Một bệnh nhi nghi bị viêm màng não do biến chứng của bệnh tay chân miệng

Bệnh nhi 18 tháng tuổi, nhà ở xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân.

Bệnh nhi đã được phát hiện bệnh và điều trị ở bác sỹ trong khu dân cư 6 ngày, sau đó mới chuyển lên Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh sáng 22/5.

Theo bác sỹ Vũ Thị Hảo, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, phải thuyết phục mãi mẹ bệnh nhi mới cho con nhập viện điều trị vì chị cho rằng con đã sắp khỏi (các mụn đã khô miệng). Tuy nhiên thấy cháu bé có dấu hiệu bị viêm màng não (lơ mơ, ngủ gà trên vai mẹ, giật mình), bác sỹ đã thuyết phục người nhà cho cháu nhập viện.

Bác sỹ khám cho một bệnh nhi bị bệnh tay-chân-miệng đang điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.

Viêm màng não là biến chứng nặng nhất của bệnh tay-chân-miệng (TCM). Hiện bệnh nhi đang được theo dõi sát diễn biến bệnh. 

Cũng theo bác sỹ Vũ Thị Hảo từ khoảng 2 tuần trở lại đây số trẻ em bị bệnh TCM đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng. Bình quân mỗi ngày có vài bệnh nhi đến khám. Ngày 21/5 có 8 bệnh nhân, buổi sáng ngày 22/5 có 3 bệnh nhân.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh TCM là một nhiễm trùng do vi rút xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ nhưng bệnh cũng có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

Cách nhận biết trẻ mắc bệnh: Sốt, tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, phát hiện triệu chứng nặng, tránh hậu quả đáng tiếc. Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện: Sốt cao liên tục không thể hạ nhiệt; mệt mỏi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà….; giật mình; vã mồ hôi, lạnh toàn thân; thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Phòng bệnh TCM cho trẻ bằng cách: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, cả trẻ và người chăm sóc trẻ, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống…Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày bằng chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh…

Đ.H

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.