh khác, cũng theo bác sĩ Trần Đình Thanh, trong điều kiện các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường lao động, học tập, sinh hoạt còn đang có nhiều vấn đề cần giải quyết thì tình trạng nhiễm trùng, gây tổn thương não bộ (viêm não, giang mai thần kinh), hoặc bị nhiễm độc thần kinh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến làm gia tăng số bệnh nhân mắc chứng tâm thần. Bên cạnh đó, một số thói quen sinh hoạt không lành mạnh, lạm dụng chất gây nghiện (ma túy, rượu bia…) cũng là "con đường rất ngắn" dẫn đến rối loạn tâm thần ở những người vốn hoàn toàn khỏe mạnh và không hề có yếu tố di truyền về loại bệnh này.

Cùng với các chấn thương do tai nạn, thương tích, nhiễm trùng, nhiễm độc và lạm dụng chất kích thích, gây nghiện thì hội chứng stress (căng thẳng) cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự gia tăng số người mắc chứng rối loạn tâm thần. Theo phân định của giới chuyên môn, hội chứng stress thường dẫn đến hai dạng sang chấn tâm thần: sang chấn cấp tính, sang chấn trường diễn. Sang chấn cấp tính (còn gọi là rối loạn stress sau chấn thương) dễ xảy ra với những người gặp phải biến cố, tổn thương, đổ vỡ lớn, đột ngột trong cuộc sống. Còn sang chấn trường diễn thường xảy đến với những người luôn gánh chịu áp lực, căng thẳng, lo âu nặng nề, âm ỉ trong thời gian dài. Hội chứng stress là một trong những tiêu cực mặt trái của xã hội hiện đại đã được các chuyên gia tâm lý học nhiều lần cảnh báo.  

Phòng tránh tổn hại não bộ, có lối sống lành mạnh, tích cực

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Hà Nam chăm sóc cho bệnh nhân điều trị nội viện.

Triệu chứng rối loạn tâm thần lúc đầu ở những người hoàn toàn khỏe mạnh không dễ phát hiện, nhận biết, kết luận, kể cả người bệnh cũng như người thân. Do vậy, khuyến cáo của bác sĩ điều trị tâm thần là nên đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện khi thấy có những biểu hiện khác thường như rối loạn hành vi, tác phong, xúc cảm, những thay đổi khác lạ trong sinh hoạt ăn ngủ, nói năng…

Một số biểu hiện thường gặp ở người bình thường khi mắc chứng rối loạn tâm thần như: nói nhiều, có thái độ quá khích, dễ kích động. Có bệnh nhân biểu lộ sự sợ sệt, lo âu, đa nghi, không tin tưởng (với kể cả người thân), luôn cho rằng mình đang bị theo dõi, bị ám hại, hoặc có biểu hiện rối loạn nhịp sinh học với giấc ngủ (trằn trọc, khó ngủ, mất ngủ kéo dài, thức đêm, ngủ ngày…); sợ béo quá mức, hoặc thích nhổ tóc, ăn tóc… Bệnh tâm thần làm người không may mắc phải giảm sút khả năng lao động, học tập, công tác, gây đảo lộn nề nếp sinh hoạt, tổn hại về kinh tế và căng thẳng về tinh thần cho các thành viên trong gia đình người bệnh.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phòng tránh có hiệu quả chứng rối loạn tâm thần. Lối sống lành mạnh, điều độ, đúng mực là lời khuyên phổ biến nhất mà các bác sĩ chuyên ngành điều trị tâm thần đưa ra với bất cứ ai nếu người đó muốn không mắc phải căn bệnh tai ác này. Theo đó, trước hết mỗi người cần cẩn trọng và chủ động có biện pháp triệt tiêu nguyên nhân gây tổn thương tổ chức não cho chính mình cũng như người thân như: phòng chống các bệnh nhiễm trùng thần kinh, đặc biệt các bệnh viêm não, màng não (tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế dự phòng) và các bệnh nhiễm độc thần kinh (do nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp). Đồng thời thường xuyên, chủ động bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông, phòng tránh gây thương tích, nhất là thương tích vùng đầu thông qua những việc tưởng chừng rất đơn giản như: đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện, thực hiện đúng quy trình vệ sinh, an toàn lao động. 

Cùng với việc tích cực luyện tập thể dục, thể thao, tăng cường sức khỏe, mỗi người cần chủ động hạn chế, loại trừ các sang chấn tâm lý, tạo môi trường lao động, học tập, công tác trong sạch, lành mạnh, tích cực, điều độ, khoa học. Với mỗi gia đình, các thành viên cần có ý thức tránh những mâu thuẫn, xung đột dẫn đến căng thẳng. Cùng với đó, quan tâm tìm hiểu, áp dụng những phương pháp giáo dục con, cháu khoa học, phù hợp, không cực đoan, thái quá (hoặc quá nghiêm khắc, khuôn khổ, hoặc quá nuông chiều, tự do). Trong tập thể cơ quan, trường học, cộng đồng dân cư cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, chủ động xây dựng tình đoàn kết, thân ái, giúp đỡ nhau. Với những người gặp phải biến cố, thất vọng, đau khổ cần có thái độ quan tâm, chia sẻ, an ủi, động viên, giúp đỡ vượt qua.

Bên cạnh sự chủ động của mỗi cá nhân, vai trò nòng cốt của ngành y tế trong tích cực phối hợp với các cấp, ngành tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về loại bệnh này là rất quan trọng. Những thông tin, kiến thức bổ ích, thiết thực giúp mỗi cá nhân hiểu, từ đó lựa chọn áp dụng những biện pháp phòng tránh hữu hiệu cho bản thân và gia đình.

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy