Khó khăn ở Bệnh viện Sản - Nhi Hà Nam

Bệnh viện (BV) Sản - Nhi Hà Nam chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2017 với quy mô 250 giường bệnh. Vẫn phải ở nhờ cơ ngơi của BV Đa khoa tỉnh dù đã đi vào hoạt động được 6 tháng, BV Sản - Nhi Hà Nam hiện gặp khá nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về con người, cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Khám bệnh cho bệnh nhi tại BV Sản - Nhi Hà Nam.

Dẫn tôi tham quan cơ sở vật chất của khoa, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, phụ trách Khoa Cấp cứu Nhi trăn trở: Đây cô xem, trang thiết bị sơ sài, lạc hậu. Khoa Cấp cứu nhưng chưa có giường cấp cứu chuyên dụng mà vẫn phải sử dụng giường bình thường. Thiết bị có vài thứ chuyển từ khoa cũ và tuyến huyện lên thì đều trong tình trạng phủ vải, không sử dụng được bởi quá lạc hậu. Khoa không những thiếu bác sỹ mà thiếu cả điều dưỡng. Chúng tôi gần như ở tình trạng "tay không bắt giặc" 6 tháng qua. Anh em động viên nhau phải hết sức cẩn thận, làm hết sức mình, nhưng vẫn lo, chỉ sợ có những ca khó mà không có thiết bị cấp cứu bảo đảm nhỡ xảy ra vấn đề gì... Chúng tôi tạm thở phào, cho rằng thật thần kỳ khi 6 tháng qua không có trường hợp bệnh nhân nào xảy ra vấn đề. Nhưng quả thực nếu cứ kéo dài tình trạng như thế này cũng không dám chắc có giữ được điều này bởi bệnh ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh, phức tạp, sức đề kháng của các cháu còn yếu nên tình trạng bệnh rất dễ chuyển xấu nếu không có đầy đủ thiết bị cấp cứu.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Dũng - Phụ trách Khoa Cấp cứu Nhi cho biết nhiều thiết bị của bệnh viện hiện đã cũ, lạc hậu không sử dụng được .

Còn ở khu vực Khoa Khám bệnh vì thiếu cơ sở vật chất phải dựng thêm 2 box khung nhôm kính làm chỗ tiếp đón bệnh nhân và nơi lấy máu xét nghiệm cho sản phụ. Các phòng khám vốn đã rất chật chội nhưng với BV Sản-Nhi phòng khám tai-mũi-họng là vô cùng cần thiết, vì thế khoa vẫn phải tiếp tục dồn ghép để bố trí phòng khám này.

Theo bác sỹ chuyên khoa II Phạm Văn Khương, Giám đốc BV Sản-Nhi Hà Nam, việc chưa có cơ sở riêng là một thách thức, khó khăn lớn cho BV trong thực hiện nhiệm vụ. Vừa rồi BV đã được bàn giao cơ ngơi của BV đa khoa thành phố Phủ Lý (đóng tại phường Lam Hạ) nhưng các hạng mục công trình ở đây đã xuống cấp, cần nguồn kinh phí lớn và thời gian để cải tạo, sửa chữa toàn bộ mới đưa vào hoạt động được.

Về trang thiết bị y tế và thiết bị văn phòng được nhận bàn giao từ BV Đa khoa tỉnh và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã qua sử dụng nên không đồng bộ, hỏng hóc, không đủ danh mục trang thiết bị quy định vì vậy việc phục vụ công tác chuyên môn còn gặp khó khăn. Đặc biệt trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn rất thiếu. Khu xử lý dụng cụ chưa tập trung, chưa được thiết kế một chiều. Phòng rửa dụng cụ không có do đó các khoa phải tự xử lý sau đó chuyển xuống Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn để hấp sấy. Phòng làm việc, phòng trực của nhân viên vừa để đồ vải, dụng cụ, vừa để máy móc để hấp sấy. Do cơ sở vật chất của BV Sản - Nhi còn thiếu thốn nên vẫn phải phối hợp và nhờ BV Đa khoa tỉnh kho nhà lạnh 200C để bảo quản rác thải lây nhiễm; nhờ tủ bảo ôn để bảo quản tổ chức bánh rau, mô bộ phận cơ thể; nhờ kho để chứa rác thải tái chế.

BV Sản - Nhi được UBND tỉnh phê duyệt đề án vị trí việc làm là 207 chỉ tiêu biên chế - tương đương 188 giường bệnh. Hiện nay BV đang có 250 giường bệnh, nhu cầu biên chế tối thiểu là 275 người. Tuy nhiên, thực tế tổng số viên chức và người lao động của BV mới có 183 người, trong đó có 115 chỉ tiêu biên chế.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng 6 tháng qua, các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên của BV Sản - Nhi đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không để xảy ra tai biến. Số lần khám bệnh là 18.961 lượt, đạt 72% kế hoạch năm; tổng số ngày điều trị nội trú là 45.261 ngày, đạt 50% kế hoạch năm. BV cũng đã thực hiện 1.705 ca phẫu thuật, 32.474 ca xét nghiệm (162% kế hoạch), 9.123 ca siêu âm (91%), 3.150 lượt chụp Xquang (70%). Công suất sử dụng giường bệnh đạt 106%.

Trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ đã duy trì hiệu quả công tác khám, quản lý thai sản tại các cơ sở khám bệnh, trạm y tế với tỷ lệ trên 99% phụ nữ đẻ được khám thai từ 3 lần trở lên, 100% thai phụ được chăm sóc sau đẻ; 99,5% phụ nữ đẻ được tiêm phòng đủ 2 mũi uốn ván. Chất lượng chuyên môn trong thực hiện đỡ đẻ theo phương pháp mới EENC, SBA tại khoa sản các bệnh viện và trạm y tế được nâng cao, hạn chế tai biến trong sản khoa, không có tử vong mẹ.

BV cũng đã phối hợp thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép tại các xã trong tỉnh. Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời dịch vụ khám, điều trị bệnh phụ khoa, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho chị em phụ nữ. Cùng đó, duy trì các hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng thường kỳ theo quy định như: Thực hiện công tác truyền thông, theo dõi biểu đồ tăng trưởng, cân trẻ tại các xã, phường, thị trấn. Thực hiện cân, đo, cho trẻ uống vitamin A và đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trong dịp 1/6.

Theo bác sỹ Phạm Văn Khương, BV Sản - Nhi Hà Nam mong muốn được xét duyệt thêm 160 chỉ tiêu biên chế theo lộ trình như đề nghị, năm 2017 bổ sung 92 chỉ tiêu, năm 2018 bổ sung 68 chỉ tiêu. Được cấp kinh phí để có phương án cải tạo, sửa chữa và sớm đưa cơ sở mới vào hoạt động. BV cũng đã và đang sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy của đơn vị cho phù hợp với nhân lực hiện có, tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý cho cán bộ, viên chức. Đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận cơ sở vật chất. Xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị để chuẩn bị cho hoạt động của BV ở cơ sở mới...

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy