Gia tăng bệnh nhân do thời tiết nắng nóng

Mùa hè là mùa dễ phát sinh các loại bệnh nhất trong năm bởi thời tiết nắng nóng, mưa ẩm đan xen. Việc phòng bệnh không quá khó nếu mọi người chú ý quan tâm đến ăn, uống bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh, nghỉ ngơi và chống nắng đúng cách, đặc biệt là trẻ em, người già vốn dễ bị tác động bởi thời tiết do sức đề kháng kém hơn, người bị huyết áp cao và các bệnh mãn tính.

Đứng đầu số lượng nhập viện là bệnh về tiêu hóa

Những ngày nắng nóng đầu mùa nhưng lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã khá đông. Theo bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Trung Đông, Giám đốc Bệnh viện, những ngày nắng nóng số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng khoảng 20% so với thời gian trước. Ngày nắng nóng trung bình một ngày bệnh viện có khoảng 800 người đến khám, số nằm điều trị từ 600-700 bệnh nhân.

Thạc sỹ, bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh cho biết, từ đầu mùa hè đến nay trong số các bệnh nhân vào cấp cứu tại khoa đứng đầu là các bệnh lý về tiêu hóa. Số người bị sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy do ngộ độc thức ăn khá nhiều.

Thời tiết nắng nóng vi khuẩn phát triển nhanh, đồ ăn nhanh bị ôi thiu, ngay ở gia đình nếu không chú ý đến việc bảo quản cũng dễ dẫn đến thức ăn không bảo đảm chất lượng.

Đặc biệt, hệ thống hàng quán ngoài đường những ngày hè nắng nóng việc vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là cả một vấn đề. Do số lượng làm nhiều, nguồn gốc không phải là hàng "chọn", thậm chí nhiều chỗ lấy hàng thải loại nên thực phẩm ở các hàng quán có nguy cơ cao mất VSATTP. Không ít hàng quán để bảo quản hàng đã cho vào thực phẩm những hóa chất chống thiu thối, càng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc cho người dùng.

Bên cạnh đó, do nắng nóng nhu cầu giải khát tăng cao. Sản phẩm không thể thiếu ở các hàng giải khát là đá viên dùng liền, trong khi đó đây cũng là một loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc bởi chất lượng nguồn nước, thiết bị làm, chứa đá, công tác vận chuyển cũng như việc không tuân thủ quy trình vệ sinh của người làm ở quán giải khát. 

Những ngày đầu hè nhiều trẻ em đã phải nhập viện do bị các bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng (chụp tại Bệnh viện Sản - Nhi Hà Nam).

Nhiều người bị chấn thương do uống bia, say nắng; 9 trẻ bị đuối nước

Nghe có vẻ lạ nhưng những ngày nắng nóng các ca chấn thương nhập viện tăng hơn so với trước. Những ngày nắng nóng đầu mùa vừa qua, Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh bình quân tiếp nhận 20 ca chấn thương/ngày, có ngày cao điểm 30 ca.

Theo bác sỹ Tuấn, phần nhiều những ca chấn thương trong ngày hè có liên quan đến bia. Trời nóng nhiều quý ông đi uống bia, quá chén nhưng vẫn điều khiển xe dẫn đến tự ngã hoặc xô vào người khác. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp làm việc ngoài trời nắng nóng bị say nắng, hoa mắt, ngã và gây chấn thương, phổ biến là thợ khai thác đá ngã đập vào đá, thợ xây đứng ở giàn giáo cao ngã xuống đất.

Đuối nước trẻ em là một tai nạn cần cảnh báo trong những ngày hè. Trong tháng 5 vừa qua, Bệnh viện Sản-Nhi, BVĐK tỉnh tiếp nhận tổng số 9 trẻ bị đuối nước trong đó có 2 ca tử vong, một số ca phải cấp cứu rất tích cực với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại mới cứu được tính mạng bệnh nhân.

Các bệnh nhân đều từ khoảng một tuổi rưỡi đến hơn chục tuổi, bị đuối nước do tự đi chơi và rơi xuống nước nhưng không biết bơi. Một số cháu nhỏ do người lớn không trông nom cẩn thận đã tự một mình ra sông, hồ, ao và rơi xuống nước. Mới đây cũng có một bệnh nhi 9 tuổi ở thành phố Phủ Lý bị đuối nước ở bể bơi, may là cấp cứu thành công.  

Dễ nhầm lẫn đột Qụy với say nắng ở người lớn, bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ tăng

Mùa hè nhiều gia đình sử dụng điều hòa. Đây là nguyên nhân khiến người già, trẻ em - đối tượng vốn có sức đề kháng kém hơn bị bệnh. Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết, mới đầu hè nhưng số trẻ nhập viện do bệnh về đường hô hấp (viêm phế quản, viêm đường hô hấp…) tăng. Những bệnh này trẻ dễ bị mắc do nằm điều hòa nhiều, điều hòa để nhiệt độ thấp.

Bác sỹ Dũng cũng cho biết thêm, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất lớn tới trẻ nhỏ bởi trẻ phản ứng cực kỳ nhạy cảm với môi trường. Có tới 90% trẻ em nhập viện với triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân, nôn, có trường hợp co giật. Thời tiết nắng nóng, mưa ẩm, mồ hôi nhiều cũng dễ khiến trẻ mắc bệnh ngoài da. Trung tuần tháng 5, bệnh viện cũng tiếp nhận không ít ca trẻ bị bệnh tay-chân-miệng.

Tại BVĐK tỉnh từ đầu mùa đến nay chưa có các ca say nắng như năm ngoái, nhưng số bệnh nhân đột quỵ cũng đáng lưu tâm. Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh cho biết, điều đáng lo ngại là vào mùa hè các dấu hiệu đột quỵ dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu của say nắng, từ đó chậm trễ trong việc đưa đến viện cấp cứu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. 

Để khỏe mạnh cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, chống nóng đúng cách

Lời khuyên đầu tiên của các bác sỹ để bảo đảm sức khỏe trong những ngày hè là cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ăn nhiều rau, củ quả, hạn chế đồ chiên rán, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nghỉ ngơi hợp lý. Cần quan tâm và có kỹ năng trong lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm mùa nắng nóng để tránh ăn phải thực phẩm bị biến chất, không ăn thực phẩm để lâu.

Đặc biệt hạn chế ăn, uống ngoài hàng quán, nhất là quán vỉa hè, hạn chế uống bia rượu, nếu uống cần đúng mực. Cần ăn chín, uống sôi, hạn chế dùng đá viên ở hàng quán. Khi đi nắng về không nên tu ừng ực nước để tủ lạnh ngay vì nhiệt độ cơ thể đang cao gặp lạnh đột ngột dễ gây viêm họng. Tránh làm việc ở môi trường nhiệt độ cao, khi ra ngoài đường tránh ánh nắng trực tiếp.

Khi sử dụng điều hòa không nên để nhiệt độ quá chênh lệch với môi trường bên ngoài. Khi từ phòng điều hòa ra không nên bước ra ngoài nắng ngay mà cần có thời gian để cơ thể thích ứng với nhiệt độ ngoài trời. Đối với trẻ nhỏ, người già phải đặc biệt lưu tâm vấn đề dinh dưỡng, sử dụng điều hòa, vệ sinh cá nhân, VSATTP, bổ sung nước đầy đủ. Cần chú ý đến các dấu hiệu của say nắng và đột quỵ bởi nếu bị đột quỵ cấp cứu kịp thời vô cùng quan trọng.

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy