Phòng tránh, xử trí kịp thời những tai biến sản khoa

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai biến sản khoa (TBSK), 1 ca tử vong mẹ, 1 ca tử vong cả mẹ và con. TBSK có thể phòng tránh hoặc xử trí kịp thời nếu có sự chuẩn bị kỹ càng từ bác sỹ, nhân viên y tế và sản phụ, người nhà sản phụ.

Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với bác sỹ chuyên khoa I (CKI) Trần Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh về những TBSK thường gặp và cách phòng tránh, xử trí.

P.V: Có những TBSK nào thường gặp thưa bác sỹ?

Bác sỹ CKI Trần Trung Kiên: TBSK là vấn đề sức khỏe xảy ra có liên quan đến tình trạng mang thai, trong lúc chuyển dạ và trong thời kỳ hậu sản đưa đến những biến chứng đe dọa tính mạng cho mẹ và thai nhi. Có 5 TBSK thường gặp: Băng huyết sau sinh, nhiễm trung hậu sản, sản giật, vỡ tử cung, uốn ván rốn của trẻ sơ sinh. Trong các TBSK trên, băng huyết sau sinh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở sản phụ.

Nữ hộ sinh chăm sóc một em bé mới chào đời bằng phương pháp sinh mổ tại phòng mổ đẻ Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.

P.V: Vì sao băng huyết sau sinh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở sản phụ? Bác sỹ có thể nói rõ hơn về TBSK này?

Bác sỹ CKI Trần Trung Kiên: Khi sản phụ mất một lượng máu trên 500ml là bị băng huyết sau sinh. Tuy nhiên, với những người sức khỏe kém đã có thiếu máu tiềm tàng thì không đợi đến lúc mất 500ml máu đã có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những nguyên nhân của băng huyết sau sinh là do đẻ nhiều, thai to, đa ối, chuyển dạ kéo dài, nạo hút thai nhiều lần, ngôi thai bất thường. Băng huyết sau sinh tiến triển rất nhanh, có thể trở tay không kịp và thường xảy ra trong 24 giờ đầu, đặc biệt 2 giờ đầu sau sinh.

Để phòng tránh sản phụ cần có sức khỏe tốt, không thiếu máu. Khám và phát hiện các yếu tố nguy cơ để xử trí sớm. Đối với bác sỹ, nhân viên y tế phải theo dõi chuyển dạ đúng quy trình, tránh để chuyển dạ kéo dài. Đánh giá lượng máu chính xác mất để can thiệp. Kể cả bác sỹ, nhân viên y tế, người nhà sản phụ luôn phải có tư tưởng đề phòng xuất huyết sau sinh, theo dõi sát tình hình sản phụ. Ở Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh thực hiện giữ sản phụ 2 giờ đầu sau sinh trong phòng đẻ, sau đó mới cho ra phòng 6 giờ đầu sau sinh, cuối cùng mới chuyển ra khu hậu sản. Quy trình này nhằm theo dõi sát sản phụ những giờ đầu sau sinh để có vấn đề gì xử trí kịp thời.

P.V: Còn những TBSK nguy hiểm nào thường gặp nữa thưa bác sỹ?

Bác sỹ CKI Trần Trung Kiên: Có thể kể đến nhiễm trùng hậu sản.  Nguyên nhân là do sót nhau thai sau sinh, sau sảy thai, sau nạo hút thai hoặc do nhiễm trùng đường sinh dục. Phụ nữ sau đẻ, sau sảy thai, sau nạo phá thai nếu có sốt, đau bụng, sản dịch hôi và có mủ nên nghi bị nhiễm trùng, trong đó viêm nội mạc tử cung là nguyên nhân thường gặp nhất.

Gần đây hầu hết sản phụ đều sinh tại cơ sở y tế nên tỷ lệ sót nhau rất ít và thường được phát hiện sớm. Cách đề phòng: sinh tại cơ sở y tế. Khi có sốt khám ngay. Theo dõi sau sinh rất quan trọng, nếu thấy ra máu nhiều, kéo dài cần đến khám ngay tại cơ sở y tế. Sản phụ cũng hết sức lưu ý vệ sinh đường sinh dục, tránh phong tục kiêng khem sau đẻ, như kiêng tắm rửa, rất nguy hại.

Sản giật cũng là một TBSK nguy hiểm. Khi bị sản giật, sản phụ xuất hiện những cơn co giật hoặc hôn mê. Có khoảng 50% sản phụ bị sản giật trước đẻ, 25% bị trong đẻ và 25% bị sau đẻ. Biến chứng của sản giật cũng rất nguy hiểm. Với sản phụ:            cắn vào lưỡi, suy hô hấp, phù phổi cấp, suy gan, suy thận cấp, xuất huyết não, màng não, cao huyết áp mạn tính. Ảnh hưởng đối với thai nhi là thai chậm phát triển, thai chết lưu, đẻ non.  

Tiền sản giật không có cách phòng tránh, chỉ phát hiện bệnh sớm, theo dõi sát và can thiệp kịp thời. Theo lời khuyên của tôi, thai phụ nên có máy đo huyết áp tại nhà. Khi có dấu hiệu nhức đầu, mờ mắt, đau thượng vị thì phải nhập viện. 

Vỡ tử cung tuy hiếm xảy ra hơn nhưng lại đe dọa tính mạng sản phụ. Vỡ tử cung thường xảy ra do quá trình theo dõi chuyển dạ không sát, không can thiệp đúng lúc. Để đề phòng cần khám, quản lý thai nghén tại cơ sở y tế. Phát hiện thai to, thai bất thường để xử trí sớm. Theo dõi sát chuyển dạ để phát hiện các yếu tố nguy cơ, can thiệp kịp thời.

Uốn ván rốn nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao, nếu sống sót thì di chứng khá nặng nề về phát triển thần kinh, vận động của trẻ. Nguyên nhân của uốn ván rốn là do chăm sóc rốn và cắt rốn không đúng cách. Mẹ không tiêm phòng uốn ván đầy đủ. Gần đây tỷ lệ bị uốn ván rốn giảm rất nhiều. Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa vẫn còn xảy ra. Để đề phòng uốn ván rốn nên đẻ tại cơ sở y tế, tiêm phòng uốn ván đầy đủ cho mẹ, chăm sóc rốn đúng cách.

Khi trẻ sốt, quấy khóc, rốn hôi, chảy dịch, chảy mủ cần nghĩ ngay đến việc trẻ bị uốn ván rốn, đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

Nói tóm lại, TBSK nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh, xử trí kịp thời nếu có sự chuẩn bị tốt từ phía bác sỹ, nhân viên y tế, sản phụ và người nhà sản phụ. 

P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!

Đỗ Hồng (Thực hiện)

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.