Được BHYT thanh toán gần 830 triệu đồng/2 lần đi viện

Trong khi giá viện phí ngày càng cao, bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ giúp người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên mà đã thực sự trở thành "cây gậy đỡ" với những người ốm đau bệnh tật. Năm 2017, có bệnh nhân đã được BHYT thanh toán gần 830 triệu đồng.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, năm 2017 có đối tượng được quỹ BHYT tỉnh thanh toán tới gần 830 triệu đồng cho 2 lần đi viện điều trị bệnh. Bệnh nhân ở huyện Kim Bảng, bị bệnh hen điều trị ở bệnh viện tuyến trung ương. Lần thứ nhất trong năm bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán gần 414 triệu đồng, lần thứ 2 được thanh toán trên 415 triệu đồng.

Một bệnh nhân khác ở xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên bị bệnh phồng và tắc động mạch chủ cũng được quỹ thanh toán 442,5 triệu đồng. 2 bệnh nhân bị xuất huyết não, một người ở xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, một người ở thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục cũng được quỹ BHYT của tỉnh thanh toán hơn 500 triệu đồng/người khi điều trị bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương.

Những bệnh nhân này kinh tế gia đình đều bình thường, có người làm nông nghiệp. Nếu không tham gia BHYT, không được quỹ BHYT thanh toán phần lớn chi phí chắc chắn sẽ không thể đến bệnh viện chữa bệnh khi bị ốm. Năm 2017, toàn tỉnh có 838 bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán số tiền từ 50 triệu đồng trở lên trong tổng số 101.363 bệnh nhân đến bệnh viện điều trị.

Lọc máu cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Yến Nhi

Hiểu được giá trị của tấm thẻ BHYT cùng nhiều chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn khi mua thẻ BHYT, những năm qua số người dân tham gia BHYT tăng nhanh. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHYT của Hà Nam vẫn chưa đạt bằng mức bình quân chung toàn quốc. 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 696.801 người tham gia BHYT, tăng 48.263 người so với cùng kỳ năm 2017 nhưng tỷ lệ bao phủ BHYT mới đạt 86,5% dân số (toàn quốc là 86,9%).

Tỷ lệ tham gia BHYT thấp nhất hiện tại là nhóm hộ gia đình nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình, 6 tháng đầu năm 2018 mới chỉ đạt 59,7%. Kế đó là đối tượng hộ gia đình, mới đạt 77,8%. Khối doanh nghiệp đạt 92,2%. Các nhóm khác còn lại đều đạt 100%. Như vậy, có thể thấy rõ đối tượng chưa tham gia BHYT hầu hết đều rơi vào những người có thu nhập trung bình, công việc không ổn định.

Dù các nhóm đối tượng này đều được hỗ trợ rất nhiều khi mua BHYT nhưng nhiều người, nhiều gia đình vẫn chưa hiểu tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT, nghĩ rằng họ vẫn ở trong độ tuổi khỏe mạnh, khó có thể ốm đau. Tuy nhiên, cuộc sống đôi khi không lường trước được, bệnh tật, tai nạn. Một cán bộ bảo hiểm kể lại có trường hợp một gia đình ở thành phố Phủ Lý làm nghề tự do không tham gia BHYT, một phần vì điều kiện kinh tế, phần vì thấy các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, tai nạn bất ngờ đã xảy ra với cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Ngay lần đầu đi viện gia đình đã phải chi tới khoảng 80 triệu đồng. Lúc này gia đình mới thấy được giá trị của tấm thẻ BHYT và ngay sau đó đã mua BHYT cho tất cả các thành viên.

Quy định mức hỗ trợ đóng BHYT một số đối tượng theo Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND:

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo: Hỗ trợ 10% (ngoài 70% phần ngân sách Trung ương đã hỗ trợ) mức đóng  BHYT năm 2017 và năm 2018, từ năm 2019 hỗ trợ 30% mức đóng BHYT.

- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình: Hỗ trợ 20% (ngoài 30% phần ngân sách Trung ương đã hỗ trợ).

- Người tham gia BHYT theo hộ gia đình: Hỗ trợ 20% trên tổng số mức đóng BHYT.

Khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều thiết bị máy móc được đưa vào, nhiều kỹ thuật y học hiện đại được triển khai, rồi cơ sở vật chất, cảnh quan được củng cố,…, chất lượng khám chữa bệnh trong các bệnh viện không ngừng được nâng cao. Nhiều bệnh trước đây nếu bị chỉ nằm chờ chết thì giờ đã cứu được. Nhiều ca bệnh trước đây bác sỹ "bó tay", giờ chỉ là ca chữa trị thông thường. Thế nhưng đương nhiên giá viện phí phải cao hơn. BHYT chính là giải pháp để người nghèo, người có thu nhập thấp cũng được bình đẳng tham gia khám chữa bệnh chất lượng cao.

Với người thu nhập thấp thì sức khỏe của họ cần được "bảo hiểm" hơn hết. Không có BHYT, những đối tượng này không được chăm sóc, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, không kịp thời phát hiện những bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và tử vong nếu phát hiện muộn. Và giả dụ có ốm đau, không may tai nạn thì việc không có BHYT sẽ khiến gia đình rơi vào tình trạng khánh kiệt về kinh tế, hoặc không được chữa trị. Được hỗ trợ khá nhiều khi mua thẻ BHYT, nên người có thu nhập thấp, trung bình, thu nhập không ổn định nên tham gia BHYT để "bảo hiểm" sức khỏe của chính mình, cũng là "bảo hiểm" con đường phía trước của mình cũng như tương lai của con em mình.

Yên Chính

Đỗ Hồng, Khương Doanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.