Nối mạng hệ thống nhà thuốc để tăng cường giám sát

Thực trạng lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến kháng thuốc kháng sinh ở mức báo động. Vì vậy, Bộ Y tế vừa phê duyệt Đề án "Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020", gắn với triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn.

Qua khảo sát trên địa bàn Hà Nam hiện có 3 doanh nghiệp sản xuất thuốc, 23 doanh nghiệp bán buôn thuốc, 30 nhà thuốc, 439 quầy thuốc. Số lượng cơ sở bán lẻ thuốc tương đối nhiều, phân bố rộng khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ và kịp thời thuốc cho người dân trên địa bàn.

Phần lớn người dân vẫn tự ý mua thuốc về sử dụng mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Các cơ sở bán lẻ thuốc vẫn bày bán các loại thuốc quy định kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ vì nếu không bán thì người dân cũng lại tìm đến cửa hàng khác để mua. Nhận thấy đây là một thách thức lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm gia tăng tỷ lệ kháng thuốc, là rào cản trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường dược phẩm, do đó, việc đưa vào thực hiện kết nối các cơ sở cung ứng thuốc nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền.

Mua thuốc được bác sỹ kê đơn giúp người dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.

Ngày 3/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 790/KH-UBND  triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh". Phấn đấu đến năm 2020, 100% cơ sở y tế công lập, bệnh viện tư nhân kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế và 80% đối với cơ sở khám chữa bệnh khác; 90% đối với cơ sở y tế công lập, bệnh viện tư nhân kê đơn thuốc kháng sinh tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và đạt 70% đối với cơ sở khám chữa bệnh khác;  bán thuốc kháng sinh phải có đơn.

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là kháng sinh. Cùng với đó, quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện; truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.

Ngay khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 790/KH-UBND, Sở Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án và Tổ công tác triển khai ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh; tổ chức họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên cũng như xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng năm. Phối hợp với VNPT Hà Nam tổ chức 6 lớp tập huấn giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm VNPT-Pharmacy, cách thức cập nhật đầy đủ danh mục thuốc, thông tin về các loại thuốc đang kinh doanh vào phần mềm quản lý cho 100% cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, rà soát cơ sở hạ tầng mạng, đánh giá hiện trạng, triển khai hệ thống mạng internet đến các nhà thuốc.

Qua khảo sát, toàn tỉnh có 99 cơ sở bán lẻ thuốc có máy tính kết nối mạng. Đến tháng 9/2018, VNPT đã bàn giao tài khoản cho 45 cơ sở làm thí điểm tập trung vào các nhà thuốc, quầy thuốc trong khuôn viên bệnh viện, nhà thuốc tư nhân. VNPT sẽ tiếp tục cài đặt phần mềm VNPT-Pharmacy, bàn giao tài khoản và hướng dẫn sử dụng cho 54 cơ sở còn lại, phấn đấu hết tháng 12/2018 sẽ thực hiện kết nối liên thông 99 cơ sở bán lẻ thuốc với Sở Y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Viết Huệ nhấn mạnh: Việc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các cơ sở bán lẻ thuốc quản lý tốt hoạt động mua bán thuốc, theo dõi số lô, hạn dùng và bán thuốc theo đơn dễ dàng, thuận tiện; giảm thời gian ghi chép, tiết kiệm chi phí. Thông qua phần mềm, Sở Y tế có thể truy xuất nhanh chóng nguồn gốc, xuất xứ, hạn dùng, giá của các loại thuốc đang lưu hành, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi các loại dược phẩm bị đình chỉ lưu hành, kiểm soát việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn. Từ đó, người dân yên tâm hơn khi biết rõ xuất xứ, giá cả của các loại thuốc.

Với cách thức quản lý mới dù ưu việt và cần thiết song để có thể thay đổi thói quen và cả nhận thức của người bán, người mua thuốc về tầm quan trọng của việc dùng thuốc theo đơn là cả một quá trình. Thời gian tới, Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông cho cộng đồng về sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý, tác hại của việc tự ý dùng thuốc, hậu quả của kháng kháng sinh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các cơ sở bán lẻ thuốc về tầm quan trọng của việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, cập nhật hướng dẫn sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh. Cùng với đó, yêu cầu các nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc nghiêm túc thực hiện việc ứng dụng CNTT, kết nối liên thông hệ thống cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn.

Triển khai kết nối mạng nhà thuốc và bán thuốc theo đơn là cần thiết nhưng cái gốc của vấn đề là giảm tải bệnh viện, bắt buộc thực hiện kháng sinh đồ trước khi kê đơn và phải kiểm soát dư lượng kháng sinh trong thực phẩm thì mới giải quyết dứt điểm được tình trạng kháng thuốc hiện nay.

Hải Yến

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy