Mai một nguồn dược liệu tự nhiên

Hà Nam có diện tích rừng, đồi núi không nhỏ thuộc 2 huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Ở những khu vực này có khá nhiều loại dược liệu mọc tự nhiên, đã từng được khai thác phục vụ cho việc thu mua chế biến thuốc đông dược của các công ty dược và hiệu thuốc y học cổ truyền.

Nhiều người dân ở những vùng quê này cũng thường dùng các loại cây thuốc rừng để tự chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe gia đình. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do nguồn dược liệu tự nhiên quý này giờ còn rất ít.

Cây cà gai leo được trồng trong vườn thuốc của một lương y ở huyện Lý Nhân.

Anh Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1958), quê ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm cho biết, trước đây trong rừng ở quê anh có khá nhiều loại cây thuốc mọc tự nhiên. Những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước các công ty dược còn về địa phương thu mua những loại dược liệu khai thác từ rừng như củ bình vôi, lạc tiên, kim ngân,… Nhiều gia đình ở địa phương cũng lấy một số loại cây thuốc như bách bộ, kim ngân, quả cây hoa giun, chè vằng, vòi voi,… để chữa một số bệnh đơn giản và bồi bổ sức khỏe cho người trong gia đình. Mẹ anh Bình ngày ấy khi đi làm nương trong rừng thường lấy cây chè vằng và một số cây nữa về phơi khô sao vàng sắc cho phụ nữ sau sinh uống chống hậu sản hoặc làm nước uống hằng ngày kích thích tiêu hóa. Lấy quả cây hoa giun về ăn để tẩy giun. Lấy cây vòi voi về tắm cho trẻ bị ngứa, ghẻ. Cây kim ngân chữa mụn nhọt, các chứng ngứa, lở, dị ứng, rôm sẩy, lên đậu, lên sởi, tả lỵ rất hiệu quả.

Cũng theo anh Bình, vài năm trước đây một số gia đình ở xã vẫn lấy cây bách bộ về nấu cao dùng trong nhà và bán cho người làng và các địa phương xung quanh. Tuy nhiên, một số năm trở lại đây diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, các loại cây thuốc tự nhiên theo đó thưa vắng dần. Cây thuốc không còn nên những người già biết về cây thuốc và việc sử dụng chúng trong chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cũng không có cơ hội truyền lại cho con cháu. Khi các cụ khuất núi, những bài thuốc dân gian cũng mất đi vĩnh viễn.

Trong một lần trò chuyện với chủ hiệu thuốc Quảng Thành (thành phố Phủ Lý), ông cho biết, do hiệu thuốc của ông chủ yếu điều trị bệnh cho trẻ em nên chất lượng dược liệu được đặc biệt coi trọng. Những năm trước vẫn có một số người dân ở Kim Bảng, Thanh Liêm gom dược liệu tự nhiên trong rừng xuống bán cho cửa hiệu của ông và ông rất ưng ý bởi cây thuốc mọc hoang dã chất lượng tốt. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây không còn ai mang cây thuốc thu hái từ rừng xuống bán nữa.

Trao đổi với lương y Phạm Ngọc Thuần, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, ông khẳng định, đúng là thời bao cấp các công ty dược thường xuyên về các xã miền núi thuộc huyện Kim Bảng và Thanh Liêm để thu mua các loại cây thuốc để sản xuất thuốc đông y. Các loại cây thuốc này sống hoang dã nên chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, nhiều năm nay nguồn dược liệu tự nhiên này ngày một ít đi do diện tích rừng bị thu hẹp. Mặt khác do nguồn dược liệu Trung Quốc tràn lan trên thị trường giá khá rẻ kéo theo giá dược liệu trong nước cũng rẻ.

Cây thuốc sinh trưởng hoang dã trong tự nhiên cũng là một nguồn tài nguyên. Một số địa phương đã biết gìn giữ, phát triển các loại cây thuốc này, vừa thu được nguồn lợi kinh tế tốt vừa quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch. Điển hình như cây sâm Ngọc Linh ở Lâm Đồng trước đây mọc hoang dã trên vùng đất này và giờ được quy hoạch để trồng mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Hay cây atiso ở Đà Lạt.

Cây kim ngân.

Đối với Hà Nam, Sở Y tế cũng đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Dự án "Bảo tồn và phát triển cây thuốc Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2025". Theo đó, các xã, thị trấn vùng núi gồm: Ba Sao, Tân Sơn của huyện Kim Bảng; Thanh Thủy, Thanh Nghị, Kiện Khê thuộc huyện Thanh Liêm quy hoạch trồng các cây thuốc phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu như: hoài sơn, lạc tiên, ngưu tất, kim tiền thảo,… Tuy nhiên, dự án hiện chưa triển khai được trong thực tế. 

Trước tình hình nguồn dược liệu Trung Quốc trôi nổi trên thị trường nhiều khi không kiểm soát được chất lượng, việc để mai một nguồn dược liệu tự nhiên chất lượng tốt tại địa phương là hết sức đáng tiếc. Các phòng chẩn trị y học cổ truyền trong tỉnh hiện phần lớn dược liệu phải lấy hàng của Trung Quốc. Những xã miền núi trước đây người dân sử dụng cây thuốc tự nhiên khá thường xuyên trong trị bệnh và tăng cường sức khỏe thì nay không còn. Những bài thuốc dân gian theo đó không được truyền lại cho những thế hệ kế tiếp và dần bị mất đi vĩnh viễn. Vì thế cần có các giải pháp cho việc bảo tồn, phát huy nguồn dược liệu tự nhiên.

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.